Một số chính sách pháp luật nổi bật có hiệu lực từ tháng 6/2022

1. Điều kiện thành lập doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Nghị định 23/2022/NĐ-CP về thành lập, sắp xếp lại, chuyển đổi sở hữu, chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp (DN) do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Theo đó, DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ được xem xét thành lập khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

- Có ngành, lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi đầu tư vốn nhà nước để thành lập DN theo quy định về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN;

- Đảm bảo đủ vốn điều lệ quy định tại Điều 5 Nghị định 23/2022;

- Có Hồ sơ hợp lệ quy định tại Điều 6 Nghị định 23/2022;

- Việc thành lập DN phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành quốc gia.

2. Sửa quy định về thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động GDNN

Nghị định 24/2022/NĐ-CP ngày 06/4/2022 sửa đổi các Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Theo đó, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp (gọi tắt là giấy chứng nhận) sửa đổi như sau:

- Tổng cục GDNN cấp giấy chứng nhận đối với trường cao đẳng (hiện hành cấp giấy chứng nhận đối với trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học);

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận đối với:

+ Trường trung cấp, trung tâm GDNN, doanh nghiệp;

+ Trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên (quy định mới).

Cơ sở giáo dục đại học đã được cấp Giấy chứng nhận để tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp các ngành, nghề chuyên môn đặc thù hoặc thuộc các dự án đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư thì tiếp tục được tuyển sinh đến hết ngày 31/12/2025.

3. Từ 1/6, cấp hộ chiếu phổ thông qua Cổng dịch vụ công

Thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Cục Quản lý xuất nhập cảnh đã phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai dịch vụ công trực tuyến cấp hộ chiếu phổ thông (không gắn chíp điện tử) cho công dân trên Cổng Dịch vụ công của Bộ Công an.

Theo thông tin từ Cục Quản lý xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an, dịch vụ này sẽ được thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ ngày 01/6/2022. Trước đó, đã được triển khai thí điểm tại Hà Nội từ 15/5/2022.

Như vậy, từ tháng 6 tới, người dân có thể đăng nhập vào Cổng Dịch vụ công của Bộ Công an để đăng ký hồ sơ, thanh toán lệ phí trực tuyến, nhận hộ chiếu qua bưu điện hoặc đến nhận trực tiếp tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh khi có kết quả.

Đồng thời, chính sách giảm lệ phí làm hộ chiếu cũng được áp dụng đến hết ngày 30/6/2022.

4. Dừng giảm lệ phí làm CCCD gắn chip

Để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 120/2021/TT-BTC, quyết định giảm hàng hàng loạt các loại phí, lệ phí. Trong đó, đáng chú ý phải kể đến việc giảm 50% lệ phí làm Căn cước công dân gắn chíp.

Tuy nhiên, mức phí ưu đãi này chỉ được áp dụng đến hết ngày 30/6/2022.

Do đó, từ 1/7/2022, người dân đi làm CCCD gắn chip sẽ phải nộp theo mức phí được quy định tại Thông tư số 59/2019/TT-BTC.

Trường hợp

Mức phí đến hết 30/6/2022

Mức phí từ 01/7/2022

Chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số/12 số sang thẻ Căn cước công dân

15.000 đồng/thẻ

30.000 đồng/thẻ

Đổi thẻ Căn cước công dân bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu

25.000 đồng/thẻ

50.000 đồng/thẻ

Cấp lại thẻ Căn cước công dân khi bị mất, được trở lại quốc tịch Việt Nam

35.000 đồng/thẻ

70.000 đồng/thẻ

5. Dừng sử dụng hóa đơn giấy sau 30/6

Theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, quy định các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đã thông báo phát hành hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in hoặc đã mua hóa đơn của cơ quan thuế trước ngày 19/10/2020 thì vẫn được tiếp tục sử dụng hóa đơn đó đến hết ngày 30/6/2022.

Từ ngày 1/7/2022, các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử.

Hiện nay, 63 tỉnh, thành trên cả nước đã triển khai áp dụng hóa đơn điện tử và mang lại những lợi ích như tiết kiệm chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính, giảm thiểu rủi ro trong quá trình sử dụng, tránh thất thoát, cháy hỏng hóa đơn và đẩy mạnh áp dụng số hóa, cơ quan Nhà nước đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chính quyền điện tử, chính quyền số…

6. Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học với viên chức ngành y tế

Từ ngày 10/6/2022, không còn quy định yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế.

Đây là điểm mới tại Thông tư 03/2022/TT-BYT sửa đổi quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành ngày 26/4/2022.

Đơn cử, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng đối với bác sĩ cao cấp (hạng I) bao gồm:

Tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp II hoặc tiến sĩ nhóm ngành Y học (trừ ngành y học dự phòng); bác sĩ chuyên khoa cấp II hoặc tiến sĩ ngành Răng - Hàm - Mặt; Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ hoặc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (dùng cho các hạng chức danh bác sĩ).

Còn đối với bác sĩ chính (hạng II) thì yêu cầu tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sĩ trở lên nhóm ngành Y học (trừ ngành y học dự phòng); bác sĩ chuyên khoa cấp I hoặc thạc sĩ trở lên ngành Răng - Hàm - Mặt; Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ hoặc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (dùng cho các hạng chức danh bác sĩ).

Đối với bác sĩ (hạng III) thì yêu cầu tốt nghiệp bác sĩ nhóm ngành Y học (trừ ngành Y học dự phòng); bác sĩ ngành Răng - Hàm - Mặt; Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp bác sĩ hoặc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh (dùng cho các hạng chức danh bác sĩ).

7. Danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi lĩnh vực tổ chức cán bộ địa phương

Danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi lĩnh vực tổ chức cán bộ được quy định tại Thông tư 3/2022/TT-BNV ngày 12/03/2022, bao gồm:

- Thẩm định nhân sự để trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

- Tổ chức tuyển dụng công chức, viên chức; thi nâng ngạch công chức, viên chức; thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.

- Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về tổ chức bộ máy, biên chế.

- Thẩm định các đề án thành lập mới, sắp xếp lại các cơ quan, tổ chức, đơn vị và doanh nghiệp nhà nước, tổ chức phi chính phủ, hội nghề nghiệp.

- Thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập mới, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính các cấp.

- Thẩm định hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền quyết định các hình thức thi đua, khen thưởng, kỷ luật.

- Phân bổ chỉ tiêu, ngân sách đào tạo.

- Quản lý, thực hiện chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Thông tư 3/2022/TT-BNV có hiệu lực từ ngày 01/6/2022 và bãi bỏ Quyết định 05/2008/QĐ-BNV.

Phòng Tư pháp tổng hợp

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Một số văn bản pháp luật có hiệu lực từ tháng 10 năm 2023
Một số văn bản pháp luật có hiệu lực từ tháng 9 năm 2023
Một số văn bản pháp luật có hiệu lực từ tháng 8 năm 2023
Tháng 7/2023 là tháng có nhiều chính sách quan trọng mang đến nhiều thay đổi với cán bộ, công chức, viên chức như: Tăng lương cơ sở, chính sách tinh giản biên chế…
Ngày 10/11/2022, Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV đã thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.
Khi điều chỉnh lương cơ sở, nhiều khoản tiền, trợ cấp dành cho người lao động ngoài nhà nước cũng sẽ được điều chỉnh tăng thêm, cụ thể gồm 12 khoản tiền sau: