ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU LUẬT CĂN CƯỚC CÔNG DÂN

Luật căn cước công dân gồm có 6 chương 39 điều, cụ thể như sau:

1. Chương I. Quy định chung gồm 7 điều (từ Điều 1 đến Điều 7), quy định về: phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; quyền và nghĩa vụ của công dân về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước công dân; các hành vi bị nghiêm cấm.

2. Chương II. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân gồm 2 mục và 10 điều (từ Điều 8 đến Điều 17).

- Mục 1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (từ Điều 8 đến Điều 13): quy định về yêu cầu xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thông tin về công dân được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; mối quan hệ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; số định danh cá nhân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thu thập, cung cấp và cập nhật thông tin, tài liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

- Mục 2. Cơ sở dữ liệu căn cước công dân (từ Điều 14 đến Điều 17): quy định về yêu cầu xây dựng và quản lý Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thu thập, cung cấp, cập nhật thông tin, tài liệu vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; khai thác, cung cấp, trao đổi, sử dụng dữ liệu căn cước công dân.

3. Chương III. Thẻ Căn cước công dân và quản lý thẻ Căn cước công dân gồm 2 mục và 11 điều (từ Điều 18 đến Điều 28).

- Mục 1. Thẻ Căn cước công dân (từ Điều 18 đến Điều 21): quy định về nội dung thể hiện trên thẻ Căn cước công dân; người được cấp thẻ Căn cước công dân và số thẻ Căn cước công dân; giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân; độ tuổi đổi thẻ Căn cước công dân.

- Mục 2. Cấp, đổi, cấp lại, thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân (từ Điều 22 đến Điều 28): quy định về trình tự, thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân; các trường hợp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân; trình tự, thủ tục đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân; thời hạn cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân; nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân; thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân; thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân.

4. Chương IV. Bảo đảm điều kiện cho hoạt động quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân gồm 5 điều (từ Điều 29 đến Điều 33), quy định cụ thể về: bảo đảm cơ sở hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; người làm công tác quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và lệ phí cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân; bảo vệ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

5. Chương V. Trách nhiệm quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân gồm 4 điều (từ Điều 34 đến Điều 37), quy định cụ thể về: trách nhiệm quản lý nhà nước về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; trách nhiệm của Bộ Công an; trách nhiệm của các bộ, ngành; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

6. Chương VI. Điều khoản thi hành gồm 2 điều (Điều 38 và Điều 39), quy định về hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp; quy định chi tiết thi hành Luật.

IV. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT CĂN CƯỚC CÔNG DÂN

1. Chương I. Quy định chung

a) Về phạm vi điều chỉnh

Điểm đáng chú ý là Luật căn cước công dân quy định cả về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bởi vì, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dữ liệu gốc, tập hợp thông tin cơ bản về công dân được dùng chung cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đây cũng là nội dung trọng tâm trong Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Đề án 896), là căn cứ để cấp thẻ Căn cước công dân nhằm thay Chứng minh nhân dân, giảm các giấy tờ công dân. Hiện nay, Bộ Công an được giao xây dựng và quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, vừa phù hợp với chức năng quản lý nhà nước về dân cư, vừa bảo đảm khả năng triển khai thực hiện và an ninh, an toàn của Cơ sở dữ liệu này. Vì vậy, việc quy định Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong Luật này là phù hợp.

b) Trong Chương này, Luật quy định một số nội dung mới mà pháp luật hiện hành về căn cước công dân chưa quy định, như nguyên tắc quản lý căn cước công dân, quyền và nghĩa vụ của công dân về căn cước công dân, trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước công dân, các hành vi bị nghiêm cấm.

2. Chương II. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân

a) Về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài sản quốc gia, được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia (Điều 10). Đây là cơ sở dữ liệu dùng chung do Bộ Công an quản lý, tập hợp thông tin cơ bản của tất cả công dân Việt Nam, gồm 15 trường thông tin: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; q quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; tình trạng hôn nhân; nơi thường trú; nơi ở hiện tại; nhóm máu, khi công dân yêu cầu cập nhật và xuất trình bản kết luận về xét nghiệm xác định nhóm máu của người đó; họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ; ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.

Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là căn cứ để cơ quan, tổ chức kiểm tra, thống nhất thông tin về công dân. Trường hợp thông tin về công dân trong các cơ sở dữ liệu chuyên ngành hoặc giấy tờ đã cấp không phù hợp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì phải theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Điều 11).

Số định danh cá nhân được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Số định danh cá nhân do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và cấp cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác (Điều 12). Số định danh cá nhân là số tự nhiên duy nhất cấp cho mỗi công dân và được ghi lên thẻ Căn cước công dân.

b) Về Cơ sở dữ liệu căn cước công dân

Cơ sở dữ liệu căn cước công dân là cơ sở dữ liệu chuyên ngành nên Điều 15 Luật căn cước công dân quy định nội dung thông tin được thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân ngoài các thông tin có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn có các thông tin đặc thù khác gồm ảnh chân dung; đặc điểm nhân dạng; vân tay; họ, tên gọi khác; số, ngày, tháng, năm và nơi cấp Chứng minh nhân dân; nghề nghiệp, trừ quân nhân tại ngũ; trình độ học vấn; ngày, tháng, năm công dân thông báo mất Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân.

3. Chương III. Thẻ Căn cước công dân và quản lý thẻ Căn cước công dân

a) Về tên gọi của giấy tờ về căn cước công dân

Luật lấy tên gọi của giấy tờ về căn cước công dân là thẻ Căn cước công dân để thay cho tên gọi "Chứng minh nhân dân" như hiện nay. Tên gọi này phù hợp với bản chất, nội hàm, giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân. Hiện nay, đa số các nước trên thế giới sử dụng tên gọi Căn cước công dân.

b) Về độ tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân

Điều 19 Luật căn cước công dân quy định công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân để bảo đảm tính ổn định của các thông tin về nhân dạng của công dân đã được quy định trong Luật. Như vậy, đối với người nước ngoài, người không quốc tịch sinh sống tại Việt Nam thì không thuộc đối tượng được cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định của Luật này, mà được điều chỉnh bởi Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

c) Về độ tuổi đổi thẻ Căn cước công dân

Pháp luật trước đây quy định thời hạn sử dụng của giấy tờ về căn cước công dân là 15 năm, kể từ ngày cấp. Để giảm bớt việc phải đổi thẻ so với trước đây thì Luật quy định thẻ Căn cước công dân chỉ phải đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi. Đồng thời, Luật cũng quy định trường hợp thẻ Căn cước công dân được cấp, đổi, cấp lại trong thời hạn 2 năm trước tuổi nêu trên thì vẫn có giá trị sử dụng đến tuổi đổi thẻ tiếp theo.

d) Về giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân

Điều 20 Luật căn cước công dân khẳng định rõ giá trị sử dụng của thẻ Căn cước công dân; theo đó, thẻ Căn cước công dân có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Thẻ này được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân để kiểm tra về căn cước và các thông tin trên thẻ. Khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin đã có trên thẻ.

đ) Về trình tự, thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân

Luật quy định một số nội dung nhằm loại bỏ các giấy tờ không cần thiết khi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân. Theo đó, công dân đến làm thẻ Căn cước công dân chỉ cần kê khai vào tờ khai cấp thẻ Căn cước công dân theo mẫu quy định. Cán bộ cơ quan quản lý căn cước công dân phải kiểm tra, đối chiếu thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác định chính xác người cần cấp thẻ Căn cước công dân mà không được yêu cầu công dân xuất trình sổ hộ khẩu như hiện nay; trường hợp công dân chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì mới phải xuất trình các giấy tờ hợp pháp về những thông tin cần ghi trong tờ khai theo mẫu quy định. 

Về thủ tục cấp lại thẻ Căn cước công dân, người đến làm thủ tục chỉ cần điền vào tờ khai theo mẫu quy định mà không cần xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn vì các thông tin về công dân đã được lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Quy định này sẽ tạo thuận tiện hơn cho công dân để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

Một điểm mới đáng chú ý khác là Luật quy định trường hợp công dân có yêu cầu trả thẻ tại địa điểm theo yêu cầu của công dân thì cơ quan quản lý căn cước công dân trả thẻ tại địa điểm đó và công dân phải trả phí dịch vụ chuyển phát. Quy định này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công dân không phải đến lấy thẻ Căn cước công dân tại nơi làm thủ tục.

e) Về nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân

Pháp luật trước đây chỉ quy định công dân làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại giấy tờ về căn cước công dân tại Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu cấp, đổi, cấp lại giấy tờ về căn cước công dân ngày càng tăng của công dân, Luật căn cước công dân quy định công dân có thể lựa chọn một trong các nơi dưới đây để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân:

- Cơ quan quản lý căn cước công dân của Bộ Công an;

- Cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Cơ quan quản lý căn cước công dân của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương.

- Ngoài ra, Luật còn quy định cơ quan quản lý căn cước công dân có thẩm quyền tổ chức làm thủ tục cấp thẻ Căn cước công dân tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân trong trường hợp cần thiết.

Như vậy, công dân có thể lựa chọn nơi làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân theo quy định trên mà không phụ thuộc vào nơi cư trú. Quy định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi lớn cho công dân, nhất là đối với những người đi làm ăn ở địa phương xa nơi thường trú của mình, họ có thể đến ngay cơ quan quản lý căn cước công dân nơi gần nhất để làm thủ tục cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân mà không nhất thiết phải trở về nơi thường trú để thực hiện.

4. Chương IV. Bảo đảm điều kiện cho hoạt động quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân

a) Về lệ phí khi được cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân

Pháp luật trước đây quy định công dân phải nộp lệ phí khi được cấp, đổi, cấp lại giấy tờ về căn cước công dân (Chứng minh nhân dân). Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, Điều 32 Luật căn cước công dân quy định công dân không phải nộp lệ phí khi cấp thẻ Căn cước công dân lần đầu; đổi thẻ Căn cước công dân khi đến tuổi đổi thẻ theo quy định của Luật hoặc có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân do lỗi của cơ quan quản lý căn cước công dân. Các trường hợp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân khác thì mới phải nộp lệ phí.

b) Về phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

- Điều 32 Luật căn cước công dân quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư không phải nộp phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí nếu thuộc hai trường hợp sau đây:

+ Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình;

+ Công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

- Tổ chức và cá nhân không thuộc hai trường hợp nêu trên, nếu có nhu cầu khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và phải nộp phí theo quy định của pháp luật.

5. Chương V. Trách nhiệm quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân

Đây là quy định mới nhằm tăng cường quản lý về căn cước công dân, phân định rõ trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong quản lý căn cước công dân. Theo đó:

a) Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về căn cước công dân.

b) Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về căn cước công dân, gồm những nhiệm vụ sau:

- Ban hành, phối hợp ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

- Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

- Đình chỉ, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ những quy định về quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân của cơ quan, tổ chức trái với quy định của Luật này.

- Chỉ đạo việc sản xuất, quản lý thẻ Căn cước công dân.

- Quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ về quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

- Quy định chi tiết thủ tục, trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân; ban hành biểu mẫu dùng trong quản lý căn cước công dân; quy định về quản lý tàng thư căn cước công dân.

- Tổ chức bộ máy, trang bị phương tiện, đào tạo, huấn luyện cán bộlàm công tác quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; tổ chức sơ kết, tổng kết, nghiên cứu khoa học về công tác quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

- Thống kê nhà nước về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

- Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân theo quy định của pháp luật.

- Hợp tác quốc tế về quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

c) Các Bộ, ngành có trách nhiệm:

- Hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện các quy định của pháp luật về căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

- Phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban nhân nhân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong quản lý nhà nước về căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Riêng đối với Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngoài trách nhiêm chung còn phải thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ của mình, cụ thể như sau:

- Bộ Tư pháp tổ chức thực hiện và chỉ đạo các cơ quan đăng ký hộ tịch cung cấp, cập nhật thông tin về hộ tịch của công dân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

- Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với bộ, ngành liên quan xây dựng cơ chế, chính sách công nghệ thông tin có liên quan về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

- Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an bố trí kinh phí thường xuyên cho hoạt động của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; kinh phí bảo đảm cho việc cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân; quy định cụ thể đối tượng, mức thu và việc quản lý, sử dụng phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông bố trí nguồn vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước để xây dựng, duy trì hoạt động cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, bảo đảm cho việc cấp, đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân.

d) Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

- Triển khai, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân tại địa phương.

- Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

- Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân theo quy định của pháp luật.

6. Chương VI. Điều khoản thi hành

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016. Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật. Các loại biểu mẫu đã phát hành có quy định sử dụng thông tin từ Chứng minh nhân dân được tiếp tục sử dụng đến hết ngày 31/12/2019. Địa phương chưa có điều kiện về cơ sở hạ tầng thông tin, vật chất, kỹ thuật và người quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để triển khai thi hành theo Luật này thì công tác quản lý công dân vẫn thực hiện theo các quy định của pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực; chậm nhất từ ngày 01/01/2020 phải thực hiện thống nhất theo quy định của Luật này.

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Đa dạng các hoạt động tuyên truyền pháp luật trong trường học
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi năm 2022) được Quốc hội khoá XV kỳ họp thứ 14 thông qua vào ngày 14/11/2022, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Theo đó, Luật được ban hành với những nội dung cơ bản như sau:
Ngày 15/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (Luật số 14/2022/QH15), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2023, Luật gồm những nội dung cơ bản như sau:
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023. Theo đó, Luật được ban hành với những nội dung cơ bản như sau: