ĐỀ CƯƠNG GIỚI THIỆU NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT BÁO CHÍ
Luật báo chí năm 1989 gồm 7 chương, 31 điều; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật báo chí năm 1999 đã bổ sung 6 điều và bỏ 1 điều. Sau khi sửa đổi, bổ sung năm 1999, Luật báo chí có 36 điều.
Luật báo chí năm 2016 gồm 6 chương với 61 điều (tăng 25 điều), trong đó có 32 điều xây dựng mới, 29 điều sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật báo chí hiện hành, cụ thể như sau:
- Chương I: Những quy định chung, gồm 9 điều (từ Điều 1 đến Điều 9)
- Chương II: Quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, gồm 4 điều (từ Điều 10 đến Điều 13)
- Chương III: Tổ chức báo chí, gồm 15 điều (từ Điều 14 đến Điều 28)
+ Mục 1: Cơ quan chủ quan báo chí, gồm 2 điều (Điều 14 và Điều 15)
+ Mục 2: Cơ quan báo chí, gồm 7 điều (từ Điều 16 đến Điều 22)
+ Mục 3: Người đứng đầu cơ quan báo chí, gồm 2 Điều (Điều 23 và Điều 24)
+ Mục 4: Nhà báo, gồm 4 điều (từ Điều 25 đến Điều 28)
- Chương IV: Hoạt động báo chí, gồm
+ Mục 1: Thực hiện thêm loại hình, sản phẩm báo chí, liên kết trong hoạt động báo chí, gồm 9 điều (từ Điều 29 đến Điều 37)
+ Mục 2: Thông tin trên báo chí, gồm 10 điều (từ Điều 28 đến Điều 47)
+ Mục 3: In, phát hành và truyền dẫn phát sóng, gồm 4 điều (từ Điều 48 đến Điều 51)
+ Mục 4: Lưu chiểu báo chí, gồm 2 điều (Điều 52 và Điều 53)
+ Mục 5: Hợp tác quốc tế trong hoạt động báo chí, gồm 3 điều (từ Điều 54 đến Điều 56)
- Chương V: Khen thưởng, thanh tra và xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí, gồm 3 điều (từ Điều 57 đến Điều 59)
- Chương VI: Điều khoản thi hành, gồm 2 điều (Điều 60 và Điều 61)
Kết cấu các chương của Luật báo chí năm 2016 đã bỏ chương quản lý nhà nước về báo chí, thay đổi kết cấu chương III (Nhiệm vụ quyền hạn của báo chí), chương IV (Tổ chức báo chí và nhà báo) của Luật báo chí 1999 thành chương III (Tổ chức báo chí) và chương IV (Hoạt động báo chí) trong Luật báo chí năm 2016.
Luật báo chí năm 2016 đã pháp điển hóa quy định tại các Nghị định của Chính phủ để đưa vào luật, đồng thời bổ sung một số quy định mới để điều chỉnh hoạt động báo chí, cụ thể là các quy định về: Chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí; hoạt động hợp tác của báo chí Việt Nam với nước ngoài; hoạt động báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; bảo vệ nội dung các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, báo điện tử; phản hồi thông tin...
NHỮNG NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT
1. Về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân
Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Điều 25 Hiến pháp năm 2013 đã hiến định các nguyên tắc thực hiện quyền tự do báo chí: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.
Triển khai quy định của Hiến pháp 2013, đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí và để hoạt động báo chí phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế- xã hội Việt Nam giai đoạn hiện nay, đối tượng được phép ra báo chí không bao gồm tư nhân. Công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình thông qua báo chí, công dân có quyền liên kết với cơ quan báo chí để hoạt động báo chí theo quy định. Báo chí có trách nhiệm truyền tải tiếng nói của người dân, bảo đảm quyền tự do ngôn luận của họ.
Luật báo chí năm 2016 đã kết cấu Chương II với 04 điều quy định cụ thể về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, trong đó:
- Quyền tự do báo chí của công dân: Điều 10 quy định công dân có quyền: Sáng tạo tác phẩm báo chí, cung cấp thông tin cho báo chí, phản hồi thông tin trên báo chí, tiếp cận thông tin báo chí, liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí, in và phát hành báo in.
- Quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân: Điều 11 quy định công dân có quyền: Góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp; tổ chức xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác.
- Trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân quy định tại Điều 12:
+ Đăng, phát kiến nghị, phê bình, tin, bài, ảnh và tác phẩm báo chí khác của công dân phù hợp với tôn chỉ, mục đích và không có nội dung quy định tại các khoản từ 1 đến 10 Điều 9 của Luật báo chí; trong trường hợp không đăng, phát phải trả lời và nêu rõ lý do khi có yêu cầu.
+ Trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có thẩm quyền trả lời bằng văn bản hoặc trả lời trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến.
- Trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân quy định tại Điều 13:
+ Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.
+ Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng.
2. Về những hành vi bị chấm trong hoạt động báo chí
Điều 9 Luật báo chí năm 2016 đã quy định cụ thể, rõ ràng hơn một số hành vi so với Luật báo chí hiện hành, có bổ sung một số hành vi như:
- Thông tin quy kết tội danh khi chưa có bản án của tòa án;
- Thông tin ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần của trẻ em;
- Thông tin về những chuyện thần bí gây hoang mang trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội và sức khỏe của cộng đồng…
3. Về đối tượng thành lập cơ quan báo chí
Điều 14 Luật báo chí năm 2016 quy định:
- Cơ quan của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức tôn giáo từ cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam được thành lập cơ quan báo chí.
- Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật khoa học và công nghệ; bệnh viện cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên được thành lập tạp chí khoa học.
Như vậy, ngoài các đối tượng thành lập cơ quan báo chí theo luật hiện hành, Luật báo chí năm 2016 đã bổ sung một số đối tượng được thành lập tạp chí khoa học, như: Cơ sở giáo dục đại học theo quy định của Luật giáo dục đại học; tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới hình thức viện hàn lâm, viện theo quy định của Luật khoa học và Công nghệ; bệnh viện từ cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc tương đương trở lên.
Quy định trên cho phép các cơ sở giáo dục và tổ chức khoa học và công nghệ thuộc loại hình tư thục, có đầu tư của nước ngoài được phép ra tạp chí khoa học.
4. Về giấy phép trong hoạt động báo chí
- Luật báo chí năm 2016 đã bỏ quy định thời hạn hiệu lực của giấy phép hoạt động báo chí (pháp luật báo chí hiện hành quy định thời hạn hiệu lực là 10 năm)
- Khoản 4 Điều 18 quy định: Sau 03 tháng đối với báo in và báo điện tử, 09 tháng đối với báo nói, báo hình, kể từ ngày giấy phép hoạt động báo chí có hiệu lực, nếu cơ quan báo chí không được thành lập hoặc không có sản phẩm báo chí thì giấy phép hết hiệu lực. Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định thu hồi giấy phép.
Như vậy, so với pháp luật báo chí hiện hành thì thời hạn hết hiệu lực giấy phép khi cơ quan báo chí không được thành lập hoặc không có sản phẩm báo chí đối với báo nói, báo hình tăng từ 03 tháng lên 09 tháng, cho phù hợp với điều kiện của hoạt động báo nói, báo hình.
- Về thay đổi cơ quan chủ quản báo chí:
Thực tế có nhiều trường hợp cơ quan báo chí có sự thay đổi cơ quan chủ quản, nhất là sắp tới triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí, việc thay đổi cơ quan chủ quản sẽ diễn ra nhiều mà luật hiện hành chưa quy định cụ thể. Luật báo chí năm 2016 đã bổ sung quy định về thay đổi cơ quan chủ quản báo chí tại Điều 19:
Trường hợp thay đổi cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản được ghi trên giấy phép có văn bản thông báo chấm dứt hoạt động báo chí gửi Bộ Thông tin và Truyền thông; cơ quan, tổ chức tiếp nhận cơ quan báo chí làm thủ tục đề nghị cấp giấy phép hoạt động báo chí theo quy định tại Điều 18 của Luật này.
- Về thủ tục hành chính:
Các thủ tục hành chính quy định trong Luật báo chí năm 2016 đã được cân nhắc rất kỹ lưỡng về sự cần thiết để phục vụ công tác quản lý nhà nước, không làm hạn chế quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân có tham gia hoặc liên quan đến hoạt động báo chí.
Theo quy định của pháp luật về báo chí hiện hành, các thủ tục hành chính được quy định trong Luật báo chí, các Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư liên tịch, Thông tư, Quy chế liên quan đến lĩnh vực báo chí, với 40 thủ tục hành chính gồm: cấp phép, chấp thuận, cấp thẻ nhà báo, giấy chứng nhận đăng ký...
Thực hiện quy định của Hiến pháp 2013, Luật báo chí năm 2016 đã pháp điển hóa các quy định trong các văn bản liên quan, quy định toàn bộ các thủ tục hành chính trong lĩnh vực báo chí trong luật; bỏ một số thủ tục hành chính không còn phù hợp như:
+ Chấp thuận việc đăng tin, bài, phát biểu trên báo chí của cơ đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài.
+ Giấy chứng nhận đăng ký chương trình, kênh chương trình phát thanh, truyền hình liên kết
+ Giấy phép sản xuất chương trình đặc biệt
+ Giấy phép sản xuất chương trình phụ
+ Giấy phép phát hành báo chí, phát sóng chương trình phát thanh, truyền hình Việt Nam ra nước ngoài
+ Giấy phép in báo chí, phát sóng chương trình phát thanh, truyền hình Việt Nam ở nước ngoài
+ Cử nhà báo, phóng viên ra nước ngoài
+ Thuê chuyên gia, cộng tác viên nước ngoài
+ Thành lập văn phòng đại diện của cơ quan báo chí ở nước ngoài
+ Chấp thuận việc hợp tác của cơ quan báo chí, tổ chức hội nhà báo với nước ngoài
Đồng thời Luật cũng quy định, việc thay đổi về trụ sở chính, nơi in, thời gian phát hành, phạm vi phát hành chủ yếu chỉ thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về báo chí mà không cần sự chấp thuận như pháp luật hiện hành.
5. Loại hình hoạt động và nguồn thu của cơ quan báo chí
Căn cứ từ thực tiễn hoạt động của các cơ quan báo chí, để đảm bảo cho các cơ quan báo chí phát triển, Luật quy định: cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu; tạp chí khoa học hoạt động phù hợp với loiạ hình của cơ quan chủ quản.
Luật báo chí năm 2016 quy định mở hơn Luật báo chí hiện hành về hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí, thể hiện tại điểm c khoản 2 Điều 21 quy định: Nguồn thu của cơ quan báo chí gồm thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí, các đơn vị trực thuộc cơ quan báo chí.
6. Văn phòng đại diện của cơ quan báo chí
Về điều kiện của Trưởng văn phòng đại diện và phóng viên thường trú độc lập không có gì khác so với pháp luật báo chí hiện hành.
Điều kiện về trụ sở văn phòng đại diện của cơ quan báo chí tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Luật báo chí năm 2016 chỉ quy định có trụ sở để đặt văn phòng đại diện, pháp luật báo chí hiện hành quy định phải có trụ sở đặt văn phòng đại diện ổn định từ 3 năm trở lên.
Pháp luật báo chí hiện hành quy định việc đặt văn phòng đại diện, phóng viên thường trú phải có văn bản chấp thuận của UBND cấp tỉnh, Luật báo chí năm 2016 quy định: Trước khi bắt đầu hoạt động 15 ngày, cơ quan báo chí có đủ điều kiện và có nhu cầu đặt văn phòng đại diện tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính một bộ hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cơ quan báo chí đặt văn phòng đại diện để thông báo.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra các điều kiện hoạt động của văn phòng đại diện; trường hợp không đủ điều kiện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản yêu cầu cơ quan báo chí chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện và xử lý theo quy định của pháp luật.
7. Về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo
Cùng với việc quy định rõ quyền hạn, nghĩa vụ đối với nhà báo trong luật, để nêu cao vai trò của nhà báo, trách nhiệm công dân của người làm báo, Luật báo chí năm 2016 còn bổ sung, luật hóa, quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, trong đó quy định Hội nhà báo Việt Nam có nhiệm vụ ban hành và tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; nhà báo có nghĩa vụ tuân thủ quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo và sẽ bị thu hồi thẻ nhà báo khi vi phạm về đạo đức nghề nghiệp gây hậu quả nghiêm trọng.
8. Về quyền tác nghiệp của báo chí, nhà báo
Ngoài những quy định của Luật báo chí hiện hành, Luật báo chí lần này đã quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm; những thông tin cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền có quyền từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.
Để bảo vệ nguồn tin báo chí và quyền tác nghiệp của nhà báo, so với Luật báo chí hiện hành, Luật báo chí mới đã quy định giới hạn việc cơ quan báo chí, nhà báo chỉ phải tiết lộ người cung cấp thông tin khi có yêu cầu bằng văn bản của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên có trách nhiệm tổ chức bảo vệ người cung cấp thông tin sau khi tên của họ được tiết lộ.
9. Về điều kiện cấp thẻ nhà báo
Điểm c khoản 1 Điều 27 Luật báo chí năm 2016 quy định: Đối với trường hợp cấp thẻ lần đầu, phải có thời gian công tác liên tục tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ 02 năm trở lên tính đến thời điểm xét cấp thẻ, trừ tổng biên tập tạp chí khoa học và những trường hợp khác theo quy định của pháp luật (pháp luật báo chí hiện hành quy định là 03 năm).
10. Về liên kết trong hoạt động báo chí
Từ thực tiễn hoạt động báo chí, nhằm tạo điều kiện cho báo chí phát triển, Luật báo chí năm 2016 đã bổ sung quy định về liên kết trong hoạt động báo chí tại Điều 37, trong đó:
- Đối tượng liên kết: Cơ quan báo chí được phép liên kết trong hoạt động báo chí với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết theo quy định của pháp luật.
Người đứng đầu cơ quan báo chí chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động liên kết trong lĩnh vực báo chí theo quy định của pháp luật.
- Lĩnh vực liên kết: Cơ quan báo chí được phép liên kết trong các lĩnh vực sau đây:
+ Thiết kế, trình bày, in, quảng cáo, phát hành báo chí và nội dung thông tin quy định tại các điểm b, c, d và đ khoản này;
+ Khai thác hoặc mua bản quyền về măng sét, nội dung các ấn phẩm báo chí thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, thể thao, giải trí, quảng cáo và thông tin kinh tế của báo chí nước ngoài để xuất bản tại Việt Nam;
+ Tổ chức, cá nhân nước ngoài được phép liên kết khai thác hoặc mua toàn bộ bản quyền về măng sét, nội dung các ấn phẩm báo chí hợp pháp của Việt Nam để xuất bản tại nước ngoài;
+ Sản xuất chương trình, kênh phát thanh, kênh truyền hình thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo, an sinh xã hội;
+ Sản xuất các sản phẩm báo in, báo điện tử thuộc các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, văn hóa, thể thao, giải trí, quảng cáo, an sinh xã hội.
- Thời lượng liên kết trong phát thanh, truyền hình:
+ Các chương trình liên kết trên kênh phát thanh, kênh truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và kênh thời sự - chính trị tổng hợp không vượt quá ba mươi phần trăm tổng thời lượng chương trình phát sóng lần thứ nhất của kênh này.
+ Trường hợp cơ quan báo nói, báo hình có hoạt động liên kết sản xuất toàn bộ kênh phát thanh, kênh truyền hình thì số kênh liên kết không vượt quá ba mươi phần trăm tổng số kênh phát thanh, kênh truyền hình được cấp giấy phép sản xuất.
11. Về hoạt động hợp tác của báo chí Việt Nam với nước ngoài
Luật báo chí năm 2016 đã bỏ quy định phải xin phép cơ quan có thẩm quyền đối với việc phát hành, truyền dẫn, phát sóng sản phẩm báo chí ra nước ngoài, thuê chuyên gia, cộng tác viên nước ngoài; cử nhà báo hoạt động báo chí ở nước ngoài; thành lập văn phòng đại diện ở nước ngoài; hoạt động hợp tác với nước ngoài.
12. Về cải chính trên báo chí
Nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị báo chí thông tin sai sự thật, Luật báo chí năm 2016 đã bổ sung một số quy định mới về cải chính như:
- Báo chí điện tử, ngoài việc đăng, phát lời cải chính, xin lỗi còn phải gỡ bỏ ngay thông tin sai sự thật đã đăng, phát.
- Vị trí đăng phát thông tin cải chính, xin lỗi:
+ Đăng, phát tại trang hai đối với báo in, trang cuối đối với tạp chí in, chuyên mục riêng tại trang chủ đối với báo điện tử với cùng một kiểu chữ, cỡ chữ mà báo chí đã đăng, phát thông tin;
+ Đăng, phát đúng chuyên mục, giờ phát sóng, số lần phát sóng đối với báo nói, báo hình mà báo chí đã đăng, phát thông tin.
- Nội dung cải chính, xin lỗi:
Khi đăng, phát thông tin cải chính, xin lỗi, cơ quan báo chí phải thể hiện đầy đủ các nội dung sau đây:
+ Tiêu đề: “Thông tin cải chính, xin lỗi”;
+ Tên tác phẩm báo chí, tên chuyên mục, số báo, ngày, tháng, năm đã đăng, phát phải cải chính;
+ Những thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân đã đăng, phát trong tác phẩm báo chí và nội dung thông tin được cải chính.
- Thời điểm đăng, phát cải chính, xin lỗi:
+ Việc đăng, phát cải chính, xin lỗi của báo điện tử được thực hiện ngay khi nhận được văn bản kết luận hoặc tự phát hiện vi phạm; thông tin cải chính, xin lỗi phải được lưu giữ trên báo ít nhất là 07 ngày kể từ ngày đăng, phát cải chính, xin lỗi;
+ Việc đăng, phát cải chính, xin lỗi trên báo in, báo nói, báo hình phải được thực hiện trong thời hạn 02 ngày đối với báo ngày, báo nói, báo hình; trong số ra gần nhất đối với báo tuần, tạp chí, tính từ ngày cơ quan báo chí nhận được văn bản kết luận hoặc tự phát hiện vi phạm. Đối với tạp chí xuất bản trên 30 ngày một kỳ thì phải có văn bản trả lời ngay cho cơ quan, tổ chức, cá nhân và phải đăng trong số ra gần nhất;
+ Cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử tổng hợp đã đăng, phát thông tin của cơ quan báo chí khác có nội dung phải cải chính, xin lỗi cũng phải thực hiện đăng lại nội dung cải chính, xin lỗi của cơ quan báo chí vi phạm.
Cơ quan báo chí đã đăng, phát nội dung thông tin vi phạm, sau khi thực hiện cải chính, xin lỗi phải có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan báo chí và trang thông tin điện tử tổng hợp có thỏa thuận về việc sử dụng tin, bài của báo mình để thực hiện việc đăng lại lời cải chính, xin lỗi.
13. Về xử lý vi phạm
Luật báo chí năm 2016 đã bổ sung quy định mới về xử lý vi phạm như: Cơ quan báo chí bị thu hồi giấy phép hoạt động báo chí, giấy phép xuất bản thêm ấn phẩm báo chí, phụ trương, sản xuất thêm kênh phát thanh, kênh truyền hình, mở chuyên trang của báo điện tử và cơ quan, tổ chức bị thu hồi giấy phép xuất bản đặc san, bản tin khi đăng, phát thông tin có nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 9 của Luật này gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Ngoài ra Luật báo chí năm 2016 đã pháp điển hóa quy định tại các Nghị định của Chỉnh phủ để đưa vào luật, đồng thời bổ sung một số quy định mới để điều chỉnh hoạt động báo chí, cụ thể là các quy định về: Chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí ; thay đổi cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí ; hoạt động hợp tác của báo chí Việt Nam với nước ngoài ; hoạt dộng báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam ; bảo vệ nội dung các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình, báo điện tử, phản hồi thông tin….