Trình tự quyết định đưa người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi đi cai nghiện bắt buộc
Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh 01/2022/UBTVQH15 về trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Theo đó, Pháp lệnh 01/2022/UBTVQH15 hướng dẫn một số nội dung về việc đưa người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đi cai nghiện bắt buộc, đơn cử như:
1. Thẩm quyền quyết định đưa người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đi cai nghiện bắt buộc
- Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Tòa án nhân dân cấp huyện) nơi người bị đề nghị cư trú hoặc nơi có hành vi vi phạm trong trường hợp không xác định được nơi cư trú của người bị đề nghị.
- Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Tòa án nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền xét lại quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.
2. Trình tự quyết định đưa người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đi cai nghiện bắt buộc
Pháp lệnh 01/2022/UBTVQH15 quy định trình tự, thủ tục quyết định đưa người từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi đi cai nghiện bắt buộc gồm một số bước, đơn cử như sau:
* Thời hạn xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Tòa án thụ lý hồ sơ đề nghị của Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Tòa án phải ra một trong các quyết định sau:
+ Quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Quyết định không đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
+ Quyết định tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Đối với vụ việc phức tạp, thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.
* Nhận, thụ lý hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
- Khi nhận được hồ sơ đề nghị của Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chuyển đến, Tòa án phải vào sổ giao nhận; trường hợp hồ sơ không đủ tài liệu theo quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật Phòng, chống ma túy thì Tòa án trả lại hồ sơ và nêu rõ lý do.
- Trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật Phòng, chống ma túy, Tòa án phải thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết.
* Phân công Thẩm phán xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
- Trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 9 của Pháp lệnh 01/2022/UBTVQH15, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Thẩm phán được phân công phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người dưới 18 tuổi hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người dưới 18 tuổi.
- Thẩm phán được phân công phải từ chối xem xét, quyết định nếu có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
- Trường hợp Thẩm phán được phân công không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hoặc thuộc trường hợp phải từ chối xem xét, quyết định thì Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán khác xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
* Thông báo về việc thụ lý hồ sơ
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thụ lý, Tòa án phải thông báo bằng văn bản về việc thụ lý hồ sơ cho Trưởng phòng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị và Viện kiểm sát cùng cấp.
* Quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Tòa án phải mở phiên họp xem xét, quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Xem thêm tại Pháp lệnh 01/2022/UBTVQH15có hiệu lực từ ngày 24/3/2022.