NỘI DUNG GIỚI THIỆU TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN LUẬT ĐƯỜNG SẮT NĂM 2017

Để đáp ứng kịp thời nhu cầu cấp bách này, được sự phân công của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung toàn diện Luật Đường sắt và được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 3 ngày 16 tháng 6 năm 2017 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2018. Luật gồm 10 chương với 87 điều, tăng 2 chương và giảm 27 điều so với Luật Đường sắt 2005, với đầy đủ các quy định điều chỉnh mọi hoạt động trong lĩnh vực đường sắt, có vai trò quan trọng và tác động rất lớn tới sự phát triển của ngành đường sắt nói riêng và kinh tế xã hội của Việt Nam nói chung.

Luật Đường sắt gồm 10 chương, 87 điều, được bố cục như sau:

Chương 1. Những quy định chung (gồm 09 điều, từ điều 1 đến điều 9)

Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đường sắt, chính sách của Nhà nước về phát triển đường sắt, ưu đãi, hỗ trợ trong hoạt động đường sắt, quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường sắt, hợp tác quốc tế về đường sắt, giải thích từ ngữ và các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đường sắt.

Chương II. Kết cấu hạ tầng đường sắt (gồm 03 mục, 16 điều, từ điều 10 đến điều 25)

Chương này quy định về hệ thống đường sắt, tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, đất dành cho đường sắt, khổ đường sắt, ga đường sắt….; đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt; bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, bao gồm:

Mục 1. Quy định chung (gồm 10 điều: từ Điều 10 đến Điều 19).

Mục 2. Đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt (gồm 03 điều: từ Điều 20 đến Điều 22).

Mục 3. Bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt (gồm 03 điều: từ Điều 23 đến Điều 25).

Chương III. Phát triển công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt (gồm 02 mục, 09 điều, từ điều 26 đến điều 34)

Chương này quy định về công nghiệp đường sắt, yêu cầu phát triển công nghiệp đường sắt, đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ trong công nghiệp đường sắt; điều kiện tham gia giao thông của phương tiện, đăng ký, đăng kiểm phương tiện, thông tin, chỉ dẫn trang thiết bị trên phương tiện, điều kiện nhập khẩu phương tiện giao thông đường sắt, bao gồm:

- Mục 1. Phát triển công nghiệp đường sắt (gồm 04 điều, từ điều 26 đến điều 29).

- Mục 2. Phương tiện giao thông đường sắt (gồm 05 điều, từ điều 30 đến điều 34).

Chương IV. Nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu (gồm 02 điều, điều 35 và điều 36)

Chương này quy định về nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu và giấy phép lái tàu.

Chương V. Tín hiệu, quy tắc giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt (gồm 02 mục, 12 điều, từ điều 37 đến điều 48)

Chương này quy định về tín hiệu, quy tắc giao thông đường sắt, giao thông, giao thông tại đường ngang, cầu chung, trong hầm; hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt, điều hành giao thông vận tải đường sắt, biểu đồ chạy tàu, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi xảy ra tai nạn giao thông đường sắt…., bao gồm:

- Mục 1. Tín hiệu, quy tắc giao thông đường sắt (gồm 03 điều, từ điều 37 đến điều 39).

- Mục 2. Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt (gồm 09 điều, từ điều 40 đến điều 48).

Chương VI. Kinh doanh đường sắt (gồm 04 mục, 21 điều, từ điều 49 đến điều 69)

Chương này quy định về hoạt động kinh doanh đường sắt; kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt; kinh doanh vận tải đường sắt, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt, hợp đồng vận tải, giá vé, vận tải quốc tế, vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, an sinh xã hội, quyền và nghĩa vụ của hành khách, vận tải hàng nguy hiểm, vận tải thi hài, hài cốt trên đường sắt quốc gia….; quản lý tài chính trong hoạt động kinh doanh đường sắt, bao gồm:

- Mục 1. Hoạt động kinh doanh đường sắt (Điều 49).

- Mục 2. Kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt (Điều 50, Điều 51).

- Mục 3. Kinh doanh vận tải đường sắt (gồm 14 điều, từ điều 52 đến điều 65).

- Mục 4. Quản lý tài chính trong hoạt động kinh doanh đường sắt (gồm 04 điều, từ điều 66 đến điều 69).

Chương VII. Đường sắt đô thị (gồm 08 điều, từ điều 70 đến điều 77)

Chương này quy định về yêu cầu chung đối với đường sắt đô thị, các loại hình đường sắt đô thị, chính sách phát triển đường sắt đô thị, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc đầu tư, xây dựng, quản lý đường sắt đô thị, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị, yêu cầu đối với kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị, hệ thống kiểm soát vé, quản lý an toàn đường sắt đô thị.

Chương VIII. Đường sắt tốc độ cao (gồm 05 điều, từ điều 78 đến điều 82)

Chương này quy định về yêu cầu chung đối với đường sắt tốc độ cao, chính sách phát triển đường sắt tốc độ cao, yêu cầu đối với kết cấu hạ tầng đường sắt tốc độ cao, quản lý, khai thác, bảo trì đường sắt tốc độ cao, quản lý an toàn đường sắt tốc độ cao.

Chương IX. Quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt (gồm 03 điều, từ điều 83 đến điều 85)

Chương này quy định về nội dung quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt, trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đường sắt.

Chương X. Điều khoàn thi hành (gồm 02 điều, điều 86 và điều 87).

Chương này quy định về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp.

 NỘI DUNG MỚI CƠ BẢN CỦA LUẬT ĐƯỜNG SẮT

1. Về chính sách phát triển đường sắt (Điều 5)

Chính sách phát triển đường sắt đã được Luật bổ sung quy định đầy đủ, chi tiết trong các lĩnh vực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh đường sắt, công nghiệp đường sắt, phát triển đường sắt chuyên dùng. Đặc biệt, đối với chính sách ưu tiên phân bổ ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công để bảo đảm phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia…. Với những chính sách này nhằm định hướng và làm căn cứ cho Chính phủ ban hành các chính sách cụ thể theo từng giai đoạn phù hợp với thực tế phát triển trong hoạt động đường sắt. 

2. Về kết cấu hạ tầng đường sắt (Chương II)

- Thứ nhất, về chủ thể trong quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt: Bổ sung quy định cụ thể các chủ thể trong công tác quản lý nhà nước về tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt, chủ thể có trách nhiệm trong quản lý tài sản hạ tầng đường sắt là của cơ quan quản lý nhà nước, theo đó Bộ GTVT thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với tài sản hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện đại diện chủ sở hữu đối với tài sản kết cáu hạ tầng đường sắt đô thị.

- Thứ hai, về quản lý, sử dụng đất dành cho đường sắt: Luật quy định rõ giữa chủ thể quản lý và chủ thể sử dụng đất dành cho đường sắt. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt được giao quản lý đất dùng để xây dựng công trình đường sắt, đất trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt; quản lý việc sử dụng đất dành cho đường sắt theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Về phát triển công nghiệp đường sắt (Mục 1 Chương III)

Quy định về công nghiệp đường sắt là quy định mới được bổ sung trong Luật, bao gồm các quy định về yêu cầu phát triển công nghiệp đường sắt, đầu tư phát triển công nghiệp đường sắt, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ trong công nghiệp đường sắt….

4. Về phương tiện giao thông đường sắt (Mục 2 Chương III)

Luật bổ sung quy định đối với niên hạn sử dụng phương tiện giao thông đường sắt. Tuy nhiên, sẽ được thực hiện có lộ trình để đảm bảo không ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt. Nội dung này cũng đã giao Chính phủ quy định cụ thể để đảm bảo yêu cầu các phương tiện giao thông đường sắt dần dần được thay thế nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng và đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.

5. Về phí, giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt (Điều 66)

Luật quy định bổ sung cơ chế giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt. Theo đó, phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt trực tiếp liên quan đến chạy tàu áp dụng đối với phương thức giao sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư; đối với giá sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt trực tiếp liên quan đến chạy tàu áp dụng đối với phương thức cho thuê hoặc chuyển nhượng có thời hạn quyền sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư.

6. Về giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt (Điều 67)

Luật sửa đổi quy định về cơ chế giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt, theo đó xác định rõ giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt là khoản tiền phải trả khi sử dụng dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt để chạy tàu trong ga, trên tuyến hoặc khu đoạn đường sắt. Đồng thời, xác định trách nhiệm thẩm quyền định giá của Bộ Giao thông vận tải đối với dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt do Nhà nước đầu tư; tổ chức, cá nhân quyết định giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt trên kết cấu hạ tầng đường sắt do mình đầu tư.

7. Về hỗ trợ đối với doanh nghiệp kinh doanh đường sắt trong việc thực hiện phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, an sinh xã hội (Điều 68)

Luật đã bổ sung quy định về việc Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp kinh doanh đường sắt trong trường hợp vận tải phục vụ nhiệm vụ đặc biệt, an sinh xã hội theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp đủ chi phí hợp lý của doanh nghiệp. Trên cơ sở này, Chính phủ làm căn cứ ban hành quy định chi tiết các trường hợp cụ thể và việc hỗ trợ của Nhà nước đối với các doanh nghiệp này.

8. Về đường sắt đô thị (Chương VII)

Quy định về đường sắt đô thị đã được bổ sung cụ thể một số các nội dung trong Luật, bao gồm các quy định về yêu cầu chung đối với đường sắt đô thị, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh đường sắt đô thị, hệ thống kiểm soát vé, quản lý an toàn đường sắt đô thị, yêu cầu đối với kết cấu hạ tầng đường sắt đô thị, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc đầu tư, xây dựng, quản lý đường sắt đô thị ....

9. Về đường sắt tốc độ cao (Chương VIII)

Đây là điểm mới của Luật Đường sắt 2017. Các nội dung chủ yếu được quy định trong Chương này bao gồm về yêu cầu chung đối với đường sắt tốc độ cao, chính sách phát triển đường sắt tốc độ cao, yêu cầu đối với kết cấu hạ tầng đường sắt tốc độ cao, quản lý, khai thác, bảo trì, quản lý an toàn đường sắt tốc độ cao. Các nội dung trong Chương này làm cơ sở pháp lý đầu tiên cho hoạt động đầu tư đường sắt tốc độ cao ở nước ta trong thời gian tới.

Những sửa đổi, bổ sung của Luật Đường sắt 2017 đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật đường sắt Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong hoạt động đường sắt, đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước của các cơ quan chuyên ngành, thúc đẩy sự phát triển của ngành đường sắt nói riêng và kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời kỳ mới.

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Đa dạng các hoạt động tuyên truyền pháp luật trong trường học
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi năm 2022) được Quốc hội khoá XV kỳ họp thứ 14 thông qua vào ngày 14/11/2022, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Theo đó, Luật được ban hành với những nội dung cơ bản như sau:
Ngày 15/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (Luật số 14/2022/QH15), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2023, Luật gồm những nội dung cơ bản như sau:
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023. Theo đó, Luật được ban hành với những nội dung cơ bản như sau: