TÀI LIỆU GIỚI THIỆU LUẬT KINH DOANH BẢO HIỂM

Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, Kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 16/6/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023.

1. Luật Kinh doanh bảo hiểm về cơ bản giữ nguyên bố cục của Luật hiện hành với 7 chương, 157 điều, cụ thể như sau:

Chương I. Những quy định chung, gồm 14 điều (từ Điều 1 đến Điều 14).

Chương II.  Hợp đồng bảo hiểm, gồm 47 điều (từ Điều 15 đến Điều 61).

Chương III.  Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, gồm 62 điều (từ Điều 62 đến Điều 123).

Chương IV.  Đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, gồm 20 điều (từ Điều 124 đến Điều 143).

Chương V. Bảo hiểm vi mô, gồm 07 điều (từ Điều 144 đến Điều 150)

Chương VI. Quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, gồm 04 điều (từ Điều 151 đến Điều 154).

Chương VII. Điều khoản thi hành, gồm 03 điều (từ Điều 155 đến Điều 157).

2. So với Luật hiện hành, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã giữ nguyên, sửa đổi, bổ sung các nội dung cụ thể như sau:

a) Nhóm các Điều giữ nguyên là những Điều vẫn phù hợp với thực tế, như quy định về giám định tổn thất, tổn thất do hao mòn tự nhiên hoặc do bản chất vốn có của tài sản, hình thức bồi thường, phương thức bồi thường, thời hạn cấp giấy phép, giấy phép văn phòng đại diện, năm tài chính, chế độ kế toán, thu, chi tài chính...

b) Nhóm các Điều sửa đổi để phù hợp với thực tiễn, giải quyết những vướng mắc trong thời gian vừa qua, hoặc để phù hợp với hệ thống pháp luật có liên quan, tập trung chủ yếu tại Chương II - Hợp đồng bảo hiểm và một số chương khác (doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, chế độ tài chính, kế toán, đại lý, môi giới bảo hiểm, quản lý nhà nước).

c) Nhóm các Điều bổ sung, bao gồm:

- Những vấn đề có vướng mắc trong thực tiễn nhưng chưa có căn cứ để giải quyết như các quy định về các nguyên tắc giao kết hợp đồng bảo hiểm, về bảo hiểm tạm thời, về người thụ hưởng, về phòng chống gian lận bảo hiểm, về giải quyết tranh chấp...

- Những quy định chưa được thể hiện tại Luật hiện hành nhưng thực tế đã có hoặc thông lệ quốc tế đã có như quản trị rủi ro, ứng dụng công nghệ thông tin, các tình huống và biện pháp xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính, vốn trên cơ sở rủi ro, cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước...

- Những vấn đề đã được quy định tại các văn bản dưới luật và có tính ổn định, nay được luật hóa, như điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động, tổ chức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, điều kiện đại lý bảo hiểm...

NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT

Trên cơ sở bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật và cụ thể hóa 07 nhóm chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 121/NQ-CP ngày 31/12/2019, Luật Kinh doanh bảo hiểm bao gồm các nội dung chủ yếu như sau:

1. Những quy định chung

- Về phạm vi điều chỉnh: Được sửa đổi theo hướng bổ sung quy định về hoạt động quản lý nhà nước đối với kinh doanh bảo hiểm, dù luật hiện hành có điều chỉnh quy định này nhưng chưa nêu tại phạm vi điều chỉnh.

- Về đối tượng áp dụng: Đối tượng áp dụng của Luật bao gồm doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô; chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam; văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam; bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng; cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm; tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm..

- Về giải thích từ ngữ: Sửa đổi, chuẩn hóa 06 thuật ngữ, bổ sung 05 thuật ngữ để phù hợp với thực tiễn và pháp luật có liên quan.

- Về nguyên tắc cung cấp và sử dụng dịch vụ bảo hiểm: Quy định tổ chức, cá nhân tại Việt Nam có nhu cầu tham gia bảo hiểm chỉ được tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô được cấp giấy phép thành lập và hoạt động tại Việt Nam, trừ trường hợp sử dụng dịch vụ bảo hiểm qua biên giới và giao Chính phủ quy định việc sử dụng và cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới phù hợp với các cam kết quốc tế.

- Các loại hình bảo hiểm: Sửa đổi theo hướng phân loại thành 03 loại cơ bản theo thông lệ quốc tế là bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe.

- Về bảo hiểm bắt buộc: Sửa đổi theo hướng bãi bỏ: (i) bảo hiểm trách nhiệm dân sự của người vận chuyển hàng không đối với hành khách là loại hình bảo hiểm được thực hiện theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và thông lệ quốc tế; (ii) bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với hoạt động tư vấn pháp luật và bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm có rủi ro không ảnh hưởng lớn đến lợi ích công cộng và an toàn xã hội, đây là trách nhiệm tổ chức cá nhân đối với hoạt động tư vấn các bên có thể tự thỏa thuận mức trách nhiệm tùy theo năng lực tài chính. Đồng thời giao Chính phủ quy định về điều kiện bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm.

- Về hành vi bị nghiêm cấm: Luật Kinh doanh bảo hiểm chỉ quy định các hành vi bị nghiêm cấm điển hình, rõ ràng, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm và thị trường chung; không quy định các hành vi bị nghiêm cấm đã được quy định tại các luật khác.

- Về tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm: Sửa đổi nhằm tạo cơ sở pháp lý để giao trách nhiệm cho tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong việc phát triển nghề nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên như ban hành Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp và các nhiệm vụ khác.

- Về cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm: Bổ sung quy định về cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm tạo cơ sở pháp lý để xây dựng, thu thập, sử dụng, lưu giữ, quản lý và cung cấp thông tin cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm phục vụ cho mục đích quản lý, giám sát và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

- Về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm: Bổ sung nguyên tắc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; yêu cầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đối tượng và hình thức cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng; nguyên tắc cung cấp dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm trên môi trường mạng.

2. Hợp đồng bảo hiểm

Để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, minh bạch và an toàn cho các giao dịch bảo hiểm, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã sửa đổi quy định hiện hành cũng như bổ sung các quy định mới để đáp ứng sự phát triển của thị trường bảo hiểm nói chung và chế định hợp đồng bảo hiểm nói riêng. Chế định hợp đồng bảo hiểm có vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm. Các nội dung sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến hợp đồng bảo hiểm tại Luật Kinh doanh bảo hiểm được thể hiện cụ thể như sau:

- Các sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan, bao gồm: nội dung, hình thức, hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm; các trường hợp đơn phương, hủy bỏ, chấm dứt hợp đồng…

- Các sửa đổi, bổ sung để chuẩn hóa quy định về hợp đồng bảo hiểm, bao gồm: phân loại rõ các loại hợp đồng bảo hiểm tương ứng với các loại hình bảo hiểm; làm rõ đối tượng được bảo hiểm, quyền lợi được bảo hiểm đối với từng loại hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm thiệt hại, bảo hiểm trách nhiệm, minh bạch trong các thông tin cung cấp, công bằng về quyền lợi và nghĩa vụ khác đối với cả doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm;…

- Các sửa đổi, bổ sung để tôn trọng quyền tự thỏa thuận giữa các bên trong giao kết hợp đồng bảo hiểm, bao gồm: bổ sung các nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm, quyền thỏa thuận giữa các bên để xây dựng hợp đồng bảo hiểm; bổ sung thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm;…

  - Các sửa đổi, bổ sung nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhằm giảm thiểu tranh chấp phát sinh trong thời gian qua, bao gồm: yêu cầu về trách nhiệm cung cấp thông tin, các vấn đề liên quan đến trả tiền bảo hiểm; bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm nhóm,...

  3. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam

- Về cấp giấy phép thành lập và hoạt động: Bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm sang một số sản phẩm bảo hiểm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác; sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp phép thành lập và hoạt động nhằm thu hút thêm nhà đầu tư mới theo hướng: (i) bổ sung quy định về việc thành lập chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam để chủ động thực hiện các cam kết quốc tế; (ii) cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm được thành lập doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam; (iii) đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới; (iv) bỏ tài liệu về quy tắc, điều khoản, biểu phí tại hồ sơ xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính; (v) bổ sung quy định sau khi cấp, sửa đổi, bổ sung hoặc thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động, Bộ Tài chính có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam đặt trụ sở chính để cập nhật vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; (vi) bổ sung quy định khẳng định nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu cổ phần, phần vốn góp đến 100% vốn điều lệ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm để đảm bảo rõ ràng...

- Về tổ chức hoạt động: Bổ sung các quy định về tổ chức hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm các hiện diện thương mại (trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện...), cơ cấu tổ chức quản lý của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, người quản lý, người kiểm soát của doanh nghiệp bảo hiểm doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam; các nguyên tắc phân công, đảm nhiệm chức vụ nhằm tránh kiêm nhiệm nhiều, miễn nhiệm, bãi nhiệm, đình chỉ, tạm đình chỉ chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Chuyên gia tính toán nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của bên mua bảo hiểm.

- Về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro: Bổ sung các quy định về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, phù hợp với tính chất hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhằm bảo đảm tuân thủ pháp luật, phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời rủi ro, đánh giá độc lập về tính thích hợp và sự tuân thủ quy định, chính sách nội bộ, thủ tục, quy trình, xác định, đánh giá, đo lường, giám sát, kiểm soát và giảm thiểu rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm.

- Về hoạt động nghiệp vụ: Bổ sung các quy định cho phép doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thiết kế, xây dựng sản phẩm bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phải đăng kí với Bộ Tài chính phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới (trừ bảo hiểm bắt buộc) nhằm tạo chủ động trong hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp; bổ sung quy định điều kiện trong trường hợp thuê ngoài.

- Về chuyển giao hợp đồng bảo hiểm: Sửa đổi quy định về việc chuyển giao hợp đồng bảo hiểm theo hướng bổ sung trường hợp Bộ Tài chính chỉ định nếu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam không đáp ứng yêu cầu về an toàn tài chính, bổ sung các điều kiện chuyển giao theo hướng nếu không đồng ý, bên mua bảo hiểm có quyền chấm dứt hợp đồng bảo hiểm và nhận lại giá trị hoàn lại/giá trị tài khoản của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hưu trí hoặc phí bảo hiểm tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm phi nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm tử kì/sinh kỳ thuộc bảo hiểm nhân thọ.

- Về tài chính, hạch toán kế toán và báo cáo:

(i) Về vốn: Sửa đổi theo hướng phân loại rõ ràng từng loại vốn của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm trong quá trình hoạt động kinh doanh, bổ sung khái niệm vốn thực có; bổ sung yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm phải luôn duy trì tỷ lệ an toàn vốn nhằm đảm bảo vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro của các nhóm rủi ro cơ bản, bao gồm: rủi ro từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, rủi ro từ hoạt động đầu tư, rủi ro từ hoạt động điều hành chung, rủi ro từ các đối tác khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.

(ii) Về dự phòng nghiệp vụ: Bổ sung các yêu cầu trích lập dự phòng nghiệp vụ, bao gồm tương ứng với phần trách nhiệm đã cam kết theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm; tách biệt giữa các hợp đồng bảo hiểm giao kết trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam và các hợp đồng bảo hiểm giao kết ngoài phạm vi lãnh thổ, kể cả trong cùng một nghiệp vụ, sản phẩm bảo hiểm; phải luôn có tài sản tương ứng với dự phòng nghiệp vụ đã trích lập; phải sử dụng chuyên gia tính toán đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Tài chính để tính toán, trích lập dự phòng nghiệp vụ; phải thường xuyên rà soát, đánh giá việc trích lập dự phòng nghiệp vụ; kịp thời có các biện pháp nhằm đảm bảo trích lập đầy đủ dự phòng để chi trả cho các trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm.

(iii) Về hoạt động đầu tư: Bãi bỏ quy định về danh mục đầu tư do áp dụng mô hình vốn tương ứng với quy mô và mức độ rủi ro; bổ sung quy định về các nguồn vốn đầu tư, nguyên tắc đầu tư và những điều không được làm như đầu tư vào kim loại quý, vào tài sản vô hình, vào chứng khoán phái sinh,.. nhằm đảm bảo an toàn, phù hợp với tính chất hoạt động kinh doanh bảo hiểm; bổ sung quy định về đầu tư ra nước ngoài, định giá tài sản đầu tư.

(iv) Về tách nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn phí bảo hiểm: Bổ sung yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp tái bảo hiểm phải tách, ghi nhận và theo dõi riêng đối với nguồn vốn chủ sở hữu và nguồn phí bảo hiểm thu được của bên mua bảo hiểm; doanh thu, chi phí từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm, hoạt động đầu tư, kết quả hoạt động kinh doanh tương ứng; nguồn phí bảo hiểm thu được của bên mua bảo hiểm từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và tại nước ngoài; doanh thu, chi phí, dự phòng, các khoản chi phí tương ứng; phân chia thặng dư đối với các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có chia lãi.

(v) Về kiểm toán độc lập: Được bổ sung nhằm nâng cao trách nhiệm của kiểm toán đối với an toàn tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm theo hướng quy định yêu cầu có ý kiến xác nhận của kiểm toán độc lập hàng năm đối với Báo cáo đánh giá khả năng thanh toán và quản trị rủi ro; bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức kiểm toán độc lập, bao gồm: Tuân thủ quy định của pháp luật, Sử dụng chuyên gia tính toán; chuyên gia về quản trị rủi ro và các chuyên gia khác tương ứng với nội dung kiểm toán; Giải trình, cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến hoạt động kiểm toán doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm trong trường hợp có yêu cầu của Bộ Tài chính; Thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính trường hợp phát hiện có sai phạm trọng yếu do không tuân thủ pháp luật, có gian lận bảo hiểm hoặc có giao dịch bất thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tài chính hoặc quyền lợi của người tham gia bảo hiểm; Bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật,..

­(vi) Về báo cáo tài chính, báo cáo nghiệp vụ, báo cáo bất thường: Được bổ sung quy định báo cáo khi xảy ra những diễn biến bất thường có nguy cơ mất khả năng thanh toán, uy tín doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm; khi không đáp ứng yêu cầu về tài chính theo quy định nhằm kiểm soát, can thiệp sớm từ phía Bộ Tài chính.

- Về khả năng thanh toán: Bãi bỏ quy định về biên khả năng thanh toán lớn hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu theo mô hình Biên khả năng thanh toán 1, thay thế bằng quy định tỷ lệ an toàn vốn theo hướng dẫn của Bộ Tài chính phù hợp với mô hình vốn tương ứng quy mô và mức độ rủi ro.

- Về các biện pháp can thiệp: Bổ sung quy định về an toàn tài chính, trong trường hợp tỷ lệ an toàn vốn ở mức phải áp dụng biện pháp can thiệp, biện pháp cải thiện sớm, biện pháp kiểm soát, quy định trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam, chủ sở hữu, thành viên góp vốn, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát,...

- Về công khai thông tin: Bổ sung yêu cầu công khai thông tin định kỳ (Báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán, Báo cáo khả năng thanh toán và quản trị rủi ro); bổ sung yêu cầu công khai thông tin thường xuyên (thông tin về hồ sơ doanh nghiệp, thông tin về hoạt động nghiệp vụ, thông tin về quản trị doanh nghiệp); Bổ sung yêu cầu công khai thông tin bất thường đồng thời giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể.

  - Về đề phòng hạn chế tổn thất và phòng, chống gian lận bảo hiểm: Bổ sung quy định về nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm khi xảy ra tổn thất, quy định về đề phòng, hạn chế tổn thất của doanh nghiệp bảo hiểm; Bổ sung quy định doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm xây dựng quy trình khai thác, thẩm định, bồi thường để xác định, đánh giá đầy đủ, chính xác các thông tin cần thiết về người được bảo hiểm, đối tượng được bảo hiểm, người thụ hưởng bảo hiểm, hồ sơ, tài liệu có liên quan trước khi có quyết định bảo hiểm, chi trả tiền/bồi thường bảo hiểm, phòng chống gian lận bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố.

4. Bảo hiểm vi mô

Bổ sung quy định về sản phẩm bảo hiểm vi mô, xây dựng, thiết kế, phát triển sản phẩm bảo hiểm vi mô, tổ chức cung cấp bảo hiểm vi mô, nguyên tắc hoạt động của tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô để tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển bảo hiểm vi mô. Quy định về bảo hiểm vi mô cũng đã được rà soát đảm bảo đáp ứng các Hiệp định song phương và đa phương có cam kết về kinh doanh bảo hiểm.

5. Đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

- Về đại lý bảo hiểm: Sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện hoạt động đại lý bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, của đại lý bảo hiểm; nguyên tắc hoạt động của đại lý, những điều đại lý bảo hiểm không được làm, chứng chỉ đại lý bảo hiểm.

- Về doanh nghiệp môi giới bảo hiểm: Bổ sung khái niệm hoạt động môi giới bảo hiểm (môi giới bảo hiểm gốc, môi giới tái bảo hiểm), quyền của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, nguyên tắc hoạt động môi giới bảo hiểm,...

6. Quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm

- Về cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm: Sửa đổi theo hướng gộp quy định về nội dung quản lý nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước; bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính trong quản lý, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

- Về cơ chế phối hợp trong quản lý nhà nước: Bổ sung quy định Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan quản lý bảo hiểm nước ngoài trong việc phối hợp quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, ngành khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

7. Điều khoản thi hành

- Về chuyển tiếp: Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm hoàn thiện hệ thống, đào tạo cán bộ, Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định:

 (i) Sau 5 năm kể từ ngày Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải áp dụng các quy định về vốn, khả năng thanh toán, đầu tư.

(ii) Các hợp đồng bảo hiểm đã giao kết trước ngày Luật này có hiệu lực và còn thời hạn hợp đồng thì tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật tại thời điểm giao kết hợp đồng bảo hiểm, trừ trường hợp các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng để phù hợp với Luật này và để áp dụng quy định của Luật này.

(iii) Chứng chỉ đại lý bảo hiểm được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025. Bộ Tài chính quy định chi tiết việc chuyển đổi chứng chỉ đại lý bảo hiểm được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực sang chứng chỉ đại lý bảo hiểm theo quy định của Luật này.

(iv) Chứng chỉ bảo hiểm, chứng chỉ môi giới bảo hiểm, chứng chỉ về phụ trợ bảo hiểm được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực được tiếp tục sử dụng.

(v) Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài dừng trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.

- Về hiệu lực thi hành: Luật Kinh doanh bảo hiểm có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Đa dạng các hoạt động tuyên truyền pháp luật trong trường học
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi năm 2022) được Quốc hội khoá XV kỳ họp thứ 14 thông qua vào ngày 14/11/2022, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Theo đó, Luật được ban hành với những nội dung cơ bản như sau:
Ngày 15/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (Luật số 14/2022/QH15), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2023, Luật gồm những nội dung cơ bản như sau:
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023. Theo đó, Luật được ban hành với những nội dung cơ bản như sau: