Sự phát triển của Làng hương thôn Báo Ân – xã Thạch Mỹ

Để có được như ngày hôm nay, người dân Thạch Mỹ không bao giờ quên công lao của ông Phạm Văn Kiểm, trước làm ở Bộ Vật tư. Sau những ngày đi sơ tán, ông Kiểm đã bén duyên với người con gái ở làng làm hương nổi tiếng thuộc huyện Thạch Thất, Hà Tây cũ (nay là Hà Nội) là bà Trần Thị Lý. Năm 1963, ông, bà rời Hà Nội về Thạch Mỹ sinh sống. Nghề làm hương đã cùng bà về Thạch Mỹ từ đây. Sau khi về quê bà đã sản xuất hương và truyền nghề cho những người dân trong làng từ đó đến nay nghề hương vẫn duy trì và phát triển.

Đến nay, trong thôn có 51 hộ tham gia làm nghề với 107 lao động. Trước kia, khi chưa có các máy móc hiện đại, người thợ tạo ra sản phẩm phải trải qua nhiều công đoạn bằng tay. Từ công đoạn vuốt,  xe cọng hương đến nhúng, kết dính hương vào tăm... đều thao tác bằng tay nên năng suất còn thấp. Nay, với thiết bị máy móc tự động được áp dụng đã giúp tăng năng suất sản phẩm.

Để cho ra sản phẩm hương có mùi thơm đặc trưng, người thợ trộn chung hỗn hợp gồm: Bột vỏ cây quế, bột cưa, bột dẻo cùng nước, xoay mịn theo tỷ lệ nhất định. Để tạo ra những cây hương có chất lượng, người thợ phải trải qua các công đoạn trộn nguyên liệu, se nhang, phơi khô và đóng gói.Thông qua máy kết dính, cọng hương được cho ra với số lượng hàng chục cọng mỗi phút. Trung bình mỗi năm, làng nghề thôn Báo Ân cho ra thị trường khoảng 800 tấn sản phẩm các loại. Giá bán hương có nhiều mức, có loại 4.000 đồng/bó, 20.000 đồng/bó... tùy thuộc vào từng loại như hương quế, hương trầm.

Cũng giống như bao làng nghề truyền thống khác, nghề làm hương không gò bó về mặt thời gian, và kỹ thuật cũng không quá khó nên độ tuổi nào cũng có thể tham gia vào quá trình làm hương, từ trẻ nhỏ đến người già, từ người thợ lành nghề đến những người nông dân tranh thủ lúc nông nhàn, mỗi người đều có thể đóng góp một khâu trong quá trình làm hương: chẻ chân hương thì cần bàn tay dày dặn kinh nghiệm của người già, phơi hương thì cần sự khéo léo, tỉ mẩn của người phụ nữ, còn gói hương thì trẻ em 8,9 tuổi cũng có thể giúp cha mẹ làm được ngoài những lúc học hành, vui chơi. 

Làm hương trải qua nhiều công đoạn, nhưng giai đoạn quan trọng nhất quyết định chất lượng hương chính là phơi, bởi phải gặp nắng thì hương mới khô và thơm được. Chính vì vậy, đến với làng hương thôn Báo Ân, xã Thạch Mỹ vào những ngày nắng ráo nhất là vào dịp cuối năm, đâu đâu người ta cũng thấy những bó hương vàng ruộm quyện với chân hương đỏ thắm phơi khắp thôn xóm và thoảng mùi hương trầm ngào ngạt. Sân nhà nào nhà nấy là những bó hương nhìn như những bông hoa đang khoe sắc giữa cái nắng oi ả.

Những năm gần đây, nghề làm hương ngày càng phát triển, sản xuất ra các mặt hàng phục vụ đời sống sinh hoạt tâm linh cho người dân địa phương và mọi miền Tổ quốc. Nén hương thơm của làng nghề thôn Báo Ân xã Thạch Mỹ đã góp phần làm nên nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của người dân. Hiện nay, UBND xã Thạch Mỹ đang xây dựng hồ sơ đề nghị các cấp các ngành công nhận làng nghề hương thôn Báo Ân, đây là tiền để để bảo vệ nét đẹp văn hóa lâu đời và điều kiện để mở rộng và phát triển làng nghề trong tương lai.

                                                                                                                       Bùi Hoa

 

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN