TÀI LIỆU GIỚI THIỆU LUẬT XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH CỦA CÔNG DÂN VIỆT NAM

Luật này quy định về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Luật gồm 8 chương, 52 điều, cụ thể:

Chương I: Quy định chung, gồm 5 điều (từ Điều 1 đến Điều 5) quy định về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; nguyên tắc xuất cảnh, nhập cảnh; các hành vi bị nghiêm cấm; quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam.

Chương II: Giấy tờ xuất nhập cảnh, gồm 2 điều (Điều 6, 7) quy định về giấy tờ xuất nhập cảnh; thời hạn của giấy tờ xuất nhập cảnh.

Chương III: Cấp, chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh gồm 5 mục:

- Mục 1: Cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, gồm 6 điều (từ Điều 8 đến Điều 13) quy định về đối tượng được cấp hộ chiếu ngoại giao; đối tượng được cấp hộ chiếu công vụ; điều kiện cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; thẩm quyền cho phép, quyết định cử người thuộc diện cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; cấp, gia hạn hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ ở trong nước; cấp, gia hạn hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ ở nước ngoài.

- Mục 2: Cấp hộ chiếu phổ thông, gồm 3 điều (từ Điều 14 đến Điều 16) quy định về đối tượng được cấp hộ chiếu phổ thông; cấp hộ chiếu phổ thông ở trong nước; cấp hộ chiếu phổ thông ở nước ngoài.

- Mục 3: Cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn, gồm 2 điều (Điều 17, 18) quy định về đối tượng được cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn; cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn.

- Mục 4: Cấp giấy thông hành, gồm 2 điều (Điều 19, 20) quy định về đối tượng được cấp giấy thông hành; cấp giấy thông hành.

- Mục 5: Chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, gồm 2 điều (Điều 21, 22) quy định về trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh; thời hạn chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh.

Chương IV: Quản lý, sử dụng, thu hồi, hủy, khôi phục giấy tờ xuất nhập cảnh, gồm 2 mục:

- Mục 1: Quản lý, sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh, gồm 4 điều (từ Điều 23 đến Điều 26) quy định về trách nhiệm của người được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh; quản lý hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ; sử dụng hộ chiếu phổ thông, giấy thông hành.

- Mục 2: Thu hồi, hủy, khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu, gồm 6 điều (từ Điều 27 đến Điều 32) quy định về các trường hợp thu hồi, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu; hủy giá trị sử dụng hộ chiếu còn thời hạn bị mất; thu hồi, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu đối với người được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch Việt Nam, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; thu hồi, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ đối với trường hợp không còn thuộc đối tượng được sử dụng; thu hồi, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu của người thuộc trường hợp chưa cấp giấy tờ xuất nhập cảnh do thực hiện hành vi bị nghiêm cấm; khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông.

Chương V: Xuất cảnh, nhập cảnh, tạm hoãn xuất cảnh, gồm 7 điều (từ Điều 33 đến Điều 39) quy định về điều kiện xuất cảnh; điều kiện nhập cảnh; kiểm soát xuất nhập cảnh; các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh; thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh; thời hạn tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh; trình tự, thủ tục thực hiện tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh.

Chương VI: Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, gồm 4 điều (từ Điều 40 đến Điều 43) quy định về yêu cầu xây dựng và quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; thu thập, cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Chương VII: Trách nhiệm quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, gồm 7 điều (từ Điều 44 đến Điều 50) quy định về trách nhiệm quản lý nhà nước về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; trách nhiệm của Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Bộ Quốc phòng; Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; Ban Cơ yếu Chính phủ; cơ quan, tổ chức có liên quan.

Chương VIII: Điều khoản thi hành, gồm 2 điều (Điều 51, 52) quy định về hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp.

 NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT

1. Quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân

Để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, Luật đã quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của công dân (Điều 5). Theo đó, công dân Việt Nam có 07 quyền sau: (1) Được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định của Luật này; (2) Người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử; (3) Được xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của Luật này; (4) Được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, trừ trường hợp phải cung cấp thông tin, tài liệu theo quy định của pháp luật; (5) Yêu cầu cung cấp thông tin về xuất cảnh, nhập cảnh của mình; yêu cầu cập nhật, chỉnh sửa thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, giấy tờ xuất nhập cảnh của mình để bảo đảm đầy đủ, chính xác; (6) Sử dụng hộ chiếu của mình để thực hiện giao dịch hoặc thủ tục khác theo quy định của pháp luật; (7) Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật.

Về nghĩa vụ, công dân có 05 nghĩa vụ sau: (1) Chấp hành quy định của pháp luật Việt Nam về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và pháp luật của nước đến khi ra nước ngoài; (2) Thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, gia hạn hộ chiếu, khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu theo quy định của Luật này; (3) Sử dụng giấy tờ xuất nhập cảnh do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp để xuất cảnh, nhập cảnh; (4) Chấp hành yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc kiểm tra người, hành lý, giấy tờ xuất nhập cảnh khi làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh; (5) Nộp lệ phí cấp giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Luật quy định trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự và người chưa đủ 14 tuổi thì thông qua người đại diện hợp pháp của mình thực hiện quyền và nghĩa vụ về xuất nhập cảnh theo quy định của Luật.

2. Quy định về cấp hộ chiếu phổ thông

- Trước hết, Luật quy định hộ chiếu được cấp riêng cho từng người. So với quy định hiện hành (người chưa đủ 09 tuổi cấp chung vào hộ chiếu phổ thông của bố hoặc mẹ, thời hạn 05 năm), quy định này nhằm bảo đảm quyền tự do xuất nhập cảnh của công dân cũng như tinh thần cải cách hành chính của Luật. Theo đó, điểm a khoản 1 Điều 5 quy định: “Công dân Việt Nam được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định của Luật”. Điều 14 quy định công dân Việt Nam được xem xét cấp hộ chiếu phổ thông trừ trường hợp chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 hoặc 7 Điều 4 của Luật; người bị tạm hoãn xuất cảnh trừ trường hợp quy định tại khoản 12 Điều 37 của Luật; trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.

- Ngoài ra, Luật quy định người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc hộ chiếu không gắn chíp điện tử (điểm b khoản 1 Điều 5). Người đề nghị cấp hộ chiếu có gắn chíp điện tử lần đầu sẽ phải chụp ảnh, thu thập vân tay.

- Luật không đặt vấn đề “nộp hồ sơ” khi đề nghị cấp hộ chiếu mà chỉ quy định điền vào tờ khai theo mẫu để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Theo đó, tại khoản 1 Điều 15 quy định: “Người đề nghị cấp hộ chiếu nộp tờ khai theo mẫu đã điền đầy đủ thông tin, 02 ảnh chân dung và giấy tờ liên quan theo quy định của Luật; xuất trình Chứng minh nhân dân, Thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng”.

- Luật quy định người đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông lần đầu ở trong nước nếu có căn cước công dân có quyền lựa chọn thực hiện tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thuận lợi (khoản 3 Điều 15). Đây là một trong những quy định tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền về xuất nhập cảnh, theo đó, người có căn cước công dân đề nghị cấp hộ chiếu lần đầu không bắt buộc phải thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thường trú hoặc tạm trú như quy định hiện hành.

- Đối với hộ chiếu phổ thông, Luật không đặt vấn đề hộ chiếu còn hạn hay hết hạn mà quy định người đề nghị cấp hộ chiếu từ lần thứ hai trở đi được lựa chọn nơi thực hiện. Theo đó, khoản 5 Điều 15 quy định: “Đề nghị cấp hộ chiếu từ lần thứ hai thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi hoặc Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an”. Thay vì như hiện nay, chỉ trường hợp cấp lại hộ chiếu còn thời hạn mới được làm thủ tục tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, còn hộ chiếu hết hạn phải làm thủ tục tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thường trú hoặc tạm trú.

- Về nơi nhận hộ chiếu, Luật quy định công dân có quyền lựa chọn nơi nhận hộ chiếu. Tại khoản 8 Điều 15 quy định: “Người đề nghị cấp hộ chiếu có yêu cầu nhận kết quả tại địa điểm khác với cơ quan theo quy định tại khoản 7 Điều này thì phải trả phí dịch vụ chuyển phát”. Quy định này nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân không phải đi lại nhiều, tránh thủ tục phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực.

- Về khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông, Luật đã quy định việc khôi phục giá trị hộ chiếu bị mất được tìm thấy, nếu người dân có yêu cầu nhằm tạo thuận lợi cho người dân, nhất là các trường hợp có thị thực của nước ngoài còn thời hạn. Cụ thể, khoản 1 Điều 32 quy định: “Hộ chiếu phổ thông đã bị hủy giá trị sử dụng do bị mất ở trong nước, sau khi tìm lại được còn nguyên vẹn và có thị thực do nước ngoài cấp còn thời hạn thì được xem xét khôi phục”.

3. Về giấy tờ xuất nhập cảnh

Các quy định về giấy tờ xuất nhập cảnh theo quy định của Luật có một số điểm mới nổi bật sau:

- Theo Điều 6 Luật, giấy tờ xuất nhập cảnh gồm 04 loại là: Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông và giấy thông hành. Theo đó, giấy tờ xuất nhập cảnh không còn bao gồm hộ chiếu thuyền viên nữa, đồng thời, cũng gọi chung là giấy thông hành thay vì 04 loại giấy thông hành như hiện nay (giấy thông hành biên giới, giấy thông hành nhập xuất cảnh, giấy thông hành hồi hương, giấy thông hành).

- Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ, hộ chiếu phổ thông có 02 loại: gắn chíp điện tử và không gắn chíp điện tử. Trong đó, hộ chiếu có gắn chíp điện tử là hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký số của người cấp (khoản 4 Điều 2). Việc sử dụng hộ chiếu điện tử là phù hợp với xu thế của toàn cầu, cho phép tăng cường tính bảo mật, quản lý tốt cơ sở dữ liệu, đồng thời thuận tiện, nhanh chóng cho công dân khi làm thủ tục kiểm tra, giám sát tại các cửa khẩu.

- Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm, có loại gắn chíp điện tử và không gắn chíp điện tử. Hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn không quá 05 năm, không gắn chíp điện tử. Theo đó, khoản 2 Điều 6 quy định: “Hộ chiếu có gắn chíp điện tử hoặc không gắn chíp điện tử cấp cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên. Hộ chiếu không gắn chíp điện tử được cấp cho công dân Việt Nam chưa đủ 14 tuổi hoặc cấp theo thủ tục rút gọn”.

- Về thời hạn của giấy tờ xuất nhập cảnh, Điều 7 quy định:

+ Hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ có thời hạn từ 01 năm đến 05 năm; có thể được gia hạn một lần không quá 03 năm.

+ Thời hạn sử dụng của hộ chiếu phổ thông về cơ bản giữ nguyên như hiện nay, cụ thể: Hộ chiếu phổ thông cấp cho người từ đủ 14 tuổi trở lên có thời hạn 10 năm và không được gia hạn; hộ chiếu phổ thông cấp cho người chưa đủ 14 tuổi có thời hạn 05 năm và không được gia hạn; hộ chiếu phổ thông cấp theo thủ tục rút gọn có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.

+ Giấy thông hành có thời hạn không quá 12 tháng và không được gia hạn.

- Thay cho việc cấp giấy thông hành cho công dân Việt Nam ra nước ngoài ngắn hạn phải về nước vì nhiều lý do khác nhau như hiện nay, Luật quy định cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn để thể hiện sự bảo hộ của Nhà nước đối với công dân trong mọi trường hợp; hộ chiếu có thời hạn không quá 12 tháng. Việc cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn được quy định tại mục 3 Chương III.

Về đối tượng được cấp hộ chiếu phổ thông theo thủ tục rút gọn, Điều 17 quy định gồm có: Người ra nước ngoài có thời hạn bị mất hộ chiếu phổ thông, có nguyện vọng về nước ngay; người có quyết định trục xuất bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền nước sở tại nhưng không có hộ chiếu; người phải về nước theo điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế về việc nhận trở lại công dân; người được cấp hộ chiếu phổ thông vì lý do quốc phòng, an ninh.

4. Về thu hồi, hủy, khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu

Điều 27 quy định các trường hợp sau đây phải thu hồi, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu: (1) Hủy giá trị sử dụng hộ chiếu còn thời hạn bị mất; (2) Thu hồi, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu của người được thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch Việt Nam, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; (3) Thu hồi, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ còn thời hạn đối với trường hợp không còn thuộc đối tượng được sử dụng; (4) Thu hồi, hủy giá trị sử dụng hộ chiếu đã cấp cho người thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật (người chưa chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm quy định tại khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 Điều 4 của Luật).

Luật đã quy định cụ thể các trường hợp không còn thuộc đối tượng được sử dụng hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ (Điều 30) gồm: Người đã được cấp hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ bị chết hoặc bị mất tích; người được cấp hộ chiếu ngoại giao do thay đổi chức vụ, chức danh hoặc quan hệ gia đình mà không còn thuộc đối tượng quy định tại Điều 8 của Luật; người đã được cấp hộ chiếu công vụ do thay đổi vị trí việc làm hoặc quan hệ gia đình mà không còn thuộc đối tượng quy định tại Điều 9 của Luật.

Luật quy định rõ trình tự, thủ tục khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông (Điều 32) để tạo thuận lợi cho người dân, nhất là các trường hợp có thị thực của nước ngoài còn thời hạn. Theo đó, hộ chiếu phổ thông đã bị hủy giá trị sử dụng do bị mất ở trong nước, sau khi tìm lại được còn nguyên vẹn và có thị thực do nước ngoài cấp còn thời hạn thì được xem xét khôi phục; người đề nghị khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu điền đầy đủ thông tin vào tờ khai theo mẫu kèm theo hộ chiếu và nộp tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an hoặc Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh nơi thuận lợi; người được giao nhiệm vụ có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra, đối chiếu thông tin trong tờ khai với thông tin trong hộ chiếu và cấp giấy hẹn trả kết quả; việc khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu phổ thông được thực hiện tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an trả hộ chiếu đã được khôi phục giá trị sử dụng cho người đề nghị; trường hợp không đồng ý khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu thì phải trả lời bằng văn bản, nêu lý do; trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Công an cấp tỉnh trả hộ chiếu đã được khôi phục giá trị sử dụng cho người đề nghị; trường hợp không đồng ý khôi phục giá trị sử dụng hộ chiếu thì phải trả lời bằng văn bản, nêu lý do.

5. Về tạm hoãn xuất cảnh

Về cơ bản, Luật đã kế thừa các quy định hiện hành về các trường hợp, thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh. Tuy nhiên, để phù hợp với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật đã cập nhật các trường hợp, thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự (Điều 113, 124).

Điều 36 quy định về các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh gồm: (1) Bị can, bị cáo; người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có căn cứ xác định người đó bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; (2) Người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự; (3) Người có nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ của họ đối với Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân và việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án; (4) Người phải thi hành án dân sự, người đại diện theo pháp luật của cơ quan, tổ chức đang có nghĩa vụ thi hành bản án, quyết định được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự nếu có căn cứ cho thấy việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc để bảo đảm việc thi hành án; (5) Người nộp thuế, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài trước khi xuất cảnh chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế; (6) Người đang bị cưỡng chế, người đại diện cho tổ chức đang bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; (7) Người bị thanh tra, kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó vi phạm đặc biệt nghiêm trọng và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn; (8) Người đang bị dịch bệnh nguy hiểm lây lan, truyền nhiễm và xét thấy cần ngăn chặn ngay, không để dịch bệnh lây lan, truyền nhiễm ra cộng đồng, trừ trường hợp được phía nước ngoài cho phép nhập cảnh; (9) Người mà cơ quan chức năng có căn cứ cho rằng việc xuất cảnh của họ ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.

Về thẩm quyền quyết định tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh (Điều 37) và thời hạn tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh (Điều 38) được thực hiện thống nhất theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, thi hành án hình sự, tố tụng dân sự, thi hành án dân sự, xử lý vi phạm hành chính…đối với mỗi trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh đều quy định cụ thể chức danh có thẩm quyền quyết định việc tạm hoãn xuất cảnh và thời hạn tạm hoãn xuất cảnh.

6. Quy định về cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam

Để đáp ứng với yêu cầu ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân, Điều 40 của Luật quy định yêu cầu xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam như sau: Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được xây dựng và quản lý tại Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, được kết nối đồng bộ đến các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, cơ quan quản lý cửa khẩu, cơ quan cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao; cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được xây dựng bảo đảm kết nối với các cơ sở dữ liệu về dân cư, căn cước công dân, tội phạm, quốc tịch và các cơ sở dữ liệu khác, đáp ứng tiêu chuẩn về cấu trúc cơ sở dữ liệu và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin, bảo đảm duy trì liên tục, ổn định, thông suốt, an toàn, bảo mật.

Việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu phải tuân thủ các quy định, chế độ về công tác hồ sơ và giao dịch điện tử, công nghệ thông tin; việc thu thập, cập nhật thông tin yêu cầu phải đầy đủ, chính xác, kịp thời, bảo đảm hoạt động ổn định, an toàn và bảo mật. Bên cạnh đó, Luật quy định cụ thể trách nhiệm cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được quy định tại Điều 43 như sau:

- Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam là cơ sở dữ liệu dùng chung cho công tác cấp, quản lý giấy tờ xuất nhập cảnh, kiểm soát về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam do Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý;

- Khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam được thực hiện như sau: Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an chịu trách nhiệm thống nhất phạm vi khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; cơ quan cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, cơ quan quản lý cửa khẩu, đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Để triển khai thi hành Điều này, Luật giao Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Quy định về xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu về xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, hộ chiếu có gắn chíp điện tử và kiểm soát xuất nhập cảnh bằng cổng kiểm soát tự động là một bước đột phá trong công tác cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trên lĩnh vực quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; quy định này đáp ứng yêu cầu công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho công dân trong việc đề nghị cấp giấy tờ xuất nhập cảnh và nhập cảnh vào các nước, đặc biệt là các nước áp dụng hệ thống kiểm soát xuất nhập cảnh tự động, các nước có chính sách ưu tiên trong việc cấp thị thực đối với người sử dụng hộ chiếu có gắn chíp điện tử, từ đó góp phần tăng cường công tác quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh; tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan nhà nước trong việc cấp, rút ngắn thời gian kiểm tra, kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu; nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, ngăn chặn tình trạng người cố tình cung cấp thông tin không đúng sự thật để được cấp giấy tờ xuất nhập cảnh, làm giả giấy tờ xuất nhập cảnh.

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Đa dạng các hoạt động tuyên truyền pháp luật trong trường học
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi năm 2022) được Quốc hội khoá XV kỳ họp thứ 14 thông qua vào ngày 14/11/2022, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023. Theo đó, Luật được ban hành với những nội dung cơ bản như sau:
Ngày 15/11/2022, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Phòng, chống rửa tiền (Luật số 14/2022/QH15), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2023, Luật gồm những nội dung cơ bản như sau:
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023. Theo đó, Luật được ban hành với những nội dung cơ bản như sau: