TÀI LIỆU GIỚI THIỆU LUẬT QUẢN LÝ THUẾ (SỬA ĐỔI)
1. Bố cục
Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 gồm 17 Chương, 152 Điều, trong đó kết cấu lại, bổ sung 3 chương mới đó là: Chương II. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý thuế; Chương X. Áp dụng hoá đơn, chứng từ điện tử và Chương XII Tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế, làm thủ tục hải quan. Cụ thể như sau:
- Chương I: Những quy định chung, gồm 13 Điều (từ Điều 1 đến Điều 13).
- Chương II: Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế, gồm 16 Điều (từ Điều 14 đến Điều 29).
- Chương III: Đăng ký thuế, gồm 12 Điều (từ Điều 30 đến Điều 41).
- Chương IV: Khai thuế, tính thuế, gồm 6 Điều (từ Điều 42 đến Điều 48)
- Chương V: Ấn định thuế, gồm 06 Điều (từ Điều 49 đến Điều 54).
- Chương VI: Nộp thuế, gồm 11 Điều (từ Điều 55 đến Điều 65).
- Chương VII: Trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, gồm 4 Điều (từ Điều 66 đến Điều 69).
- Chương VIII: Thủ tục hoàn thuế, gồm 8 Điều (từ Điều 70 đến Điều 77).
- Chương IX: Không thu thuế, miễn thuế, giảm thuế, khoanh tiền thuế nợ, xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, gồm 3 Mục, 11 Điều (từ Điều 78 đến Điều 88).
- Chương X: Áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử, gồm 6 Điều (từ Điều 89 đến Điều 94).
- Chương XI: Thông tin người nộp thuế, gồm 6 Điều (từ Điều 95 đến Điều 100)
- Chương XII: Tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế, làm thủ tục hải quan, gồm 6 Điều (từ Điều 101 đến Điều 106).
- Chương XIII: Kiểm tra thuế, thanh tra thuế, gồm 4 Mục, 17 Điều (từ Điều 107 đến Điều 123).
- Chương XIV: Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, gồm 12 Điều (từ Điều 124 đến Điều 135).
- Chương XV: Xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế, gồm 2 Mục, 11 Điều (từ Điều 136 đến Điều 146).
- Chương XVI: Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, gồm 3 Điều (từ Điều 147 đến Điều 149).
- Chương XVII: Điều khoản thi hành, gồm 3 Điều (từ Điều 150 đến Điều 152).
Như vậy, so với Luật hiện hành, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 giữ nguyên nội dung của 47 Điều; sửa đổi, bổ sung .... Điều; bổ sung mới 3 chương Chương II Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và các nhân trong quản lý thuế (16 Điều từ Điều 14 đến Điều 29 ); Chương X Áp dụng hoá đơn, chứng từ điện tử (6 Điều từ Điều 89 đến Điều 94) và Chương XII Tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế, làm thủ tục hải quan (6 Điều từ Điều 101 đến Điều 106).
2. Những điểm mới của Luật Quản lý thuế
a) Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Luật quản lý thuế quy định việc quản lý thuế, các khoản thu thuộc ngân sách nhà nước.
Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 có bổ sung thêm việc áp dụng đối với các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước không do cơ quan quản lý thuế quản lý thu. Các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước không do cơ quan quản lý thuế quản lý thu bao gồm: Tiền sử dụng khu vực biển để nhận chìm theo quy định của pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định của pháp luật về đất đai; Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, trừ lĩnh vực thuế và hải quan; Tiền nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công từ việc quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết, sau khi thực hiện nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí; Thu viện trợ và Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
b) Về nguyên tắc, nội dung
- Về nguyên tắc quản lý thuế: Mọi tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật; quản lý thuế đảm bảo công khai, minh bạch bình đẳng và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người nộp thuế; áp dụng nguyên tắc quản lý thuế theo thông lệ quốc tế trong đó có nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế; nguyên tắc quản lý rủi ro và các nguyên tắc khác phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
- Về nội dung quản lý thuế:
Luật quản lý thuế mới quy định 11 nhóm nội dung quản lý: (i) Đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, ấn định thuế; (ii) Thủ tục hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế, không thu thuế; (iii) Khoanh tiền thuế nợ; xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; miễn tiền chậm nộp, tiền phạt; không tính tiền chậm nộp; gia hạn nộp thuế; nộp dần tiền thuế nợ; (iv) Quản lý thông tin về người nộp thuế; (v) Quản lý hoá đơn, chứng từ; (vi) Kiểm tra thuế, thanh tra thuế, biện pháp phòng chống ngăn chặn vi phạm pháp luật về thuế, trốn thuế; (vii) Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế; (viii) Xử lý vi phạm pháp luật về thuế; (ix) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế; (x) Hợp tác quốc tế về thuế; (xi) Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế.
Luật quản lý thuế 2019 đã bổ sung các nội dung sau: Không thu thuế; Khoanh tiền thuế nợ; Áp dụng hoá đơn, chứng từ; Hợp tác quốc tế về thuế và Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế.
c) Các hành vi bị cấm trong quản lý thuế
Luật quản lý thuế quy định một số hành vi bị cấm như: Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế; gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế; cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp; bán hàng, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn...
3. Những nội dung cơ bản của Luật Quản lý thuế
3.1. Những quy định chung
a) Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
- Về phạm vi: Luật này quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.
- Về đối tượng áp dụng, Điều 2 Luật Quản lý thuế quy định 04 nhóm đối tượng:
(1) Người nộp thuế bao gồm: Tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế; Tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân nộp các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước; Tổ chức, cá nhân khấu trừ thuế;
(2) Cơ quan quản lý thuế bao gồm: Cơ quan thuế bao gồm Tổng cục Thuế, Cục Thuế, Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực; Cơ quan hải quan bao gồm Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan, Cục Kiểm tra sau thông quan, Chi cục Hải quan;
(3) Công chức quản lý thuế bao gồm công chức thuế, công chức hải quan;
(4) Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
b) Nguyên tắc, nội dung và các hành vi bị cấm trong quản lý thuế
- Về nguyên tắc quản lý thuế (Điều 5) quy định mọi tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật; quản lý thuế đảm bảo công khai, minh bạch bình đẳng và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người nộp thuế; áp dụng nguyên tắc quản lý thuế theo thông lệ quốc tế trong đó có nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế; nguyên tắc quản lý rủi ro và các nguyên tắc khác phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
- Về nội dung quản lý thuế (Điều 4): Luật quản lý thuế mới quy định 11 nhóm nội dung quản lý:
+ Đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, ấn định thuế;
+ Thủ tục hoàn thuế, miễn thuế, giảm thuế, không thu thuế;
+ Khoanh tiền thuế nợ; xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; miễn tiền chậm nộp, tiền phạt; không tính tiền chậm nộp; gia hạn nộp thuế; nộp dần tiền thuế nợ;
+ Quản lý thông tin về người nộp thuế;
+ Quản lý hoá đơn, chứng từ;
+ Kiểm tra thuế, thanh tra thuế, biện pháp phòng chống ngăn chặn vi phạm pháp luật về thuế, trốn thuế;
+ Cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;
+ Xử lý vi phạm pháp luật về thuế;
+ Giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế;
+ Hợp tác quốc tế về thuế;
+ Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế.
- Luật Quản lý thuế quy định một số hành vi bị cấm gồm: Thông đồng, móc nối, bao che giữa người nộp thuế và công chức, cơ quan quản lý thuế để chuyển giá, trốn thuế; gây phiền hà, sách nhiễu đối với người nộp thuế; cố tình không kê khai hoặc kê khai thuế không đầy đủ, kịp thời, chính xác về số tiền thuế phải nộp; bán hàng, cung cấp dịch vụ không xuất hóa đơn theo quy định của pháp luật, sử dụng hóa đơn không hợp pháp và sử dụng không hợp pháp hóa đơn...
c) Về hợp tác quốc tế về thuế (Điều 12)
Luật quản lý thuế quy định cơ quan quản lý thuế thực hiện quyền, nghĩa vụ và đảm bảo lợi ích theo Điều ước quốc tế khi Việt Nam là thành viên; đàm phán, ký kết, tổ chức thực hiện thoả thuận quốc tế song phương; tổ chức, khai thác, trao đổi thông tin với cơ quan quản lý thuế các nước.
Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã bổ sung quy định các biện pháp hỗ trợ thu thuế theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, đối với các điều ước quốc tế trong lĩnh vực thuế, Bộ Tài chính sẽ thay mặt Chính phủ trong việc đàm phán ký kết; đối với thoả thuận song phương giữa hai cơ quan thuế (cả cơ quan thuế và hải quan), tuỳ theo thẩm quyền được phân cấp, cơ quan quản lý thuế sẽ thực hiện việc khai thác, trao đổi thông tin, hợp tác nghiệp vụ, hỗ trợ thu thuế cho phù hợp.
d) Kế toán, thống kê về thuế (Điều 13)
Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã bổ sung quy định về kế toán, thống kê về thuế. Theo đó, Cơ quan quản lý thuế thực hiện hạch toán kế toán, thống kê về thuế theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê, pháp luật của ngân sách nhà nước và pháp luật về thuế; hàng năm thực hiện công khai thông tin theo quy định của pháp luật.
3.2. Nhiệm vụ, quyền hạn của người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế, các cơ quan liên quan đến quản lý thuế
a) Về quyền của người nộp thuế (Điều 16): Luật quản lý thuế quy định người nộp thuế có 10 quyền.
Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã bổ sung thêm quyền cho người nộp thuế, cụ thể:
- Bổ sung nội dung người nộp thuế không bị xử lý vi phạm về thuế, không tính tiền chậm nộp đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan thuế, cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế;
- Được quyền nhận văn bản liên quan đến nghĩa vụ thuế của các cơ quan chức năng khi tiến hành thanh tra kiểm tra, kiểm toán;
- Được tra cứu, xem, in toàn bộ chứng từ điện tử mà mình đã gửi đến cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế
- Được sử dụng chứng từ điện tử trong giao dịch vớ cơ quan quản lý thuế và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Các nội dung bổ sung này nhằm tạo điều kiện cho người nộp thuế trong việc thực hiện nghĩa vụ của mình, đảm bảo các quyền trong giao dịch điện tử đồng thời nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ quan thuế khi thực thi công vụ.
b) Về quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế (Điều 18, Điều 19): Luật quản lý thuế đã quy định cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm và quyền hạn trong công tác quản lý thuế.
Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã bổ sung thêm quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế như sau:
- Bổ sung quy định cơ quan quản lý thuế thực hiện xây dựng, tổ chức hệ thống thông tin điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.
- Bổ sung quyền của cơ quan quản lý thuế về mua thông tin, tài liệu, dữ liệu của các đơn vị cung cấp trong nước và nước ngoài để phục vụ công tác quản lý thuế.
3.3. Về đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế
a) Về đăng ký thuế ( Điều 30 – Điều 41)
Luật quản lý thuế quy định việc đăng ký thuế bao gồm: đăng ký thuế lần đầu, thông báo thay đổi thông tin đăng ký thuế, thông báo khi tạm ngừng kinh doanh, chấm dứt hiệu lực mã số thuế, khôi phục mã số thuế...
Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã kết cấu lại Chương đăng ký thuế để phân biệt rõ hai nhóm đối tượng đăng ký thuế (i) Người nộp thuế đăng ký thuế cùng với đăng ký kinh doanh (ii) Người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế. Trên cơ sở đó, thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong khâu đăng ký thuế.
c) Về khai thuế (Chương IV Điều 42 – Điều 48), nộp thuế (Chương VI Điều 55 – Điều 65)
Luật quản lý thuế quy định về các nguyên tắc khai thuế, tính thuế; hồ sơ khai thuế; thời hạn, địa điểm nộp hồ sơ khai thuế; gia hạn nộp hồ sơ khai thuế; Khai bổ sung hồ sơ khai thuế; trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ khai thuế.
Luật quản lý thuế quy định về thời hạn nộp thuế; địa điểm, hình thức nộp thuế; Thứ tự thanh toán tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; xác định ngày nộp thuế; Xử lý số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa; nộp thuế trong thời gian giải quyết khiếu nại, khởi kiện và gia hạn nộp thuế.
Trên cơ sở đó, Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã bổ sung các quy định về khai thuế, nộp thuế như sau:
+ Sửa đổi, bổ sung nguyên tắc kê khai thuế căn cứ vào mô hình hoạch toán kinh doanh và quy định về phân cấp ngân sách; nguyên tắc xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết.
+ Sửa đổi, bổ sung quy định trường hợp khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền đã công bố quyết định thanh tra, kiểm tra thuế tại trụ sở của người nộp thuế thì người nộp thuế vẫn được khai bổ sung hồ sơ khai thuế và bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định của Luật này.
+ Sửa đổi quy định về thứ tự thanh toán theo nguyên tắc nộp các khoản nợ thuộc diện cưỡng chế trước, khoản nợ chưa thuộc diện cưỡng chế và khoản phải nộp phát sinh sau để đảm bảo hiệu lực của pháp luật thuế.
+ Bổ sung quy định thời hạn nộp hồ sơ thuế, chứng từ nộp thuế điện tử trong trường hợp gặp sự cố kỹ thuật; thời hạn nộp hồ sơ khai thuế khoán; thời hạn được khai bổ sung; thời hạn nộp thuế, tính tiền chậm nộp đối với số thuế phải nộp tăng thêm qua khai bổ sung nhằm đảm bảo thống nhất, rõ ràng, minh bạch giữa người nộp thuế và cơ quan thuế.
+ Sửa đổi quy định về thời hạn khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 4 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch. Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày 15 tháng 12 của năm trước liền kề; đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới ra kinh doanh thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh.
+ Đối với cơ quan hải quan, bổ sung nội dung trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau thông quan phát sinh số thuế phải nộp tăng thêm hoặc cơ quan hải quan ấn định thuế sau thông quan, thì thời hạn nộp tiền thuế khai bổ sung, nộp tiền thuế ấn định được áp dụng theo thời hạn nộp thuế của tờ khai ban đầu.
c) Về hoàn thuế (Chương VIII Điều 70 – Điều 77)
Luật quản lý thuế quy định cụ thể về hồ sơ hoàn thuế; các trường hợp hoàn thuế; tiếp nhận phản hồi thông tin hồ sơ hoàn thuế, và thẩm quyền quyết định hoàn thuế, thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế.
Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã quy định rõ về thẩm quyền hoàn thuế đối với trường hợp hoàn thuế theo chính sách và hoàn thuế nộp thừa. Bổ sung quy định về thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế, theo đó cơ quan quản lý thuế thực hiện (i) thanh tra, kiểm tra đối với những hồ sơ hoàn thuế trước, kiểm tra sau theo nguyên tắc quản lý rủi ro, (ii) thanh tra, kiểm tra trong phạm vi 05 năm kể từ ngày quyết định hoàn thuế.
3.4. Về miễn thuế, giảm thuế (Chương IX Điều 79 – Điều 82)
Luật quản lý thuế đã quy định về đối tượng miễn, giảm thuế; hồ sơ miễn, giảm thuế; nộp và tiếp nhận hồ sơ miễn thuế, giảm thuế; Thời hạn giải quyết hồ sơ miễn, giảm thuế.
Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã bổ sung quy định miễn thuế đối với cá nhân có phát sinh số thuế phải nộp hằng năm sau quyết toán thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công từ 50.000 đồng trở xuống.
3.5. Về các biện pháp xử lý nợ đọng thuế
- Không thu thuế (Điều 78): Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã bổ sung nội dung về không thu thuế đảm bảo thống nhất với quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu,
- Khoanh tiền thuế nợ ( Điều 83, Điều 84): Bổ sung quy định về khoanh tiền thuế nợ, đây là nội dung mới so với Luật hiện hành. Theo đó, đối với các đối tượng người nộp thuế đã chết hoặc được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp chờ giải thể, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được khoanh nợ thuế. Quy định này sẽ khắc phục được bất cập phát sinh nợ ảo (khi nợ trên phạt chậm nộp cao, dẫn đến nợ đọng lớn, không có khả năng thu hồi). Đồng thời, quy định rõ về thẩm quyền khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, phân cấp cho thủ trưởng cơ quan quản lý thuế; bổ sung quy định thời điểm không tính tiền chậm nộp đối với các trường hợp được khoanh nợ.
- Xoá nợ (Điều 85 - Điều 88): Luật quản lý thuế quy định các trường hợp được xoá nợ; Hồ sơ xoá nợ; Thẩm quyền xoá nợ; Trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết hồ sơ xoá nợ.
Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã bổ sung đối tượng được xoá nợ đối với hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố phá sản mà không còn tài sản để nộp thuế và mở rộng thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được xóa nợ thuế đối với khoản nợ dưới 5 tỷ đồng trên cơ sở đề nghị của Cục trưởng Cục thuế, Cục trưởng cục Hải quan.
- Miễn tiền chậm nộp (Điều 59, Điều 85): Quy định đối với trường hợp người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp có quyền đề nghị miễn tiền chậm nộp trong trường hợp gặp khó khăn do thiên tai, thảm hoạ, dịch bệnh, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ, các trường hợp bất khả kháng khác.
3.6. Về áp dụng hoá đơn, chứng từ điện tử (Điều 89 – Điều 94)
Luật quản lý thuế quy định các doanh nghiệp phải sử dụng hoá đơn điện tử trong giao dịch bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ để góp phần khắc phục những gian lận trong việc sử dụng hoá đơn giấy, giảm chi phí cho người nộp thuế, nâng cao tính cạnh trạnh của toàn nền kinh tế, xây dựng cơ sở dữ liệu về hoá đơn, phục vụ xây dựng quản lý thuế điện tử. Quy định về nguyên tắc lập, quản lý và sử dụng hoá đơn; áp dụng hoá đơn khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ; cơ sở dữ liệu về hoá đơn điện tử, chứng từ điện tử...
3.7. Tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế (Điều 101 – Điều 106)
Luật quản lý thuế quy định về đối tượng kinh doanh làm thủ tục về thuế; Quyền và Nghĩa vụ của tổ chức kinh doanh làm thủ tục về thuế; Điều kiện hành nghề của tổ chức kinh doanh làm thủ tục về thuế và đại lý hải quan thực hiện quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế.
- Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định các Tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, theo đó phải có tối thiểu 2 người được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế. Về mặt trình độ, kinh nghiệm làm việc của nhân viên đại lý thuế, Luật đã bổ sung quy định để tương đồng với quy định của kế toán viên (tại Luật kế toán) là phải có trình độ Đại học, phải đạt kỳ thi với lấy chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế và phải có thời gian tối thiểu 36 tháng kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực kinh tế - tài chính (như thuế, kế toán, kiểm toán).
- Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã bổ sung quy định Tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế được cung cấp dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ; doanh nghiệp siêu nhỏ được xác định theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
3.8. Về kiểm tra thuế, thanh tra thuế và các giải pháp nhằm nâng cao tính tuân phủ pháp luật thuế của người nộp thuế
- Về kiểm tra thuế quy định (Điều 107 – Điều 112): Kiểm tra thuế tại trụ sở cơ quan quản lý thuế; kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế; Quyền và nghĩa vụ của người nộp thuế trong kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế; Nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế ra quyết định kiểm tra và công chức quản lý thuế trong việc kiểm tra thuế.
- Về Thanh tra thuế quy định (Điều 113 – Điều 123): Các trường hợp thanh tra thuế; Quyết định thanh tra thuế; Thời hạn thanh tra thuế; Nhiệm vụ và quyền hạn của người ra quyết định thanh tra thuế; Nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng đoàn thanh tra thuế, thành viên đoàn thanh tra thuế; Nghĩa vụ và quyền của đối tượng thanh tra thuế; Kết luận thanh tra thuế.
Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã bổ sung một số quy định như sau:
- Bổ sung quy định nguyên tắc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rủi ro trong tất cả các khâu quản lý thuế, đặc biệt là trong thanh tra, kiểm tra. Trên cơ sở đó, nội dung thanh tra, kiểm tra được thực hiện theo kết quả đánh giá rủi ro và thanh tra, kiểm tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật.
- Điều chỉnh thời hạn kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định kiểm tra. Đối với các trường hợp phạm vi kiểm tra lớn, nội dung phức tạp thì người đã quyết định kiểm tra có thể gia hạn 01 lần nhưng không quá 10 ngày làm việc tại trụ sở người nộp thuế.
- Theo quy định pháp luật về thanh tra thì thanh tra thuế là thanh tra chuyên ngành, vì vậy Luật quản lý thuế 38/2019/QH14 đã quy định cụ thể các nội dung: Trường hợp thanh tra, quyết định thanh tra, thời hạn thanh tra, kết luận thanh tra, thanh tra lại.
3.9. Các biện pháp cưỡng chế (Điều 125)
Luật quản lý thuế quy định các trường hợp bị cưỡng chế; các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế (7 biện pháp); Thẩm quyền quyết định cưỡng chế; Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế và Trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định hành chính thuế.
Để tăng cường hiệu quả của công tác cưỡng chế thu nợ, đơn giản hóa thủ tục hành chính, Luật quản lý thuế 38/2019/QH14 quy định nguyên tắc áp dụng các biện pháp cưỡng chế linh hoạt, như: (i) đối với các biện pháp cưỡng chế là: trích tiền từ tài khoản, khấu trừ một phần tiền lương hoặc thu nhập, dừng làm thủ tục hải quan thì căn cứ vào tình hình thực tế, cơ quan quản lý thuế áp dụng biện cưỡng chế phù hợp; (ii) đối với các biện pháp cưỡng chế khác (ngừng sử dụng hoá đơn; kê biên, bán đấu giá tài sản kê biên; thu tiền, tài sản khác của đối tượng bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế do tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ; thu hồi giấy chứng nhận, giấy phép) thì cơ quan quản lý thuế thực hiện việc cưỡng chế theo nguyên tắc: Trường hợp không áp dụng được biện pháp cưỡng chế trước thì cơ quan quản lý thuế chuyển sang áp dụng biện pháp cưỡng chế sau; trường hợp quyết định cưỡng chế đối với một số biện pháp chưa hết hiệu lực nhưng không có hiệu quả mà cơ quan quản lý thuế có đủ thông tin, điều kiện thì thực hiện áp dụng biện pháp cưỡng chế trước đó hoặc biện pháp cưỡng chế tiếp theo.
3.10. Về xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế (Điều 136 – Điều 146):
Luật quản lý thuế quy định rõ nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính, các trường hợp xử phạt, các trường hợp không bị xử phạt và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, vừa phù hợp với Luật thanh tra, vừa đảm bảo phù hợp với nội dung quản lý thuế.
Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã sửa đổi, bổ sung nguyên tắc xử lý vi phạm hành chính (7 nguyên tắc)
- Bổ sung trường hợp không xử phạt về thủ tục thuế đối với hành vi: chậm nộp hồ sơ quyết toán thu nhập cá nhân và có phát sinh số thuế được hoàn đối với cá nhân trực tiếp quyết toán;
- Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm thủ tục thuế được thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và Luật này.
- Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng cục kiểm tra sau thông quan thuộc Tổng cục Hải quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
3.11. Về việc thành lập Hội đồng tham vấn trong giải quyết khiếu nại về thuế (Điều 147 – Điều 149)
Luật quản lý thuế quy định về khiếu nại, tố cáo, khởi kiện và trách nhiệm quyền hạn của cơ quan quản lý thuế trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về thuế.
Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã bổ sung quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc giải quyết khiếu nại. Đối với vụ việc khiếu nại phức tạp, thủ trưởng cơ quan quản lý thuế là người giải quyết khiếu nại thực hiện tham vấn các cơ quan, tổ chức có liên quan, bao gồm cả khiếu nại lần đầu. Khi thực hiện tham vấn, thủ trưởng cơ quan quản lý thuế phải ban hành quyết định thành lập hội đồng tham vấn. Hội đồng tham vấn thực hiện theo nguyên tắc biểu quyết theo đa số. Kết quả biểu quyết là cơ sở để thủ trưởng cơ quan quản lý thuế tham khảo khi ra quyết định xử lý khiếu nại.
3.12. Quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết để phòng chống chuyển giá
Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã bổ sung các nguyên tắc cơ bản trong kê khai, nộp thuế và quản lý thuế đối với nhóm người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết, như:
- Nguyên tắc quản lý thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết;
- Áp dụng cơ chế đơn giản hoá trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết đối với người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro thấp;
- Nghĩa vụ cung cấp hồ sơ, thông tin dữ liệu đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết;
- Quy định về trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế Việt Nam và cơ quan thuế nước ngoài phục vụ công tác quản lý giá chuyển nhượng đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết.
3.13. Về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử
Luật quản lý thuế 38/2019/QH14 đã bổ sung quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử như: Đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác được thực hiện bởi nhà cung cấp ở nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam thì nhà cung cấp ở nước ngoài có nghĩa vụ trực tiếp hoặc ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam. Xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online; bổ sung quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, quản lý giám sát dòng tiền, thực hiện khấu trừ thuế đối với tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ thương mại điện tử trong trường hợp tổ chức kinh doanh không có hiện diện thương mại tại Việt Nam.
Ngoài ra, để bảo đảm việc áp dụng quy trình quản lý thuế đối với các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, tại Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã quy định Chính phủ quy định việc áp dụng quy định quản lý khoản thu về thuế của Luật này để quản lý thu đối với các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước