Chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 9/2022

Danh mục vị trí công tác thuộc lĩnh vực Đầu tư phải định kỳ chuyển đổi, quy định mới về chi phí lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh và đánh giá quy hoạch di tích là những chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ cuối tháng 9/2022. 

1.     08 vị trí công tác thuộc lĩnh vực Đầu tư phải định kỳ chuyển đổi

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 18/2022/TT-BKHĐT ngày 08/8/2022 về danh mục và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc thuộc lĩnh vực Đầu tư ở địa phương.

Trong đó, quy định danh mục vị trí công tác thuộc lĩnh vực Đầu tư phải thực hiện định kỳ chuyển đổi bao gồm:

- Thẩm định, cấp giấy chứng nhận đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam và của Việt Nam ra nước ngoài.

- Thẩm định dự án.

- Đấu thầu và quản lý đấu thầu.

- Lập, phân bổ, quản lý kế hoạch vốn.

- Quản lý quy hoạch.

- Quản lý khu công nghiệp - khu chế xuất - khu kinh tế.

- Quản lý doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh.

- Quản lý vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Lưu ý: Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và viên chức trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc là từ đủ 03 năm đến 05 năm.

Thông tư 18/2022/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 30/9/2022.

2. Chi phí lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh và đánh giá quy hoạch di tích

Nội dung đề cập tại Nghị định 67/2022/NĐ-CP sửa đổi Điều 4 Nghị định 166/2018/NĐ-CP quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Theo đó, chi phí lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh và đánh giá quy hoạch di tích được sử dụng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

(Trước đây, theo Nghị định 166/2018/NĐ-CP thì chi phí cho hoạt động lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh và đánh giá quy hoạch di tích thực hiện theo quy định tại Điều 9 Luật Quy hoạch. Cụ thể:

- Chi phí lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố và điều chỉnh quy hoạch được sử dụng từ vốn đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

- Chi phí đánh giá quy hoạch được sử dụng từ nguồn kinh phí thường xuyên theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước).

Lưu ý: Nhiệm vụ lập quy hoạch di tích, quy hoạch di tích đã được phê duyệt trước ngày 21/9/2022 thì chi phí lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh và đánh giá quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được tiếp tục thực hiện theo quy định tại Điều 9 Luật Quy hoạch.

Nghị định 67/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 21/9/2022.

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Một số văn bản pháp luật có hiệu lực từ tháng 10 năm 2023
Một số văn bản pháp luật có hiệu lực từ tháng 9 năm 2023
Một số văn bản pháp luật có hiệu lực từ tháng 8 năm 2023
Tháng 7/2023 là tháng có nhiều chính sách quan trọng mang đến nhiều thay đổi với cán bộ, công chức, viên chức như: Tăng lương cơ sở, chính sách tinh giản biên chế…
Ngày 10/11/2022, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.
Khi điều chỉnh lương cơ sở, nhiều khoản tiền, trợ cấp dành cho người lao động ngoài nhà nước cũng sẽ được điều chỉnh tăng thêm, cụ thể gồm 12 khoản tiền sau: