Giới thiệu huyện Lộc Hà
Huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh được thành lập từ tháng 03/2007 tại Nghị định số 20/2007/NĐ-CP của Chính phủ.
Toàn cảnh trung tâm hành chính huyện Lộc Hà. Ảnh: PV Tiến Dũng
Địa lý, địa hình: Lộc Hà là huyện ven biển với diện tích tự nhiên là 118,53 km2, dân số 8,6 vạn, có 12 đơn vị hành chính gồm 11 xã và 01 thị trấn. Là vùng đất dựa lưng vào dãy núi Bằng Sơn vừa có rừng, có biển và đồng bằng, sông ngòi. Đường bờ biển thỏa dài 12km, cát mịn, nước trong. Có các ngọn núi thiêng thuộc 99 ngọn núi Hồng sừng sững hiên ngang như khí phách, con người Hà Tĩnh nói chung, Lộc Hà nói riêng gắn với bao huyền tích huyền thoại như núi Am Tiên, núi Bằng Sơn, núi Hồng...
Về kinh tế: Ngành nghề chủ đạo là nông nghiệp, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản; thương mại. Định hướng trong thời gian tới tập trung phát triển theo hướng nông nghiệp, du lịch dịch vụ, chú trọng phát triển Khu du lịch biển Cửa Sót. Có Cảng cá Cửa Sót là Cảng cá lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh. Hiện nay 12/12 xã, thị trấn đã đạt chuẩn Nông thôn mới, huyện đang gấp rút hoàn thành các tiêu chí và dự kiến đạt chuẩn Nông thôn mới vào tháng 4 năm 2022.
Về Văn hóa: Là vùng đất “địa linh nhân kiệt” với nhiều nhân vật lịch sử, danh nhân nổi tiếng như Nguyễn Văn Giai, Mai Thế Quý, Phan Huy Chú, Phan Huy Ích, Nguyễn Đổng Chi, Nguyễn Hằng Chi… Hệ thống di tích lịch sử văn hóa, danh thắng phong phú với 61 di tích (06 di tích cấp quốc gia và 55 di tích cấp tỉnh) đã được xếp hạng cùng với nhiều lễ hội lớn nhỏ, nổi bật như: Các di tích cấp Quốc gia Chùa Chân Tiên trên núi Am Tiên xã Thịnh Lộc, dòng họ Phan Huy xã Thạch Châu, Đền thờ Tể tướng Nguyễn Văn Giai ở xã Ích Hâu, Đền thờ vọng Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi, địa chỉ đỏ Đình Đỉnh Lự - nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của Hà Tĩnh di tích kiến trúc nghệ thuật Đền Cả. Các di tích cấp tỉnh như Đền thờ vua Mai Hắc Đế, Chùa Kim Dung núi Bằng Sơn, chùa Phổ Độ gắn với cầu Hộ Độ nổi tiếng trong bài hát Đường về Hộ Độ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Và nhiều người con thành đạt trên khắp mọi miền đất nước cũng như ở nước ngoài, tiêu biểu như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; doanh nhân Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vingroup…
Về con người và đời sống xã hội: Người dân Lộc Hà vốn có truyền thống cần cù, chịu thương chịu khó, đoàn kết từ bao đời trong quá trình bảo vệ và xây dựng đất nước. Ngoài chăm lo phát triển kinh tế, người dân còn quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống vào đời sống thực tiễn như Dân ca Ví Giặm, các hoạt động văn nghệ, thể thao. Đời sống ngày càng phồn vinh, đồng đều giữa các địa phương.
Huyện Lộc Hà có thế mạnh về phát triển kinh tế biển, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp. Toàn huyện có 10 sản phẩm (mực, nước mắm, dầu lạc) đạt chuẩn OCOP 3 sao; chè xanh xã Hồng Lộc được công nhận nhãn hiệu quốc gia, mực Thạch Kim được cấp thương hiệu của Bộ Khoa học Công nghệ. Năm 2018, Biển Lộc Hà được công nhận là khu du lịch cấp tỉnh. Trong những năm qua, huyện Lộc Hà có sự phát triển vượt bậc. Giá trị sản xuất đạt hơn 3.620 tỷ đồng, tổng thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng; tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 91%, thôn/tổ dân văn hóa phố đạt 100%./.