TÀI LIỆU GIỚI THIỆU LUẬT CẠNH TRANH
1. Bố cục của Luật cạnh tranh
Luật cạnh tranh bao gồm 121 điều, được bố cục thành 10 chương, cụ thể:
Chương I. Những quy định chung (Điều 1 đến Điều 8) quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; giải thích từ ngữ; áp dụng pháp luật về cạnh tranh; quyền và nguyên tắc cạnh tranh trong kinh doanh; chính sách của Nhà nước về cạnh tranh; trách nhiệm quản lý nhà nước về cạnh tranh và các hành vi bị nghiêm cấm có liên quan tới cạnh tranh.
Chương II. Thị trường liên quan và thị phần (Điều 9 đến Điều 10) quy định về xác định thị trường liên quan; xác định thị phần và thị phần kết hợp.
Chương III. Thoả thuận hạn chế cạnh tranh (Điều 11 đến Điều 23) quy định về thoả thuận hạn chế cạnh tranh; thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm; đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể của thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; miễn trừ đối với thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm và trình tự, thủ tục thực hiện các trường hợp miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm.
Chương IV. Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền (Điều 24 đến Điều 28) quy định doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường; doanh nghiệp có vị trí độc quyền; xác định sức mạnh thị trường đáng kể; hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm; kiểm soát doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước.
Chương V. Tập trung kinh tế (Điều 29 đến Điều 44) quy định về các hình thức tập trung kinh tế, tập trung kinh tế bị cấm và kiểm soát tập trung kinh tế thông qua cơ chế thông báo tập trung kinh tế và thẩm định tập trung kinh tế; các hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế.
Chương VI. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Điều 45) quy định về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm.
Chương VII. Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Điều 46 đến Điều 53) quy định về Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; Chủ tịch và Thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh; Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh; Điều tra viên vụ việc cạnh tranh.
Chương VIII. Tố tụng cạnh tranh (Điều 54 đến Điều 109) gồm 07 mục quy định về: Quy định chung; cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh, người tiến hành tố tụng cạnh tranh; người tham gia tố tụng cạnh tranh; trình tự, thủ tục điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh; giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; công bố các quyết định của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; hợp tác quốc tế trong quá trình tố tụng cạnh tranh.
Chương IX. Xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh (Điều 110 đến Điều 115) quy định về nguyên tắc xử lý vi phạm, hình thức xử lý vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm pháp luật về cạnh tranh; phạt tiền đối với hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh; chính sách khoan hồng; thẩm quyền và hình thức xử lý vi phạm pháp luật cạnh tranh; thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; thi hành quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
Chương IX. Điều khoản thi hành (Điều 116 đến Điều 118) quy định về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các quy định trong một số luật khác; hiệu lực thi hành; và điều khoản chuyển tiếp.
2. Những nội dung sửa đổi, bổ sung cơ bản của Luật cạnh tranh
a) Mở rộng phạm vi điều chỉnh
Thực tiễn thực thi pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam cho thấy, trong thời gian gần đây đã xuất hiện một số vụ việc cạnh tranh được thực hiện ở nước ngoài, nhưng có ảnh hưởng nhất định đến thị trường Việt Nam, chẳng hạn, thoả thuận ấn định phí và phụ phí vận chuyển tàu biển giữa các hãng tàu lớn của nước ngoài có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam, hay thương vụ mua bán, sáp nhập có giá trị giao dịch lớn được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động tới thị trường Việt Nam như thương vụ Tập đoàn Abbott mua lại Công ty dược phẩm CFR; Tập đoàn Boehringer Ingelheim International mua lại Sanofi SA trong lĩnh vực thuốc thú y; Tập đoàn Central Group (Thái Lan) mua lại Hệ thống siêu thị Big C Việt Nam… Luật năm 2004 chỉ quy định điều chỉnh đối với “hành vi hạn chế cạnh tranh, hành vi cạnh tranh không lành mạnh…” và áp dụng đối với “tổ chức, cá nhân kinh doanh…bao gồm cả…doanh nghiệp nước ngoài hoạt động ở Việt Nam”, nên không có cơ sở pháp lý rõ ràng để điều chỉnh các hành vi diễn ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhưng có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh tranh tại Việt Nam.
Tại một số nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Canada, Úc, New Zealand, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… các cơ quan cạnh tranh gần đây đã điều tra, xử lý nhiều vụ việc thoả thuận hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế xuyên biên giới. Điển hình như vụ thoả thuận ấn định giá, phí vận chuyển hàng hoá bằng đường hàng không giữa hơn hai mươi hãng hàng không lớn trên thế giới hay hai vụ mua bán, sáp nhập giữa các công ty sản xuất ổ cứng nổi tiếng (giữa Western Digital và Hitachi, giữa Samsung và Seagate)…
Vì vậy, để bảo vệ môi trường cạnh tranh tại Việt Nam, Luật Cạnh tranh đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh trên thị trường Việt Nam. Cụ thể, Điều 1, Luật Cạnh tranh quy định: “Luật này quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh”.
Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh nhằm mục tiêu:
Thứ nhất, tạo hành lang pháp lý để điều tra và xử lý toàn diện mọi hành vi cạnh tranh dù xảy ra tại đâu nhưng có tác động hoặc có khả năng gây tác động tiêu cực đối với thị trường Việt Nam. Việc xử lý kịp thời các hành vi xuyên biên giới góp phần tạo sự ổn định cho nền kinh tế nội địa thông qua việc ổn định các yếu tố thị trường như yếu tố đầu vào, yếu tố đầu ra của nền kinh tế. Điều này đặc biệt quan trọng đối với thị trường các lĩnh vực thiết yếu, lĩnh vực chủ chốt hoặc lĩnh vực phục vụ dân sinh của nền kinh tế.
Thứ hai, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan cạnh tranh Việt Nam hợp tác với cơ quan cạnh tranh của các nước khác trong quá trình điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh, tạo điều kiện thực thi các cam kết về cạnh tranh trong các Hiệp định thương mại song phương và đa phương. Việc duy trì và đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh là tôn chỉ của “Chương cạnh tranh” trong hầu hết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
b) Mở rộng đối tượng áp dụng
Cạnh tranh là quy luật tất yếu của kinh tế thị trường, là động lực phát triển nền kinh tế. Trong cơ chế thị trường, các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật (Khoản 2 Điều 51 Hiến pháp 2013). Luật và chính sách cạnh tranh có vai trò tạo lập nền tảng cơ bản cho quá trình cạnh tranh và điều tiết hoạt động cạnh tranh trong mọi ngành, lĩnh vực. Do đó, Luật Cạnh tranh cần được áp dụng với mọi đối tượng liên quan tới cạnh tranh trên thị trường.
Điều 2 Luật năm 2004 quy định: “Luật này áp dụng đối với: 1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh…; 2. Hiệp hội ngành nghề hoạt động tại Việt Nam”. Quy định như vậy chưa bao quát hết các đối tượng, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân có liên quan tới các hành vi cạnh tranh bị điều chỉnh mà không phải là tổ chức, cá nhân kinh doanh hay hiệp hội ngành nghề.
Trong khi đó, trên thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp, cơ quan quản lý nhà nước ở một số địa phương đã ban hành các văn bản có tác động hạn chế cạnh tranh, chẳng hạn như yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tỉnh sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp được chỉ định hoặc phân biệt đối xử, tạo lợi thế cạnh tranh cho một số doanh nghiệp so với các doanh nghiệp khác.
Luật Cạnh tranh đã mở rộng đối tượng áp dụng gồm mọi đối tượng là tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan tới hoạt động cạnh tranh trên thị trường, cụ thể là:
“1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
2. Hiệp hội ngành, nghề hoạt động tại Việt Nam.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan.”
Việc mở rộng đối tượng áp dụng của Luật cạnh tranh đối với mọi đối tượng liên quan đến cạnh tranh trên thị trường nhằm bao quát mọi chủ thể có thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh, sẽ đem lại một số tác động tích cực sau:
Thứ nhất, phù hợp với đặc thù của nền kinh tế Việt Nam (xuất phát từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, các cơ quan quản lý nhà nước vẫn thường ban hành các quyết định hành chính can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, có thể gây tổn hại tới cạnh tranh trên thị trường), giảm thiểu việc tạo ra lợi thế cạnh tranh cho một hoặc một nhóm các doanh nghiệp nào đó đến mức gây bất bình đẳng trong cạnh tranh.
Thứ hai, việc mở rộng đối tượng áp dụng của pháp luật cạnh tranh là một chính sách phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế chung của một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, khuyến khích sáng tạo và khởi nghiệp để thúc đẩy cạnh tranh, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, không phân biệt đối xử.
Thứ ba, đảm bảo sự phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật xử lý vi phạm hành chính… tăng tính hiệu quả và đồng bộ của việc thực thi pháp luật cạnh tranh.
c) Sửa đổi và bổ sung hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước
Trên cơ sở kế thừa quy định của Luật năm 2004, Luật cạnh tranh tiếp tục quy định đồng thời có sửa đổi và bổ sung hành vi bị cấm đối với cơ quan nhà nước, theo đó, cơ quan nhà nước bị nghiêm cấm thực hiện một số các hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường. Quy định này là hết sức cần thiết bởi với quyền lực nhà nước được trao, cơ quan nhà nước có khả năng lạm dụng quyền lực để thực hiện các hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường. Cơ quan nhà nước là một chủ thể đặc thù của Luật cạnh tranh nên có quy định riêng để điều chỉnh.
d) Hoàn thiện quy định kiểm soát thoả thuận hạn chế cạnh tranh và bổ sung quy định về chính sách khoan hồng nhằm tăng cường hiệu quả thực thi.
Quy định kiểm soát thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện theo hướng mở rộng và thay đổi cách quy định cấm đối với hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh. Thay vì quy định cấm dựa trên mức thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận như trong Luật năm 2004, Luật quy định các tiêu chí đánh giá tác động hoặc khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể làm cơ sở quy định cấm đối với một số hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, bao gồm cả thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều dọc, ngoài những thỏa thuận hạn chế cạnh tranh có tính chất nghiêm trọng bị cấm theo nguyên tắc vi phạm mặc nhiên. Quy định của Luật cho phép kiểm soát mọi hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, cả theo chiều ngang và theo chiều dọc, gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường. Ngoài ra, Luật bổ sung quy định về chương trình khoan hồng được sử dụng như một công cụ của cơ quan cạnh tranh nhằm tăng cường khả năng phát hiện, điều tra các hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh hiện đang có xu hướng ngầm hoá.
đ) Bổ sung tiêu chí xác định sức mạnh thị trường đáng kể làm cơ sở xác định doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, vị trí độc quyền
Để tránh việc xác định vị trí thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp phụ thuộc vào tiêu chí thị phần như hiện hành, Luật cạnh tranh xây dựng hệ thống tiêu chí xác định sức mạnh thị trường đáng kể một cách đầy đủ, phù hợp hơn, quy định bổ sung thêm các yếu tố khác ngoài yếu tố thị phần để xác định doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường. Điều này là phù hợp đảm bảo xác định chính xác sức mạnh thị trường của doanh nghiệp và phản ánh đúng thực tiễn cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, các hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm được sửa đổi để phản ánh rõ bản chất hành vi thông qua việc nhấn mạnh yếu tố hậu quả và tác động của hành vi, giúp phản ánh bản chất phản cạnh tranh của hành vi, khắc phục hạn chế của quy định hiện hành là chỉ mới mô tả hình thức biểu hiện bên ngoài mà không nhắm vào bản chất hành vi, gây khó khăn cho quá trình thực thi pháp luật.
e) Thay đổi cách tiếp cận để hoàn thiện quy định kiểm soát tập trung kinh tế
Cách tiếp cận trong kiểm soát tập trung kinh tế trong Luật cạnh tranh có sự thay đổi căn bản, theo đó tập trung kinh tế được coi là quyền của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh gắn với quyền tự do kinh doanh. Luật cạnh tranh không quy định cấm tập trung kinh tế một cách cứng nhắc dựa trên mức thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan như trong Luật năm 2004 mà thay vào đó chỉ quy định cấm doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường. Doanh nghiệp được tiến hành tập trung kinh tế nếu việc tập trung kinh tế không gây tác động tiêu cực đến cạnh tranh trên thị trường.
Với quy định như vậy, Luật đã thể hiện được quan điểm tiến bộ là luôn tôn trọng và cho phép doanh nghiệp được quyền thông qua hoạt động tập trung kinh tế để phát triển kinh doanh và phát triển doanh nghiệp. Nhà nước thực hiện quyền kiểm soát bằng pháp luật để đảm bảo việc tập trung kinh tế không gây tác động tiêu cực tới môi trường cạnh tranh và chỉ can thiệp trong trường hợp việc tập trung kinh tế có tiềm ẩn nguy cơ gây tổn hại cho môi trường cạnh tranh. Luật cạnh tranh quy định trao quyền cho cơ quan cạnh tranh trong việc đánh giá tác động cạnh tranh của việc tập trung kinh tế và tăng cường sự chủ động của doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục thông báo với cơ quan cạnh tranh và mở rộng các yếu tố đánh giá một vụ việc tập trung kinh tế. Cụ thể:
- Luật cạnh tranh quy định các tiêu chí để doanh nghiệp có thể tự xác định giao dịch có thuộc trường hợp phải thông báo hay không, bao gồm: tổng tài sản, tổng goanh thu, giá trị giao dịch tập trung kinh tế trên thị trường Việt Nam hoặc thị phần kết hợp trên thị trường liên quan của doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế,
- Luật cạnh tranh quy định thẩm quyền cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong việc gia thẩm định tập trung kinh tế.
Thông qua việc thay đổi ngưỡng thông báo tập trung kinh tế và thay đổi tiêu chí đánh giá, thẩm định tập trung kinh tế, Luật cạnh tranh đã mở rộng phạm vi kiểm soát bao gồm cả những giao dịch tập trung kinh tế theo chiều dọc và hỗn hợp thay vì chỉ kiểm soát các giao dịch theo chiều ngang như trước đây.
g) Hoàn thiện các quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh
Luật cạnh tranh đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Thứ nhất, đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã có quy định của pháp luật chuyên ngành khác như hành vi chỉ dẫn gây nhầm lẫn; quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh; khuyến mại nhằm cạnh tranh không lành mạnh được quy định trong Luật sở hữu trí tuệ, Luật quảng cáo…, quy định theo hướng dẫn chiếu đến quy định của pháp luật khác để tránh chồng chéo, xung đột trong thực thi. Thứ hai, bãi bỏ quy định về hành vi “bán hàng đa cấp bất chính” và hành vi “phân biệt đối xử của hiệp hội”, do những hành vi này không phản ánh đúng bản chất của hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Thứ ba, bổ sung thêm hành vi “lôi kéo khách hàng bất chính” có bản chất phù hợp với khái niệm về hành vi cạnh tranh không lành mạnh quy.
Việc sửa đổi, bổ sung các quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh giúp điều chỉnh các hành vi cạnh tranh không lành mạnh theo đúng bản chất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật khác, tránh tạo lỗ hổng pháp lý đối với những hành vi còn chưa được điều chỉnh bởi bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào. Ngoài ra, Luật quy định trường hợp luật khác có quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác với quy định của Luật cạnh tranh thì áp dụng quy định của luật đó.
h) Tổ chức lại cơ quan cạnh tranh để tăng cường hiệu quả thực thi
Luật cạnh tranh quy định thành lập Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trên quan điểm tổ chức lại các cơ quan cạnh tranh theo Luật năm 2004 bao gồm Cơ quan quản lý cạnh tranh (hiện nay là Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng) và Hội đồng Cạnh tranh (bao gồm cả bộ phận giúp việc là Văn phòng Hội đồng Cạnh tranh). Đây là điểm mới quan trọng nhằm tăng cường hiệu quả thực thi của cơ quan cạnh tranh. Mô hình Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phù hợp với xu hướng chung của thế giới đồng thời giúp thu giảm đầu mối, tinh gọn bộ máy, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả phù hợp với bối cảnh kinh tế và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
Luật Cạnh tranh quy định cụ thể mô hình, chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhằm bảo đảm vị thế và tính độc lập của cơ quan này trong tiến hành tố tụng cạnh tranh qua đó tăng cường hiệu quả hoạt động của cơ quan này. Trong tố tụng cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan tiến hành thông suốt các hoạt động tố tụng từ phát hiện, điều tra đến xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh và giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh.
i) Hoàn thiện quy định về trình tự, thủ tục trong tố tụng cạnh tranh
Các quy định về trình tự, thủ tục trong tố tụng cạnh tranh trong Luật đã được hoàn thiện theo hướng đơn giản hơn, rút ngắn thời gian và có sự phân định rõ các khâu trong quá trình giải quyết vụ việc cạnh tranh, từ phát hiện, điều tra cho đến xử lý và giải quyết khiếu nại. Trong mỗi khâu sẽ gắn với trách nhiệm cụ thể của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng cạnh tranh. Đồng thời, Luật quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng. Điều này bảo đảm các hoạt động tố tụng cạnh tranh được rõ ràng, minh bạch để mọi cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp và toàn xã hội có thể theo dõi, giám sát.
3. Các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định của Luật cạnh tranh
Các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật cạnh tranh được thiết kế khác nhau đối với các đối tượng khác nhau.
- Khoản 1, Điều 8, Luật cạnh tranh quy định nghiêm cấm cơ quan nhà nước thực hiện hành vi gây cản trở cạnh tranh trên thị trường sau: (1) Ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thực hiện hoặc không thực hiện việc sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ cụ thể hoặc mua, bán hàng hóa, cung ứng, sử dụng dịch vụ với doanh nghiệp cụ thể, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc trong trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật; (2) Phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp; (3) Ép buộc, yêu cầu, khuyến nghị các hiệp hội ngành, nghề, tổ chức xã hội - nghề nghiệp khác hoặc các doanh nghiệp liên kết với nhau nhằm hạn chế cạnh tranh trên thị trường; (4) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh.
- Khoản 2, Điều 8, Luật cạnh tranh quy định nghiêm cấm tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, vận động, kêu gọi, ép buộc hoặc tổ chức để doanh nghiệp thực hiện hành vi hạn chế cạnh tranh, cạnh tranh không lành mạnh.
- Điều 11, Luật cạnh tranh quy định thỏa thuận hạn chế cạnh tranh: (1) Thỏa thuận ấn định giá hàng hóa, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; (2) Thỏa thuận phân chia khách hàng, phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ; (3) Thỏa thuận hạn chế hoặc kiểm soát số lượng, khối lượng sản xuất, mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; (4) Thỏa thuận để một hoặc các bên tham gia thỏa thuận thắng thầu khi tham gia đấu thầu trong việc cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ; (5) Thỏa thuận ngăn cản, kìm hãm, không cho doanh nghiệp khác tham gia thị trường hoặc phát triển kinh doanh; (6) Thỏa thuận loại bỏ khỏi thị trường những doanh nghiệp không phải là các bên tham gia thỏa thuận; (7) Thỏa thuận hạn chế phát triển kỹ thuật, công nghệ, hạn chế đầu tư; (8) Thỏa thuận áp đặt hoặc ấn định điều kiện ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp khác hoặc thỏa thuận buộc doanh nghiệp khác chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng: (9) Thỏa thuận không giao dịch với các bên không tham gia thỏa thuận; (10) Thỏa thuận hạn chế thị trường tiêu thụ sản phẩm, nguồn cung cấp hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các bên không tham gia thỏa thuận; (11) Thỏa thuận khác gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh.
Điều 12, Luật cạnh tranh quy định thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm: (1) Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 11; (2) Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều 11; (3) Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan quy định tại các khoản 7, 8, 9, 10 và 11 Điều 11 khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường; (4) Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh ở các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định quy định tại các khoản 1, 2, 3, 7, 8, 9, 10 và 11 Điều 11 khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.
- Điều 27, Luật cạnh tranh quy định cấm doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường thực hiện hành vi: (1) Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ đối thủ cạnh tranh; (2) Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng; (3) Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng; (4) Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác; (5) Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác; (6) Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác; (7) Hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường bị cấm theo quy định của luật khác.
Doanh nghiệp có vị trí độc quyền bị cấm thực hiện hành vi: (1) Áp đặt giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý hoặc ấn định giá bán lại tối thiểu gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng; (2) Hạn chế sản xuất, phân phối hàng hóa, dịch vụ, giới hạn thị trường, cản trở sự phát triển kỹ thuật, công nghệ gây ra hoặc có khả năng gây ra thiệt hại cho khách hàng; (3) Áp dụng điều kiện thương mại khác nhau trong các giao dịch tương tự dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác; (4) Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác trong ký kết hợp đồng mua, bán hàng hóa, dịch vụ hoặc yêu cầu doanh nghiệp khác, khách hàng chấp nhận các nghĩa vụ không liên quan trực tiếp đến đối tượng của hợp đồng dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến ngăn cản doanh nghiệp khác tham gia, mở rộng thị trường hoặc loại bỏ doanh nghiệp khác; (5) Ngăn cản việc tham gia hoặc mở rộng thị trường của doanh nghiệp khác; (6) Áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng; (7) Lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng; (8) Hành vi lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo quy định của luật khác.
- Điều 30, Luật cạnh tranh quy định doanh nghiệp thực hiện tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam.
- Điều 45, Luật cạnh tranh quy định các hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị cấm: (1) Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh; (2) Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó; (3) Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó; (4) Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó; (5) Lôi kéo khách hàng bất chính; (6) Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó; (7) Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của luật khác.