GIỚI THIỆU LUẬT ĐẶC XÁ NĂM 2019

Luật Đặc xá được bố cục thành 6 chương, 39 điều, gồm:

Chương I- Những quy định chung, gồm 07 điều (từ Điều 1 đến Điều 7), quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nguyên tắc thực hiện đặc xá; thời điểm đặc xá; chính sách của Nhà nước trong đặc xá; các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện đặc xá.

Chương II- Đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước, gồm 14 điều (từ Điều 8 đến Điều 21), quy định về trình tự, thủ tục trình Chủ tịch nước ban hành Quyết định về đặc xá; công bố, thông báo, niêm yết Quyết định về đặc xá; thành lập Hội đồng tư vấn đặc xá, Tổ thẩm định liên ngành; điều kiện của người được đề nghị đặc xá; các trường hợp không được đề nghị đặc xá; quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; hồ sơ đề nghị đặc xá; trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá; thẩm định hồ sơ đề nghị đặc xá; thẩm tra, duyệt, kiểm tra hồ sơ đề nghị đặc xá và trình Chủ tịch nước danh sách đề nghị đặc xá; thực hiện Quyết định đặc xá; thực hiện Quyết định đặc xá đối với người nước ngoài; tuyền và nghĩa vụ của người được đặc xá; quy định chi tiết, hướng dẫn về hồ sơ đề nghị đặc xá, trình tự, thủ tục lập danh sách, thẩm định, thẩm tra hồ sơ đề nghị đặc xá.

Chương III- Đặc xá trong trường hợp đặc biệt, gồm 03 điều (từ Điều 22 đến Điều 24), quy định về người được đặc xá trong trường hợp đặc biệt; trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt; thực hiện Quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt.

Chương IV- Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức tront việc thực hiện đặc xá, gồm 11 điều (từ Điều 25 đến Điều 35), quy định về trách nhiệm của Chính phủ; Văn phòng Chủ tịch nước; Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ Tư pháp; Bộ Ngoại giao; Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức có liên quan; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trậncủa Hội đồng tư vấn đặc xá trong thực hiện Đặc xá.

Chương V- Khiếu nại, tố cáo trong thực hiện đặc xá, gồm 03 điều (từ Điều 36 đến Điều 38), quy định về khiếu nại về việc lập danh sách người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước; thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong thực hiện đặc xá.

Chương VI - Điều khoản thi hành gồm 01 điều, quy định về hiệu lực thi hành.

III. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT ĐẶC XÁ

1. Phạm vi điều chỉnh

Theo quy định tại Điều 1, Luật Đặc xá quy định về nguyên tắc, thời điểm, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm thực hiện đặc xá; điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người được đề nghị đặc xá; quyền và nghĩa vụ của người được đặc xá.

2. Giải thích một số từ ngữ

(1) Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.

(2) Quyết định về đặc xá là văn bản do Chủ tịch nước ban hành quy định thời điểm đặc xá, đối tượng, điều kiện của người được đề nghị đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện đặc xá.

(3) Quyết định đặc xá là văn bản của Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân.

3. Thời điểm đặc xá

Thời điểm đặc xá được quy định tại Điều 5 của Luật, theo đó, Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước. Trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước, Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá mà không phụ thuộc vào thời điểm nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước.

4. Các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện đặc xá

Điều 7 quy định 05 nhóm  hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện đặc xá, gồm:

(1) Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để đề nghị đặc xá cho người không đủ điều kiện được đặc xá; không đề nghị đặc xá cho người đủ điều kiện được đặc xá; cản trở người bị kết án phạt tù thực hiện quyền được đề nghị đặc xá.

(2) Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, nhũng nhiễu trong việc thực hiện đặc xá.

(3) Cấp, xác nhận giấy tờ, tài liệu liên quan đến người được đề nghị đặc xá trái quy định của pháp luật.

(4) Từ chối cấp, xác nhận giấy tờ, tài liệu mà theo quy định của pháp luật người được đề nghị đặc xá phải được cấp, xác nhận.

(5) Giả mạo giấy tờ, tài liệu liên quan đến người được đề nghị đặc xá.

5. Trình tự, thủ tục trình Chủ tịch nước ban hành Quyết định về đặc xá

 Luật Đặc xá năm 2018, quy định cụ thể hơn trình tự, thủ tục trình Chủ tịch nước ban hành quyết định về đặc xá; đồng thời, bổ sung quy định Tờ trình và dự thảo Quyết định về đặc xá phải được trình lên Chủ tịch nước để xem xét, ban hành Quyết định về đặc xá chậm nhất là 60 ngày trước thời điểm đặc xá, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 5 về đặc xá trong trường hợp đặc biệt.

6. Điều kiện của người được đề nghị đặc xá

Điều 11 Luật Đặc xá quy định về điều kiện của người được đề nghị đặc xá như sau:

“1. Người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn được đề nghị đặc xá phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự;

b) Đã chấp hành án phạt tù được một thời gian do Chủ tịch nước quyết định nhưng ít nhất là một phần ba thời gian đối với trường hợp bị phạt tù có thời hạn, nếu trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù; đã chấp hành án phạt tù ít nhất là 14 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, nếu sau khi đã được giảm xuống tù có thời hạn mà tiếp tục được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm sau đó không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù.

Người bị kết án về tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội; tội phá hoại chính sách đoàn kết; tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân; tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân; người bị kết án từ 10 năm tù trở lên về một trong các tội quy định tại Chương các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người của Bộ luật Hình sự do cố ý hoặc người bị kết án từ 07 năm tù trở lên về tội cướp tài sản; tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; tội sản xuất trái phép chất ma túy; tội mua bán trái phép chất ma túy; tội chiếm đoạt chất ma túy của Bộ luật Hình sự đã chấp hành án phạt tù được một thời gian do Chủ tịch nước quyết định nhưng ít nhất là một phần hai thời gian đối với trường hợp bị kết án phạt tù có thời hạn, nếu trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù; đã chấp hành án phạt tù ít nhất là 17 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn, nếu sau khi đã được giảm xuống tù có thời hạn mà tiếp tục được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm sau đó không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù;

c) Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí;

d) Đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác đối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm tham nhũng hoặc tội phạm khác do Chủ tịch nước quyết định trong mỗi lần đặc xá;

đ) Đã thi hành xong hoặc thi hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp chưa có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự đối với người bị kết án phạt tù không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản này.

Trường hợp phải thi hành nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác đối với tài sản không thuộc sở hữu của Nhà nước thì phải được người được thi hành án đồng ý hoãn thi hành án hoặc không yêu cầu thi hành án đối với tài sản này;

e) Khi được đặc xá không làm ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự;

g) Không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 12 của Luật này.

2. Người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được đề nghị đặc xá phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự trong thời gian chấp hành án phạt tù trước khi có quyết định tạm đình chỉ;

b) Đã có thời gian chấp hành án phạt tù quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

c) Các điều kiện quy định tại các điểm c, d, đ, e và g khoản 1 Điều này;

d) Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật trong thời gian được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.

3. Người có đủ các điều kiện quy định tại các điểm a, c, d, đ, e và g khoản 1, các điểm a, c và d khoản 2 Điều này được Chủ tịch nước quyết định thời gian đã chấp hành án phạt tù ngắn hơn so với thời gian quy định tại điểm b khoản 1 Điều này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, có xác nhận của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan có thẩm quyền khác;

b) Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; người được tặng thưởng danh hiệu Dũng sĩ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; người được tặng thưởng danh hiệu “Anh hùng Lao động”; người được tặng thưởng một trong các loại Huân chương, Huy chương Kháng chiến; cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng liệt sĩ khi còn nhỏ; con của Bà mẹ Việt Nam anh hùng; cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công giúp đỡ cách mạng được tặng Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” hoặc Bằng “Có công với nước”;

c) Người đang mắc bệnh hiểm nghèo, người đang ốm đau thường xuyên mà không tự phục vụ bản thân;

d) Khi phạm tội là người dưới 18 tuổi, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này;

đ) Người từ đủ 70 tuổi trở lên;

e) Có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình;

g) Phụ nữ có thai hoặc có con dưới 36 tháng tuổi đang ở với mẹ trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ;

h) Người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định của pháp luật về người khuyết tật; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật về dân sự;

i) Trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định.

4. Người dưới 18 tuổi đang chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện quy định tại điểm a và điểm g khoản 1 Điều này hoặc người dưới 18 tuổi đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có đủ điều kiện quy định tại điểm g khoản 1, điểm a và điểm d khoản 2 Điều này được Chủ tịch nước quyết định thời gian đã chấp hành án phạt tù ngắn hơn so với thời gian quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.

Đặc xá được hiểu là đặc ân của người đứng đầu Nhà nước, khác với quy định tha tù trước thời hạn có điều kiện quy định tại Điều 66 của Bộ luật Hình sự (BLHS)  năm 2015 do Chánh án TAND quyết định. Vì vậy, Điều 11 của Luật đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng hơn diện đối tượng người có thể được đề nghị đặc xá so với quy định của Luật Đặc xá năm 2007 và diện người được tha tù trước thời hạn có điều kiện theo Điều 66 của BLHS; cụ thể như sau:

- Theo quy định tại Điều 66 của BLHS thì một trong những điều kiện để tha tù trước thời hạn là “phạm tội lần đầu” nhưng Luật Đặc xá năm 2018 lại không quy định điều kiện này.

- Điều 66 BLHS quy định: “Người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII, Chương XXVI, Điều 299; người bị kết án 10 năm tù trở lên về một trong các tội quy định tại Chương XIV của Bộ luật này do cố ý hoặc người bị kết án 07 năm tù trở lên đối với một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 248, 251, 252 của Bộ luật Hình sự” thì không được đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện. Nhưng Luật Đặc xá năm 2018, đối tượng này vẫn có thể được đề nghị đặc xá như: Người bị kết án về tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội; tội phá hoại chính sách đoàn kết; tội tổ chức, cưỡng ép, xúi giục người khác trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân; tội trốn đi nước ngoài hoặc trốn ở lại nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân; người bị kết án 10 năm tù trở lên về một trong các tội quy định tại Chương các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người của BLHS do cố ý hoặc người bị kết án 07 năm tù trở lên về tội cướp tài sản; tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; tội sản xuất trái phép chất ma túy; tội mua bán trái phép chất ma túy; tội chiếm đoạt chất ma túy của BLHS. Tuy nhiên, dự thảo Luật quy định chặt chẽ hơn về thời hạn đã chấp hành án phạt tù (phải đã chấp hành ít nhất 1/2 thời gian hình phạt tù phải thi hành đối với trường hợp tù có thời hạn; 17 năm đối với trường hợp phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn. Nếu sau khi đã được giảm xuống tù có thời hạn mà tiếp tục được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm sau đó không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù  (khoản 1 Điều 11).

- Bổ sung đối tượng được đặc xá là người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để bảo đảm tính công bằng, phù hợp thực tiễn hiện nay (khoản 2 Điều 11).

- Bổ sung quy định đặc xá đối với một số trường hợp tuy chưa thực hiện xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn hoặc chưa có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại; chưa thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác nhưng có thỏa thuận không yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc đồng ý bồi thường thiệt hại sau khi được đặc xá (điểm đ khoản 1 Điều 11; khoản 3 Điều 14).

7. Các trường hợp không được đề nghị đặc xá

Điều 12 quy định về các trường hợp không được đề nghị đặc xá như sau:

“Người có đủ điều kiện quy định tại Điều 11 của Luật này không được đề nghị đặc xá khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Bị kết án phạt tù về tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội phá rối an ninh; tội chống phá cơ sở giam giữ; tội khủng bố hoặc một trong các tội quy định tại Chương các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh của Bộ luật Hình sự;

2. Bản án, phần bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đó đang bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự;

3. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác;

4. Trước đó đã được đặc xá;

5. Có từ 02 tiền án trở lên;

6. Trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định”.

So với Luật Đặc xá năm 2007, Luật Đặc xá năm 2018 bổ sung 16 tội không được đề nghị đặc xá cho dù người bị kết án phạt tù có đủ kiện quy định tại Điều 11 của Luật, gồm: (1) Tội phản bội Tổ quốc; (2) Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; (3) Tội gián điệp; (4) Tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; (5) Tội bạo loạn; (6) Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; (7) Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; (8) Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; (9) Tội phá rối an ninh; (10) Tội chống phá cơ sở giam giữ; (11) Tội khủng bố hoặc một trong các tội quy định tại Chương các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh của Bộ luật Hình sự (05 tội, gồm: Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; Tội chống loài người; Tội phạm chiến tranh; Tội tuyển mộ, huấn luyện hoặc sử dụng lính đánh thuê; Tội làm lính đánh thuê).

Luật Đặc xá năm 2018 quy định đối với người đang chấp hành án nếu thuộc trường hợp: “Bản án, phần bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đó đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự” thì không được đề nghị đặc xá. Như vậy, theo quy định này thì đối với trường hợp người đang chấp hành án có phần bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với họ mà đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng giữ nguyên hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì vẫn thuộc đối tượng được đề nghị đặc xá. Quy định này thu hẹp hơn đối tượng không được đề nghị đặc xá; phù hợp tình hình thực tiễn, bảo đảm thể hiện được đầy đủ ý nghĩa là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước đối với người phạm tội bị kết án phạt tù.

8. Trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá

Điều 15 quy định về trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá như sau:

“1. Ngay sau khi Quyết định về đặc xá được công bố, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải niêm yết, phổ biến cho người đang chấp hành án phạt tù biết.

Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày Quyết định về đặc xá được niêm yết, phổ biến, người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn căn cứ vào quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Luật này làm đơn đề nghị đặc xá.

2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Quyết định về đặc xá được niêm yết, phổ biến, việc lập danh sách, hồ sơ của người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá thực hiện như sau:

a) Giám thị trại giam thuộc Bộ Công an lập danh sách, hồ sơ của người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá gửi Tổ thẩm định liên ngành;

b) Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an lập danh sách, hồ sơ của người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá, báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp để gửi Tổ thẩm định liên ngành;

c) Giám thị trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập danh sách, hồ sơ của người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá, báo cáo Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh để gửi Tổ thẩm định liên ngành;

d) Người bị kết án phạt tù đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện bị trích xuất để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác, nếu đủ điều kiện được đề nghị đặc xá thì Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đang quản lý hồ sơ gốc của người đó lập hồ sơ đề nghị đặc xá. Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nhận người bị trích xuất nhưng không quản lý hồ sơ gốc có trách nhiệm phối hợp với cơ quan đang quản lý hồ sơ gốc của người đó lập hồ sơ đề nghị đặc xá;

đ) Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu lập danh sách, hồ sơ của người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá, báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng để gửi Tổ thẩm định liên ngành.

3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Quyết định về đặc xá được công bố, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu đã ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có trách nhiệm thông báo Quyết định về đặc xá cho người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, lập danh sách, hồ sơ của người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá gửi Tổ thẩm định liên ngành.

Trường hợp người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cư trú ở địa phương ngoài phạm vi địa giới hành chính của Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ thì Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ thông báo cho Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực nơi người đang được tạm đình chỉ cư trú lập danh sách, hồ sơ của người được đề nghị đặc xá, chuyển đến Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ để tổng hợp, gửi Tổ thẩm định liên ngành.

4. Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu có trách nhiệm thông báo, niêm yết công khai danh sách người được đề nghị đặc xá.

5. Giám thị trại giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát có thẩm quyền quy định tại Điều 30 của Luật này về kết quả lập danh sách, hồ sơ của người được đề nghị đặc xá để kiểm sát trước khi gửi Tổ thẩm định liên ngành.

6. Giám thị trại giam thuộc Bộ Công an, Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu căn cứ kết quả thẩm định của Tổ thẩm định liên ngành lập danh sách, hồ sơ của người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá và danh sách, hồ sơ của người không đủ điều kiện đề nghị đặc xá gửi Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá.

7. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, hướng dẫn thực hiện Điều này”.

Theo quy định trên, Luật Đặc xá năm 2018 bổ sung quy định về trách nhiệm của Tòa án nhân dân cấp tỉnh trong việc tổng hợp danh sách, hồ sơ của người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù để chuyển cho Tổ thẩm định liên ngành. Tuy nhiên, về trình tự, thủ tục lập hồ sơ, danh sách người có đủ điều kiện đề nghị đặc xá trong trường hợp này sẽ do TANDTC hướng dẫn cụ thể sau khi Luật được Quốc hội thông qua (khoản 7 Điều 15).

Bổ sung quy định người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn làm đơn đề nghị đặc xá (theo quy định của Luật Đặc xá năm 2007 chỉ có giám thị trại giam, giám thị trại tạm giam mới được đề nghị đặc xá).

9. Về đặc xá đối với phạm nhân là người nước ngoài (Điều 19)

Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc khi thi hành Luật Đặc xá năm 2007 về quản lý đối tượng người nước ngoài được đặc xá, Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 19, cụ thể: “Khi có Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước đối với người nước ngoài, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao thông báo cho cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của nước mà người được đặc xá là công dân biết và đề nghị phối hợp thực hiện Quyết định đặc xá” và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Quy định này là phù hợp với khoản 4 Điều 40 của Luật Thi hành án hình sự; đồng thời, cụ thể hóa chính sách nhân đạo của Nhà nước ta đối với người nước ngoài phạm tội.

10. Đặc xá trong trường hợp đặc biệt

Trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu về đối nội, đối ngoại của Nhà nước, Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người đang được hoãn chấp hành án phạt tù, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người đang chấp hành án phạt tù chung thân mà không phụ thuộc vào các điều kiện quy định tại Điều 11 và Điều 12 của Luật.

11. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện đặc xá

So với Luật Đặc xá năm 2007, Luật Đặc xá năm 2018 quy định chi tiết trách nhiệm của các cơ quan: Chính phủ; Văn phòng Chủ tịch nước; Bộ Công an; Bộ Quốc phòng; Tòa án nhân dân tối cao; Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ Tư pháp; Bộ Ngoại giao; Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức có liên quan; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; Hội đồng tư vấn đặc xá từ Điều 25 đến Điều 35.

Luật Đặc xá năm 2018 đã bổ sung trách nhiệm của Bộ Tư pháp (Điều 31), Bộ Ngoại giao (Điều 32) trong công tác đặc xá để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các bộ trong việc thực hiện đặc xá; cụ thể như:

+ Bộ Ngoại giao có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành có liên quan thực hiện tuyên truyền đối ngoại về công tác đặc xá; phối hợp thực hiện Quyết định đặc xá đối với người được đặc xá là người nước ngoài và các hoạt động khác liên quan đến công tác đặc xá theo quy định của Luật Đặc xá.

+ Bộ Tư pháp có trách nhiệm: tham gia Hội đồng tư vấn đặc xá; chỉ đạo cơ quan thi hành án dân sự phối hợp với trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu trong việc cung cấp thông tin, chuyển giao giấy tờ, tiền, tài sản có liên quan đến phạm nhân là người phải thi hành hình phạt tiền, tịch thu tài sản, các nghĩa vụ dân sự khác hoặc được thi hành án dân sự; phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức khác thực hiện các hoạt động khác liên quan đến công tác đặc xá theo quy định của Luật Đặc xá./.

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Đa dạng các hoạt động tuyên truyền pháp luật trong trường học
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi năm 2022) được Quốc hội khoá XV kỳ họp thứ 14 thông qua vào ngày 14/11/2022, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Theo đó, Luật được ban hành với những nội dung cơ bản như sau:
Ngày 15/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (Luật số 14/2022/QH15), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2023, Luật gồm những nội dung cơ bản như sau:
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023. Theo đó, Luật được ban hành với những nội dung cơ bản như sau: