TÀI LIỆU GIỚI THIỆU LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA 37 LUẬT CÓ LIÊN QUAN ĐẾN QUY HOẠCH

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2018. Chủ tịch nước ký Lệnh công bố ngày 04/12/2018. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.

1. Bố cục Luật

Luật bao gồm 31 điều, trong đó có 30 điều quy định việc sửa đổi 37 luật và 01 điều về quy định hiệu lực thi hành luật.

2. Nội dung chủ yếu của Luật

a) Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực giao thông vận tải

Có 04 luật thuộc lĩnh vực giao thông vận tải liên quan đến quy hoạch được sửa đổi gồm Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Giao thông đường thủy nội địa và Bộ luật Hàng hải. Các luật này quy định về quy hoạch ngành quốc gia; quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành; quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ. Để đảm bảo đồng bộ thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch, các luật này được sửa đổi theo hướng:

- Sửa đổi tên quy hoạch để phù hợp với tên quy hoạch ngành quốc gia theo Phụ lục I Luật Quy hoạch và cấp lập quy hoạch, đảm bảo mục tiêu lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp, gồm các quy định về quy hoạch mạng lưới đường bộ; quy hoạch mạng lưới đường sắt; quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển; quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc; quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

- Quy định thẩm quyền lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia và các nguyên tắc lập quy hoạch có tính chất chuyên ngành, cụ thể: Bộ Giao thông vận tải sẽ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia nói trên trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Nội dung của quy hoạch ngành quốc gia sẽ được Chính phủ hướng dẫn chi tiết tại Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch[1].

- Quy định nội dung của các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được liệt kê tại Phụ lục II Luật Quy hoạch và mối quan hệ với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo Điều 5 Luật Quy hoạch. Thẩm quyền lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch này được quy định phù hợp với việc phân cấp quản lý hiện hành cũng như phân cấp quản lý quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch. Do việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, tổ chức thực hiện và điều chỉnh các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành được thực hiện theo pháp luật liên quan nên cần bổ sung quy định Chính phủ hướng dẫn chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, tổ chức thực hiện và điều chỉnh các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thay thế cho Nghị định số 92/2006/NĐ-CP và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP sẽ hết hiệu lực sau khi Luật Quy hoạch có hiệu lực.

+ Nội dung quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cụ thể hóa quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ, gồm: Xác định quy mô của các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc; hướng tuyến của các tuyến cao tốc, quốc lộ; các điểm giao cắt; dự kiến quỹ đất; phương án kết nối với các phương thức vận tải khác; phương án kết nối các tuyến đường bộ cao tốc, quốc lộ với hệ thống đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp, ...

+ Nội dung quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển, gồm: xác định các địa phương thuộc phạm vi phục vụ của các cảng biển; xác định loại cảng; xác định vị trí các cảng biển trong nhóm; xác định phương án kết nối với các phương thức vận tải khác. Nội dung quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển, gồm: xác định số lượng cầu cảng, bến cảng, khu bến cảng; xác định vị trí, quy mô, công năng, diện tích vùng đất, vùng nước, diện tích kho bãi, khu vực hậu cần bến cảng, diện tích sử dụng đất, chiều dài, công suất thiết kế của cầu cảng, bến cảng; xác định tiêu chuẩn kỹ thuật luồng tàu, cỡ tàu chuẩn hành thủy trên luồng; xác định giai đoạn, thời điểm thực hiện đầu tư; vị trí, mặt bằng tổng thể bến cảng, cầu cảng, cầu dẫn, kích thước các công trình thủy công (đê, kè chắn sóng…); bố trí phân khu chức năng tại từng khu bến cảng thuộc cảng biển.

+ Nội dung quy hoạch tuyến đường sắt, ga đường sắt cụ thể hóa quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia, gồm: Xác định cụ thể phương án hướng tuyến, chiều dài tuyến, khổ đường, các điểm khống chế chính, các công trình cầu, hầm, điểm giao cắt; xác định vị trí các ga, trạm bảo dưỡng; xác định phương án kết nối với các phương thức vận tải khác, phương án kết nối với hệ thống đô thị, khu du lịch, khu công nghiệp,...

- Sửa đổi các quy định về các loại quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ (quy hoạch phương tiện vận tải; quy hoạch trạm đăng kiểm phương tiện vận tải; quy hoạch phát triển công nghiệp đóng tàu; quy hoạch cơ sở phá dỡ tàu biển) là các quy hoạch bị cấm lập theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Luật Quy hoạch. Việc quản lý phương tiện vận tải, trạm đăng kiểm, cơ sở công nghiệp đóng tàu và cơ sở phá dỡ tàu biển thực hiện theo các điều kiện kinh doanh, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành đã được quy định tại Bộ Luật Hàng Hải, Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành.

b) Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Có 07 luật thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường liên quan đến quy hoạch được sửa đổi gồm Luật Đất đai; Luật Tài nguyên nước; Luật Khoáng sản; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Khí tượng thủy văn, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đa dạng sinh học. Các luật này có các quy định liên quan đến quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Để đảm bảo đồng bộ thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch, các luật này được sửa đổi theo hướng:

- Sửa đổi tên quy hoạch để phù hợp với tên quy hoạch cấp quốc gia theo Điều 5 và Phụ lục I Luật Quy hoạch và cấp lập quy hoạch đảm bảo mục tiêu lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp, gồm các quy định về quy hoạch sử dụng đất quốc gia; quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia; quy hoạch tài nguyên nước; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng; quy hoạch bảo vệ môi trường; quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học.

- Quy định thẩm quyền lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia và các nguyên tắc lập quy hoạch có tính chất chuyên ngành, cụ thể: Bộ Tài nguyên và môi trường sẽ tổ chức lập quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia; quy hoạch tài nguyên nước; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; quy hoạch bảo vệ môi trường; quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học. trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch. Bộ Xây dựng tổ chức lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Bộ Công thương tổ chức lập quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản, quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ. Nội dung của quy hoạch ngành quốc gia sẽ được Chính phủ hướng dẫn chi tiết tại Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch[2].

- Quy định cụ thể nội dung của các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được liệt kê tại Phụ lục II Luật Quy hoạch và mối quan hệ với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo Điều 5 Luật Quy hoạch.Thẩm quyền lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch này phù hợp với phân cấp quản lý hiện hành cũng như phân cấp quản lý quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.

+ Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh cụ thể hóa quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh[3]. Nội dung quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh thể hiện chi tiết, định lượng cùng với các phương án, giải pháp cụ thể về tài nguyên nước thực hiện mang tính chuyên môn sâu của lĩnh vực cho từng tiểu lưu vực, từng tỉnh... Trong khi đó, phương hướng khai thác, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh chỉ mang tính định hướng, làm cơ sở cho việc xây dựng các phương án quy hoạch để xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường. Đối với quy hoạch bảo vệ, khai thác, sử dụng nguồn nước liên quốc gia, sẽ được lập khi có sự hợp tác giữa các quốc gia có chung nguồn nước và nội dung quy hoạch phải căn cứ vào thỏa thuận giữa các quốc gia có chung nguồn nước.

- Sửa đổi các quy định về kế hoạch sử dụng đất do việc lập kế hoạch sử dụng đất phải căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất. Việc bãi bỏ việc lấy ý kiến về kế hoạch sử dụng đất các cấp là do việc lấy ý kiến đã được thực hiện trong quá trình lập quy hoạch sử dụng đất; kế hoạch sử dụng đất là việc phân bổ quy hoạch sử dụng đất theo thời gian để thực hiện nên nếu lấy ý kiến về kế hoạch sử dụng đất hoạch sử dụng đất sẽ dẫn đến việc lấy ý kiến 2 lần cho một phương án sử dụng đất.

c) Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực nông nghiệp

Có 03 luật thuộc lĩnh vực nông nghiệp liên quan đến quy hoạch được sửa đổi gồm Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật Đê điều và Luật Thủy lợi. Các luật này có nội dung quy định về các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Để đảm bảo đồng bộ thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch, các luật này được sửa đổi theo hướng: (1) Sửa đổi tên quy hoạch để phù hợp với tên quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành theo Phụ lục I và Phụ lục II Luật Quy hoạch; (2) Quy định thẩm quyền lập, phê duyệt, công bố, điều chỉnh quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành; (3) Quy định nội dung của các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và mối quan hệ với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo Điều 5 Luật Quy hoạch để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ và tránh sự trùng lặp, chồng chéo về nội dung giữa các loại quy hoạch. Cụ thể:

- Đối với quy hoạch vùng không nhiễm sinh vật gây hại, sửa đổi theo hướng tích hợp nội dung quy hoạch này vào quy hoạch tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức thực hiện bảo vệ và kiểm dịch thực vật theo quy hoạch được phê duyệt.

- Đối với quy hoạch thủy lợi, sửa đổi theo hướng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thủy lợi được lập cho phạm vi lưu vực sông liên tỉnh và hệ thống công trình thủy lợi liên quan từ hai tỉnh trở lên. Nội dung quy hoạch thủy lợi lưu vực sông gồm các giải pháp thủy lợi cho các đối tượng cần phục vụ qua mối liên kết nguồn nước trong phạm vi lưu vực sông, đưa ra những công trình chính, làm cơ sở để lập quy hoạch hệ thống công trình thủy lợi. Nội dung quy hoạch hệ thống công trình thủy lợi gồm các giải pháp phối hợp, vận hành giữa các công trình thủy lợi theo hệ thống dựa trên mối liên kết về nguồn nước của các hệ thống công trình thủy lợi, có mức độ chi tiết đến quy mô nội đồng.

Tích hợp nội dung phương án phát triển thủy lợi trên phạm vi cả nước trong quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi; phương án phát triển thủy lợi trên phạm vi vùng, tỉnh được tích hợp trong quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. Như vậy, công tác quản lý và phát triển thủy lợi ở các cấp độ vẫn được đảm bảo theo quy định của pháp luật về thủy lợi, đồng thời, hạn chế được các trùng lặp, chồng chéo về nội dung phát triển thủy lợi ở quy hoạch cấp quốc gia, vùng và tỉnh.

- Đối với quy hoạch đê điều và quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê sửa đổi theo hướng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở phù hợp với quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi.

+ Nội dung quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi xây dựng các kịch bản phát triển ảnh hưởng trực tiếp đến phòng, chống thiên tai và thủy lợi; xác định quan điểm, mục tiêu và phương án phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phòng, chống thiên tai và thủy lợi… Trên cơ sở đó, quy hoạch đê điều cụ thể hóa nội dung về đê điều trong quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi, xác định cụ thể các thông số kỹ thuật của tuyến đê như: vị trí từng tuyến đê, kích thước mặt cắt đê, các công trình đầu mối hạ tầng trên tuyến đê...

+ Nội dung quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê của hệ thống sông liên tỉnh gồm: xác định các quy chuẩn, tiêu chuẩn phòng, chống lũ; xác định lưu lượng, mực nước lũ thiết kế; giải pháp kỹ thuật để đảm bảo yêu cầu chống lũ như: hồ chứa; trồng rừng; phân lũ, làm chậm lũ, khả năng phân lũ vào các sông khác… Trong khi đó, phương hướng phòng, chống thiên tai trong quy hoạch vùng là một trong các nội dung về phương hướng bảo vệ môi trường, khai thác, bảo vệ tài nguyên nước lưu vực sông, ứng phó với biến đổi khí hậu trong quy hoạch vùng, trong đó chỉ xác định phương hướng, định hướng lớn của cả vùng. Đồng thời, quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê sẽ xác định các vấn đề lớn như đánh giá mức đảm bảo phòng, chống lũ của tuyến đê. Trên cơ sở đó, quy hoạch đê điều xác định cụ thể các thông số kỹ thuật của tuyến đê như: vị trí từng tuyến đê, kích thước mặt cắt đê, các công trình đầu mối hạ tầng trên tuyến đê …

+ Nội dung quy hoạch đê điều và quy hoạch phòng, chống lũ cho tuyến sông có đê ở cấp vùng và tỉnh được tích hợp trong quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh nhằm đảm bảo sự gắn kết đồng bộ giữa phát triển đê điều với các hạ tầng có liên quan và tránh trùng lặp, chồng chéo về nội dung quy hoạch.

d) Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ

Có 04 luật thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ liên quan đến quy hoạch được sửa đổi gồm Luật Đo lường, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Năng lượng nguyên tử và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Các luật này có nội dung quy định liên quan đến quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Để đảm bảo đồng bộ thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch, các luật này được sửa đổi theo hướng: sửa đổi tên quy hoạch để phù hợp với tên quy hoạch ngành quốc gia theo Phụ lục I Luật Quy hoạch; quy định thẩm quyền lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia các nguyên tắc lập quy hoạch có tính chất chuyên ngành; quy định nội dung của các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Cụ thể: 

- Sửa đổi tên quy hoạch để phù hợp với tên quy hoạch ngành quốc gia theo Phụ lục I Luật Quy hoạch (quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ).

- Quy định thẩm quyền lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia các nguyên tắc lập quy hoạch có tính chất chuyên ngành. Nội dung của quy hoạch ngành quốc gia sẽ được Chính phủ hướng dẫn chi tiết tại Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch[4].

- Quy định nội dung của các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành đã được liệt kê tại Phụ lục II Luật Quy hoạch gồm quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử và quy hoạch phát triển điện hạt nhân. Thẩm quyền lập, thẩm định và phê duyệt các quy hoạch này được quy định phù hợp với việc phân cấp quản lý hiện hành cũng như phân cấp quản lý quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.

- Sửa đổi các quy định liên quan đến các quy hoạch không được tiếp tục lập do không phù hợp với khái niệm “quy hoạch” quy định tại Luật Quy hoạch gồm quy hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật, quy hoạch phát triển chuẩn quốc gia, quy hoạch phát triển về đo lường và quy hoạch về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

đ) Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông

Có 03 luật thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông liên quan đến quy hoạch được sửa đổi gồm Luật Báo chí, Luật Xuất bản và Luật An toàn thông tin mạng. Các luật này có nội dung quy định liên quan đến các loại quy hoạch sẽ được tích hợp vào quy hoạch ngành quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch. Để đảm bảo đồng bộ thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch, các luật này được sửa đổi theo hướng: sửa đổi tên quy hoạch để phù hợp với tên quy hoạch ngành quốc gia theo Phụ lục I của Luật Quy hoạch; bãi bỏ một số quy định sử dụng quy hoạch làm điều kiện cấp phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng và báo chí. Cụ thể:

- Đối với Luật Báo chí và Luật Xuất bản, sửa đổi tên các quy hoạch được quy định trong Luật Báo chí và Luật Xuất bản gồm quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc; quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình; quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình; quy hoạch phát triển hoạt động xuất bản; quy hoạch phát triển mạng lưới nhà xuất bản, cơ sở in, cơ sở phát hành xuất bản phẩm cho phù hợp với tên quy hoạch được quy định tại Phụ lục I Luật Quy hoạch. Theo đó, nội dung các quy hoạch này đã được tích hợp trong một bản quy hoạch chung là quy hoạch phát triển mạng lưới báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản. Sửa đổi, bổ sung một số quy định về việc cấp giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền và cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền theo hướng việc cấp phép các loại hình dịch vụ về phát thanh, truyền hình nêu trên phải phù hợp với với chiến lược, kế hoạch và chính sách phát triển và quản lý báo chí của Nhà nước để vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước đối với các dịch vụ về phát thanh, truyền hình; đồng thời đảm bảo sự đồng bộ với Luật Quy hoạch.

- Đối với Luật An toàn thông tin mạng, sửa đổi các quy định liên quan đến quy hoạch phát triển an toàn thông tin mạng quốc gia do theo quy định của Luật Quy hoạch, ở cấp quốc gia có quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia là quy hoạch ngành quốc gia có nội dung xác định phương hướng phát triển, phân bố và tổ chức không gian, nguồn lực trong lĩnh vực thông tin và truyền thông. An toàn thông tin mạng là một nội dung có liên quan đến hầu hết các lĩnh vực thông tin, truyền thông khác, đặc biệt là lĩnh vực viễn thông. Mặt khác, nội dung quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, quy hoạch tần số vô tuyến điện được tích hợp vào quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia theo quy định tại khoản 7 Điều 57 của Luật Quy hoạch. Vì vậy, nội dung về an toàn thông tin mạng cũng cần được tích hợp vào quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông để đảm bảo sự kết nối đồng bộ, thống nhất giữa an toàn thông tin mạng với phát triển hạ tầng thông tin và truyền thông quốc gia, bao gồm cả hạ tầng viễn thông đảm bảo đáp ứng yêu cầu về quốc phòng, an ninh quốc gia, bí mật nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 42 Luật An toàn thông tin mạng quy định một trong những điều kiện cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng là phải phù hợp với quy hoạch phát triển an toàn thông tin mạng quốc gia do việc kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quy hoạch không phải là một trong những điều kiện để quản lý việc cấp phép cho các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng. Mặc khác, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 108/2016/NĐ-CP ngày 01/7 2016 quy định chi tiết điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng, trong đó không có quy định liên quan đến quy hoạch. Vì vậy, việc bỏ quy định cấp phép Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng phải phù hợp với quy hoạch không ảnh hưởng tới công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin mạng theo quy định hiện hành.

e) Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực xây dựng

Có 02 luật thuộc lĩnh vực xây dựng liên quan đến quy hoạch được sửa đổi gồm Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị. Các luật này quy định về các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Để đảm bảo đồng bộ thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch, các luật này được sửa đổi theo hướng:

- Đối với Luật Xây dựng, sửa đổi theo hướng xác định rõ các loại quy hoạch xây dựng để đảm bảo đồng bộ thống nhất với Luật Quy hoạch, theo đó, quy hoạch xây dựng bao gồm quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện.

+ Nội dung quy hoạch xây dựng vùng tỉnh sẽ được tích hợp vào nội dung quy hoạch tỉnh được lập theo quy định của Luật Quy hoạch.

+ Nội dung quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện do Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm thống nhất, tránh trùng lắp với nội dung quy hoạch tỉnh trong Luật Quy hoạch.

 + Quy hoạch xây dựng khu chức năng được lập cho khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao; khu du lịch; khu nghiên cứu, đào tạo; khu thể dục thể thao. Nội dung quy hoạch xây dựng khu chức năng xác định các phân khu chức năng, mật độ xây dựng, tầng cao xây dựng, hệ số sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật theo từng cấp độ nhằm kết nối không gian, định hướng kiến trúc, cảnh quan giữa các khu chức năng với các khu đô thị, nông thôn liên quan.

+ Bỏ yêu cầu, căn cứ “quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội” khi lập quy hoạch xây dựng và thay bằng “quy hoạch cấp quốc gia”, “quy hoạch vùng” hay “quy hoạch tỉnh” tương ứng; sửa đổi, bổ sung các quy định về căn cứ điều chỉnh quy hoạch xây dựng, cung cấp thông tin, lấy ý kiến về quy hoạch xây dựng; công bố công khai quy hoạch xây dựng.

- Đối với Luật Quy hoạch đô thị, sửa đổi theo hướng bỏ yêu cầu, căn cứ “quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội” khi lập, điều chỉnh quy hoạch đô thị và thay bằng “quy hoạch cấp quốc gia”, “quy hoạch vùng” hay “quy hoạch tỉnh” tương ứng; chỉnh sửa tên quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch; sửa đổi, bổ sung các quy định về công bố công khai, quy hoạch đô thị; bãi bỏ quy định về “định hướng quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị quốc gia.

+ Quy định chặt chẽ hơn quy trình, thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch xây dựng để bảo đảm sự ổn định của hệ thống quy hoạch.

- Ngoài ra, để đơn giản hóa thủ tục hành chính và bảo đảm tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch trong hoạt động quy hoạch, Luật này cũng bãi bỏ giấy phép quy hoạch xây dựng tại Luật Xây dựng, giấy phép quy hoạch đô thị và chứng chỉ quy hoạch tại Luật Quy hoạch đô thị.

g) Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch

Có 02 luật thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch liên quan đến quy hoạch được sửa đổi gồm Luật Điện ảnh, Luật Quảng cáo. Các luật này quy định về các loại quy hoạch sẽ được tích hợp vào các quy hoạch khác và quy hoạch không được lập theo quy định của Luật Quy hoạch. Để đảm bảo đồng bộ thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch, các luật này được sửa đổi theo hướng: sửa đổi các quy định để thống nhất với tên quy hoạch tại Phụ lục I Luật Quy hoạch, sửa đổi các quy định liên quan đến loại quy hoạch sẽ không được lập theo Luật Quy hoạch. Cụ thể:

- Đối với Luật Điện ảnh, sửa đổi tên quy hoạch để phù hợp với tên quy hoạch ngành quốc gia theo Phụ lục I Luật Quy hoạch và đảm bảo mục tiêu xây dựng quy hoạch theo phương pháp tích hợp, cụ thể: không lập quy hoạch quy hoạch phát triển điện ảnh mà tổ chức lập nội dung phương án phát triển cơ sở điện ảnh trong quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao.

- Đối với Luật Quảng cáo, sửa đổi quy định liên quan đến quy hoạch phát triển quảng cáo do theo Luật Quy hoạch quy hoạch này sẽ không được lập.

h) Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực quốc phòng

Có 01 luật thuộc lĩnh vực quốc phòng liên quan đến quy hoạch được sửa đổi là Luật Giáo dục quốc phòng an ninh. Theo đó, để đảm bảo đồng bộ thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch, Luật này được sửa đổi theo hướng sửa đổi quy định liên quan đến quy hoạch không được lập là quy hoạch hệ thống nhà trường quân đội.

i) Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuộc lĩnh vực y tế, công thương, lao động, thương binh và xã hội, tài chính và tư pháp

Có 02 luật thuộc lĩnh vực y tế (Luật Bảo hiểm y tế và Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm); 02 luật thuộc lĩnh vực công thương (Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Luật Dầu khí); 02 luật thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội (Bộ luật lao động và Luật Bảo hiểm xã hội); 04 luật thuộc lĩnh vực tài chính (Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Luật Hải quan và Luật Chứng khoán); 01 luật thuộc lĩnh vực tư pháp (Luật Giám định tư pháp). Để đảm bảo đồng bộ thống nhất với quy định của Luật Quy hoạch, các luật này được sửa đổi theo hướng: sửa đổi tên các quy hoạch để thống nhất với tên quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, sửa đổi các quy định về các loại quy hoạch không thống nhất với khái niệm quy hoạch quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Quy hoạch. Cụ thể:

- Đối với Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, sửa đổi tên quy hoạch tại để phù hợp với tên quy hoạch ngành quốc gia theo Phụ lục I Luật Quy hoạch.

- Đối với Luật Bảo hiểm y tế; Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Dầu khí, Bộ luật lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí; Luật Hải quan, Luật Chứng khoán, Luật Giám định tư pháp, sửa đổi các quy định liên quan đến các quy hoạch không được tiếp tục lập do không phù hợp với khái niệm quy hoạch quy định tại Luật Quy hoạch gồm quy hoạch phát triển bảo hiểm y tế; quy hoạch phát triển nhân lực phòng; chống bệnh truyền nhiễm; quy hoạch phát triển ngành dầu khí; quy hoạch bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; quy hoạch phát triển bảo hiểm xã hội; quy hoạch về nguồn nhân lực; quy hoạch phát triển hải quan; quy hoạch phát triển chứng khoán; quy hoạch giám định tư pháp.

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Đa dạng các hoạt động tuyên truyền pháp luật trong trường học
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi năm 2022) được Quốc hội khoá XV kỳ họp thứ 14 thông qua vào ngày 14/11/2022, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Theo đó, Luật được ban hành với những nội dung cơ bản như sau:
Ngày 15/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (Luật số 14/2022/QH15), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2023, Luật gồm những nội dung cơ bản như sau:
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023. Theo đó, Luật được ban hành với những nội dung cơ bản như sau: