GIỚI THIỆU LUẬT KẾ TOÁN
Luật gồm 06 chương, 74 điều:
- Chương 1. Những quy định chung (gồm 15 điều, từ Điều 1 đến Điều 15). Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; nhiệm vụ kế toán; yêu cầu kế toán; nguyên tắc kế toán; chuẩn mực kế toán; chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán; đối tượng kế toán; kế toán tài chính, kế toán quản trị, kế toán tổng hợp, kế toán chi tiết; đơn vị tính sử dụng trong kế toán; chữ viết và chữ số sử dụng trong kế toán; kỳ kế toán; các hành vi bị nghiêm cấm; giá trị của tài liệu, số liệu kế toán; trách nhiệm quản lý, sử dụng, cung cấp thông tin, tài liệu kế toán.
- Chương 2. Nội dung công tác kế toán (gồm 06 mục, 33 điều, từ Điều 16 đến Điều 48). Chương này quy định cụ thể như sau:
+ Mục 1. Chứng từ kế toán (gồm 06 điều, từ Điều 16 đến Điều 21) quy định về nội dung chứng từ kế toán; chứng từ điện tử; lập và lưu trữ chứng từ kế toán; ký chứng từ kế toán; hóa đơn; quản lý, sử dụng chứng từ kế toán;
+ Mục 2. Tài khoản kế toán và sổ kế toán (gồm 07 điều, từ Điều 22 đến Điều 28) quy định về tài khoản kế toán và hệ thống tài khoản kế toán; lựa chọn áp dụng hệ thống tài khoản kế toán; sổ kế toán; hệ thống sổ kế toán; mở sổ, ghi sổ, khóa sổ và lưu trữ sổ kế toán; sửa chữa sổ kế toán; đánh giá và ghi nhận theo giá trị hợp lý;
+ Mục 3. Báo cáo tài chính (gồm 05 điều, từ Điều 29 đến Điều 33) quy định về báo cáo tài chính của đơn vị kế toán; báo cáo tài chính nhà nước; nội dung công khai báo cáo tài chính; hình thức và thời hạn công khai báo cáo tài chính; kiểm toán báo cáo tài chính;
+ Mục 4. Kiểm tra kế toán (gồm 06 điều, từ Điều 34 đến Điều 39) quy định về kiểm tra kế toán; nội dung kiểm tra kế toán; thời gian kiểm tra kế toán; quyền và trách nhiệm của đoàn kiểm tra kế toán, đơn vị kế toán được kiểm tra kế toán; kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ;
+ Mục 5. Kiểm kê tài sản, bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán (gồm 03 điều từ Điều 40 đến Điều 42) quy định về kiểm kê tài sản; bảo quản, lưu trữ tài liệu kế toán; trách nhiệm của đơn vị kế toán trong trường hợp tài liệu kế toán bị mất hoặc bị hủy hoại;
+ Mục 6. Công việc kế toán trong trường hợp đơn vị kế toán chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình hoặc hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản (gồm 06 điều, từ Điều 43 đến Điều 48) quy định về công việc kế toán trong trường hợp chia, tách, hợp nhất, sáp nhập đơn vị kế toán; công việc kế toán trong trường hợp chuyển đổi loại hình hoặc hình thức sở hữu; công việc kế toán trong trường hợp giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản.
- Chương III. Tổ chức bộ máy kế toán và người làm kế toán (gồm 08 điều, từ Điều 49 đến Điều 56). Chương này quy định về tổ chức bộ máy kế toán; trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán; tiêu chuẩn, quyền và trách nhiệm của người làm kế toán; những người không được làm kế toán; kế toán trưởng; tiêu chuẩn và điều kiện của kế toán trưởng; trách nhiệm và quyền của kế toán trưởng; thuê dịch vụ làm kế toán, dịch vụ làm kế toán trưởng.
- Chương IV. Hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán (gồm 14 điều, từ Điều 57 đến Điều 70). Chương này quy định về chứng chỉ kế toán viên; đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán; doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán; điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán; hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán; thời hạn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán; cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán; phí cấp, cấp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán; hộ kinh doanh dịch vụ kế toán; những thay đổi phải thông báo cho Bộ Tài chính; trách nhiệm của kế toán viên hành nghề, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán; trường hợp không được cung cấp dịch vụ kế toán; đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán; tổ chức nghề nghiệp về kế toán.
- Chương V. Quản lý nhà nước về kế toán (gồm 01 điều là Điều 71). Chương này quy định về quản lý nhà nước về kế toán.
- Chương VI. Điều khoản thi hành (gồm 03 điều, từ Điều 72 đến Điều 74) quy định về hiệu lực thi hành; điều khoản chuyển tiếp và quy định chi tiết.
NỘI DUNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG CƠ BẢN
1. Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng (Điều 1, Điều 2)
Kế thừa phạm vi điều chỉnh của Luật kế toán năm 2003, Luật 2015 bổ sung “tổ chức nghề nghiệp về kế toán”. Như vậy, phạm vi điều chỉnh của Luật bao gồm: “... nội dung công tác kế toán, tổ chức bộ máy kế toán, người làm kế toán, hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán, quản lý nhà nước về kế toán và tổ chức nghề nghiệp về kế toán.” (Điều 1)
Về đối tượng áp dụng để đảm bảo tính bao quát, đầy đủ, ngoài việc kế thừa đối tượng áp dụng của Luật năm 2003, Luật năm 2015 đã bổ sung: các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước các cấp (cơ quan thuế, hải quan, kho bạc nhà nước); kế toán viên hành nghề, doanh nghiệp dịch vụ kế toán.
2. Về đối tượng kế toán (Điều 8)
Theo Luật kế toán năm 2003, đối tượng kế toán bao gồm 4 nhóm: Ngân sách nhà nước và các đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước (NSNN); Đơn vị, tổ chức không sử dụng kinh phí NSNN; Các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế; Các đối tượng thuộc lĩnh vực ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán, đầu tư tài chính (Điều 9). Để phù hợp với sự điều chỉnh về tên gọi của một số đối tượng theo Hiến pháp 2013 và một số luật mới ban hành, Luật 2015 đã thay đổi tên gọi một số đối tượng như: “Tài sản công”, “nợ công” thay cho cụm từ “tài sản nhà nước”, “nợ nhà nước” cho phù hợp. Theo đó, Điều 8 của Luật quy định đối tượng kế toán bao gồm:
- Nhóm 1. Đối tượng kế toán thuộc hoạt động thu, chi ngân sách nhà nước, hành chính, sự nghiệp; hoạt động của đơn vị, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước gồm: Tiền, vật tư và tài sản cố định; Nguồn kinh phí, quỹ; Các khoản thanh toán trong và ngoài đơn vị kế toán; Thu, chi và xử lý chênh lệch thu, chi hoạt động; Thu, chi và kết dư ngân sách nhà nước; Đầu tư tài chính, tín dụng nhà nước; Nợ và xử lý nợ công; Tài sản công; Tài sản, các khoản phải thu, nghĩa vụ phải trả khác có liên quan đến đơn vị kế toán.
- Nhóm 2. Đối tượng kế toán thuộc hoạt động của đơn vị, tổ chức không sử dụng ngân sách nhà nước gồm tài sản, nguồn hình thành tài sản theo quy định bao gồm: Tiền, vật tư và tài sản cố định; Nguồn kinh phí, quỹ; Các khoản thanh toán trong và ngoài đơn vị kế toán; Thu, chi và xử lý chênh lệch thu, chi hoạt động; Tài sản, các khoản phải thu, nghĩa vụ phải trả khác có liên quan đến đơn vị kế toán.
- Nhóm 3. Đối tượng kế toán thuộc hoạt động kinh doanh, trừ hoạt động quy định tại nhóm 4, gồm: Tài sản; Nợ phải trả và vốn chủ sở hữu; Doanh thu, chi phí kinh doanh, thu nhập và chi phí khác; Thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước; Kết quả và phân chia kết quả hoạt động kinh doanh; Tài sản, các khoản phải thu, nghĩa vụ phải trả khác có liên quan đến đơn vị kế toán.
- Nhóm 4. Đối tượng kế toán thuộc hoạt động ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm, chứng khoán, đầu tư tài chính gồm: Tài sản; Nợ phải trả và vốn chủ sở hữu; Doanh thu, chi phí kinh doanh, thu nhập và chi phí khác; Thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước; Kết quả và phân chia kết quả hoạt động kinh doanh; Tài sản, các khoản phải thu, nghĩa vụ phải trả khác có liên quan đến đơn vị kế toán; Các khoản đầu tư tài chính, tín dụng; Các khoản thanh toán trong và ngoài đơn vị kế toán; Các khoản cam kết, bảo lãnh, giấy tờ có giá.
3. Về nguyên tắc kế toán (Điều 6)
Kế thừa quy định về nguyên tắc hạch toán trong Điều 7 Luật kế toán năm 2003 và để phù hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế, ngoài việc hạch toán theo giá gốc, một số tài sản còn được hạch toán theo giá trị hợp lý (có ý nghĩa là hạch toán theo giá thực tế của tài sản đó). Theo đó giá trị tài sản và nợ phải trả được ghi nhận ban đầu theo giá gốc. Sau ghi nhận ban đầu, đối với một số loại tài sản hoặc nợ phải trả mà giá trị biến động thường xuyên theo giá thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách đáng tin cậy thì được ghi nhận theo giá trị hợp lý tại thời điểm cuối kỳ lập báo cáo tài chính (Điều 6).
Do việc xác định và hạch toán theo giá trị hợp lý có tính kỹ thuật, vì vậy Luật giao Bộ Tài chính quy định cụ thể các tài sản và nợ phải trả được ghi nhận và đánh giá lại theo giá trị hợp lý, phương pháp kế toán ghi nhận và đánh giá lại theo giá trị hợp lý.
4. Về chuẩn mực kế toán (Điều 7)
Theo Luật năm 2003, chuẩn mực kế toán gồm những nguyên tắc và phương pháp kế toán cơ bản để ghi sổ kế toán và lập báo cáo tài chính, Bộ Tài chính có trách nhiệm quy định chuẩn mực kế toán trên cơ sở chuẩn mực quốc tế về kế toán và theo quy định của Luật kế toán. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã ban hành 26 chuẩn mực kế toán làm cơ sở cho việc hạch toán kế toán. Tuy nhiên do chuẩn mực kế toán quốc tế có nhiều thay đổi, trong điều kiện cơ chế của Việt Nam cũng có thay đổi theo hướng cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Vì vậy, Bộ Tài chính đang soạn thảo ban hành các chuẩn mực kế toán mới, thay thế các chuẩn mực kế toán trước đây.
Để phù hợp với chuẩn mực kế toán quốc tế, Luật năm 2015 bổ sung thêm Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp (Điều 7). Theo đó, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán gồm những quy định và hướng dẫn về nguyên tắc, nội dung áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp đối với người làm kế toán, kế toán viên hành nghề, doanh nghiệp và hộ kinh doanh dịch vụ kế toán. Việc bổ sung quy định về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán giúp cho người làm kế toán, người kinh doanh dịch vụ kế toán đảm bảo tuân thủ quy định chung của nghề nghiệp kế toán.
Do nội dung của các chuẩn mực rất cụ thể, mang tính kỹ thuật cao, mặt khác các nội dung và nguyên tắc chuẩn mực kế toán quốc tế thường thay đổi, vì vậy, Luật giao cho Bộ Tài chính quy định chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán trên cơ sở chuẩn mực quốc tế về kế toán nhằm phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
5. Về chế độ kế toán (từ Điều 16 đến Điều 33)
Theo quy định của Luật 2015, chế độ kế toán bao gồm các nội dung: Chứng từ kế toán; Tài khoản kế toán và sổ kế toán; Báo cáo tài chính. Để cụ thể hóa các nội dung này, Luật đã làm rõ các quy định về nội dung chứng từ kế toán, lập và lưu trữ chứng từ kế toán, ký chứng từ kế toán, hóa đơn bán hàng, quản lý, sử dụng chứng từ kế toán,...; Tài khoản kế toán và sổ kế toán; lựa chọn và áp dụng hệ thống tài khoản kế toán; Sổ kế toán và hệ thống sổ kế toán; việc lựa chọn và áp dụng hệ thống sổ kế toán; Mở sổ, ghi sổ, khóa sổ kế toán, sửa chữa sổ kế toán,...; Các loại báo cáo tài chính, lập báo cáo tài chính, thời hạn nộp báo cáo tài chính, nội dung công khai báo cáo tài chính, hình thức và thời hạn công khai báo cáo tài chính, kiểm toán báo cáo tài chính,...
Theo đó, các nội dung được làm rõ hơn bao gồm: danh mục hóa đơn chứng từ, số ký hiệu các tài khoản, phương pháp hạch toán các nghiệp vụ, sổ kế toán, báo cáo tài chính. Luật 2015 tiếp tục giao Bộ Tài chính hướng dẫn quy định chi tiết về báo cáo tài chính cho từng lĩnh vực hoạt động, trách nhiệm, đối tượng, phương pháp lập, thời hạn nộp, nơi nhận báo cáo và công khai báo cáo tài chính.
- Về chứng từ điện tử và sổ kế toán: Kế thừa quy định về chứng từ điện tử, sổ kế toán trên phương tiện điện tử sau khi khóa sổ được in ra giấy, làm các thủ tục và lưu trữ theo quy định, Luật năm 2015 bổ sung quy định đối với trường hợp không in ra giấy mà thực hiện lưu trữ trên các phương tiện điện tử thì phải bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu và phải bảo đảm tra cứu được trong thời hạn lưu trữ. (Điều 18, Điều 26)
- Về hóa đơn bán hàng: Luật thay cụm từ “hóa đơn bán hàng” bằng cụm từ “hóa đơn” cho phù hợp với thực tế vì các giao dịch hiện nay không phải chỉ có hóa đơn bán hàng. Đây là chứng từ để làm căn cứ hạch toán và quyết toán thuế với Nhà nước ( Điều 20).
- Về tài khoản kế toán: Luật bổ sung quy định về các hệ thống tài khoản kế toán áp dụng cho đơn vị kế toán có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, đơn vị không sử dụng ngân sách nhà nước, doanh nghiệp và đơn vị kế toán khác (Điều 22).
6. Về báo cáo tài chính nhà nước (Điều 30)
Báo cáo tài chính nhà nước là báo cáo tổng hợp về nguồn vốn và sử dụng vốn của quốc gia (hoặc địa phương), bao gồm các chỉ tiêu như: Thu chi ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, nợ công, khoản vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, các tài sản công và nguồn vốn, tài sản khác của nhà nước.
Qua kinh nghiệm quốc tế cho thấy có nước không lập báo cáo tài chính nhà nước tổng hợp mà thể hiện bằng các báo cáo tài chính riêng biệt, song cũng có nước lập báo cáo tài chính tổng hợp (như: Mỹ, Nam Phi, Canada, Singapore, Hàn Quốc). Về chỉ tiêu báo cáo các nước cũng có sự khác biệt nhất định, tuy nhiên báo cáo tài chính các nước bao gồm: Báo cáo tình hình tài chính nhà nước; Báo cáo kết quả hoạt động tài chính nhà nước; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ và Thuyết minh báo cáo tài chính nhà nước.
Việc lập báo cáo tài chính nhà nước là nội dung mới trong công tác kế toán Việt Nam, mặt khác các chỉ tiêu thống kê, đánh giá tổng hợp chưa thực sự hoàn chỉnh, vì vậy Luật đã quy định một số nguyên tắc cơ bản như sau:
- Nội dung của báo cáo tài chính nhà nước, bao gồm: Thu chi ngân sách nhà nước, nợ công, các quỹ tài chính nhà nước, vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, tài sản hình thành từ vốn nhà nước.
- Báo cáo tài chính nhà nước bao gồm 4 loại: Báo cáo tình hình tài chính nhà nước; Báo cáo kết quả hoạt động tài chính nhà nước; Báo cáo lưu chuyển tiền tệ; Thuyết minh báo cáo tài chính nhà nước.
Bộ Tài chính chịu trách nhiệm lập báo cáo tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc, trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội; chỉ đạo các cơ quan tài chính, kho bạc nhà nước lập báo cáo tài chính thuộc phạm vi địa phương, trình Ủy ban nhân dân để báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp.
Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế và các đơn vị có liên quan có trách nhiệm lập báo cáo của đơn vị mình và cung cấp thông tin tài chính cần thiết phục vụ việc lập báo cáo tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương.
- Đối với các quy định như trình tự, thủ tục lập, công khai báo cáo tài chính nhà nước Luật giao cho Chính phủ hướng dẫn.
7. Các hành vi bị cấm (Điều 13)
Luật năm 2015 đã bổ sung các hành vi bị cấm để bao hàm tất cả các hành vi gian lận, sai phạm trong quá trình thực hiện luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc xử lý vi phạm. Theo đó, các hành vi được bổ sung bao gồm: (a) Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên hoặc cung cấp, công bố các báo cáo tài chính có số liệu không đồng nhất trong cùng một kỳ kế toán; (b) Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ kế toán viên, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán dưới mọi hình thức; (c) Kinh doanh dịch vụ kế toán khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc hành nghề dịch vụ kế toán khi không bảo đảm điều kiện quy định của Luật này; (d) Thuê cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện hành nghề, điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán cung cấp dịch vụ kế toán cho đơn vị mình; (e) Kế toán viên hành nghề và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán thông đồng, móc nối với khách hàng để cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật,....
8. Về kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ (Điều 39)
Luật năm 2015 đã bổ sung quy định về kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ để tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong công tác kế toán (Điều 39).
- Về kiểm soát nội bộ: Luật quy định đơn vị phải thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ để bảo đảm (a) Tài sản của đơn vị được bảo đảm an toàn, tránh sử dụng sai mục đích, không hiệu quả; (b) Các nghiệp vụ được phê duyệt đúng thẩm quyền và được ghi chép đầy đủ làm cơ sở cho việc lập và trình bày báo cáo tài chính trung thực, hợp lý.
- Về kiểm toán nội bộ: Luật quy định kiểm toán nội bộ là việc kiểm tra, đánh giá, giám sát tính đầy đủ, thích hợp và tính hữu hiệu của kiểm soát nội bộ. Đồng thời quy định nhiệm vụ cụ thể của kiểm toán nội bộ và giao Chính phủ quy định chi tiết về kiểm toán nội bộ trong doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp.
9. Về trách nhiệm của người đại diện pháp luật của đơn vị kế toán và kế toán trưởng (Điều 50, Điều 55)
Kế thừa quy định về trách nhiệm của người đại diện pháp luật của đơn vị kế toán bao gồm tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm kế toán trưởng, tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác kế toán... (Điều 49 Luật năm 2003) Luật năm 2015 bổ sung trách nhiệm người đại diện pháp luật của đơn vị kế toán bao gồm: (a) Chịu trách nhiệm liên đới đối với những sai phạm do người khác gây ra nhưng thuộc trách nhiệm quản lý của mình; (b) Tổ chức kiểm tra kế toán trong nội bộ đơn vị và thực hiện kiểm tra kế toán các đơn vị cấp dưới (Điều 50). Ngoài ra, Luật còn bổ sung trách nhiệm của kế toán trưởng phải lập báo cáo tài chính tuân thủ chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán. (Điều 55)
10. Về việc tăng cường tính công khai, minh bạch (Điều 32)
Theo Khoản 4, Điều 33 Luật kế toán năm 2003, đơn vị kế toán thuộc hoạt động kinh doanh phải công khai báo cáo tài chính năm trong thời hạn một trăm hai mươi (120) ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm.
Tuy nhiên, do tính chất đặc thù nên Luật các tổ chức tín dụng, Luật chứng khoán lại quy định cụ thể về đối tượng, nội dung, hình thức công khai báo cáo tài chính. (pháp luật về chứng khoán quy định về soát xét báo cáo tài chính bán niên (6 tháng) hoặc quy định về kiểm toán độc lập được chấp thuận “kiểm toán báo cáo tài chính đối với đơn vị có lợi ích công chúng” (cả Luật kiểm toán độc lập, Luật các tổ chức tín dụng, Luật chứng khoán đều quy định)). Vì vậy, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, Luật đã bổ sung quy định về việc thực hiện theo pháp luật chuyên ngành (chứng khoán, tín dụng, bảo hiểm) có quy định cụ thể về hình thức, thời hạn công khai đối với báo cáo tài chính khác với quy định của Luật kế toán thì theo quy định của pháp luật về lĩnh vực đó (Khoản 4 Điều 32).
11. Về kinh doanh dịch vụ kế toán (từ Điều 57 đến Điều 69)
- Luật năm 2015 bổ sung quy định về “kế toán viên hành nghề” là người được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán theo quy định của Luật (Khoản 11 Điều 3). Theo đó người có chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên: Có năng lực hành vi dân sự; Có thời gian công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán từ 36 tháng trở lên kể từ thời điểm tốt nghiệp đại học; Tham gia đầy đủ chương trình cập nhật kiến thức sẽ đăng ký hành nghề và được công nhận là kế toán viên hành nghề (Điều 58).
- Luật năm 2015 còn quy định rõ hơn về điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán. Theo đó, đối với doanh nghiệp phải có ít nhất 2 người là kế toán viên hành nghề (điểm b khoản 1 Điều 60), đối với cá nhân phải thành lập hộ kinh doanh và cá nhân đó phải là kế toán viên hành nghề (điểm b khoản 1 Điều 65).
- Ngoài ra, Luật 2015 còn bổ sung các quy định về điều kiện, hồ sơ, thời hạn cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục hành chính; Quy định rõ về trách nhiệm của kế toán viên hành nghề, doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán; Quy định các trường hợp không được cung cấp dịch vụ kế toán; Quy định các trường hợp bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán, bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh và bị đình chỉ hành nghề đối với kế toán viên hành nghề.
12. Về tổ chức nghề nghiệp kế toán (Điều 70)
Hiện nay tổ chức nghề nghiệp kế toán đã được thành lập (Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam). Việc thành lập tổ chức và hoạt động của Hội được thực hiện theo quy định pháp luật về hội và phải có trách nhiệm tuân thủ quy định pháp luật về kế toán. Tuy nhiên, Luật kế toán năm 2003 chưa có quy định về chủ thể này. Trong khi đó, theo Luật kiểm toán độc lập, Hội nghề nghiệp về kế toán được tham gia bồi dưỡng kế toán cho các kế toán viên, kế toán viên hành nghề, được tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, thi lấy chứng chỉ hành nghề kế toán và thực hiện một số nhiệm vụ liên quan đến hoạt động kế toán như tham gia xây dựng chuẩn mực, giám sát hoạt động của các kế toán viên, kế toán viên hành nghề là hội viên của Hội. Vì vậy để bảo đảm đồng nhất với Luật kiểm toán độc lập, Luật năm 2015 đã quy định cụ thể về tổ chức nghề nghiệp kế toán tại Điều 70.
13. Về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kế toán (Điều 71)
- Kế thừa quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực kế toán trong Luật kế toán năm 2003, Luật tiếp tục quy định trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tài chính, các Bộ ngành có liên quan, UBND cấp tỉnh trong việc quản lý về lĩnh vực kế toán (bao gồm các nội dung về xây dựng chiến lược, chính sách phát triển kế toán; văn bản QPPL về kế toán...). Để làm rõ hơn nội dung quản lý nhà nước về kế toán, bao gồm cả việc quản lý hoạt động hành nghề dịch vụ kế toán, quy định về thẩm quyền trong việc cấp, đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán và giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, giám sát việc tuân thủ chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán. Luật năm 2015 đã bổ sung nội dung này cho đầy đủ (Điều 71).