Giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật Kiến trúc
1. Bố cục của Luật
Luật Kiến trúc gồm 05 Chương và 41 Điều, cụ thể như sau:
Chương I về Quy định chung: Bao gồm các nội dung quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, nguyên tắc hoạt động kiến trúc, bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc, chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc, Ngày Kiến trúc Việt Nam, hợp tác quốc tế về kiến trúc, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động kiến trúc.
Chương II về Quản lý kiến trúc: Bao gồm các nội dung quy định về kiến trúc đối với khu vực đô thị, nông thôn; quản lý thiết kế kiến trúc; quản lý đối với các công trình kiến trúc có giá trị; Quy chế quản lý kiến trúc và điều chỉnh quy chế quản lý kiến trúc, Hội đồng tư vấn về kiến trúc; thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng; quản lý lưu trữ tài liệu.
Chương III về Hành nghề kiến trúc: Bao gồm các quy định về điều kiện hành nghề kiến trúc; sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề; cấp, gia hạn, thu hồi, cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc; quy định về việc phát triển nghề nghiệp liên tục và thực hiện quy tắc ứng xử nghề nghiệp của kiến trúc sư; quy định về hành nghề của người nước ngoài tại Việt Nam; quyền và nghĩa vụ của kiến trúc sư hành nghề, tổ chức hành nghề; giám sát tác giả, quản lý thông tin hành nghề kiến trúc…
Chương IV về Quản lý nhà nước về kiến trúc: Bao gồm nội dung quản lý nhà nước về kiến trúc, trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp. Trong đó quy định rõ và cụ thể về những nội dung quản lý nhà nước và trách nhiệm của các cơ quan liên quan.
Chương V về Điều khoản thi hành: Bao gồm các nội dung về sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến hoạt động kiến trúc, hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp. Nội dung quy định đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ các quy định trong Luật với hệ thống luật liên quan, đảm bảo cho việc triển khai thi hành Luật. Luật Kiến trúc có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020.
2. Một số nội dung cơ bản của Luật
a) Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1) và đối tượng áp dụng (Điều 2)
Luật này quy định về quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.
Đối tượng áp dụng của Luật là cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động kiến trúc trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
b) Về nguyên tắc cơ bản (Điều 4)
Về nguyên tắc trong hoạt động kiến trúc: Tuân thủ Luật Kiến trúc và quy định khác của pháp luật có liên quan; phù hợp với định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn; đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị kiến trúc truyền thống, tiếp thu chọn lọc tinh hoa kiến trúc thế giới. Xây dựng nền kiến trúc Việt Nam tiên tiến, hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc; ứng dụng khoa học, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới phù hợp với thực tiễn Việt Nam bảo đảm hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; kết hợp hài hòa lợi ích của quốc gia, cộng đồng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
c) Về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc (Điều 5)
Theo quy định tại Điều 5 Luật Kiến trúc, yêu cầu về bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc đã được luật hóa, nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có lĩnh vực kiến trúc. Đồng thời, Luật cũng quy định rõ những hoạt động được Nhà nước đầu tư, hỗ trợ và khuyến khích làm cơ sở để thực hiện quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc, nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội gắn với các nhiệm vụ cụ thể trong việc thúc đẩy, quản lý và phát triển nền kiến trúc Việt Nam.
d) Chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc (Điều 6)
Về nội dung chính sách của nhà nước, trong hoạt động kiến trúc nhà nước đầu tư cho các hoạt động sau đây: Xây dựng định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam; Thống kê, điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động kiến trúc; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kiến trúc; Xây dựng mẫu thiết kế kiến trúc đáp ứng tiêu chí bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiến trúc.
Bên cạnh đó, trong từng thời kỳ và khả năng của ngân sách nhà nước, Nhà nước hỗ trợ đầu tư cho các hoạt động sau đây: Xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tổ chức khoa học và công nghệ phục vụ nghiên cứu chính sách, nghiên cứu cơ bản về kiến trúc; Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về kiến trúc; nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới về kiến trúc; Bảo vệ, giữ gìn, tu bổ công trình kiến trúc có giá trị chưa được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa; Mở rộng, tăng cường hợp tác quốc tế về kiến trúc; Triển lãm, quảng bá về kiến trúc.
Nhà nước cũng có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư cho các hoạt động sau đây: Hợp tác, liên kết trong nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, cung cấp dịch vụ kỹ thuật và các hoạt động liên quan trong lĩnh vực kiến trúc; Xã hội hóa các dịch vụ công trong lĩnh vực kiến trúc; Trợ giúp, tư vấn miễn phí về kiến trúc vì lợi ích của xã hội và cộng đồng.
đ) Các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9)
Luật Kiến trúc quy định một số hành vi bị nghiêm cấm như: Cản trở hoạt động quản lý kiến trúc và hành nghề kiến trúc; Lợi dụng hành nghề kiến trúc gây ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, trật tự xã hội, môi trường sống, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Đưa hối lộ, nhận hối lộ, thực hiện hành vi móc nối, trung gian trái pháp luật trong hoạt động kiến trúc; Tiết lộ tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước; tiết lộ thông tin kinh doanh do khách hàng cung cấp, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác; Xây dựng công trình kiến trúc không đúng với thiết kế kiến trúc đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc giấy phép xây dựng; Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động kiến trúc; Cung cấp tài liệu, số liệu giả hoặc sai sự thật; lập hồ sơ thiết kế kiến trúc và xây dựng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; Gian lận trong việc sát hạch, cấp, sử dụng chứng chỉ hành nghề kiến trúc; Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn hoặc thiếu trách nhiệm trong quản lý kiến trúc.
e) Về quản lý kiến trúc (Điều 10)
- Luật đưa ra các yêu cầu về quản lý kiến trúc tại Điều 10: Tuân thủ nguyên tắc hoạt động kiến trúc quy định tại Điều 4 của Kiến trúc; bảo đảm tính thống nhất trong việc quản lý từ không gian tổng thể đến không gian cụ thể của công trình kiến trúc; bảo đảm an toàn cho con người, công trình kiến trúc và khu vực tập trung dân cư trước tác động bất lợi do thiên nhiên hoặc con người gây ra; không tác động tiêu cực đến cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa, công trình kiến trúc có giá trị và môi trường sinh thái; bảo đảm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
- Hoàn thiện các quy định, yêu cầu đối với kiến trúc đô thị, nông thôn, bổ sung quy định đối với những khu vực đặc thù khác; quy định cụ thể đối với Quản lý thiết kế kiến trúc (thiết kế kiến trúc là một nội dung quan trọng có tính đặc thù trong thiết kế xây dựng, cần có quy định quản lý cụ thể).
- Bổ sung quy định quản lý đối với công trình kiến trúc có giá trị, đây là đối tượng quản lý kiến trúc cần được quy định đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Hiện nay đang tồn tại nhiều công trình kiến trúc có giá trị, có ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, kiến trúc… nhưng chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Vì thế không ít công trình này đã và đang xuống cấp và bị xâm hại; việc tu bổ, phục hồi chưa phù hợp… Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do cơ sở pháp lý chưa thực sự đầy đủ. Vì vậy, để bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc của loại công trình này, Luật đã quy định về yêu cầu quản lý đối với công trình kiến trúc có giá trị (tại Điều 13), không chồng chéo với quy định của pháp luật về di sản văn hóa và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Bổ sung, hoàn thiện các công cụ quản lý kiến trúc như:
+ Quy chế quản lý kiến trúc: đây là công cụ quản lý kiến trúc trực tiếp do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành làm cơ sở quản lý kiến trúc trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu xây dựng, cải tạo chỉnh trang các công trình kiến trúc, thiết kế cảnh quan cho toàn bộ đô thị và điểm dân cư nông thôn.
+ Hội đồng tư vấn về kiến trúc: Hội đồng có vai trò rất quan trọng trong việc tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về lĩnh vực kiến trúc và kiến trúc của một số công trình quan trọng của Quốc gia và địa phương. Hội đồng này chỉ được thành lập khi cần thiết, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bảo đảm tính linh hoạt, không làm phát sinh thêm bộ máy, gây tốn kém, lãng phí.
+ Thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình xây dựng: Hoàn thiện quy định về thi tuyển phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
g) Về hành nghề kiến trúc:
- Luật hóa và quy định cụ thể việc quản lý hành nghề kiến trúc; quy định cụ thể quy trình xét, cấp, thu hồi chứng chỉ hành nghề kiến trúc theo các tiêu chí cụ thể, phải đăng ký, công khai thông tin hành nghề, đảm bảo cộng đồng xã hội thụ hưởng các dịch vụ kiến trúc chất lượng cao.
- Bổ sung quy định việc kiến trúc sư hành nghề phải tuân thủ Bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp kiến trúc sư đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế.
- Bổ sung yêu cầu Phát triển nghề nghiệp liên tục đối với kiến trúc sư hành nghề (phù hợp với thông lệ quốc tế về hành nghề kiến trúc sư tại các nước châu Á, châu Âu, Mỹ và Hiệp hội Kiến trúc sư thế giới UIA mà Việt Nam là thành viên) quy định về Phát triển nghề nghiệp liên tục là yêu cầu bắt buộc liên tục trong quá trình hành nghề nhằm duy trì, tăng cường hoặc nâng cao kiến thức và kỹ năng của kiến trúc sư hành nghề để đảm bảo kiến thức và khả năng của họ liên quan đến nhu cầu của xã hội.
h) Trách nhiệm quản lý nhà nước về kiến trúc:
Luật đã quy định cụ thể các nội dung nguyên tắc, phân công cụ thể trách nhiệm Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp trong quản lý kiến trúc tại Chương IV.
i) Về điều khoản thi hành
Điều 39 của Luật Kiến trúc đã sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật có liên quan đến hoạt động kiến trúc, cụ thể:
“1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2016/QH14 và Luật số 35/2018/QH14 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 91 như sau:
“1. Phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Đối với công trình xây dựng ở khu vực, tuyến phố trong đô thị đã ổn định nhưng chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng, thiết kế đô thị thì phải phù hợp với quy chế quản lý kiến trúc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 93 như sau:
“a) Phù hợp với mục đích sử dụng đất theo quy hoạch sử dụng đất được phê duyệt và quy chế quản lý kiến trúc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành;”;
c) Bổ sung khoản 4a vào sau khoản 4 Điều 148 như sau:
“4a. Tổ chức, cá nhân hành nghề kiến trúc thực hiện theo quy định của pháp luật về kiến trúc.”;
d) Bổ sung khoản 4 vào sau khoản 3 Điều 149 như sau:
“4. Chứng chỉ hành nghề kiến trúc thực hiện theo quy định của pháp luật về kiến trúc.”;
đ) Bãi bỏ Điều 81.
2. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 77/2015/QH13 và Luật số 35/2018/QH14 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 69 như sau:
“1. Tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa công trình kiến trúc, công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở phải phù hợp với quy hoạch chi tiết đô thị đã được phê duyệt, quy chế quản lý kiến trúc và theo quy định của pháp luật về xây dựng.”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 72 như sau:
“6. Chủ đầu tư dự án được xác định trong quyết định đầu tư có trách nhiệm quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật, không gian, kiến trúc theo quy hoạch đô thị đã được phê duyệt, quy chế quản lý kiến trúc trong phạm vi ranh giới thực hiện dự án, trừ trường hợp việc quản lý được bàn giao cho Ủy ban nhân dân.”;
c) Bãi bỏ Điều 60.
3. Thay thế cụm từ tại một số luật sau đây:
a) Thay thế cụm từ “quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị” bằng cụm từ “quy chế quản lý kiến trúc” tại khoản 2 Điều 93 của Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2016/QH14 và Luật số 35/2018/QH14;
b) Thay thế cụm từ “quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị” bằng cụm từ “quy chế quản lý kiến trúc” tại khoản 2 Điều 20 của Luật Nhà ở số 65/2014/QH13;
c) Thay thế cụm từ “quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị” bằng cụm từ “quy chế quản lý kiến trúc” tại Điều 5, điểm e khoản 3 Điều 12, khoản 3 Điều 13, khoản 1 Điều 52 của Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 77/2015/QH13 và Luật số 35/2018/QH14.
4. Bỏ cụm từ “hoặc được tuyển chọn” tại điểm d khoản 1 Điều 22 của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 03/2016/QH14 và Luật số 04/2017/QH14.”