TÀI LIỆU GIỚI THIỆU LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG THIÊN TAI VÀ LUẬT ĐÊ ĐIỀU

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 9 vào ngày 17/6/2020 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021. Luật được ban hành với các nội dung cơ bản như sau:

Luật gồm 03 Điều:

- Điều 1 gồm 24 khoản, sửa đổi, bổ sung nội dung 19 điều; bổ sung 03 điều mới, sửa tên Chương IV và sửa tên gọi “Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai” thành “Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tại” của Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013.

- Điều 2 gồm 07 khoản, sửa đổi, bổ sung nội dung 06 điều, bổ sung hoặc thay thế một số cụm từ trong các điều, khoản của Luật Đê điều năm 2006.

        - Điều 3: Hiệu lực thi hành.

IV. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT

1. Sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống thiên tai

a) Loại hình thiên tai: Luật Bổ sung 04 loại thiên tai thường xuyên xuất hiện, ảnh hưởng và gây thiệt hại lớn nhưng chưa được quy định trong Luật Phòng, chống thiên tai năm 2014 gồm: gió mạnh trên biển, sương mù, cháy rừng và sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán tại điểm a khoản 1 như sau:

1. Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt; sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán; nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác”;

Đây là 04 loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

         - Gió mạnh trên biển: Là gió thổi một chiều (như gió mùa đông bắc, gió mùa tây nam); tác động đến toàn bộ Bắc và giữa Biển Đông, vùng biển Tây Nam, trong suốt cả năm, gây nhiều thiệt hại.

        - Sương mù: Xảy ra thường xuyên ở tất cả các vùng trên cả nước, đặc biệt tại các khu vực miền núi phía Bắc, Bắc trung bộ và Tây nguyên, làm hạn chế tầm nhìn, gây ra tai nạn đối với phương tiện giao thông đường thủy, đường hàng không và đường bộ. Điển hình: Đợt sương mù xảy ra vào tháng 12/2013 tại Nghệ An, tháng 4/2018 tại Hòa Bình, tháng 12/2018 tại Sơn La làm nhiều xe tải bị tai nạn.          

        Gió mạnh trên biển và sương mù đã được Thủ tướng Chính phủ quy định tại Quyết định số 44/2014/QĐ-TTg ngày 15/8/2014 (trong đó quy định rõ cấp độ rủi ro tương ứng với cấp độ gió mạnh, sương mù).

        - Cháy rừng do tự nhiên: Việt Nam hiện có 14,5 triệu ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 42%. Có khoảng 9 - 10 triệu dân cư sinh sống trong hoặc gần rừng.

       Cháy rừng xảy ra ở Việt Nam chủ yếu do thời tiết vào mùa khô, nắng nóng kéo dài, độ ẩm không khí thấp, bề mặt đất nóng lên, gió lớn ... khi gặp nguồn lửa từ tự nhiên như: sét, nhiệt mặt trời, đá lăn sinh ra tia lửa, hoạt động của núi lửa, nổ đạn lân tinh... sẽ gây cháy rừng nghiêm trọng.

       Trong 10 năm qua, trung bình mỗi năm xảy ra 300 vụ cháy rừng. Từ năm 2015 đến nay, đã xảy ra một số vụ cháy rừng nghiêm trọng, điển hình như:

       + Năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino gây cháy rừng tại các tỉnh Nam Bộ (Bà Rịa Vũng Tàu, An Giang…).

       + Năm 2016, do giá rét kỷ lục, băng tuyết trên diện rộng, cây rừng bị chết, gặp thời tiết hanh khô, nắng nóng gay gắt gây cháy rừng tại các tỉnh Tây Bắc (Sơn La, Điện Biên) làm thiệt hại gần 2.000 ha rừng.

       + Năm 2019, do nắng nóng bất thường kéo dài 30 ngày liên tục, với nhiệt độ cao kỷ lục và ảnh hưởng của gió Tây Nam gây cháy rừng tại miền Trung.

       + Năm 2020, đã xảy ra một số vụ cháy rừng do sét đánh, nổ đạn lân tinh tại tỉnh Cà Mau và An Giang.

       Hầu hết các nước trên thế giới đều coi cháy rừng là thảm hoạ tự nhiên. Tại Mỹ cháy rừng được xác định là một trong 4 thảm hoạ tự nhiên lớn nhất của Mỹ bên cạnh động đất, lũ lụt và bão.

       Việc khống chế các vụ cháy lớn đã vượt quá khả năng của lực lượng chức năng kiểm lâm, cảnh sát Phòng cháy chữa cháy trên địa bàn; phải sử dụng bộ máy của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để ứng phó.

       Vì vậy, trong điều kiện thời tiết cực đoan như hiện nay, cháy rừng ở cấp độ nghiêm trọng cần được xác định là một dạng thiên tai đặc thù để chủ động phòng, chống, kiểm soát, huy động nguồn lực, tăng cường chỉ đạo, chỉ huy. Trong văn bản dưới luật khi quy định về cấp độ rủi ro thiên tai Chính phủ sẽ quy định rõ cháy rừng ở cấp độ nào sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh Luật Phòng chống thiên tai.

- Sạt lở đất, sụt lún đất do hạn hán: Theo nhận định của nhiều chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, hạn hán dẫn đến nước trên kênh rạch bị khô cạn và tình trạng khô cạn nước trên sông làm mất bề áp nước, thiếu nước khiến đất bị co ngót, tạo độ rỗng trong đất, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sạt lở, sụt lún đất.

b) Công trình phòng chống thiên tai: Bổ sung 05 loại công trình là công trình kè, chống xâm nhập mặn, chống sụt lún đất, chống lũ quét, chống sét vào nhóm công trình phòng, chống thiên tai tại điểm b khoản 1 như sau:

5. Công trình phòng, chống thiên tai là công trình do Nhà nước, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, bao gồm trạm quan trắc khí tượng, thủy văn, hải văn, địa chấn, cảnh báo thiên tai; công trình đê điều, hồ đập, kè, chống úng, chống hạn, chống xâm nhập mặn, chống sạt lở, chống sụt lún đất, chống lũ quét, chống sét; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền, nhà kết hợp sơ tán dân và công trình khác phục vụ phòng, chống thiên tai.”

            - Công trình chống xâm nhập mặn: Hiện nay, do triều cường, nước biển dâng và biến đổi khí hậu nên nước mặn lấn sâu hơn vào sông. Năm 2016 tại sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây xâm nhập mặn vào sâu 90 km, trên sông Tiền, sông Hậu xâm nhập mặn vào sâu 30-40km. Cho nên, việc xây dựng các cống ngăn mặn, giữ ngọt để đảm bảo sản xuất nông nghiệp, cung cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân và các hoạt động kinh tế khác là cần thiết.

            - Công trình chống lũ quét: Công trình này sẽ hạn chế được những hậu quả nghiêm trọng xảy ra do lũ quét, lũ bùn đá. Tại các nước trên thế giới như Nhật Bản, Đài Loan đã xây dựng rất nhiều loại công trình này (công trình SABO). Hiện nay tại Việt Nam đang được nghiên cứu xây dựng ở các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung.

            - Công trình chống sét: Là công trình xây dựng để chống sét trên một phạm vi rộng lớn, bảo vệ an toàn cho 2,5 km. Thực tế, do yếu tố địa chất, do yếu tố tiểu khí hậu có những vùng rất nhiều sét như Đồng Tháp, Thái Nguyên. Hiện nay Đồng Tháp đã lắp 12 trạm tại 12 huyện, mỗi một trạm bảo vệ an toàn cho 2,5 km. Ngoài ra, công trình này còn có công năng cảnh báo trước khi có sét để chủ động ứng phó, đảm bảo an toàn cho cả một vùng dân cư.

            - Công trình kè: Trong thời gian vừa qua, công trình này đã được xây dựng trên phạm vi cả nước dưới các dạng công trình như: kè chống sạt lở bờ sông, bờ biển… Luật bổ sung kè là 1 loại công trình phòng chống thiên tai để có cơ sở pháp lý cho việc đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng.

            c) Chính sách của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai

Tại khoản 2 Điều 1 bổ sung chính sách: Ưu tiên bố trí nguồn lực nghiên cứu, điều tra cơ bản, xây dựng và triển khai các chương trình khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai; tăng cường các giải pháp khắc phục hậu quả thiên tai” và chính sách ”Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, huấn luyện nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống thiên tai; huấn luyện, cung cấp phương tiện, trang thiết bị và có chính sách cho lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã”.

          Trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0 hiện nay thì khoa học và công nghệ đóng vai trò là một nguồn lực quan trọng cho công tác phòng, chống thiên tai. Để chủ động ứng phó với tình hình thiên tai ngày càng khốc liệt thì khoa học công nghệ phải đi trước một bước để nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ mới trong và ngoài nước. Việc nghiên cứu và ứng dụng này cần được nhà nước ưu tiên bố trí nguồn lực để giải quyết được những vấn đề mang tính tổng thể, dài hạn trong phòng, chống thiên tai.

          Hiện nay, các lực lượng tham gia công tác phòng, chống thiên tai chỉ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa được đào tạo, huấn luyện, cung cấp trang bị để thực hiện nhiệm vụ. Với tình hình thiên tai diễn biến ngày càng khốc liệt, không theo quy luật đòi hỏi phải có một lực lượng được đào tạo bài bản, tinh thông nghiệp vụ, được cung cấp trang thiết bị để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống do thiên tai gây ra, chỉ đạo, chỉ huy kịp thời, đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai xuống mức thấp nhất, đồng thời để tạo động lực và khuyến khích cho người làm công tác phòng, chống thiên tai bằng chế độ đãi ngộ xứng đáng, yên tâm.     

d) Nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai

Nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tại được quy định tại Điều 6 Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 và được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 6. Nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai

1. Nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai bao gồm:

a) Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn là lực lượng tại chỗ thực hiện hoạt động phòng, chống thiên tai;

b) Dân quân tự vệ là lực lượng tại chỗ thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương và sự điều động của người có thẩm quyền;

c) Quân đội nhân dân, Công an nhân dân có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và là lực lượng nòng cốt trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội theo sự điều động của người có thẩm quyền;

d) Tổ chức, cá nhân tình nguyện tham gia hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo sự chỉ huy của người có thẩm quyền;

đ) Người làm công tác phòng, chống thiên tai tại cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

2. Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã được thành lập ở cấp xã, hoạt động kiêm nhiệm, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định trên cơ sở nguồn nhân lực quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này, bao gồm dân quân ở thôn, ấp, bản, làng, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu; dân quân ở cấp xã và tổ chức khác tại địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương.

3. Chính phủ quy định chế độ, chính sách đối với lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã quy định tại khoản 2 Điều này.”.

Theo đó, Luật đã bổ sung quy định lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai được thành lập ở cấp xã, do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thành lập trên cơ sở dân quân ở thôn, ấp, bản, làng, buôn, bon, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khối phố, khóm, tiểu khu; dân quân ở cấp xã và tổ chức khác tại địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai của địa phương. Thực tiễn, hiện nay các địa phương đã xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã bao gồm dân quân tự vệ và các tổ chức khác như: hội chữ thập đỏ, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai tại chỗ và đã phát huy được hiệu quả tốt trong thời gian qua. Theo báo cáo của các địa phương, tính đến tháng 6/2019, cả nước có 8.386 xã/11.162 xã chiếm 75% số xã đã có lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã.

           Thời gian qua, thực tế thiên tai xảy ra trên các địa phương: Lào Cai, Sơn La… lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã đã phát huy hiệu quả ngay từ giờ đầu, đặc biệt là khi lực lượng chuyên nghiệp chưa kịp tiếp ứng đối với các khu vực bị chia cắt và cô lập. Ví dụ, trong trận lũ lịch sử ở bản Hua Nậm, xã Nậm Păm của Sơn La, bản số 5 lực lượng xung kích rất sáng suốt huy động toàn lực lượng nòng cốt ngay lúc đó làm công tác sơ tán dân 11h đêm, do đó cả một thôn không bị thiệt hại về người, còn bản bên trên 39 người bị thiệt hại.

           Tại Luật sửa đổi, bổ sung lần này quy định về lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã để có cơ sở pháp lý, chế độ chính sách cho các đối tượng tham gia vào lực lượng này.

          Luật cũng bổ sung “Người làm công tác phòng chống thiên tai tại các cơ quan phòng chống thiên tai các cấp” vào là một trong những nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai để có các chế độ, chính sách cho phù hợp khi ứng phó với thiên tai. Người làm công tác phòng, chống thiên tai đã được nêu tại Điều 42 Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013. Tuy nhiên, nguồn nhân lực phòng, chống thiên tai quy định tại Điều 6 mới chỉ liệt kê có tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn, dân quân tự vệ, quân đội nhân dân, công an nhân dân, tổ chức, cá nhân tự nguyện tham gia, chưa quy định về những người làm công tác phòng, chống thiên tai khác thuộc các cơ quan từ Trung ương xuống địa phương cũng như các cá nhân được cấp có thẩm quyền huy động theo quy định. Vì vậy, việc bổ sung đảm bảo tính đầy đủ, toàn diện.

đ) Vật tư, phương tiện, trang thiết bị cho phòng, chống thiên tai:

Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 7 Luật Phòng, chống thiên tại năm 2013 quy định về vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng cho phòng chống thiên tai để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó khi xảy ra thiên tai tại khoản 4 Điều 1 như sau:

1. Vật tư, phương tiện, trang thiết bị cho hoạt động phòng, chống thiên tai bao gồm vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai và vật tư, phương tiện, trang thiết bị khác của Nhà nước; huy động của tổ chức, cá nhân trên địa bàn; của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tự chuẩn bị.

Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục và quy định việc quản lý, sử dụng vật tư, phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phòng, chống thiên tai.”.

       Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 chưa có quy định về vật tư, trang thiết bị chuyên dùng cho phòng chống thiên tai như đập cao su chống tràn di động, rọ thép, bao tải cỡ lớn, bạt chống sóng, vật tư hộ đê... đã được nhà nước đầu tư nhiều năm, phải chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó khi xảy ra thiên tai. Vì vậy, cần xác định rõ vật tư, trang thiết bị chuyên dùng trong Luật để tạo cơ sở pháp lý, thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức cá nhân thực hiện việc mua sắm, dự trữ, sử dụng và quản lý chặt chẽ vật tư, trang thiết bị này.

e) Nguồn tài chính cho phòng, chống thiên tai

         Tại khoản 5 Điều 1 bổ sung nguồn tài chính cho công tác phòng chống thiên tai như sau: “Nguồn khác theo quy định của pháp luật” .

       Trên thực tế, nguồn tài chính dành cho hoạt động phòng, chống thiên tai còn được sử dụng từ một số nguồn khác như nguồn vốn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp để xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai.

        Vì vậy, việc bổ sung “Nguồn khác theo quy định của pháp luật” vào quy định tại Điều 8 Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 là cần thiết để bao quát tất cả các nguồn tài chính cho phòng chống thiên tai; có thêm nguồn lực cho phòng, chống thiên tai, tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này.

          g) Quỹ phòng, chống thiên tai ở Trung ương

          Thực tiễn, khi thiên tai xảy ra, Việt Nam nhận được nhiều hỗ trợ nhân đạo, phi Chính phủ từ quốc tế thông qua Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai nhưng chưa có cơ chế quy định cụ thể về việc tiếp nhận và phân bổ kịp thời cho các địa phương sử dụng. Vì vậy, việc bổ sung quy định Quỹ phòng chống thiên tai ở Trung ương để tiếp nhận nguồn hỗ trợ nhân đạo từ quốc tế trong phòng chống thiên tai, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân ngoài ngân sách nhà nước được kịp thời, đúng quy định, điều tiết từ quỹ phòng chống thiên tai cấp tỉnh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các nguồn hợp pháp khác.

       Ngoài ra, Luật cũng bổ sung nguyên tắc hoạt động của Quỹ Phòng chống thiên tai như sau:

4. Nguyên tắc hoạt động của quỹ phòng chống thiên tai:

a) Hoạt động không vì mục đích lợi nhuận;

b) Bảo đảm công khai, minh bạch, kịp thời, hiệu quả; quản lý, sử dụng đúng mục đích;

          c) Hỗ trợ cho các hoạt động phòng chống thiên tai mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu” .

       Đồng thời giao Chính phủ quy định cụ thể để bảo đảm tính linh hoạt và thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra (khoản 7).

h) Bổ sung 01 điều về Điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai

Điều tra cơ bản là một hoạt động quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai, cần bổ sung vào Luật để tạo cơ sở pháp lý tổ chức thực hiện. Các nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu thu thập được qua quá trình điều tra cơ bản phòng chống thiên tai là căn cứ để các cơ quan chuyên môn đưa ra các quyết sách hiệu quả, kế hoạch, quy hoạch dài hạn trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực phòng, chống thiên tai. Tuy nhiên thực tiễn, các nguồn thông tin, cơ sở dữ liệu về phòng chống thiên tai như: cơ sở dữ liệu về hệ thống công trình phòng, chống thiên tai; cơ sở dữ liệu về công trình hạ tầng có liên quan đến phòng, chống thiên tai,… chưa có hoặc không đầy đủ, phân tán tại nhiều cơ quan và các địa phương dẫn đến chưa đáp ứng được yêu cầu, chất lượng nên cần được phải được điều tra, cập nhật để phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy và quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai. Luật đã bổ sung 01 điều về điều tra cơ bản phòng chống thiên tai, trong đó quy định cụ thể về nội dung công tác điều tra cơ bản phòng chống thiên tai để tạo chuyển biến trong việc thực hiện công tác này, cụ thể như sau:

Điều 13a. Điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai

1. Điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai được thực hiện định kỳ hoặc đột xuất để thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước và hoạt động phòng, chống thiên tai.

2. Nội dung điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai gồm:

a) Hiện trạng về số lượng, chất lượng, năng lực của công trình phòng, chống thiên tai và công trình hạ tầng có liên quan đến phòng, chống thiên tai;

b) Hiện trạng về cơ cấu tổ chức, cơ chế chính sách, nhân lực, tài chính, trang thiết bị trong hoạt động phòng, chống thiên tai;

c) Hiện trạng hệ thống thông tin, quan trắc, giám sát thiên tai và các dữ liệu phòng chống thiên tai;

d) Tác động của biến đổi khí hậu đến diễn biến thiên tai; tác động của thiên tai đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; các loại hình thiên tai; hoạt động phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến phòng, chống thiên tai.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện, phê duyệt, công bố, quản lý kết quả điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và gửi kết quả về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để quản lý”.

          i) Kế hoạch phòng, chống thiên tai

Khoản 10 Điều 1 sửa đổi, bổ sung về kế hoạch phòng, chống thiên tai cấp tỉnh và cấp quốc gia như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 4 như sau:

“c) Xác định nội dung, biện pháp phòng, chống thiên tai phù hợp với các cấp độ rủi ro thiên tai và loại thiên tai cụ thể nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai, chú ý khu vực nguy hiểm và đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó tập trung xây dựng kế hoạch quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông thuộc tỉnh; kế hoạch phòng, chống bão mạnh, siêu bão; kế hoạch phòng, chống lũ quét, sạt lở đất; kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; kế hoạch phòng, chống sạt lở bờ sông do mưa lũ hoặc dòng chảy, sạt lở bờ biển;”;

b) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 6 như sau:

“c) Xác định nội dung, biện pháp tổng thể, chương trình, đề án, dự án phòng, chống thiên tai phù hợp với các cấp độ rủi ro thiên tai và loại thiên tai nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai, chú ý khu vực nguy hiểm và đối tượng dễ bị tổn thương, trong đó tập trung xây dựng kế hoạch quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông; kế hoạch phòng, chống bão mạnh, siêu bão; kế hoạch phòng, chống lũ quét, sạt lở đất; kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn; kế hoạch phòng, chống sạt lở bờ sông do mưa lũ hoặc dòng chảy, sạt lở bờ biển;”.

           Đây là các kế hoạch cụ thể phòng chống những loại hình thiên tai phổ biến, tác động lớn đã được Chính phủ chỉ đạo Bộ và các địa phương thực hiện trong thời gian qua, cần cụ thể hóa trong Luật làm cơ sở để tổ chức thực hiện, phù hợp với các cấp độ rủi ro thiên tai và loại hình thiên tai cụ thể.

           Đồng thời bổ sung quy định giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương xây dựng Kế hoạch phòng, chống thiên tai quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hướng dẫn xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương.

k) Đảm bảo yêu cầu phòng, chống thiên tai

Luật Phòng chống thiên tai năm 2013 đã quy định các hoạt động phải đảm bảo an toàn trước thiên tai cũng như không làm gia tăng nguy cơ rủi ro thiên tai. Tuy nhiên, Luật chỉ mới quy định hoạt động đảm bảo yêu cầu phòng chống thiên tai đối với các dự án đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp khu đô thị, điểm dân cư nông thôn, các công trình hạ tầng kỹ thuật mà chưa đề cập đến nội dung đảm bảo yêu cầu phòng chống thiên tai trong quá trình quản lý, vận hành khai thác và sử dụng cũng như chưa quy định cụ thể các nội dung, đối tượng thực hiện và việc kiểm tra kiểm soát hoạt động đảm bảo yêu cầu phòng chống thiên tai.

          Trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 đã phát sinh một số vấn đề như: (i) Chưa có quy định cụ thể về đảm bảo yêu cầu phòng chống thiên tai cũng như việc kiểm tra, giám sát thực hiện yêu cầu phòng chống thiên tai đối với việc quản lý, vận hành khai thác và sử dụng khu khai thác tài nguyên, khoáng sản, khu đô thị, điểm, khu du lịch, khu công nghiệp, điểm dân cư nông thôn, công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực và các công trình hạ tầng kỹ thuật vẫn còn nhiều hoạt động làm gia tăng rủi ro thiên tai; (ii) Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, khu vực sản xuất, khu nghỉ dưỡng thiếu quan tâm yếu tố thiên tai; (iii) Việc triển khai thực hiện pháp luật về phòng, chống thiên tai đối với tổ chức, hộ gia đình và cá nhân chưa có hướng dẫn cụ thể dẫn đến nhận thức về thiên tai chưa cao cho nên người dân chưa có biện pháp phòng tránh kịp thời; (iv) Chưa có quy định chung về nội dung đảm bảo yêu cầu phòng chống thiên tai; (v) Tiêu chí để thực hiện kiểm tra, giám sát các yêu cầu phòng chống thiên tai khi quản lý, vận hành khai thác sử dụng hoặc xây dựng, nâng cấp công trình phòng chống thiên tai, công trình phục vụ phòng chống thiên tai, công trình và các hoạt động có nguy cơ gia tăng rủi ro thiên tai.

Do đó, Luật đã bổ sung Điều 18a quy định bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong giai đoạn quản lý, sử dụng công trình. Đồng thời sửa đổi, bổ sung Điều 19 quy định bảo đảm yêu cầu phòng chống thiên tai trong giai đoạn đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp khu đô thị, điểm, khu du lịch, khu công nghiệp, điểm dân cư nông thôn; công trình phòng chống thiên tai, giao thông, điện lực và công trình hạ tầng kỹ thuật, cụ thể:

“Điều 18a. Bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc quản lý, vận hành, sử dụng công trình

1. Tổ chức, cá nhân quản lý, vận hành, sử dụng khu khai thác khoáng sản và khu khai thác tài nguyên thiên nhiên khác; khu đô thị; điểm du lịch, khu du lịch; khu công nghiệp; điểm dân cư nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực và công trình hạ tầng kỹ thuật khác phải thực hiện nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong quy chuẩn kỹ thuật, quy định do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

2. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng công trình, nhà ở thuộc quyền sở hữu của mình có trách nhiệm thực hiện các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành.

3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định chung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ban hành quy định cụ thể bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai quy định tại khoản 1 Điều này và tổ chức kiểm tra việc thực hiện.

5. Ủy ban nhân dân các cấp kiểm tra việc thực hiện các tiêu chí bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với hộ gia đình, cá nhân do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định tại khoản 2 Điều này.

6. Quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc quản lý, vận hành, sử dụng công trình quy định tại khoản 1 Điều này phải có nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai”.

 “Điều 19. Bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai đối với việc đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang khu đô thị; điểm du lịch, khu du lịch; khu công nghiệp; điểm dân cư nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực và công trình hạ tầng kỹ thuật khác

1. Chủ đầu tư khi lập và thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang khu đô thị; điểm du lịch, khu du lịch; khu công nghiệp; điểm dân cư nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực và công trình hạ tầng kỹ thuật khác phải bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai, bao gồm:

a) Hạn chế đến mức thấp nhất hoặc không làm tăng nguy cơ rủi ro thiên tai và bảo đảm tính ổn định của công trình trước thiên tai.

b) Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, pháp luật về xây dựng và pháp luật về quy hoạch.

2. Người quyết định đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai trong hồ sơ dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, chỉnh trang khu đô thị; điểm du lịch, khu du lịch; khu công nghiệp; điểm dân cư nông thôn; công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, điện lực và công trình hạ tầng kỹ thuật khác trước khi phê duyệt dự án và quyết định đầu tư.

3. Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân khi xây dựng mới hoặc nâng cấp công trình, nhà ở áp dụng tiêu chuẩn có nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai.

4. Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng công trình phải có nội dung bảo đảm yêu cầu phòng, chống thiên tai”.

       l) Dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai

Khoản 11 Điều 1 quy định sửa đổi, bổ sung quy định về dự báo, cảnh báo và truyền tin về thiên tai như sau:

a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:

1. Thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai phải kịp thời, đủ độ tin cậy, phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng được chuyển tải bằng Tiếng Việt, đặc biệt quan tâm đến đối tượng dễ bị tổn thương và trong trường hợp cần thiết được chuyển tải bằng tiếng dân tộc thiểu số.

b) Bổ sung điểm c vào sau điểm b khoản 2 như sau:

c) Bản tin dự báo, cảnh báo cháy rừng do tự nhiên phải bảo đảm thông tin về khu vực, loại rừng, diện tích, cấp độ rủi ro cháy.

c) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 như sau:

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm ban hành bản tin dự báo, cảnh báo về thiên tai liên quan đến khí tượng, thủy văn và hải văn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm ban hành bản tin dự báo, cảnh báo cháy rừng do tự nhiên”.

Luật sửa đổi quy định về thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai phải “chính xác” thành “đủ độ tin cậy” để phù hợp với thực tiễn về công tác thông tin dự báo, cảnh báo về thiên tai. Trên thực tế, việc dự báo chính xác tuyệt đối là không thể làm được, các nước tiên tiến trên thế giới cũng quy định như vậy. Quy định như trên để phù hợp, thống nhất với Luật Khí tượng thủy văn năm 2015.

           Bổ sung nội dung chính của bản tin dự báo, cảnh báo về cháy rừng do đây là một dạng thiên tai đặc thù, gây thiệt hại nặng nề. Vì vậy, cần phải có bản tin dự báo, cảnh báo để chủ động phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra. Đồng thời, giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm ban hành bản tin dự báo, cảnh báo liên quan đến cháy rừng.

m) Tình huống khẩn cấp, dự án khẩn cấp phòng, chống thiên tai

Tại khoản 15 Điều 1 quy định: “4. Chính phủ quy định cụ thể các cơ quan có trách nhiệm truyền tin; tần suất, thời lượng phát tin chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai; mạng lưới thông tin, trang thiết bị phục vụ hoạt động chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai; tình huống khẩn cấp về thiên tai; các loại dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng”.

           Thời gian qua, trước diễn biến bất thường, cực đoan của thiên tai, đe dọa đến sự an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, một số địa phương đã chủ động ban bố “Tình trạng khẩn cấp” trong thiên tai trên địa bàn nhằm triển khai, áp dụng các biện pháp ứng phó khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai. Tuy nhiên, theo quy định của Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp việc ban bố “Tình trạng khẩn cấp” trong thiên tai của các địa phương chưa phù hợp về thẩm quyền. Vì vậy, cần quy định tình huống khẩn cấp về thiên tai để các địa phương có thể kịp thời ứng phó với các trường hợp thiên tai trên địa bàn, không trái với Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp.

n) Huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ

Tại khoản 19 Điều 1 quy định:

“2. Thẩm quyền huy động, quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ được quy định như sau:

a) Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền huy động nguồn lực của Nhà nước theo thẩm quyền để phục vụ công tác cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ trung hạn theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về dự trữ quốc gia. Việc hỗ trợ dài hạn thực hiện theo kế hoạch hằng năm.

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai để hỗ trợ hoạt động phòng, chống thiên tai, ưu tiên cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ trung hạn theo quy định tại khoản 3 Điều 10 của Luật này.

c) Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện vận động quyên góp, tiếp nhận và phân bổ nguồn lực để cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ trung hạn.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ vận động quyên góp, tiếp nhận nguồn lực để cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ trung hạn và chuyển giao cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để phân bổ.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ở địa phương phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tiếp nhận, phân bổ nguồn lực để cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ trung hạn.

d) Tổ chức, cá nhân được phép quyên góp từ cộng đồng theo quy định của pháp luật có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân nơi được hỗ trợ để thực hiện cứu trợ khẩn cấp, hỗ trợ trung hạn.

đ) Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai có trách nhiệm kêu gọi, tiếp nhận các khoản hỗ trợ khẩn cấp từ quốc tế trong các tình huống khẩn cấp về thiên tai và chuyển giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để phân bổ”.

Việc huy động quyên góp cứu trợ, hỗ trợ thiên tai là hoạt động mang tính nhân đạo xã hội nhằm có thêm nguồn lực xã hội khắc phục hiệu quả, kịp thời khó khăn của người dân vùng bị thiên tai về cả vật chất và tinh thần; mang tính truyền thống lá lành đùm lá rách, tương thân tương ái của người Việt. Hoạt động này đã trở nên thường xuyên mỗi khi có thiên tai lớn. Đây là nguồn lực không nhỏ; trong điều kiện nguồn lực từ ngân sách nhà nước còn hạn chế việc mở rộng thẩm quyền vận động, quyên góp để đa dạng hóa, bổ sung nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước cho công tác cứu trợ, hỗ trợ thiên tai là rất cần thiết.

          Sau khi tiếp nhận, các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm chuyển giao nguồn lực đã vận động, quyên góp, tiếp nhận được cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để phân bổ.

          Ngoài ra, Luật bổ sung thẩm quyền kêu gọi, tiếp nhận các khoản hỗ trợ khẩn cấp nước ngoài trong các tình huống khẩn cấp về thiên tai cho Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai nhằm huy động được nhiều nguồn lực hơn cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai.  Nhiệm vụ này của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã được quy định tại Nghị định số 160/2018/NĐ-CP ngày 29/11/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai.

          o) Về khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai

          Khoản 21 Điều 1 quy định 01 điều về khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế như sau:

“Điều 39a. Khoa học và công nghệ trong phòng, chống thiên tai

1. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát, truyền tin các loại hình thiên tai, tác động của biến đổi khí hậu và các hoạt động có thể làm gia tăng rủi ro thiên tai.

2. Nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, vật liệu mới để nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý, sử dụng công trình phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu; bảo đảm an toàn công trình đê điều, công trình phòng, chống sạt lở, sụt lún đất, hồ, đập và công trình phòng, chống thiên tai khác”.

           Thực tiễn, với tiến bộ khoa học và công nghệ hiện nay thì khoa học và công nghệ đóng vai trò là một nguồn lực quan trọng cho công tác phòng, chống thiên tai. Hiện ở nhiều địa phương đã sử dụng nhiều giải pháp kỹ thuật ứng phó với thiên tai tiết kiệm chi phí, thân thiện với môi trường như sử dụng kè sinh thái thay cho kè cứng; kè du lịch với túi vải địa kỹ thuật ở khu vực xói lở mạnh (đối với khu vực bờ biển, giá thành rẻ); kè phá sóng từ xa hoặc trồng rừng phòng hộ chắn sóng ở các vị trí xung yếu.

            Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013 chưa có quy định cụ thể đối với khoa học, công nghệ trong phòng chống thiên tai, cần bổ sung để tạo hành lang pháp lý, khuyến khích, đẩy mạnh công tác khoa học công nghệ chuyên ngành, đóng góp nâng cao năng lực công tác phòng chống thiên tai.

p) Về cơ quan tham mưu, giúp việc cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh

           Thực tiễn hiện nay, tại cấp tỉnh có đã có Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; tất cả các thành viên của bộ phận này đều hoạt động kiêm nhiệm nên không đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, cần có bộ phận chuyên trách phòng, chống thiên tai làm nhiệm vụ văn phòng thường trực để theo dõi, tham mưu thường xuyên, liên tục cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh. Bộ phận chuyên trách này sử dụng chính đội ngũ cán bộ, công chức hiện có, đang kiêm nhiệm công tác phòng chống thiên tai Chi cục Thủy lợi. Hiện nay, trên toàn quốc có 03 tỉnh có bộ phận chuyên trách hoạt động hiệu quả, gồm Lào Cai, Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu.

           Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đã yêu cầu: kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác phòng, chống thiên tai theo hướng tập trung, thống nhất, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, khắc phục tình trạng phân tán, chồng chéo. Nâng tầm hoạt động của cơ quan phòng chống thiên tai các cấp theo hướng chuyên trách. Vì vậy, việc kiện toàn bộ phận tham mưu cho Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh làm việc chuyên trách là cần thiết. Luật đã bổ sung quy định Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh sử dụng bộ phận hiện có của cơ quan chuyên môn về nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc y ban nhân dân cấp tỉnh làm chuyên trách để tham mưu, giúp việc”, việc bổ sung quy định này để phù hợp với Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW, Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai (tại Mục 5 của Chỉ thị xác định: nâng tầm hoạt động của cơ quan phòng chống thiên tai các cấp theo hướng chuyên trách, trên cơ sở sắp xếp lại tổ chức bộ máy hiện có, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới).        

2. Sửa đổi, bổ sung Luật Đê điều

a) Cấp phép đối với các hoạt động liên quan đến đê điều

Tại khoản 3 Điều 2 quy định như sau:

2. Việc cấp giấy phép cho những hoạt động quy định tại khoản 1 Điều này phải căn cứ vào quy chuẩn kỹ thuật về đê điều, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành. Khi cấp giấy phép cho những hoạt động quy định tại các điểm a, b, c và h khoản 1 Điều này đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II, cấp III, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn”.

Hoạt động nạo vét luồng lạch ở các tuyến sông có đê để đảm bảo giao thông thủy được pháp luật cho phép. Luật Đê điều quy định hoạt động này phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép. Thực tế, việc cấp phép cho hoạt động này còn nhiều bất cập; một số dự án cấp phép trong phạm vi bảo vệ đê điều gây sạt, trượt, hư hỏng công trình đê điều, đe dọa đến an toàn tuyến đê. Vì vậy, cần bổ sung quy định hoạt động nạo vét luồng lạch đối với tuyến sông có đê từ cấp III trở lên phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn đê điều.

b) Bổ sung quy định về bãi nổi, cù lao

          Tại điểm a khoản 7 Điều 2 sửa tên Điều 26 và Điều 27 Luật Đê điều, theo đó bổ sung quy định việc sử dụng bãi nổi, cù lao nơi chưa có công trình xây dựng và việc xử lý công trình, nhà ở hiện có ở bãi nổi, cù lao.

        Bãi nổi và cù lao là hai vùng đất nằm trong phạm vi lòng sông giữa hai đê. Trong thực tiễn, một số bãi nổi, cù lao đã có khu dân cư tồn tại; một số địa phương xuất hiện nhu cầu khai thác quỹ đất tại các bãi nổi, cù lao để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong đó có xây dựng công trình.

        Thực tiễn, một số bãi nổi, cù lao đã có khu dân cư, công trình tồn tại như các bãi nổi trên sông Lam thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, khu du lịch tại bãi nổi La Phù trên sông Đà thuộc tỉnh Phú Thọ…. Tại một số địa phương xuất hiện nhu cầu khai thác quỹ đất tại các bãi nổi, cù lao như tỉnh Nghệ An đề xuất Dự án Khu dịch vụ du lịch, khách sạn tại xóm 7, xã Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên; tỉnh Hà Tĩnh đề xuất Dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch đảo Xuân Giang 2 và vùng ven sông Lam, huyện Nghi Xuân; tỉnh Hải Dương đề xuất Dự án Khu phức hợp sân golf, vui chơi và nghỉ dưỡng sinh thái bãi Soi trên sông Thái Bình, huyện Tứ Kỳ - Thanh Hà; tỉnh Thái Bình đề xuất Dự án đầu tư sân golf quốc tế và dịch vụ du lịch cao cấp tại bãi Tam Tỉnh trên sông Hồng, huyện Hưng Hà…

Tuy nhiên, Điều 26, Điều 27 Luật Đê điều chỉ quy định quản lý ở bãi sông, chưa có quy định đối với bãi nổi, cù lao. Vì vậy, cần bổ sung để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đảm bảo không gian thoát lũ, chứa lũ của tuyến sông, an toàn đê điều như đối với bãi sông đã quy định tại Điều 26, Điều 27.

c) Xây dựng, cải tạo cầu qua sông có đê

Tại khoản 4 Điều 2 bổ sung quy định như sau:

b) Việc xây dựng cầu qua sông có đê phải bảo đảm thoát lũ, thông thoáng dòng chảy; an toàn đê điều theo quy định của Luật này và bảo đảm giao thông đường thủy theo quy định của pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; vật liệu phế thải và lán trại trong quá trình thi công không được ảnh hưởng đến dòng chảy và phải được thanh thải sau khi công trình hoàn thành.

Thủ tướng Chính phủ quy định nội dung bảo đảm thoát lũ, thông thoáng dòng chảy, an toàn đê điều đối với việc xây dựng cầu qua sông có đê”.

Theo quy định tại Luật Đê điều, khi xây dựng cầu qua sông có đê phải có cầu dẫn trên bãi sông. Tuy nhiên, quá trình thực thi Luật, quy định này chưa thực sự phù hợp với thực tiễn như tại những vị trí xây dựng cầu mới mà khoảng cách giữa hai tuyến đê lớn (như cầu Vĩnh Thịnh qua sông Hồng khoảng cách giữa 2 đê khoảng 4,5km, nhiều vị trí trên sông Đáy…); dự án cải tạo mở rộng cầu cũ đã có đường dẫn trên bãi sông mà quy định buộc phải xây dựng cầu dẫn (cầu Phù Đổng 2 trên sông Đuống,…). Tại những dự án này, chủ đầu tư các dự án đều đề nghị chỉ làm cầu dẫn trên dòng chính và một phần bãi sông, đảm bảo khẩu độ về yêu cầu thoát lũ, phần bãi sông còn lại đề nghị sử dụng giải pháp đắp đường dẫn (thay cho cầu dẫn như quy định của Luật) để giảm quy mô, chiều dài cầu, giảm chi phí đầu tư.

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Đa dạng các hoạt động tuyên truyền pháp luật trong trường học
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi năm 2022) được Quốc hội khoá XV kỳ họp thứ 14 thông qua vào ngày 14/11/2022, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Theo đó, Luật được ban hành với những nội dung cơ bản như sau:
Ngày 15/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (Luật số 14/2022/QH15), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2023, Luật gồm những nội dung cơ bản như sau:
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023. Theo đó, Luật được ban hành với những nội dung cơ bản như sau: