GIỚI THIỆU LUẬT CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ 2017

 Bố cục của Luật Chuyển giao công nghệ

Luật Chuyển giao công nghệ gồm 60 điều, được bố cục thành 6 Chương:

Chương I. Những quy định chung (từ Điều 1÷Điều 12)

Chương II. Thẩm  định công nghệ dự án đầu tư (Điều 13÷Điều 21)

Chương III. Hợp đồng chuyển giao công nghệ (Điều 22÷Điều 34)

Chương IV. Biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ (Điều 35÷Điều 52)

Chương V. Quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ (Điều 53÷Điều 58)

Chương VI. Điều khoản thi hành (Điều 59÷Điều 60)

Như vậy, Luật CGCN 2017 đã bổ sung thêm 03 vấn đề mới, đưa ra khỏi Luật Chương về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm vì được điều chỉnh bởi Luật Giải quyết khiếu nại, tố cáo.

1.Những quy định mới của Luật CGCN

a) Bổ sung quy định về thẩm định công nghệ dự án đầu tư

Một trong những điểm mới của Luật Chuyển giao công nghệ 2017 là bổ sung 1 Chương (Chương II với 9 Điều) quy định về công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư nhằm ngăn chặn, loại bỏ công nghệ, thiết bị lạc hậu chuyển giao vào Việt Nam, trong đó quy định cụ thể loại dự án phải thẩm định, lấy ý kiến về công ngh; quy trình, thủ tục thẩm định, lấy ý kiến đối với từng loại dự án. Đồng thời, trong Chương này cũng thiết kế 1 điều quy định về việc kiểm tra, giám sát công nghệ trong các dự án đầu tư, chuyển giao công nghệ, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong kiểm tra, giám sát việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong dự án đầu tư.

b) Bổ sung quy định về chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp

Để thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, tạo điều kiện cho bà con nông dân có thể tiếp cận, thụ hưởng công nghệ, kỹ thuật canh tác tiên tiến, hiện đại, Luật chuyển giao công nghệ 2017 đã dành 1 điều (Điều 52) quy định về hoạt động chuyển giao công nghệ trong nông nghiệp, trong đó quy định hình thức, phương thức chuyển giao công nghệ đặc thù trong nông nghiệp.

c) Bổ sung chính sách phát triển công nghệ tạo ra và hoàn thiện các sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực

Để nâng cao năng lực công nghệ nội sinh, Luật quy định chính sách ưu tiên chuyển giao công nghệ để tạo ra các sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong nước. Đồng thời, khuyến khích phát triển các công nghệ tạo ra và hoàn thiện sản phẩm quốc gia, trọng điểm, chủ lực có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và ngoài nước. Nhà nước có chính sách và biện pháp đẩy mạnh việc hoàn thiện thiết kế, chế tạo máy móc, thiết bị do Việt Nam tạo ra

2. Những nội dung bổ sung, sửa đổi 

Luật Chuyển giao công nghệ 2017 trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Chuyển giao công nghệ 2006, đồng thời sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Luật Chuyển giao công nghệ có những sửa đổi, bổ sung lớn như sau:

a)Về thuật ngữ sử dụng trong Luật CGCN 2017

Trong Luật CGCN 2017 có bổ sung thêm thuật ngữ “công nghệ cao”, “công nghệ sạch”, “thẩm định giá công nghệ” và sửa đổi một số thuật ngữ “công nghệ”, “công nghệ tiên tiến”, “công nghệ mới”, …. nhằm thống nhất và phù hợp với thực tiễn hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam

b) Sửa đổi, bổ sung chính sách của nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ (Điều 3)

Để thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, Luật quy định chính sách cụ thể đối với từng luồng chuyển giao, đồng thời bổ sung một số chính sách ngăn chặn, loại bỏ công nghệ lạc hậu, công nghệ ảnh hưởng xấu đến kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường, sức khỏe con người. 

c) Sửa đổi tiêu chí xây dựng Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao, Danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao và Danh mục công nghệ cấm chuyển giao

Luật Chuyển giao công nghệ 2017 đã bổ sung, sửa đổi tiêu chí xác định công nghệ khuyến khích chuyển giao phù hợp với thực tiễn và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay (Điều 9). Đồng thời, bổ sung một số tiêu chí cụ thể hơn so với Luật Chuyên giao công nghệ 2006 như quy định hạn chế đối với công nghệ, máy móc, thiết bị đi kèm công nghệ không còn sử dụng ở các quốc gia công nghiệp phát triển (điểm a khoản 1 Điều 10) hoặc cấm việc chuyển giao đối với công nghệ, máy móc, thiết bị không còn sử dụng phổ biến và chuyển giao ở các quốc gia đang phát triển không đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (điểm c Khoản 1 Điều 11).   

d) Sửa đổi quy định về quản lý chuyển giao công nghệ

Để tăng cường quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ, ngăn ngừa hiện tượng chuyển giá trong hoạt động chuyển giao công nghệ, Luật CGCN 2017 quy định quản lý chặt chẽ hơn đối với chuyển giao công nghệ không thuộc Danh mục hạn chế, cấm chuyển giao công nghệ. Theo đó Điều 31 của Luật có quy định bắt buộc đăng ký đối với chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài và chuyển giao công nghệ trong nước có sử dụng vốn nhà nước.

đ) Sửa đổi, bổ sung cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp

Luật CGCN 2017 (Điều 35) đã bổ sung một số biện pháp hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ. Cụ thể như sau:

- Đề xuất cơ chế hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp có hoạt động đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho giải mã công nghệ, thành lập tổ chức R&D;

- Cơ chế liên kết giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp;

- Mở rộng nội dung chi của Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp;

- Khuyến khích các hình thức hợp tác để triển khai các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng và hoạt động nghiên cứu chung với doanh nghiệp.

e) Sửa đổi, bổ sung chính sách thuế đối với hoạt động chuyển giao công nghệ

Luật CGCN 2017 mở rộng thêm một số đối tượng được hưởng ưu đãi thuế so với các quy định qu đãi thuế hiện hành, cụ thể là:

- Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư, vật mẫu, công nghệ trong nước chưa tại ra được nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động giải mã công nghệ;

- Tài liệu, sách báo khoa học phục vụ hoạt động khởi nghiệp sáng tạo;

- Cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức, cá nhân đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ có thu nhập từ hoạt động cung ứng dịch vụ chuyển giao công nghệ;

- Tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài; tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ, giải mã công nghệ tại doanh nghiệp;

- Tổ chức, cá nhân chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao

g) Bổ sung giải pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ

Để phát triển thị trường KH&CN, cần phải có giải pháp đồng bộ đối với từng bộ phấn cấu thành nên thị trường, do vậy, Luật Chuyển giao công nghệ 2017 đã bổ sung  một loạt biện pháp nhằm tạo cơ chế phát triển nguồn cung, thúc đẩy nguồn cầu và phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN (Điều 42 và Điều 43). Trong đó có những quy định mới như:

- Nhập khẩu, giải mã, làm chủ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch phục vụ mục tiêu chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành, vùng, địa phương;

- Mua, nghiên cứu hoàn thiện sáng chế, sáng kiến đã được áp dụng hiệu quả ở quy mô nhỏ để chuyển giao cho doanh nghiệp áp dụng, phổ biến cho công chúng;

- Thúc đẩy việc khai thác, sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ý tưởng công nghệ phục vụ doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, cá nhân, nhóm cá nhân khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao;

Đối với tổ chức đánh giá, thẩm định giá và giám định công nghệ, đây là 3 loại hình thuộc danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện quy định tại Luật Đầu tư, do vậy, Luật Chuyển giao công nghệ 2017 đã quy định tại Điều 48 về việc đáp ứng điều kiện hoạt động của các tổ chức này và giao Chính phủ quy định chi tiết.

h) Bổ sung, sửa đổi quy định về thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ

Để giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn đối với việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017 (Điều 36) đã bổ sung một số giải pháp như: giao quyền đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phân chia lợi nhuận thu được từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; công bố kết quả hoạt động KH&CN phục vụ nhu cầu đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân; hỗ trợ hoạt động liên kết giữa tổ chức KH&CN sở hữu kết quả hoạt động KH&CN với tổ chức ứng dụng, CGCN địa phương trong việc hoàn thiện kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để phù hợp đặc thù của địa phương được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dành cho KH&CN.

i) Sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ

Luật Chuyển giao công nghệ 2017 đã sửa đổi, bổ sung một số quy định về trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân tỉnh đối với nhiệm vụ quản lý chuyển giao công nghệ (Điều 54, 55 và 56).

k) Sửa đổi, bổ sung quy định về thống kế ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ

Đối với công tác thống kê chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ 2017 (Điều 57) đã sửa đổi quy định về công tác thống kê để bảo đảm phù hợp với Luật Thống kê 2015.

3. Về quản lý hợp đồng chuyển giao công nghệ

Nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với chuyển giao công nghệ, giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm được tình hình chuyển giao công nghệ, trên cơ sở đó có căn cứ thực tiễn để xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, góp phần hạn chế tình trạng chuyển giá qua hoạt động chuyển giao công nghệ, Luật CGCN 2017 quy định cơ chế đăng ký đối với cơ quan quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ đối với hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam, chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài và chuyển giao công nghệ có sử dụng vốn nhà nước.

Quy định này chặt hơn so với Luật CGCN 2006, tuy nhiên để bảo đảm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện việc đăng ký chuyển giao công nghệ, Luật CGCN 2017 cũng đã sửa đổi quy định về thời gian xử lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục đăng ký chuyển giao công nghệ. Đồng thời, đối với những thủ tục này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng quy trình ISO để bảo đảm tối ưu hóa quy trình xử lý.

4. Về thống kê chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ

Việc triển khai Điều 50 sửa đổi sẽ giúp thúc đẩy phát triển toàn diện hệ thống thống kê CGCN, không chỉ trong ngành KH&CN mà còn ở các ngành,lĩnh vực liên quan như hải quan.

Các quy định của Điều 50 sửa đổi sẽ tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi để tổ chức triển khai các hoạt động thống kê CGCN phục vụ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sản xuất kinh doanh, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Thông tin thống kê CGCN được thu thập và phổ biến rộng rãi sẽ góp phần nâng cao dân trí và nhận thức của công chúng về vai trò của CGCN, đổi mới công nghệ đối với phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, số liệu thống kê CGCN được thu thập đầy đủ, chia sẻ và sử dụng hợp lý sẽ góp phần nâng cao hiệu quả của các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, CGCN. Theo đó, hệ thống pháp luật về thống kê CGCN sẽ được hoàn thiện, làm nền tảng để phát triển KH&CN, đặc biệt là nâng cao chất lượng quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động CGCN, thúc đẩy việc phố biển và ứng dụng các thành tựu công nghệ phục vụ đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, v.v. góp phần đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá; góp phần phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Với Điều 50 sửa đổi, nguồn lực thông tin thống kê CGCN sẽ được tăng cường bằng đa dạng hóa nguồn tin đầu vào bao gồm dữ liệu hành chính của cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN, điều tra doanh nghiệp và số liệu quản lý, hồ sơ hành chính của các cơ quan liên quan.

Việc giao vai trò chủ đạo trong công tác thống kê CGCN cho Bộ KH&CN là phù hợp với điều kiện thực tiễn, nâng cao tính hiệu quả và hiệu lực, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ KH&CN và nhất quán với các quy định mới của Luật Thống kê năm 2015, tạo điều kiện nâng cao năng lực của thống kê ngành KH&CN.

Điều 50 sửa đổi nếu được ban hành sẽ tạo điều kiện để phát triển khả năng kết nối thống kê liên ngành. Hạ tầng liên thông, kết nối thống kê CGCN tiên tiến sẽ là nền tảng phục vụ hiệu quả cho công tác chỉ đạo, điều hành về phát triển công nghệ, CGCN, đẩy mạnh hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa đất nước.

Công tác thống kê CGCN sẽ được tổ chức bài bản thông qua cả ba hình thức cơ bản theo quy định của Luật Thống kê năm 2015 là chế độ báo cáo, điều tra thống kê và hồ sơ hành chính sẽ đảm bảo thu thập đầy đủ số liệu về hoạt động CGCN ở mọi địa phương, lĩnh vực và thành phần kinh tế.

Việc sử dụng thông tin thống kê về CGCN một cách chính thống và chính thức sẽ đảm bảo hiệu quả đầu tư của nhà nước, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên hay hạn chế chuyển giao, giảm thiểu tình trạng chồng chéo, chuyển giao thiếu trọng tâm, trọng điểm, góp phần công khai minh bạch các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của đất nước.

Về tác động tiêu cực, quy đinh này tăng thêm nhiệm vụ tích hợp các chỉ tiêu về CGCN vào Điều tra doanh nghiệp hàng năm của Tổng cục Thống kê, tăng thêm khối lượng xử lý và trích xuất thông tin về thống kê CGCN của Tổng cục Thống kê.

5. Dự báo tác động chính sách của luật đến người dân và xã hội, ưu nhược điểm và những vấn đề người dân cần lưu ý khi thực hiện

5.1. Tác động của những giải pháp phát triển thị trường KH&CN

Luật CGCN 2017 được ban hành với  cơ chế Nhà nước hỗ trợ kết hợp với huy động nguồn lực hợp pháp từ bên ngoài đểthúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, đầu tư phát triển nguồn cung nguồn cầu công nghệ, phát triển tổ chức trung gian sẽ nâng cao vai trò quản lý, kiến tạo của nhà nước và tạo nên những tác động tích cực trong việc  định hình vàthúc đẩy phát triển thị trường KH&CN. Cụ thể, để phát triển và nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức trung gian, Luật CGCN 2017 đã quy định cơ chế hỗ trợ, trong đó tập trung vào xây dựng hạ tầng kỹ thuật của các tổ chức trung gian trụ cột là sàn giao dịch công nghệ quốc gia và trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia trong thời gian đầu, hỗ trợ cơ sở vật chất - kỹ thuật, cơ sở dữ liệu, nâng cao năng lực khai thác thông tin về công nghệ, sở hữu trí tuệ, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, và đào tạo nguồn nhân lực. Để thúc đẩy phát triển nguồn cung nguồn cầu công nghệ, Luật quy định chính sách và biện pháp hỗ trợ, đầu tư thông qua hoạt động nhập khẩu, giải mã và làm chủ công nghệ, mua, nghiên cứu hoàn thiện sáng chế, kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thúc đẩy việc khai thác, sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ý tưởng công nghệ phục vụ doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, cá nhân, nhóm cá nhân khởi nghiệp sáng tạo, v.v nhằm đa dạng hóa nguồn cung cho thị trường. Để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước và ngoài ngân sách, qua đó gia tăng hoạt động giao dịch trên thị trường, Luật quy định cơ chế giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu, bảo đảm việc phân chia lợi ích giữa chủ sở hữu, tác giả, tổ chức trung gian, tổ chức, cá nhân tham gia thương mại hoá kết quả nghiên cứu, quy định cơ chế công nhận, hỗ trợ của cơ quan nhà nước đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ do tổ chức, cá nhân tự đầu tư mà đã được chuyển giao ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn cũng như mua kết quả đó nếu có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh..  Ngoài ra, quy định cho phép Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, tổ chức tín dụng được nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng, quyền khác phát sinh từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để bảo đảm cho giao dịch vay vốn đầu tư cho dự án khoa học và công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo là bước tiến lớn và là cơ hội để doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn được bảo đảm bằng tài sản là các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, v.v.. Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo vốn hoạt động theo mô hình tăng trưởng nhanh, với sự hỗ trợ của nhà nước, nếu thành công, doanh nghiệp có nguồn lực để tái đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, Nhà nước có thể thu về nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế chuyển nhượng vốn từ các doanh nghiệp này và từ các nhà đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Ngoài ra, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn khi được hưởng các ưu đãi đề đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo, ươm tạo công nghệ sẽ được tiếp cận với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ mới một cách nhanh chóng với chi phí thấp hơn so với nhập khẩu công nghệ từ nước ngoài. Các nhà đầu tư cá nhân, quỹ đầu tư tư nhân có thể tiếp cận với các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp có chất lượng tốt, được nhà nước lựa chọn, đầu tư ban đầu, như vậy có thể giảm thiểu rủi ro và tăng hiệu quả đầu tư cho tư nhân.

Các chính sách biện pháp nêu trên đươc nội luật hóa trong Luật CGCN sẽ giúp đẩy mạnh việc gắn kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các cơ quan nghiên cứu, chuyển giao KH&CN, doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và tổ chức trung gian, qua đó nâng cao hiệu quả thương mại hóa công nghệ, thu hút các thành phần tham gia thị trường KH&CN. Nếu thực thi đồng bộ các giải pháp này sẽ tác động không nhỏ đến thị trường KH&CN, nâng cao năng lực công nghệ nội sinh.

Về tác động tiêu cực, các quy định trên có thể tạo ra tâm lý “phụ thuộc” vào sự hỗ trợ của nhà nước, do đó có thể hạn chế sự năng động của các tổ chức trung gian, các doanh nghiệp KH&CN, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các hoạt động nghiên cứu, giao dịch, mua bán, xúc tiến thương mại hóa công nghệ.

5.2. Tác động của cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ

Với quy định tại Luật CGCN 2017 đối với việc thúc đẩy doanh nghiệp chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ, nhà nước sẽ có thêm các công cụ để hỗ trợ, định hướng các hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp thông qua các trung tâm công lập và cơ chế hỗ trợ tài chính. Việc sửa đổi, bổ sung quy định này cho phép các chính sách hỗ trợ của nhà nước đến được với số đông các doanh nghiệp hiện nay, giúp nâng cao năng lực công nghệ của đa số doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp và tăng sức cạnh tranh của các ngành công nghiệp. Nhà nước có thể triển khai hỗ trợ doanh nghiệp một cách minh bạch, đơn giản, thiết thực và có hiệu quả cho các doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ và nâng cao trình độ cũng như khuyến khích được các doanh nghiệp tham gia vào nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ, góp phần tăng nguồn vốn cho KH&CN trong việc hưởng các ưu đãi và hỗ trợ liên quan đến hoạt động nghiên cứu và phát triển của doanh nghiệp, hình thành các tổ chức R&D trong doanh nghiệp và liên kết, hợp tác với các viện, trường đại học. Bên cạnh đó, các nguồn kinh phí dành cho KH&CN theo quy định (2% chi ngân sách) sẽ được sử dụng có hiệu quả hơn, tập trung cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và cải tiến công nghệ trong Viện trường, doanh nghiệp và thúc đẩy mối liên kết chặt chẽ giữa Viện, trường và các doanh nghiệp.

Về mặt tiêu cực của quy định này là trong ngắn hạn những doanh nghiệp có trình độ công nghệ lạc hậu, không có hoạt động nghiên cứu và phát triển sẽ phải chịu ảnh hưởng và tác động cạnh tranh cao hơn, Nhà nước phải dành một phần kinh phí đầu tư phát triển để đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, dành kinh phí cho việc hỗ trợ các hoạt động CGCN, nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các khoản chi này nằm trong chi ngân sách nhà nước như chi đầu tư KH&CN và nguồn ngân sách cấp cho các Quỹ và không làm gia tăng thêm sức ép đối với nguồn ngân sách nhà nước. Trong dài hạn khi các doanh nghiệp đổi mới công nghệ và doanh thu tăng cao do hiệu quả của các hoạt động đổi mới công nghệ, nguồn thu ngân sách sẽ tăng thêm so với trước đây.

6. Triển khai hoạt động thi hành Luật

6.1. Ban hành Danh mục văn bản quy định chi tiết Luật CGCN 2017

Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng Danh mục văn bản quy định chit tiết Luật CGCN 2017 gồm 02 Nghị định và 07 Thông tư, cụ thể là:

- Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2017.

- Nghị định quy định chi tiết chuyển giao công nghệ đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp

- Thông tư quy định về chế độ báo cáo CGCN; ban hành mẫu văn bản phục vụ việc cấp Giấy phép CGCN, đăng ký  CGCN và đăng ký gia hạn, sửa đổi, bổ sung CGCN.

- Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04/2014/TT-BKHCN ngày 08/4/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn đánh giá trình độ công nghệ sản xuất.

- Thông tư hướng dẫn đánh giá năng lực công nghệ trong các ngành, lĩnh vực

- Thông tư bổ sung, sửa đổi Thông tư số 14/2015/TT-BKHCN ngày 19/8/2015 của Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành khoa học và công nghệ.

- Thông tư ban hành Danh mục các cuộc điều tra thống kê KH&CN ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia (Thay thế Quyết định số 1757/QĐ-BKHCN ngày 27/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

- Thông tư ban hành Danh mục các cuộc điều tra thống kê KH&CN ngoài chương trình điều tra thống kê quốc gia (Thay thế Quyết định số 1757/QĐ-BKHCN ngày 27/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

- Thông tư ban hành Danh mục tiến bộ kỹ thuật về giống, sản phẩm, quy trình sản xuất, giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý khuyến khích chuyển giao trong nông nghiệp; tiêu chí, trình tự, thủ tục công nhận tiến bộ kỹ thuật.

6.2. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật CGCN 2017

          Bộ Khoa học và Công nghệ dự kiến kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Luật CGCN 2017 như sau:

- Tổ chức Hội nghị phổ biến Luật tại 3 miền: 

+ Miền Bắc;

+ Miền Trung;

+ Miền Nam.

- Đăng tải văn bản Luật trên Website của Bộ Khoa học và Công nghệ.

- Phối hợp với các địa phương để tổ chức tập huấn về các nội dung cụ thể của Luật CGCN 2017 (Ứng dụng, đổi mới công nghệ; phát triển thị trường KH&CN; Thống kê chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ).

- Bổ sung vào nội dung chương trình tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ của Bộ trong Chương trình năm 2018.

 

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Đa dạng các hoạt động tuyên truyền pháp luật trong trường học
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi năm 2022) được Quốc hội khoá XV kỳ họp thứ 14 thông qua vào ngày 14/11/2022, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Theo đó, Luật được ban hành với những nội dung cơ bản như sau:
Ngày 15/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (Luật số 14/2022/QH15), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2023, Luật gồm những nội dung cơ bản như sau:
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023. Theo đó, Luật được ban hành với những nội dung cơ bản như sau: