Một số chính sách pháp luật nổi bật có hiệu lực từ tháng 12/2022

Từ tháng 12/2022, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: Sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác bị phạt tới 20 triệu đồng; Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học đối với viên chức nhiều ngành; Quy định mới về sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại; Tháng cuối sử dụng Sổ hộ khẩu giấy…

1. Sử dụng bằng của người khác bị phạt tới 20 triệu đồng

Từ ngày 12/12, Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực, quy định mức xử phạt đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của người khác sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng (so với trước đây phạt từ 3 - 5 triệu đồng).

Hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng; phạt 30 - 40 triệu đồng về hành vi gian lận để được cấp văn bằng, chứng chỉ hoặc bản sao văn bằng, chứng chỉ nhưng chưa đến mức độ bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

2.Viên chức nhiều ngành được bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

Cụ thể, 3 Thông tư 12/2022/TT-BTNMT, Thông tư 07/2022/TT-BVHTTDL và Thông tư 14/2022/TT-BKHCN có hiệu lực trong tháng 12/2022, quy định về việc bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với nhiều chức danh như:

Viên chức ngành tài nguyên và môi trường gồm: Địa chính viên, Điều tra viên tài nguyên môi trường, Dự báo viên khí tượng thủy văn, Kiểm soát viên khí tượng thủy văn, Quan trắc viên tài nguyên môi và Đo đạc bản đồ viên.

Viên chức chuyên ngành thể dục thể thao là Huấn luyện viên và Hướng dẫn viên. Viên chức chuyên ngành khoa học và công nghệ là Nghiên cứu viên, Trợ lý nghiên cứu, Kỹ sư và kỹ thuật viên.

3.     Quy định về quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại

Từ ngày 15/12, Nghị định 90/2022/NĐ-CP về việc quản lý, sử dụng nhà, đất do Bộ Ngoại giao quản lý để phục vụ hoạt động đối ngoại của Nhà nước có hiệu lực.

Trong đó, quy định việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại phải đảm bảo một số nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

Các khoản thu, chi liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà, đất phục vụ đối ngoại thực hiện theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định pháp luật liên quan.

Bên cạnh đó, giá cho thuê nhà phục vụ đối ngoại được xác định theo giá thị trường; đảm bảo bù đắp chi phí, có tích lũy để bảo tồn và phát triển nhà phục vụ đối ngoại…

4. Tháng cuối sử dụng Sổ hộ khẩu giấy

Luật Cư trú năm 2020 quy định, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022. Từ ngày 01/01/2023, cuốn sổ này sẽ chính thức bị khai tử, người dân có thể bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú giấy hoặc lưu giữ như một vật kỷ niệm.

Theo Luật Cư trú 2020, kể từ thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành, mọi thông tin liên quan đến cư trú được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Khi người dân nhập hộ khẩu, xóa hộ khẩu, chuyển hộ khẩu, đăng ký tạm trú… đều được cập nhật trên hệ thống của Cơ sở dữ liệu về cư trú, thay vì được viết tay trong cuốn Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú như trước đây.

Nghị định 37/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn người dân có thể khai thác các thông tin về cư trú của mình bằng văn bản yêu cầu, bằng dịch vụ tin nhắn hoặc bằng cách truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an.

5.Quy định xếp lương với viên chức chuyên ngành thể dục thể thao

Thông tư 07/2022/TT-BVHTTDL về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) và xếp lương viên chức chuyên ngành thể dục thể thao (TDTT) có hiệu lực từ ngày 10/12/2022.

Theo đó, cách xếp lương các CDNN viên chức chuyên ngành TDTT quy định như sau:

- Áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước (Bảng 3) ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004.

- Sau khi hết thời gian tập sự theo quy định và được cấp có thẩm quyền quản lý viên chức quyết định bổ nhiệm CDNN thì thực hiện xếp bậc lương theo CDNN được bổ nhiệm, đơn cử một số trường hợp sau:

+ Khi tuyển dụng có trình độ đào tạo thạc sĩ phù hợp với vị trí việc làm, được bổ nhiệm vào CDNN huấn luyện viên hạng III xếp bậc 2, hệ số lương 2,67 (viên chức loại A1);

+ Khi tuyển dụng có trình độ đào tạo đại học phù hợp với vị trí việc làm, được bổ nhiệm vào CDNN huấn luyện viên hạng III xếp bậc 1, hệ số lương 2,34 (viên chức loại A1);…

- Việc chuyển xếp lương đối với viên chức từ CDNN hiện giữ sang CDNN viên chức chuyên ngành TDTT thực hiện theo hướng dẫn tại Mục II Thông tư 02/2007/TT-BNV ngày 25/5/2007.

6. Toán, văn, lịch sử là 3 môn học bắt buộc trong trường nghề.

Đây là một nội dung nổi bật được nêu tại Thông tư 15/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực từ ngày 24/12/2022, quy định việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Cụ thể, khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm:

- Môn học bắt buộc: Toán, Ngữ Văn, Lịch sử

- Môn học lựa chọn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí.

Trong đó, thời lượng giảng dạy của các môn học như sau:

- Toán, Ngữ văn: 252 tiết/môn học.

- Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Lịch sử: 168 tiết/môn học.

                                                       Phòng Tư pháp tổng hợp

 

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Một số văn bản pháp luật có hiệu lực từ tháng 10 năm 2023
Một số văn bản pháp luật có hiệu lực từ tháng 9 năm 2023
Một số văn bản pháp luật có hiệu lực từ tháng 8 năm 2023
Tháng 7/2023 là tháng có nhiều chính sách quan trọng mang đến nhiều thay đổi với cán bộ, công chức, viên chức như: Tăng lương cơ sở, chính sách tinh giản biên chế…
Ngày 10/11/2022, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.
Khi điều chỉnh lương cơ sở, nhiều khoản tiền, trợ cấp dành cho người lao động ngoài nhà nước cũng sẽ được điều chỉnh tăng thêm, cụ thể gồm 12 khoản tiền sau: