TÀI LIỆU GIỚI THIỆU NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN LUẬT PHÒNG, CHỐNG RỬA TIỀN SỐ 14/2022/QH15
Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 được bố cục gồm 4 Chương, 66 Điều, cụ thể:
- Chương I: Những quy định chung.
- Chương II: Biện pháp phòng, chống rửa tiền.
- Chương III: Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền.
- Chương IV: Điều khoản thi hành.
Một số nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 như sau:
1. Phạm vi điều chỉnh
Về cơ bản, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 kế thừa quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền/ năm 2012, theo đó phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền. Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 cũng quy định việc phòng, chống hành vi rửa tiền của các tổ chức, cá nhân có mục đích tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của pháp luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.
2. Đối tượng báo cáo về phòng, chống rửa tiền
Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 kế thừa quy định về đối tượng báo cáo phòng, chống rửa tiền tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, bao gồm tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính.
Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số nội dung về đối tượng báo cáo, cụ thể:
- Sửa đổi, bổ sung tên gọi của một số hoạt động của đối tượng báo cáo, ví dụ: sửa đổi tên gọi hoạt động cung cấp dịch vụ ủy thác đầu tư thành hoạt động cung cấp dịch vụ thỏa thuận pháp lý; sửa đổi, bổ sung tên gọi các hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kinh doanh trò chơi có thưởng... Việc sửa đổi, bổ sung tên gọi các hoạt động để phù hợp với nội hàm khái niệm của FATF và phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
- Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 đã luật hóa quy định tại Nghị định 87/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013, theo đó, bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
- Đồng thời, để đảm bảo bao quát được các hoạt động phát sinh trong tương lai, Luật quy định Chính phủ quy định cụ thể các hoạt động mới phát sinh có rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo nhưng chưa được quy định tại Luật sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
3. Về hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền
Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định cụ thể về nguyên tắc, nội dung hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền, các trường hợp từ chối yêu cầu trao đổi, cung cấp thông tin, quy trình, thủ tục, phương thức hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền. Bên cạnh đó, để đáp ứng thực tiễn công tác trao đổi, cung cấp thông tin về phòng, chống rửa tiền, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 cũng bổ sung nguyên tắc: trường hợp giữa Việt Nam và nước ngoài chưa có điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống rửa tiền, việc trao đổi, chuyển giao thông tin trong hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền được thực hiện trên nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật và tập quán quốc tế.
4. Quy định về đánh giá rủi ro quốc gia, đối tượng báo cáo về rửa tiền
Để đáp ứng khuyến nghị của FATF, đánh giá của APG tại Báo cáo đánh giá đa phương và phù hợp với thực tiễn triển khai hoạt động đánh giá rủi ro quốc gia, đối tượng báo cáo về rửa tiền, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 bổ sung các quy định về đánh giá rủi ro quốc gia, đối tượng báo cáo về rửa tiền, cụ thể:
a) Về quy định đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền
Tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 bổ sung quy định về nghĩa vụ thực hiện đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền, cụ thể như sau:
Định kỳ 05 năm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan thực hiện đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền và trình Chính phủ phê duyệt kết quả đánh giá, kế hoạch thực hiện sau đánh giá. Việc đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền được thực hiện đối với cả hoạt động mới phát sinh có thể có rủi ro về rửa tiền.
Các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm thực hiện: (i) Phổ biến kết quả đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền trong nội bộ Bộ, ngành mình và đến các đối tượng báo cáo thuộc phạm vi quản lý, đồng thời có biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro đã xác định; (ii) Cập nhật rủi ro về rửa tiền dựa trên việc triển khai kế hoạch thực hiện sau đánh giá hoặc khi có rủi ro phát sinh thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành mình gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trên cơ sở kết quả cập nhật rủi ro của các Bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt kết quả cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền, kế hoạch thực hiện sau cập nhật.
Do các tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền mang tính kỹ thuật và có thể thay đổi trong từng thời kỳ, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 giao Chính phủ quy định về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền.
b) Về quy định đánh giá, cập nhật rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo
Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 đã Luật hóa các quy định về trách nhiệm đánh giá, cập nhật rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo; báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền và phổ biến trong toàn hệ thống của đối tượng báo cáo kết quả đánh giá, cập nhật rủi ro về rửa tiền. Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn tiêu chí, phương pháp đánh giá rủi ro về rửa tiền của đối tượng báo cáo.
Luật cũng quy định căn cứ kết quả đánh giá, cập nhật rủi ro về rửa tiền, đối tượng báo cáo phải xây dựng quy trình quản lý rủi ro về rửa tiền, trong đó có nội dung về việc phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro thấp, trung bình, cao và các biện pháp áp dụng tương ứng với các mức độ rủi ro về rửa tiền; cụ thể: (i) Đối với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền thấp, đối tượng báo cáo có thể thu thập, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng ở mức độ giảm nhẹ sau lần đầu thiết lập quan hệ với khách hàng; (ii) Đối với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền trung bình, đối tượng báo cáo phải nhận biết khách hàng theo quy định tại Điều 9 Luật Phòng, chống rửa tiền; (iii) Đối với khách hàng có mức độ rủi ro về rửa tiền cao, đối tượng báo cáo đồng thời phải thực hiện nhận biết khách hàng theo quy định tại Điều 9 Luật Phòng, chống rửa tiền và áp dụng biện pháp tăng cường bao gồm thu thập, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng tăng cường và giám sát chặt chẽ các giao dịch của khách hàng.
5. Quy định về nhận biết khách hàng và cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng
- Về nhận biết khách hàng: Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 sửa đổi, bổ sung quy định về thông tin nhận biết khách hàng để phù hợp với pháp luật hiện hành, khuyến nghị của FATF, đánh giá của APG như đối với khách hàng cá nhân bổ sung thông tin về số Căn cước công dân hoặc số định danh cá nhân, quy định rõ thông tin yêu cầu thu thập đối với khách hàng cá nhân có một quốc tịch là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam hoặc người nước ngoài không cư trú tại Việt Nam, là người có từ hai quốc tịch trở lên, người không quốc tịch…; bổ sung quy định đối tượng báo cáo có thể khai thác thông tin trong các cơ sở dữ liệu quốc gia theo quy định pháp luật, thông qua cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đối chiếu, xác minh thông tin do khách hàng cung cấp.
Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 kế thừa quy định về việc đối tượng báo cáo có thể thuê tổ chức khác xác minh thông tin khách hàng. Đồng thời, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 bổ sung quy định: đối tượng báo cáo phải bảo đảm tổ chức được thuê xác minh phải bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật và đối tượng báo cáo phải chịu trách nhiệm về kết quả xác minh thông tin nhận biết khách hàng của tổ chức được thuê. Việc thuê tổ chức khác để xác minh thông tin nhận biết khách hàng thực hiện theo thỏa thuận của các bên và quy định của pháp luật có liên quan.
Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 cũng sửa đổi, bổ sung quy định về nhận biết, xác minh thông tin nhận biết khách hàng thông qua bên thứ ba, là hoạt động được sửa đổi tên gọi từ hoạt động kinh doanh qua giới thiệu quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền 2012, trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định về các yêu cầu đối với bên thứ ba, quy định rõ việc nhận biết, xác minh thông tin khách hàng thông qua bên thứ ba không loại trừ trách nhiệm của đối tượng báo cáo trong việc nhận biết, xác minh thông tin khách hàng.
- Về trách nhiệm của đối tượng báo cáo liên quan đến cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị (PEP): Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 bổ sung quy định về đối tượng PEP của tổ chức quốc tế, quy định rõ hơn trách nhiệm của đối tượng báo cáo phải thực hiện các biện pháp thích hợp để xác minh nguồn gốc tài sản của khách hàng và chủ sở hữu hưởng lợi và thực hiện giám sát mối quan hệ kinh doanh trong suốt quá trình giao dịch với khách hàng này.
- Về quan hệ ngân hàng đại lý (được hiểu là quan hệ được hình thành từ việc một ngân hàng tại một quốc gia, vùng lãnh thổ cung cấp dịch vụ ngân hàng, thanh toán và các dịch vụ khác cho một ngân hàng đối tác tại một quốc gia, vùng lãnh thổ khác): Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 bổ sung quy định đối tượng báo cáo khi thiết lập quan hệ với ngân hàng đối tác tại một quốc gia, vùng lãnh thổ khác để cung cấp dịch vụ ngân hàng, thanh toán và các dịch vụ khác cho ngân hàng đối tác phải áp dụng các biện pháp nhằm thu thập thông tin, đánh giá việc thực hiện các biện pháp về phòng, chống rửa tiền, hiểu biết về các trách nhiệm phòng, chống rửa tiền của ngân hàng đối tác trong quan hệ đại lý; trong trường hợp khách hàng của ngân hàng đối tác có thể thanh toán thông qua tài khoản của ngân hàng đối tác mở tại đối tượng báo cáo, đối tượng báo cáo phải đảm bảo rằng tài khoản của ngân hàng đối tác mở tại đối tượng báo cáo không được phép sử dụng bởi các ngân hàng vỏ bọc (được hiểu là ngân hàng không có sự hiện diện thực tế tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà tại đó ngân hàng phải được thành lập và cấp phép, đồng thời không có sự liên kết hoặc kiểm soát của bất kỳ định chế tài chính nào đã được quản lý và giám sát).
6. Về trách nhiệm của đối tượng báo cáo khi cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới; sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ đổi mới:
Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 sửa đổi và làm rõ hơn về trách nhiệm của đối tượng báo cáo liên quan đến cung cấp các sản phẩm, dịch vụ mới; sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ đổi mới, cụ thể: quy định đối tượng báo cáo phải ban hành chính sách, quy trình để nhận diện và đánh giá mức độ rủi ro về rửa tiền đối với các sản phẩm, dịch vụ mới và sản phẩm, dịch vụ hiện có áp dụng công nghệ đổi mới trước khi đưa vào sử dụng; áp dụng các biện pháp cần thiết để giảm thiểu rủi ro về rửa tiền.
7. Về giám sát một số giao dịch đặc biệt
Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 kế thừa quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền về các giao dịch đặc biệt mà đối tượng báo cáo phải giám sát, bao gồm: (i) Giao dịch có giá trị lớn bất thường hoặc phức tạp theo quy định của Chính phủ; (ii) Giao dịch với tổ chức, cá nhân tại quốc gia, vùng lãnh thổ nằm trong danh sách do Lực lượng đặc nhiệm tài chính công bố nhằm chống rửa tiền hoặc danh sách cảnh báo (là danh sách tổ chức, cá nhân do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lập nhằm cảnh báo về tổ chức, cá nhân có rủi ro cao về rửa tiền). Đồng thời, để giám sát giao dịch đặc biệt, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 bổ sung quy định đối tượng báo cáo áp dụng biện pháp tăng cường; kiểm tra thông tin và mục đích của giao dịch, trường hợp có nghi ngờ về tính chính xác, mục đích của giao dịch, phải xem xét báo cáo giao dịch đáng ngờ và có thể từ chối giao dịch đó.
8. Về minh bạch thông tin của pháp nhân, thỏa thuận pháp lý, minh bạch trong hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận
Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 kế thừa và quy định cụ thể hơn một số yêu cầu thu thập, cập nhật, lưu trữ, thông tin của đối tượng báo cáo, cá nhân, tổ chức có liên quan; quy định trách nhiệm cung cấp các thông tin này cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cụ thể:
- Về minh bạch thông tin của pháp nhân: Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 kế thừa quy định yêu cầu về việc cập nhật, lưu trữ thông tin cơ bản, chủ sở hữu hưởng lợi của pháp nhân đối với cơ quan đăng ký kinh doanh; bổ sung quy định về việc cập nhật, lưu trữ thông tin cơ bản, chủ sở hữu hưởng lợi của pháp nhân của cơ quan cấp phép thành lập, hoạt động cho pháp nhân đó; sửa đổi, làm rõ các thông tin cần và những thông tin nếu có (thông tin về danh sách người quản lý pháp nhân, điều lệ, thông tin chủ sở hữu hưởng lợi của pháp nhân) mà cơ quan đăng ký, cơ quan cấp phép thành lập thực hiện cập nhật, lưu trữ. Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 cũng bổ sung quy định về trách nhiệm thu thập, cập nhật, lưu trữ thông tin cơ bản, chủ sở hữu hưởng lợi của pháp nhân.
- Về minh bạch thông tin thỏa thuận pháp lý: Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 sửa đổi, bổ sung quy định về minh bạch thông tin của thỏa thuận pháp lý, theo đó quy định về nghĩa vụ của bên nhận ủy thác phải thu thập, lưu giữ thông tin về bên ủy thác, bên nhận ủy thác, người thụ hưởng, các bên liên quan (nếu có) và cá nhân có quyền kiểm soát cuối cùng đối với ủy thác; có trách nhiệm cung cấp các thông tin này cho các cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu; cung cấp thông tin cho tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính trong quá trình thiết lập và duy trì mối quan hệ khách hàng với tổ chức, cá nhân này liên quan đến tài sản được ủy thác khi được yêu cầu.
- Về minh bạch trong hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận: Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 bổ sung quy định về khái niệm tổ chức phi lợi nhuận là tổ chức hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bao gồm tổ chức phi chính phủ nước ngoài, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, các hội, tổ chức tôn giáo được thành lập, đăng ký, hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định các tổ chức này phải thực hiện thu thập, cập nhật, lưu trữ hồ sơ về việc tài trợ, tiếp nhận tài trợ của tổ chức phi lợi nhuận và cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền khi được yêu cầu, qua đó đảm bảo yêu cầu về Phòng, chống rửa tiền trong hoạt động của các tổ chức này.
9. Về trách nhiệm xây dựng quy định nội bộ và báo cáo, cung cấp, lưu trữ hồ sơ, thông tin về phòng, chống rửa tiền
Về trách nhiệm xây dựng quy định nội bộ: Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 bổ sung một số nội dung phải có tại quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền của đối tượng báo cáo, bao gồm: chính sách chấp nhận khách hàng, trong đó có nội dung về từ chối mở tài khoản, thiết lập mối quan hệ kinh doanh, thực hiện giao dịch hoặc chấm dứt mối quan hệ kinh doanh; chính sách, quy trình quản lý rủi ro; tuyển dụng nhân sự, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng chống rửa tiền. Bổ sung yêu cầu quy định nội bộ phải được áp dụng, phổ biến trong toàn hệ thống và đại lý của đối tượng báo cáo.
Để phù hợp với loại hình, quy mô hoạt động của các đối tượng báo cáo, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 có quy định riêng trách nhiệm xây dựng quy định nội bộ của đối tượng báo cáo là cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ theo hướng giảm bớt một số nội dung yêu cầu phải có trong quy định nội bộ cho đối tượng báo cáo này (như quy trình báo cáo giao dịch phải báo cáo; chế độ báo cáo, cung cấp thông tin cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tuyển dụng nhân sự, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền; kiểm soát và kiểm toán nội bộ việc tuân thủ các chính sách, quy định, quy trình và thủ tục liên quan đến hoạt động phòng, chống rửa tiền, trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền).
10. Về báo cáo giao dịch đáng ngờ
Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 luật hóa các quy định tại Nghị định 116/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 87/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019) đồng thời có điều chỉnh để đảm bảo rõ ràng, minh bạch đối với quy định cụ thể về các trường hợp đối tượng báo cáo có trách nhiệm báo cáo giao dịch đáng ngờ cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong các trường hợp sau: (i) Khi biết giao dịch được thực hiện theo yêu cầu của bị can, bị cáo, người bị kết án và có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch là tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc có nguồn gốc thuộc quyền sở hữu, quyền kiểm soát của bị can, bị cáo, người bị kết án đó. Việc xác định bị can, bị cáo, người bị kết án theo thông báo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; (ii) Khi có cơ sở hợp lý để nghi ngờ tài sản trong giao dịch liên quan đến rửa tiền được xác định từ việc xem xét, thu thập và phân tích thông tin khi khách hàng, giao dịch có một hoặc nhiều dấu hiệu đáng ngờ quy định tại Luật và có thể từ các dấu hiệu khác do đối tượng báo cáo xác định.
Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 sửa đổi, bổ sung một số dấu hiệu đáng ngờ trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, kinh doanh bất động sản; bổ sung dấu hiệu đáng ngờ đối với hoạt động trung gian thanh toán tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022. Về kỹ thuật, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 đã sửa đổi theo hướng tách các dấu hiệu đáng ngờ cơ bản và dấu hiệu đáng ngờ trong từng lĩnh vực thành các điều riêng để dễ theo dõi và thực hiện.
Đồng thời, để đảm bảo, các dấu hiệu đáng ngờ sẽ được cập nhật để đáp ứng được tình hình, yêu cầu công tác phòng, chống rửa tiền trong từng thời kỳ, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định: “Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trình Chính phủ bổ sung các dấu hiệu đáng ngờ theo các ngành, lĩnh vực”.
Về thời hạn báo cáo giao dịch đáng ngờ, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 sửa đổi, bổ sung quy định về thời hạn báo cáo, trong đó thời hạn báo cáo tối đa 03 ngày làm việc kể từ thời điểm phát sinh giao dịch hoặc 01 ngày làm việc kể từ ngày đối tượng báo cáo phát hiện được giao dịch đáng ngờ.
11. Về giao dịch chuyển tiền điện tử
Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 bổ sung quy định trách nhiệm của các tổ chức tham gia vào giao dịch chuyển tiền điện tử phải có chính sách, quy trình quản lý rủi ro để thực hiện, từ chối, tạm dừng, kiểm soát sau giao dịch hoặc báo cáo giao dịch đáng ngờ các giao dịch chuyển tiền điện tử không chính xác, đầy đủ các thông tin theo yêu cầu.
12. Về việc lưu trữ, trách nhiệm báo cáo, bảo đảm bí mật thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo
Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 cũng sửa đổi, bổ sung quy định về trách nhiệm lưu trữ thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo của đối tượng báo cáo nhằm cụ thể các loại thông tin đối tượng báo cáo phải lưu trữ; quy định trách nhiệm báo cáo, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu, báo cáo này cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền của đối tượng báo cáo; sửa đổi, bổ sung quy định về bảo đảm bí mật thông tin, tài liệu, báo cáo nhằm phù hợp với quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước và thực tiễn hoạt động của đối tượng báo cáo.
13. Về thực hiện thu thập, xử lý, phân tích, trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin về phòng, chống rửa tiền và áp dụng các biện pháp tạm thời
Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 sửa đổi, bổ sung quy định cụ thể về từng nội dung trao đổi, cung cấp và chuyển giao thông tin phòng, chống rửa tiền với cơ quan có thẩm quyền trong nước, cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. Đồng thời, bổ sung việc giao Chính phủ quy định chi tiết về việc thu thập, xử lý và phân tích thông tin về phòng, chống rửa tiền; hướng dẫn về việc trao đổi, cung cấp, chuyển giao thông tin phòng, chống rửa tiền trong nước. Việc sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn chuyển giao, trao đổi, cung cấp thông tin phòng, chống rửa tiền tại Ngân hàng Nhà nước với các cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài nước.
14. Về áp dụng các biện pháp tạm thời
- Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 quy định rõ các trường hợp thực hiện trì hoãn giao dịch bao gồm: (i) Khi có căn cứ để nghi ngờ hoặc phát hiện các bên liên quan đến giao dịch thuộc Danh sách đen. Luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này; (ii) Khi có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan đến hoạt động phạm tội, bao gồm: giao dịch do người bị kết án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự yêu cầu thực hiện và tài sản trong giao dịch thuộc quyền sở hữu hoặc có nguồn gốc thuộc quyền sở hữu, quyền kiểm soát của người bị kết án đó; giao dịch liên quan đến tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi có liên quan đến tội phạm tài trợ khủng bố; (iii) Khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại các luật liên quan. Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 cũng luật hóa quy định về việc miễn trách nhiệm của đối tượng báo cáo tại Nghị định 116/2013/NĐ-CP ngày 14/10/2013 (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 87/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019) , theo đó đối tượng báo cáo không phải chịu trách nhiệm pháp lý về những hậu quả phát sinh khi áp dụng biện pháp trì hoãn giao dịch theo đúng quy định tại Luật.
Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 cũng bổ sung quy định về thời điểm thực hiện biện pháp trì hoãn giao dịch theo hướng đảm bảo tính kịp thời, phù hợp với yêu cầu của khuyến nghị số 6 của FATF.
- Về biện pháp phong tỏa tài khoản, niêm phong, phong tỏa hoặc tạm giữ tài sản: ngoài kế thừa các biện pháp được quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 bổ sung quy định đối tượng báo cáo phải thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc phong tỏa tài sản của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
15. Về quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong phòng, chống rửa tiền
Về cơ bản, nội dung phân công trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong phòng, chống rửa tiền được kế thừa các quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 và trên cơ sở luật hóa nội dung phân công trách nhiệm của bộ, ngành tại Nghị định 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 87/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019; sửa đổi, bổ sung trách nhiệm cụ thể một số Bộ ,ngành bảo đảm phù hợp với chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành và tính thống nhất với quy định pháp luật liên quan. Đồng thời, bổ sung quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc thực hiện đánh giá, cập nhật rủi ro quốc gia về rửa tiền đối với lĩnh vực, ngành thuộc chức năng quản lý nhà nước.
16. Về điều khoản thi hành
- Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 49 Luật Ngân hàng Nhà nước, trong đó bỏ cụm từ “phòng, chống rửa tiền”. Việc sửa đổi, bổ sung nhằm tạo cơ sở để triển khai, thực hiện các yêu cầu về nâng cao tính độc lập của đơn vị tình báo tài chính tại khuyến nghị số 29 của FATF và đánh giá của APG cũng như để đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống rửa tiền trong giai đoạn hiện nay.
Nhằm không tạo khoảng trống pháp lý sau khi Luật có hiệu lực thi hành nhưng chưa kịp hoàn thành việc phân công chức năng đơn vị đầu mối về phòng, chống rửa tiền thuộc Ngân hàng Nhà nước, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 bổ sung quy định về hiệu lực thi hành tại Điều 66 như sau: Khoản 1 Điều 64 của Luật có hiệu lực thi hành từ ngày quy định khác về cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành có hiệu lực.
- Để đảm bảo khuôn khổ pháp lý thống nhất giữa Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 và Luật Phòng, chống khủng bố, pháp luật về phòng, chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, cũng như đáp ứng các khuyến nghị của FATF và APG, Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 sửa đổi, bổ sung Điều 34, 35 Luật Phòng, chống khủng bố (khoản 2 Điều 64 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022) và bổ sung quy định về việc áp dụng quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền trong phòng, chống tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (Điều 65 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022), theo đó cho phép các tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan được áp dụng quy định từ Điều 9 đến Điều 40 của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 phục vụ công tác phòng, chống tài trợ, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.