Di tích lịch sử văn hoá nhà thờ Trần Công Tín
Trong dòng chảy văn hóa lịch sử của vùng đất Lộc Hà, thị trấn Lộc Hà là địa phương có nhiều danh nhân, dòng họ có vai trò, vị trí quan trọng, đóng góp nhiều công lao cho sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ đất nước như dòng họ Phan Văn, họ Phan Đình, họ Phan Hữu, họ Nguyễn Văn, con cháu dòng họ Đặng Đôn Phục, tướng công Phạm Văn Hạnh, tướng công Nguyễn Văn Thúc…
Dưới thời Hậu Lê, vào khoảng giữa thế kỷ 16: chúng ta tự hào với công trạng của Đại Tướng công Trần Công Tín đã gắn bó với cuộc đời binh nghiệp phò Lê dẹp Mạc. Sự tích của ngài được con cháu lưu truyền qua nhiều thế hệ, truyền tụng để phát huy.
Theo gia phả và truyền ngôn, Dòng họ Trần Công (thị trấn Lộc Hà) nguyên gốc xuất xứ từ vùng Thanh Hóa, di dân đến làm ăn và sinh sống ở vùng biển ngang huyện Lộc Hà từ cuối thế kỷ 15 sang đầu thế kỷ 16, đến nay đã trải qua 25 thế hệ con cháu nối tiếp nhau. Thủy tổ của họ Trần Công là Đại tướng quân, tiền dịnh xuyên quận chỉ huy cơ sứ Trần Công húy Đại, một võ quan triều Trần. Ngài Thần tổ trần Công Tín là đời thứ 6, sinh năm Bính Dần 1506 tại bản quán làng Xuân Hòa. Ông là võ quan triều Hậu Lê, là vị Thần tổ họ Trần Công và là hậu duệ của một dòng tộc có nhiều bậc văn quan, võ tướng của triều Lê.
Ở tuổi trưởng thành, ông được rèn luyện và học hành chu đáo nên được tuyển chọn vào đội ưu binh của triều đình dưới triều vua Lê Cung Hoàng. Ông là một trung thần, võ tướng của Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim phò giúp vua Lê dẹp Mạc đánh chiếm vùng Sơn Nam và lập được công lớn nên được ban phong chức tước trọng hậu ba lần trong một ngày. Đôi câu đối khắc ở lăng mộ trần Công Tín còn ghi rõ:
Nhất nhật tam phong trừ Mạc tặc
Tam quân thống lĩnh tá Lê triều
Những đóng góp lớn lao của tướng công Trần Công Tín với quê hương đất nước được các triều đại Lê – Nguyễn và nhân dân ghi nhận. Ông có công phò Lê dẹp Mạc vào giữa thế kỷ 16 và được tôn phong là Đại tướng quân. Với tài năng và nhiều công trạng, ông được triều Lê tin dùng và giao trọng trách trấn giữ, cai quản dải đất rộng lớn từ quảng Bình đến Nghệ An. Vùng này đất rộng người thưa, cách xa chính quyền trung ương, thường xuyên bị giặc biển cướp phá, quấy nhiễu nên việc cai quản xứ này phải chịu nhiều khó khăn, nguy hiểm. Năm Ất Mão 1555, Tướng công Trần Công Tín đột ngột bị đau nặng và qua đời vào ngày mùng 2 tháng 6. Khi biết mình khó qua khỏi bạo bệnh, để trấn an tinh thần quân lính, ông sai lính chặt đầu đưa thủ cấp về quê làng Xuân Hòa, còn thân mình để alij an táng tại doanh trấn vùng phía Nam đèo Ngang, năm đó ông đang độ tuổi 49.
Sau khi mất, ông được các triều vua Lê – Nguyễn ban sắc phong làm Trung đẳng thần Bản cảnh Thành hoàng và dân làng đã xây dựng khu lăng mộ và lập đền thờ để tưởng niệm và tôn vinh công trạng của ông tại làng Xuân Hòa, xã Thạch Bằng, nay là tổ dân phố Xuân Hòa, thị trấn Lộc Hà. Hiện tại, nhà thờ Trần Công Tín còn lưu giữ lá cờ “Đại tướng” cùng một số di vật, cổ vật là đồ tế khí thờ tự có giá trị lịch sử văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là hai bản sắc phong triều Nguyễn cho tướng công Trần Công Tín. Những câu chuyện truyền thuyết vẫn được lưu truyền qua nhiều thế hệ thể hiện lòng kính trọng và biết ơn các bậc tiền nhân của quê hương làng Xuân Hòa.
Năm 1968, đền thờ Trần Công Tín bị máy bay Mý ném bom cháy rụi. năm 1972 nhân dân làng Xuân Hòa cùng con cháu dòng họ Trần đã xây dựng ngôi nhà thờ để tưởng niệm và thờ tự ông theo truyền thống thờ tự trước đây. Nhà thờ nằm trong khu dân cư tổ dân phố Xuân Hòa, ngoảnh mặt hướng nam bao gồm các công trình chính như cổng, hạ điện và thượng điện, khuôn viên xây tường gạch bốn phía kín đáo và trồng nhiều cây bóng mát, cổ thụ. Nhà thờ Trần Công Tín là công trình văn hóa tâm linh, nơi tưởng niệm, ghi ơn và thờ phụng một danh nhân có công lao đóng góp vào sự nghiệp.
Hàng năm cứ vào ngày 2 tháng 6 âm lịch, nhân dân trong vùng cùng con cháu họ Trần Công thị trấn Lộc hà tổ chức đón rước và làm lễ cúng tế vị tướng công rất long trọng và chu đáo. Mỗi lần tế lễ, các chức sắc trong làng đều thành kính dâng lễ, vinh danh, ca ngợi công lao của đức Thành hoàng làng để mọi người ghi nhớ, biết ơn và tự hào về các bậc tiền bối của quê hương. Tính từ Vị Thủy tổ của dòng họ Trần Công đến nay, Ngài thần tổ Trần Công Tín là thế hệ thứ 6, dòng họ Trần Công đã có nhiều con cháu học hành đỗ đạt thành danh, có những đóng góp nhất định làm rạng rỡ cho quê hương đất nước.
Với những công lao to lớn đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ quê hương đất nước. Ngày 18/3/2022 UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định công nhận Nhà thờ Trần Công Tín là DTLSVH cấp Tỉnh, đó không chỉ là sự tôn vinh danh nhân và khẳng định những giá trị lịch sử văn hóa của di tích mà còn là sự ghi nhận công lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Lộc Hà và của dòng họ Trần Công. Đến nay, thị trấn Lộc Hà có 10 di tích, danh thắng đã được xếp hạng di tích LSVH cấp tỉnh.
Thuỳ Mỹ