Một số văn bản có hiệu lực từ tháng 6 năm 2023
1. Quyết định số 13/2023/QĐ-TTg ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất
Cụ thể, phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất gồm: Phế liệu sắt, thép, gang; phế liệu và mẩu vụn của nhựa (plastic); phế liệu giấy; phế liệu thủy tinh; phế liệu kim loại màu.
Trong đó, phế liệu sắt, thép, gang gồm: Phế liệu và mảnh vụn của gang đúc (mã HS 7204 10 00); phế liệu và mảnh vụn của thép hợp kim: Bằng thép không gỉ (mã HS 7204 21 00); phế liệu và mảnh vụn của thép hợp kim: Loại khác (mã HS 7204 29 00); phế liệu và mảnh vụn của sắt hoặc thép tráng thiếc (mã HS 7204 30 00); phế liệu và mảnh vụn khác: Phoi tiện, phoi bào, mảnh vỡ, vảy cán, mạt cưa, mạt giũa, phoi cắt và bavia, đã hoặc chưa được ép thành khối hoặc đóng thành kiện, bánh, bó (mã HS 7204 41 00); phế liệu và mảnh vụn khác: Loại khác (mã HS 7204 49 00).
Phế liệu và mẩu vụn của nhựa (plastic) gồm: Từ các polyme từ etylen: Dạng xốp, không cứng (mã HS 3915 10 10); từ các polyme từ etylen: Loại khác (mã HS 3915 10 90); từ các polyme từ styren: Loại khác: Polyme Styren (PS), Acrylonitrin Butadien Styren (ABS); High Impact Polystyrene (HIPS); Expanded Polystyrene (EPS) (mã HS 3915 20 90);...
Phế liệu giấy: Giấy kraft hoặc bìa kraft hoặc giấy hoặc bìa sóng, chưa tẩy trắng (mã HS 4707 10 00); giấy hoặc bìa khác được làm chủ yếu bằng bột giấy thu được từ quá trình hóa học đã tẩy trắng, chưa nhuộm màu toàn bộ (mã HS 4707 20 00); giấy hoặc bìa được làm chủ yếu bằng bột giấy thu được từ quá trình cơ học (ví dụ, giấy in báo, tạp chí và các ấn phẩm tương tự) (mã HS 4707 30 00).
Tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất chỉ được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cho cơ sở của mình theo đúng công suất thiết kế để sản xuất ra các sản phẩm, hàng hóa.
Về điều khoản chuyển tiếp, phế liệu giấy có mã HS 4707 90 00 được phép nhập khẩu từ nước ngoài theo giấy phép môi trường thành phần (Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất) đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước ngày 1/6/2023 được tiếp tục nhập khẩu đến hết hiệu lực của giấy phép môi trường thành phần.
Các phế liệu và mẩu vụn của nhựa có mã HS 3915 90 00 được phép nhập khẩu từ nước ngoài theo giấy phép môi trường thành phần hoặc giấy phép môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước ngày 1/6/2023 được tiếp tục nhập khẩu đến hết hiệu lực của giấy phép môi trường thành phần hoặc giấy phép môi trường theo các mã HS tương ứng quy định trong Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất ban hành kèm theo Quyết định này.
Các loại phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài theo giấy phép môi trường thành phần hoặc giấy phép môi trường đã được cơ quan có thẩm quyền cấp trước ngày 1/6/2023 có tên gọi khác (nhưng mã HS không thay đổi) so với Quyết định này thì được tiếp tục nhập khẩu đến hết hiệu lực của giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần.
Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2023 và thay thế Quyết định số 28/2020/QĐ-TTg ngày 24/9/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.
2. Thông tư số 23/2023/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thông tư này quy định chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; bao gồm: tài sản cố định tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội; tài sản cố định là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp của tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội quy định tại khoản 1 Điều 69, khoản 2 Điều 70 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thông tư này không điều chỉnh đối với: tài sản cố định đang thuê hoạt động; tài sản cố định bảo quản hộ, giữ hộ, cất giữ hộ Nhà nước hoặc các tổ chức, cá nhân khác; tài sản cố định là tài sản đặc biệt, tài sản chuyên dùng tại đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 64 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao đối với các tài sản này thực hiện theo quy định riêng của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng do Nhà nước đầu tư, quản lý được giao cho đối tượng quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Các loại tài sản cố định
Theo Thông tư số 23/2023/TT-BTC, có 2 cách phân loại tài sản cố định
Phân loại theo tính chất, đặc điểm tài sản:
Theo cách phân loại này, tài sản cố định hữu hình là những tài sản có hình thái vật chất, có kết cấu độc lập hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định; gồm:
- Loại 1: Nhà, công trình xây dựng; gồm: Nhà làm việc; nhà kho; nhà hội trường; nhà câu lạc bộ; nhà văn hóa; nhà tập luyện và thi đấu thể thao; nhà bảo tồn, bảo tàng; nhà trẻ; nhà mẫu giáo; nhà xưởng; phòng học; nhà giảng đường; nhà ký túc xá; phòng khám, chữa bệnh; nhà an dưỡng; nhà khách; nhà ở công vụ và nhà, công trình xây dựng khác.
- Loại 2: Vật kiến trúc; gồm: Kho chứa, bể chứa, bãi đỗ, sân phơi, sân chơi, sân thể thao, bể bơi, giếng khoan, giếng đào, tường rào và vật kiến trúc khác.
- Loại 3: Xe ô tô; gồm: Xe ô tô phục vụ công tác các chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung, xe ô tô chuyên dùng, xe ô tô phục vụ lễ tân nhà nước và xe ô tô khác.
- Loại 4: Phương tiện vận tải khác (ngoài xe ô tô); gồm: Phương tiện vận tải đường bộ, phương tiện vận tải đường sắt, phương tiện vận tải đường thủy, phương tiện vận tải hàng không và phương tiện vận tải khác.
- Loại 5: Máy móc, thiết bị; gồm: Máy móc, thiết bị văn phòng phổ biến; máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị; máy móc, thiết bị chuyên dùng và máy móc, thiết bị khác.
- Loại 6: Cây lâu năm, súc vật làm việc và/hoặc cho sản phẩm.
- Loại 7: Tài sản cố định hữu hình khác.
Tài sản cố định vô hình là những tài sản không có hình thái vật chất mà cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã đầu tư chi phí tạo lập tài sản hoặc được hình thành qua quá trình hoạt động; gồm:
- Loại 1: Quyền sử dụng đất.
- Loại 2: Quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả.
- Loại 3: Quyền sở hữu công nghiệp.
- Loại 4: Quyền đối với giống cây trồng.
- Loại 5: Phần mềm ứng dụng.
- Loại 6: Thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập.
Tài sản cố định đặc thù là những tài sản không xác định được chi phí hình thành hoặc không đánh giá được giá trị thực nhưng yêu cầu phải quản lý chặt chẽ về hiện vật (như: cổ vật, hiện vật trưng bày trong bảo tàng, lăng tẩm, di tích lịch sử được xếp hạng, tài liệu cổ, tài liệu quý hiếm...), tài sản cố định là thương hiệu của đơn vị sự nghiệp công lập.
Căn cứ vào tình hình thực tế và yêu cầu quản lý đối với những tài sản quy định tại điểm này, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (sau đây gọi là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) ban hành Danh mục tài sản cố định đặc thù thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương (theo Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này) để thống nhất quản lý.
Phân loại theo nguồn gốc hình thành tài sản:
a) Tài sản cố định hình thành do mua sắm.
b) Tài sản cố định hình thành do đầu tư xây dựng.
c) Tài sản cố định được giao, nhận điều chuyển.
d) Tài sản cố định được tặng cho, khuyến mại (bao gồm cả trường hợp nhà cung cấp đổi tài sản cũ bằng tài sản mới sau một thời gian sử dụng theo chính sách của nhà sản xuất/nhà cung cấp).
đ) Tài sản cố định khi kiểm kê phát hiện thừa (chưa được theo dõi trên sổ kế toán).
e) Tài sản cố định đơn vị sự nghiệp công lập được nhận sau khi hết thời hạn liên doanh, liên kết theo quy định tại khoản 6 Điều 47 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sau đây gọi là Nghị định số 151/2017/NĐ-CP).
g) Tài sản cố định được hình thành từ nguồn khác.
Tính hao mòn tài sản cố định thực hiện mỗi năm 01 lần vào tháng 12
Thông tư nêu rõ, việc tính hao mòn tài sản cố định thực hiện mỗi năm 01 lần vào tháng 12, trước khi khóa sổ kế toán.
Đối với tài sản cố định mà cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận từ cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp khác theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong năm thì việc tính hao mòn trong năm đó được thực hiện tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp tiếp nhận tài sản.
Mức hao mòn hàng năm của từng tài sản cố định (trừ trường hợp quy định riêng) được xác định theo công thức sau:
Mức hao mòn hàng năm của từng tài sản cố định= Nguyên giá của tài sản cố định x Tỷ lệ hao mòn (% năm)
Trong đó, tỷ lệ hao mòn được xác định theo quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này, quy định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 13 Thông tư này.
Thông tư này thay thế Thông tư số 45/2018/TT-BTC ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản cố định tại cơ quan, tổ chức, đơn vị và tài sản cố định do Nhà nước giao cho doanh nghiệp quản lý không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/6/2023 và được áp dụng từ năm tài chính 2023.
3. Thông tư số 03/2023/TT-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung Điều 3 Thông tư số 09/2021/TT-BXD ngày 16 tháng 8 năm 2021 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.
Thông tư 03/2023/TT-BXD sửa đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 3 về nguyên tắc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu.
Theo đó, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 2, 3, 5 và 6 Điều 11 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư và các điều kiện sau:
a- Không sử dụng nguồn vốn quy định tại khoản 1 Điều 53 Luật Nhà ở để đầu tư xây dựng công trình;
b- Không thuộc các trường hợp quy định tại điểm c và d khoản 2 Điều 57 Luật Nhà ở;
c- Đã có Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư;
d- Có quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật.
Trường hợp chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt thì phải thuộc khu vực đã được phê duyệt quy hoạch phân khu đối với khu vực có yêu cầu phải lập quy hoạch phân khu, hoặc đã được phê duyệt quy hoạch chung đối với khu vực không yêu cầu lập quy hoạch phân khu. Đồng thời, khu đất dự kiến thực hiện dự án nhà ở phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết căn cứ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng, điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của khu vực để quy định các chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch và các yêu cầu liên quan về kết nối hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật.
Thông tư 03/2023/TT-BXD có hiệu lực từ ngày 15/6/2023.
4. Thông tư số 09/2023/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 06 tháng 5 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế Hướng dẫn khám sức khỏe.
Trong đó, sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 6 Thông tư 14/2013/TT-BYT như sau:
Đối với trường hợp khám sức khỏe định kỳ, khám theo nội dung ghi trong Sổ khám sức khỏe định kỳ quy định tại Phụ lục 3a ban hành kèm theo Thông tư này (Mẫu sổ mới bổ sung nội dung khám tiền sử sản phụ khoa; khám lâm sàng phụ sản).
Đối với lao động nữ, khi khám sức khỏe định kỳ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục quy định tại Phụ lục 3b ban hành kèm theo Thông tư này. Cụ thể, theo Phụ lục 3b, lao động nữ khi khám sức khỏe định kỳ được khám chuyên khoa phụ sản, gồm 4 nội dung:
1- Khám phụ khoa;
2- Sàng lọc ung thư cổ tử cung;
3- Sàng lọc ung thư vú;
4- Siêu âm tử cung-phần phụ (khi có chỉ định của bác sỹ khám).
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 6 năm 2023.
Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Y tế (Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em; Cục Quản lý Khám, chữa bệnh) để xem xét, giải quyết.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 6 năm 2023.
5. Thông tư số 01/2023/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được.
Thông tư này quy định về danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được.
09 danh mục máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được
Thông tư liệt kê 09 danh mục máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được bao gồm:
Danh mục phương tiện vận tải chuyên dùng trong nước đã sản xuất được (Chi tiết tại Phụ lục I với tổng số 128 mặt hàng);
Danh mục máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong nước đã sản xuất được (Chi tiết tại Phụ lục II với tổng số 294 mặt hàng);
Danh mục vật tư xây dựng trong nước đã sản xuất được (Chi tiết tại Phụ lục III với tổng số 85 mặt hàng);
Danh mục nguyên liệu, vật tư, linh kiện, phụ tùng thay thế trong nước đã sản xuất được (Chi tiết tại Phụ lục IV với tổng số 542 mặt hàng);
Danh mục linh kiện, phụ tùng xe ô tô trong nước đã sản xuất được (Chi tiết tại Phụ lục V với 652 mặt hàng);
Danh mục máy móc, thiết bị, vật tư cần cho hoạt động dầu khí trong nước đã sản xuất được (Chi tiết tại Phụ lục VI với 84 mặt hàng);
Danh mục nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm cho đóng tàu trong nước đã sản xuất được (Chi tiết tại Phụ lục VII với 02 mặt hàng);
Danh mục máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư, linh kiện ngành viễn thông - công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm trong nước đã sản xuất được (Chi tiết tại Phụ lục VIII với 134 mặt hàng);
Danh mục giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong nước đã sản xuất được (Chi tiết tại Phụ lục IX với 121 mặt hàng).
Nguyên tắc xác định, đối chiếu thông tin
Về nguyên tắc xác định, đối chiếu thông tin, Thông tư nêu rõ, việc xác định hàng hóa trong nước đã sản xuất được phải căn cứ vào "Tên mặt hàng" và "Ký hiệu quy cách, đặc tính kỹ thuật". Đối với "Mã số theo biểu thuế nhập khẩu" chỉ để tra cứu, việc xác định mã số đối với hàng hóa nhập khẩu thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.
Các danh mục hàng hóa quy định nêu trên là căn cứ xác định hàng hóa trong nước chưa sản xuất được và không bao gồm hết các hàng hóa khác trong nước đã sản xuất được nhưng chưa được quy định tại Thông tư này.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 09/6/2023.