ĐẨY MẠNH TUYÊN TRUYỀN ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM
“Đề cương về Văn hóa Việt Nam” ra đời vào năm 1943, đến nay vừa tròn 80 năm. 80 năm đã qua, song Đề cương về văn hóa Việt Nam còn nguyên giá trị, vẫn là ngọn đốc “soi đường cho quốc dân” đi đến thắng lợi. Sự ra đời của Đề cương Văn hoá là dấu mốc lịch sử quan trọng, khởi nguồn cho một đường lối đúng đắn nhất quán “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” trong giai đoạn mới; Nhân kỷ niệm 80 năm ngày bản Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời, chúng ta có trách nhiệm tôn vinh, lan tỏa và phát huy giá trị của một văn kiện mang tầm Cương lĩnh của Đảng về văn hóa, thể hiện ý chí, nguyện vọng của dân tộc Việt Nam trong quá trình xây dựng một nền văn hóa mới, tiến bộ, nhân văn và dân chủ góp phần thực hiện thành công sự nghiệp phát triển toàn diện con người Việt Nam và chấn hưng, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ðề cương với gần 1.500 từ, được kết cấu thành 5 phần, trình bày một cách ngắn gọn, súc tích các quan niệm, phạm trù, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của cuộc vận động văn hóa Việt Nam, thể hiện một tầm nhìn xa rộng, tư duy lý luận sắc bén và khả năng đúc kết thực tiễn sâu sát. Ðề cương vừa có tính thời sự, vừa có ý nghĩa lâu dài, góp phần định hướng và dẫn đạo văn hóa Việt Nam trong nhiều giai đoạn cách mạng về sau. Ðến nay, những luận điểm, nguyên tắc, vấn đề cốt lõi của Ðề cương vẫn giữ nguyên giá trị, phát huy tác dụng trong công cuộc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam hiện nay.
Thứ nhất, về quan niệm của người cộng sản về vấn đề cách mạng văn hoá, Đề cương nêu rõ: “ Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội. Cách mạng văn hoá muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Cách mạng văn hoá có thể hoàn thành khi nào cách mạng chính trị thành công (cách mạng văn hoá phải đi sau cách mạng chính trị. Những phương pháp cải cách văn hoá đề ra bấy giờ chỉ là dọn đường cho cuộc cách mạng triệt để mai sau”.
Quan điểm “văn hóa là một mặt trận” từ bản Đề cương nêu ra đã xác lập vị thế đặc biệt của cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa và nhiệm vụ cần kíp “chống lại văn hóa phát xít phong kiến, thoái bộ, nô dịch, văn hóa ngu dân và phỉnh dân” trong cuộc đấu tranh của Nhân dân Việt Nam chống đế quốc, phát xít, thực dân và phong kiến tay sai bán nước. Trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa (năm 1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Người khẳng định rõ vai trò xung kích của văn hóa trong sứ mệnh giải phóng dân tộc. Văn hóa cùng với các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quân sự... phải tạo thành những mặt trận có sức mạnh to lớn trong cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. “Văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.
Thứ hai, nền văn hoá mà cuộc cách mạng văn hoá Đông Dương phải thực hiện sẽ là văn hoá xã hội chủ nghĩa.
Văn kiện Đại hội III của Đảng (9-1960) nêu rõ đường lối xây dựng nền văn hóa có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính dân tộc. Trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng xác định văn hóa, tư tưởng là một cuộc cách mạng, tiến hành đồng thời gắn bó chặt chẽ với cách mạng quan hệ sản xuất và cách mạng khoa học kỹ thuật. Đường lối tiến hành cuộc cách mạng văn hóa, tư tưởng, xây dựng nền văn hóa xã hội chủ nghĩa mang đặc trưng dân tộc, khoa học, đại chúng tiếp tục được phát triển, bổ sung trong những năm đầu cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (3-1982) chỉ rõ: Nền văn hóa mới mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính dân tộc, có tính đảng và tính Nhân dân sâu sắc, thấm nhuần chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa quốc tế vô sản. Đại hội V của Đảng cũng trình bày sâu sắc nội hàm khái niệm “Con người mới xã hội chủ nghĩa” và đưa ra phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm văn hóa”.
Thứ ba, cách mạng văn hoá Việt Nam và cách mạng dân tộc giải phóng. Đề cương chỉ ra: “Cách mạng văn hoá ở Việt Nam phải dựa vào cách mạng dân tộc giải phóng mới có điều kiện phát triển. Cách mạng dân tộc giải phóng Việt Nam chỉ có thể trong trường hợp may mắn nhất đưa văn hoá Việt Nam tới trình độ dân chủ và có tính chất dân tộc hoàn toàn độc lập dựng nên một nền văn hoá mới. Phải tiến lên thực hiện cách mạng xã hội ở Đông Dương, gây dựng một nền văn hoá xã hội ở khắp Đông Dương.
Đây là luận điểm thể hiện mối quan hệ biện chứng sâu sắc. Vì cách mạng là văn hóa, văn hóa là cách mạng, là đổi mới tận gốc rễ chế độ thực dân - phong kiến sang chế độ dân chủ, cộng hòa; loại bỏ chính sách ngu dân và nô dịch của thực dân - phát xít cũng như những khuynh hướng tư tưởng, văn hóa sai lầm để xây dựng một nền văn hóa mới, lớp người mới của chế độ mới. Mang sứ mệnh khơi thông những mạch nguồn của văn hóa dân tộc.
Thứ tư, Đề cương chỉ ra rất xác đáng ba nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hóa Việt Nam: Dân tộc hoá (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hoá Việt Nam phát triển độc lập); Đại chúng hoá (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hoá phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng); Khoa học hoá (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hoá trái khoa học, phản tiến bộ).
Nhờ đường lối đề cao tính chất dân tộc, trong những năm qua, văn hóa Việt Nam đã ngày càng khẳng định tính dân tộc của mình. Văn hóa truyền thống và bản sắc văn hóa Việt Nam nhờ đó ngày càng thể hiện đậm nét và có sức lan tỏa trên trường quốc tế. Do vậy, tính dân tộc của văn hóa trở thành nền tảng để gây dựng những phẩm chất cá nhân như: Lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí độc lập, tự lực, tự cường, ý thức cộng đồng, tình thương yêu đồng bào, ý thức công dân, tinh thần đoàn kết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
Một nền văn hóa tiến bộ, nhân văn, phát triển phải là nền văn hóa của quảng đại quần chúng, xóa bỏ mọi bất công trong phổ cập, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa. Văn học, nghệ thuật không còn là đặc quyền đặc lợi của một thiểu số, mà phải trở thành tài sản chung của mọi tầng lớp Nhân dân. Nguyên tắc này đã được Ðảng ta phát triển thành tính Nhân dân và sau này là tính chất dân chủ của nền văn hóa. Như vậy, văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, Nhân dân đóng vai trò chủ thể chính trong sự vận động và phát triển của văn hóa. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chú trọng phát triển văn hóa tinh hoa, văn hóa bác học, văn hóa đỉnh cao, nơi đúc kết tinh hoa của đại chúng, đại biểu cho trí tuệ của đại chúng và dẫn dắt đại chúng phát triển.
Tính chất khoa học của nền văn hóa đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đấu tranh chống lại những biểu hiện lạc hậu, cổ hủ, phản khoa học, cản trở sự phát triển. Yêu cầu khoa học còn đòi hỏi phải đặt mọi vấn đề của văn hóa trên cơ sở khoa học, đề cao tư tưởng, học thuật, phát triển các ngành khoa học. Ðặc biệt, trong thời đại của khoa học - công nghệ, nhất là cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta càng phải tích cực tiếp thu các tư tưởng, thành tựu mới của văn minh nhân loại để nâng tầm nhận thức, tư duy khoa học.
Thứ năm, tính chất của nền văn hoá mới Việt Nam: Là một thứ văn hoá có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung. Chính vì thế nó cách mạng nhất và tiến bộ nhất ở Đông Dương trong giai đoạn này.
Đề cương về văn hóa đã khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa mới trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng Việt Nam, với nhận thức đúng đắn rằng: sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa vừa là một tất yếu chính trị, vừa là một tất yếu khách quan. Cách mạng muốn xây dựng thành công nền văn hóa mới dứt khoát phải do Đảng tiền phong lãnh đạo. Mặt khác, có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới lan tỏa được tư tưởng cách mạng, tạo nên ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội. Việc xây dựng nền văn hóa mới phải gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và sự nghiệp xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Công cuộc cải tạo xã hội, loại bỏ những gì cũ kỹ lạc hậu, hướng tới xây dựng một chế độ xã hội mới ưu việt hơn chỉ hoàn thành khi hình thành được nền văn hóa mới: “nền văn hóa xã hội chủ nghĩa”.
Đề cương đề ra 5 nhiệm vụ hết sức quan trọng, đó là: (1) Xác định mối quan hệ giữa văn hóa và cách mạng giải phóng dân tộc, cổ động văn hóa cứu quốc; (2) Xây dựng nền văn hóa dân chủ mới Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng mà khẩu hiệu thiết thực lúc này là dân tộc, dân chủ; (3) Tích cực bài trừ nạn mù chữ, mở đại học, trung học, cải cách việc học theo tinh thần mới, bài trừ cách dạy học nhồi sọ; (4) Giáo dục lại Nhân dân, cổ động thực hành đời sống mới; (5) Phát triển cái hay trong văn hóa dân tộc, đồng thời bài trừ cái xấu xa hủ bại, ngăn ngừa sức thâm nhập của tàn dư văn hóa thực dân, phản động, học cái hay, cái tốt của văn hóa thế giới; (6) Hình thành đội ngũ trí thức mới đóng góp tích cực cho công cuộc kháng chiến kiến quốc và cho cách mạng Việt Nam.
Trải qua 80 năm triển khai và vận dụng sáng tạo Ðề cương về Văn hóa Việt Nam, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người đã đạt được nhiều thành tựu vượt bậc. Thể chế và thiết chế văn hóa ngày càng được củng cố, hoàn thiện. Các lĩnh vực, loại hình, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật ngày càng phong phú, đa dạng. Các giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa được kế thừa, bảo tồn và phát huy. Ðời sống văn hóa của Nhân dân được quan tâm và ngày càng cải thiện. Giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hóa từng bước được mở rộng. Ðội ngũ quản lý, sáng tác, biểu diễn, lý luận phê bình, nghiên cứu khoa học, giáo dục và đào tạo về văn hóa nghệ thuật ngày càng lớn mạnh. Việc phê phán, đấu tranh, đẩy lùi cái xấu, cái ác, cái lạc hậu, chống các quan điểm, hành vi sai trái gây hại đến văn hóa, lối sống con người đạt nhiều kết quả khả quan.
Bên cạnh việc kế thừa và phát huy những giá trị cốt lõi của Ðề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943, trong điều kiện hiện nay, Ðảng ta cũng luôn có sự điều chỉnh, bổ sung, phát triển. Những quan điểm cơ bản của Đảng về văn hóa, phát triển văn hóa, con người đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện một cách khoa học, cách mạng, nhân văn. Hệ thống các quan điểm này được Nhân dân đồng tình, ủng hộ, bởi tất cả đều hướng đến mục tiêu vì hạnh phúc của Nhân dân. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”. Để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, cần tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng xác định rõ: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”, đồng thời coi xây dựng và phát huy niềm tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, sức sáng tạo, tinh thần cống hiến vì đất nước, khát vọng phát triển thịnh vượng, lòng nhân ái, sự đồng thuận xã hội, tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững; “Khẩn trương triển khai có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam”, vận dụng hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”. Đây là nội dung được nhấn mạnh và nhắc đến nhiều lần, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng trong phát huy giá trị văn hóa gắn với sức mạnh con người Việt Nam thời kỳ mới, phù hợp với xu thế khách quan của thời đại, sát với thực tiễn.
Kế thừa nội dung các nghị quyết, văn kiện của Đảng, tỉnh Hà Tĩnh, huyện Lộc Hà đã đề ra chủ đề năm 2023 rất rõ ràng: “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy khát vọng và truyền thống văn hóa, con người Hà Tĩnh, nỗ lực hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023” và “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phát huy ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy khát vọng và truyền thống văn hóa, con người Lộc Hà, quyết tâm xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới 2023”.
Trong bối cảnh nhiều biến động phức tạp như hiện nay, chúng ta càng cần vận dụng sáng tạo và hiệu quả hơn các giá trị cốt lõi của Ðề cương, góp phần thiết thực triển khai Nghị quyết Ðại hội Ðảng lần thứ XIII về phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam nhằm hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Bác Hồ đã khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa soi đường cho quốc dân đi, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội..”.; xây dựng con người với trọng tâm là xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đặc biệt là trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa của cấp ủy đảng, chính quyền, vai trò nêu gương của người đứng đầu. “80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển”[1].