Di tích quốc gia Đền Cả, xã Ích Hậu
Đền Cả còn gọi là Đền Lớn hay Tam Toà Đại Vương ở xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Đền Cả được xây dựng từ thời nhà Lý, bắt đầu với tên gọi Miếu thờ “Tam tòa Đại Vương” nhằm tưởng nhớ công lao của 3 vị đại vương có công lớn trong việc khai khẩn vùng đất này. Năm 1030, các hầu vương nhà lý là Lý Nhật Quang (hoàng tử thứ 8 của vua Lý Thái Tổ), Lý Đại Thành và Lý Thái Giai (là 2 vương hầu của nhà Lý) tổ chức việc đưa dân vào khai thác vùng đất phía Nam Châu Hoan và đến năm 1036 việc chiêu dân lập ấp hoàn thành. Nhân dân nhớ ơn và lập miếu thờ 3 ông trên nền Đình hát. Đến thời nhà Trần, Trần Quang Khải và Trần Khánh Dư lại tiếp tục di dân vào đây và nghỉ lại nền đất đó để chỉ đạo việc khai thác vùng dưới chân núi Hồng Lĩnh nên nhân dân nhớ ơn và thờ thêm “Lưỡng tòa thánh Vương”.
Còn theo truyền thuyết của nhân dân địa phương thì cho rằng, ngày xưa có người con gái xinh đẹp như tiên sa xuống tắm sông Kênh Cạn, về nhà thì thụ thai, sinh ra ba quả trứng. Dân dàng cho là trứng thần, cho vào chậu nước thì nở ra ba con giống như chim vịt, mào đỏ, mỏ hồng, mình lông ngũ sắc như miếng gấm thiêu. Vừa nở, ba con chim vịt liền biết bơi, dân làng kinh sợ đem thả xuống sông. Về sau thường thấy hiển linh nên dân bàn lập miếu thờ.
Dưới triều vua Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức, đổi miếu thờ thành Điện Xuân Đài và phong là “Tam Lang Thần”. Còn theo nguồn tài liệu “Địa dư tỉnh Hà Tĩnh”, thời Nhà Lê, vua Lê Thánh Tông đi ngang qua sông Kênh Cạn, bỗng dừng lại, không chèo lên được. Vua ban thân chinh ngự giá lên bờ và đến ngôi miếu cầu khẩn lúc đó thuyền mới đi được. Khi đánh giặc Chiêm Thành thắng lợi trở về, nhà Vua lệnh cho dân tổng Phù Lưu tu sửa miếu ấy thành miếu thờ, gọi là đền thờ “Thần Tam Lang”.
Đền Cả tọa lạc trên diện tích gần 3ha, phía sau và hai bên có các cây cổ thụ um tùm, xanh tốt, phía trước là hồ nước và ruộng lúa. Đền có 01 cổng chính và 01 cổng phụ với hệ thống tường bao xung quanh. Kết cấu của Đền Cả gồm: Nhà Thượng điện, Nhà Cầu (nối Thượng điện và Trung điện); nhà Trung Điện; hành lang chia cắt giữa Trung và Hạ điện; Nhà Hạ điện. Hai bên Đền có nhà hóa vàng, nhà kho; bên trái về phía Đông có nhà Sắc làm bằng gỗ.
Hằng năm, tại Đền Cả đều tổ chức các Lễ hội chính như: Lễ Khai Hạ đầu Xuân 6/1 (AL); Giỗ bà Thánh Mẫu: 6/8 (AL); Lễ Thấp Ấn 27/12 (AL); Lễ đón Giao thừa (tết cổ truyền); ngoài ra còn có Lễ Hạ điền mỗi năm tổ chức 2 lần trước lúc nhân dân tổ chức xuống cấy. Người dân địa phương thường tổ chức các trò chơi như: đua thuyền, đi cầu kiều, đánh cờ người, hát hội, hát phường… Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, thời tiết thiên tai khắc nhiệt, mưa nắng, lụt bão, chiến tranh nhưng Đền Cả vẫn giữ nguyên được giá trị điêu khắc nghệ thuật của một công trình kiến trúc nghệ thuật của một ngôi đền cổ kính.
Đền Cả được xếp hạng là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia vào năm 1992.
Văn Hoá