TÀI LIỆU GIỚI THIỆU, PHỔ BIẾN PHÁP LỆNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI HÀNH VI CẢN TRỞ HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG
1. Bố cục của Pháp lệnh
Pháp lệnh gồm 04 chương, 48 điều; cụ thể như sau:
- Chương I về “Những quy định chung” gồm có 08 điều, từ Điều 1 đến Điều 8.
- Chương II về “Hành vi cản trở hoạt động tố tụng, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả” gồm có 03 Mục với 16 điều, từ Điều 9 đến Điều 24.
+ Mục 1 quy định về “Hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả”.
+ Mục 2 quy định về “Hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả”.
+ Mục 3 quy đinh về “Hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp; hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng; hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả”.
- Chương III quy định về “Thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cướng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính” gồm 22 điều, từ Điều 25 đến Điều 46.
- Chương IV quy định về “Điều khoản thi hành” gồm có 02 Điều, Điều 47 và Điều 48.
2. Nội dung cơ bản của Pháp lệnh
2.1. Về phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh (Điều 1 và Điều 2)
Pháp lệnh quy định về hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính; hình thức, mức xử phạt; biện pháp khắc phục hậu quả; biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính; thẩm quyền, thủ tục xử phạt, thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Theo đó, hành vi cản trở hoạt động tố tụng bị xử phạt vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, cản trở hoạt động giải quyết vụ án, vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính mà không phải là tội phạm và theo quy định của Pháp lệnh này phải bị xử phạt vi phạm hành chính.
Hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, cản trở hoạt động giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân và Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà không phải là tội phạm thì bị áp dụng xử phạt vi phạm hành chính như hành vi cản trở hoạt động tố tụng theo quy định của Pháp lệnh này.
2.2. Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng (Điều 4)
Đối tượng bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng gồm cá nhân, tổ chức quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 5 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Chương II của Pháp lệnh này. Cụ thể là:
(1) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.
(2) Cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm hành chính trong phạm vi lãnh thổ, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trên tàu bay mang quốc tịch Việt Nam, tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
(3) Tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính do mình gây ra.
Pháp lệnh cũng đặt ra một số trường hợp ngoại lệ như sau:
- Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ và hành vi vi phạm đó thuộc công vụ, nhiệm vụ thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức và quy định khác của pháp luật có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 495 của Bộ luật Tố tụng dân sự[1], Điều 324[2] và khoản 1 Điều 325[3] của Luật Tố tụng hành chính.
- Trường hợp Hội thẩm thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng khi đang thực hiện nhiệm vụ của Hội thẩm thì không bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà bị xử lý theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2.3. Các hình thức xử phạt và nguyên tắc áp dụng (Điều 5)
Phù hợp với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh quy định các hình thức xử phạt chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng gồm phạt cảnh cáo và phạt tiền; hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (sau đây gọi chung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính).
Nguyên tắc áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 21 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
2.4. Mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền (Điều 6)
Mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền được quy định đúng theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
- Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân đến 40.000.000 đồng. Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của tổ chức đến 80.000.000 đồng.
- Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Pháp lệnh là mức phạt được áp dụng đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
- Thẩm quyền phạt tiền của người có thẩm quyền xử phạt được quy định tại các điều từ Điều 25 đến Điều 32 của Pháp lệnh là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân.
2.5. Các biện pháp khắc phục hậu quả và nguyên tắc áp dụng (Điều 7)
Các biện pháp khắc phục hậu quả là những biện pháp mà theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì những chức danh có thẩm quyền xử phạt trong Pháp lệnh được áp dụng, bao gồm:
- 02 biện pháp đã được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính: (1) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu và (2) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
- 06 biện pháp khác đã được Chính phủ quy định tại các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong một số lĩnh vực có liên quan, bao gồm: (1) Buộc xin lỗi công khai; (2) Buộc thu hồi thông tin, tài liệu, dữ liệu, vật có chứa bí mật điều tra; (3) Buộc gỡ bỏ thông tin, tài liệu, dữ liệu có chứa bí mật điều tra; (4) Buộc thu hồi thông tin sai sự thật; (5) Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật và (6) Buộc thu hồi, nộp lại tư liệu, tài liệu, hình ảnh.
Nguyên tắc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
2.6. Biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng và nguyên tắc áp dụng (Điều 8)
Trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng thì có thể áp dụng các biện pháp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 119 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, gồm: (1) Tạm giữ người; (2) Áp giải người vi phạm; (3) Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề; (4) Khám người; (5) Khám phương tiện vận tải, đồ vật và (6) Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Nguyên tắc áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng thực hiện theo quy định tại Điều 120 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
2.7. Hành vi cản trở hoạt động tố tụng, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (Chương II)
Hành vi cản trở hoạt động tố tụng được quy định trên cơ sở rà soát kỹ quy định của các đạo luật tố tụng (Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính), Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân và Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; bảo đảm quy định đầy đủ các hành vi cản trở các hoạt động này của cơ quan, người có thẩm quyền, phù hợp với đặc thù của từng lĩnh vực và thực tiễn áp dụng pháp luật trong quá trình cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, Pháp lệnh quy định cụ thể hành vi cản trở hoạt động tố tụng, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với 03 nhóm hành vi. Cụ thể như sau:
Thứ nhất là nhóm các hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự (Mục 1 Chương II), gồm: Hành vi tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật; hành vi tiết lộ bí mật điều tra; hành vi vi phạm quy định về sự có mặt theo giấy triệu tập; hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng; hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ; hành vi ngăn cản việc cấp, giao, nhận, thông báo hoặc không thực hiện trách nhiệm cấp, giao, chuyển, gửi, niêm yết, thông báo văn bản tố tụng; hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Thứ hai là nhóm các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân, đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Mục 2 Chương II), gồm: Hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án; hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng theo yêu cầu của Tòa án; hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của cơ quan, người có thẩm quyền; hành vi cản trở việc cấp, giao, nhận, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án; hành vi can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc; hành vi xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của Tòa án; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án và hành vi đưa tin sai sự thật.
Thứ ba là hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp; hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng; hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả (Mục 3 Chương III), gồm: Hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp và hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng.
Tùy tính chất, mức độ của hành vi mà Pháp lệnh có quy định khác nhau về hình thức xử phạt, mức phạt tiền và có áp dụng hình thức xử phạt bổ sung hoặc biện pháp khắc phục hậu quả hay không. Theo đó:
- Các hành vi bị áp dụng mức phạt tiền cao nhất (từ 30 đến 40 triệu động) được áp dụng đối với:
+ Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện hành vi tác động dưới bất kỳ hình thức nào với Thẩm phán, thành viên Hội đồng xét xử nhằm làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không khách quan, không đúng pháp luật (khoản 3 Điều 20).
+ Luật sư (khi tham gia tố tụng với tư cách hành nghề luật sư) có hành vi như: Lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực buộc người bị hại khai báo gian dối hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối (khoản 5 Điều 13); đe dọa, sử dụng vũ lực hoặc có hành vi khác xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (khoản 4 Điều 15, khoản 4 Điều 21); cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của cơ quan, người có thẩm quyền (khoản 5 Điều 18); đưa tin sai sự thật (khoản 4 Điều 22).
- Các hành vi bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”, gồm: Hành vi tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật (Điều 9); cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng hình sự (Điều 12); cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ (Điều 13 và Điều 18); xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Điều 15); cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng theo yêu cầu của Tòa án (Điều 17); cản trở việc cấp, giao, nhận, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án (Điều 19); xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của Tòa án; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, xâm hại sức khỏe của người có thẩm quyền hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án (Điều 21); đưa tin sai sự thật (Điều 22); vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp (Điều 23) và hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng (Điều 24).
- Các hành vi bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, gồm:
+ Hành vi tiết lộ bí mật điều tra (Điều 10): tùy từng trường hợp bị áp dụng các biện pháp (1) Buộc thu hồi thông tin, tài liệu, dữ liệu, vật có chứa bí mật điều tra; (2) Buộc gỡ bỏ thông tin, tài liệu, dữ liệu có chứa bí mật điều tra; (3) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi.
+ Hành vi đưa tin sai sự thật (Điều 22): tùy từng trường hợp bị áp dụng các biện pháp: (1) Buộc xin lỗi công khai; (2) Buộc thu hồi thông tin sai sự thật; (3) Buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật; (4) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi.
+ Hành vi vi phạm nội quy phiên tòa, phiên họp (Điều 23): tùy từng trường hợp bị áp dụng các biện pháp: (1) Buộc thu hồi, nộp lại tư liệu, tài liệu, hình ảnh; (2) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi; (3) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.
2.8. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng (Chương III)
a) Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng (từ Điều 25 đến Điều 32)
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng bao gồm:
- Các chức danh có thẩm quyền xử phạt của Tòa án nhân dân (Điều 25), gồm: (1) Thẩm phán chủ tọa phiên tòa; (2) Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện; (3) Chánh tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh; (4) Chánh án Tòa án quân sự khu vực; (5) Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh; (6) Chánh tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp cao; (7) Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương.
- Các chức danh có thẩm quyền xử phạt của Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư (các điều từ Điều 26 đến Điều 31), gồm những chức danh trong các cơ quan này có thẩm quyền xử phạt theo Luật Xử lý vi phạm hành chính và có thẩm quyền giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, điều tra hoặc được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp (Điều 32).
b) Xác định thẩm quyền xử phạt (Điều 33 đến Điều 40)
Để thuận tiện cho việc áp dụng Pháp lệnh, giúp chủ thể có thẩm quyền và cá nhân, tổ chức bị áp dụng các biện pháp xử phạt dễ dàng kiểm tra tính đúng đắn của việc áp dụng pháp luật, Pháp lệnh quy định rõ việc xác định thẩm quyền xử phạt của Tòa án nhân dân, Công an nhân dân, Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp (các điều từ Điều 33 đến Điều 40) theo hướng chỉ rõ đến từng điểm, khoản/hành vi mà các chủ thể có thẩm quyền xử phạt.
c) Phân định thẩm quyền xử phạt (Điều 41)
Để phù hợp với đặc thù về thẩm quyền của các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; đồng thời, để khắc phục vướng mắc của thực tiễn[4], bảo đảm mọi hành vi cản trở hoạt động tố tụng phải được xử lý nghiêm minh, thì ngoài việc quy định thẩm quyền xử phạt của các cơ quan có thẩm quyền xử phạt theo Luật Xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng các cơ quan này, Pháp lệnh phân định thẩm quyền xử phạt cho người có thẩm quyền của Công an nhân dân, Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp xử phạt đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng khi Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự Trung ương và Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân thực hiện nhiệm vụ trong hoạt động tố tụng (là những cơ quan không được Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định có thẩm quyền xử phạt). Cụ thể như sau:
- Người có thẩm quyền xử phạt trong Tòa án nhân dân có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Điều 25 và Điều 33 của Pháp lệnh đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng kể từ thời điểm Tòa án nhân dân nhận, thụ lý vụ án, vụ việc.
- Người có thẩm quyền xử phạt trong Tòa án quân sự có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Điều 25 và Điều 33 của Pháp lệnh này đối với: (1) Hành vi cản trở hoạt động tố tụng kể từ thời điểm Tòa án quân sự nhận, thụ lý vụ án; (2) Hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra của cơ quan, người có thẩm quyền trong Viện kiểm sát quân sự, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự trung ương, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và các cơ quan trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, trừ Bộ đội Biên phòng và Cảnh sát biển; (3) Hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong giai đoạn truy tố của cơ quan, người có thẩm quyền trong Viện kiểm sát quân sự.
- Người có thẩm quyền xử phạt trong Công an nhân dân có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Điều 26 và Điều 34 của Pháp lệnh này đối với: (1) Hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra của cơ quan, người có thẩm quyền trong Công an nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; (2) Hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong giai đoạn truy tố của cơ quan, người có thẩm quyền trong Viện kiểm sát nhân dân.
- Người có thẩm quyền xử phạt trong Bộ đội Biên phòng có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Điều 27 và Điều 35 của Pháp lệnh này đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra của cơ quan, người có thẩm quyền trong Bộ đội Biên phòng.
- Người có thẩm quyền xử phạt trong Cảnh sát biển có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Điều 28 và Điều 36 của Pháp lệnh này đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra của cơ quan, người có thẩm quyền trong Cảnh sát biển.
- Người có thẩm quyền xử phạt trong Hải quan có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Điều 29 và Điều 37 của Pháp lệnh này đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra của cơ quan, người có thẩm quyền trong Hải quan.
- Người có thẩm quyền xử phạt trong Kiểm lâm có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Điều 30 và Điều 38 của Pháp lệnh này đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra của cơ quan, người có thẩm quyền trong Kiểm lâm.
- Người có thẩm quyền xử phạt trong Kiểm ngư có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Điều 31 và Điều 39 của Pháp lệnh này đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra của cơ quan, người có thẩm quyền trong Kiểm ngư.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân có thẩm quyền xử phạt theo quy định tại Điều 32 và Điều 40 của Pháp lệnh này đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan, người có thẩm quyền, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự.
2.9. Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính (Điều 42)
Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 55 đến Điều 68 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Riêng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự trung ương, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân, các cơ quan trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (trừ Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển) thì do không có thẩm quyền xử phạt mà chỉ có thẩm quyền lập biên bản nên người có thẩm quyền lập biên bản phải gửi biên bản và các tài liệu khác có liên quan cho người có thẩm quyền xử phạt (theo phân định thẩm quyền tại Điều 41 của Pháp lệnh) để xem xét xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2.10. Lập biên bản vi phạm hành chính (Điều 43)
Điều 43 của Pháp lệnh quy định người có thẩm quyền lập biên bản về hành vi cản trở hoạt động tố tụng của từng cơ quan Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự, Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát quân sự trung ương, Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư theo hướng bảo đảm những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người đang thi hành công vụ kịp thời lập biên bản về hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Việc lập biên bản vi phạm hành chính thực hiện theo quy định tại Điều 58 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định khác của pháp luật có liên quan và người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức liên quan nếu có lỗi trong việc lập biên bản, chuyển biên bản vi phạm hành chính, chuyển hồ sơ vụ vi phạm thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.
2.11. Chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự, chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính (Điều 44)
Để bảo đảm nguyên tắc mọi hành vi vi phạm pháp luật phải được xử lý đúng với tính chất, mức độ vi phạm thì Pháp lệnh quy định: Khi xem xét vụ vi phạm để quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu xét thấy hành vi vi phạm quy định tại Pháp lệnh này có dấu hiệu tội phạm thì người có thẩm quyền xử phạt phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự.
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự có trách nhiệm xem xét, kết luận vụ việc và trả lời kết quả giải quyết bằng văn bản cho người có thẩm quyền đã chuyển hồ sơ trong thời hạn theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự; trường hợp không khởi tố vụ án hình sự thì trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải trả hồ sơ vụ việc cho người có thẩm quyền xử phạt đã chuyển hồ sơ đến.
Việc chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự, chuyển hồ sơ vụ vi phạm để xử phạt hành chính được thực hiện theo quy định tại Điều 62 và Điều 63 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
2.12. Thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Điều 45)
Việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 69 đến Điều 88 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Pháp lệnh quy định người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế bao gồm:
(1) Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp;
(2) Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự khu vực, Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Chánh tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp cao;
(3) Người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế trong Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm ngư được thực hiện theo quy định tại các điểm b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 87 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
2.13. Nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính (Điều 46)
Nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục áp dụng, việc hủy bỏ hoặc thay thế các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 120 đến Điều 129 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Pháp lệnh quy định lực lượng Công an nhân dân đang tham gia bảo vệ phiên tòa có trách nhiệm buộc người vi phạm nội quy phiên tòa rời khỏi phòng xử án hoặc bắt giữ, áp giải theo quyết định của chủ tọa phiên tòa.