Tuyên truyền về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em
Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai. Bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của Nhà nước, của toàn xã hội và của mọi gia đình. Khẩu hiệu “Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai” đã và đang trở thành phương châm hành động của nhiều quốc gia trên thế giới và của Việt Nam.
Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục (BVCSGD) trẻ em và đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm thúc đẩy công tác BVCSGD trẻ em trong từng thời kỳ; Những năm gần đây công tác BVCSGD trẻ em ngày càng được xã hội quan tâm và đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, trong thời gian qua trên các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin các vụ bạo hành trẻ em gây nhiều bức xúc và phẫn nộ trong dư luận, gây hoang mang cho các bậc phụ huynh. Qua bài tuyên truyền, nhằm trang bị các kiến thức, kỹ năng để hướng dẫn các em học sinh chủ động phòng chống nạn xâm hại, bạo lực. Do đó, việc trang bị kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ cá nhân là rất cần thiết cho các em, nhất là lứa tuổi học sinh.
Thưa bà con và các bạn! Vậy như thế nào được coi là bạo hành trẻ em, những hành vi nào là bạo hành trẻ em, hậu quả của hành vi bạo hành, nhận biết dấu hiệu trẻ bị bạo hành và cách phòng tránh bạo hành trẻ em như thế nào, xin mời bà con và các bạn chú ý lắng nghe.
I. BẠO LỰC TRẺ EM
1. Thế nào là bạo hành?
Là hành động và lời nói có tính chất vũ phu, bạo ngược, thậm chí là độc ác như lăng mạ, xúc phạm, chà đạp, đánh đập, tra tấn… bất chấp pháp luật, đạo lý, làm tổn thương thể xác và tinh thần của người khác.
2. Bạo lực xuất phát từ đâu?
Nguyên nhân đôi khi chỉ bắt đầu từ những mâu thuẫn rất nhỏ trong giao tiếp hàng ngày như: Tranh chấp nhau đồ dùng, nói xấu nhau, tung ảnh của nhau trên mạng xã hội, hiểu nhầm nhau…cũng dẫn tới bạo lực...
Bên cạnh đó, nguyên nhân còn xuất phát từ những bất ổn tâm lí trong gia đình. Một đứa trẻ sống trong hoàn cảnh bố mẹ thường xuyên cãi vã, đánh chửi nhau thậm chí chúng thường xuyên bị đánh đập cũng chính là nguyên nhân dẫn tới hành vi bạo lực.
3. Bạo lực đối với trẻ em là các hành vi sau:
- Lăng nhục, chửi mắng, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý, gây tổn thương về tinh thần, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.
- Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc có hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng của trẻ em.
- Đối xử tồi tệ, bắt nhịn ăn, nhịn uống, bắt làm những việc trái đạo đức xã hội.
- Cưỡng ép lao động quá sức, quá thời gian quy định, làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm.
4. Hậu quả của hành vi bạo lực:
- Về thể chất: Đau đớn, thương tích, ảnh hưởng xấu đến phát triển cơ thể.
- Về trí tuệ: Học hành giảm sút, chậm phát triển trí tuệ.
- Về hành vi: Thụ động, ngại giao tiếp, rối loạn hành vi, hung hăng, cư xử bạo lực với người khác
- Về tâm lý: Mặc cảm, tự ti, mất lòng tin, thờ ơ, né tránh, gây rối nhiễu tâm lý.
5. Một số biện pháp giúp các em tránh nguy cơ bị bạo lực học đường:
- Tích cực rèn luyện kĩ năng sống, ngoan ngoãn lễ phép với ông bà, bố mẹ, với thầy cô giáo.
- Chấp hành tốt nội quy trường lớp.
- Tránh xa bạo lực, nói không với bạo lực.
- Nếu thấy hiện tượng bạo lực phải kịp thời báo ngay cho nhà trường, thầy cô giáo hoặc cơ quan có thẩm quyền để kịp thời can thiệp và xử lí.
II. XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM
1. Thế nào là xâm hại tình dục trẻ em
Xâm hại tình dục trẻ em là sử dụng trẻ em để thoả mãn nhu cầu tình dục của người lớn hơn.
2. Đối tượng xâm hại
- Người quen thân thiết: chú, bác, anh em, hàng xóm….
- Người không quen biết.
- Thành phần: nam, nữ mọi lứa tuổi.
3. Các mức độ xâm hại tình dục
- Động chạm, sờ mó vào cơ thể hay những vùng nhạy cảm
- Phô trương làm thỏa mãn.
- Quan hệ.
- Bị xâm hại tình dục nghiêm trọng.
4. Một số biện pháp phòng chống nguy cơ bị xâm hại:
- Không đi một mình ở nơi tối tăm, vắng vẻ.
- Không ở trong phòng kín một mình với người lạ. Nếu đó là người quen của gia đình thì cửa phòng phải luôn được mở.
- Không nhận tiền, quà hoặc nhận sự giúp đỡ đặc biệt của người khác mà không rõ lý do.
- Không đi nhờ xe người lạ, hoặc sử dụng ăn uống của người lạ đưa .
- Không để cho người lạ đến gần đến mức họ có thể chạm tay vào người mình.
- Không để người lạ vào nhà, nhất là khi trong nhà chỉ có một mình.
- Không cho ai có quyền tùy tiện động chạm, sờ mó vào chỗ kín của cơ thể hoặc bất kỳ hành động thô lỗ nào với các em.
- Không ăn mặc hở hang, không gần gũi quá mức với người lạ, kể cả những người thân họ hàng (trừ Bố mẹ, ông Bà, anh chị em ruột của mình) .
5. Cách xử lý khi bị xâm hại tình dục.
+ Nói chuyện với bố, mẹ, người thân,… về việc đã xảy ra để có cách giải quyết.
+ Không giấu diếm mọi chuyện mà phải tìm cách vạch trần “yêu râu xanh” để tránh gây hại cho những bạn khác.
+ Không che giấu, thu mình vào một thế giới hoang mang của riêng mình.
+ Nhờ bố mẹ, người thân đưa đi khám để xác định mức độ và điều trị tổn thương thực tế.
Hãy nhớ rằng em không phải là người có lỗi khi bị xâm hại tình dục.
Hãy nhớ rằng em có quyền được bảo vệ và có quyền được giúp đỡ để được an toàn.
Hành vi này cần được phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, cần lắm sự quan tâm, tham gia, phối hợp, chung tay góp sức của các cơ quan chức năng, gia đình và toàn xã hội.
Trần Thủy