Phát huy giá trị truyền thống gia đình Việt Nam trong xã hội hiện đại

Gia đình là tế bào của xã hội, là nhân tố quan trọng đảm bảo cho sự ổn định, phát triển bền vững của dân tộc. Quan tâm, chăm lo phát triển gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân. Sự kết hợp hài hòa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại sẽ tạo môi trường văn hóa lành mạnh, là điểm tựa tinh thần có ý nghĩa quan trọng trong việc bồi đắp lý tưởng, lối sống, nhân cách con người, đồng thời góp phần bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, khơi dậy khát vọng sáng tạo, phát huy sức mạnh nội sinh để xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.

Trong xã hội hiện đại, con người dường như bị cuốn vào công việc với nhiều mối quan hệ khác nhau nhưng sâu thẳm trong tâm thức của mỗi người, gia đình mãi là nơi thiêng liêng nhất, bởi đó là nơi họ sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Từ cái nôi gia đình, mỗi cá nhân được trao truyền những tri thức văn hóa, những bài học đầu tiên về đạo lý làm người và là nơi mỗi người thực sự tìm thấy tình yêu thương, sự sẻ chia, bao bọc và bảo vệ vô điều kiện. Lịch sử phát triển của xã hội Việt Nam từ xưa đến nay đã chứng minh, đối với người Việt, gia đình là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất. Gia đình không chỉ là môi trường nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người mà còn đóng vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển xã hội, góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hóa dân tộc; là nơi giữ gìn, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con người Việt Nam từ thế hệ này sang thế hệ khác; là “pháo đài” chống lại tệ nạn xã hội…

Gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam

        Đúc kết về hệ giá trị gia đình Việt Nam, Đảng ta nhấn mạnh: “Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thuỷ chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù và sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước”. Cùng với những thăng trầm lịch sử, giá trị tốt đẹp của gia đình không bị mất đi mà ngày càng được bồi đắp thêm, tạo điểm tựa, sức mạnh tinh thần, hướng con người đến vẻ đẹp chân -thiện - mỹ. Thực tiễn đã chứng minh, một gia đình hạnh phúc, hòa thuận sẽ tác động tới cộng đồng, thúc đẩy xã hội vận động tạo ra sự biến đổi và phát triển. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc góp phần làm cho xã hội phồn vinh. Nhấn mạnh về vai trò của gia đình cũng như việc gìn giữ, phát huy giá trị tốt đẹp của gia đình trong việc hình thành nhân cách con người và sự phát triển của xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội mà phải chú ý hạt nhân cho tốt”. Kế thừa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về gia đình, trong quá trình lãnh đạo cách mạng thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới” tiếp tục nhấn mạnh nhiệm vụ: “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một trong những nội dung quan trọng, yêu cầu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước... Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta”.

Việc giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống gia đình Việt trong điều kiện hiện nay có nhiều thuận lợi. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện mang lại nhiều cơ hội trong tiếp cận các dịch vụ xã hội của mỗi cá nhân, đảm bảo an sinh xã hội. Nhiều phong trào thi đua sôi nổi, tích cực lan tỏa những giá trị tốt đẹp của gia đình đã được triển khai thực hiện, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của người dân trong gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, tiêu biểu như các phong trào: Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch; Xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em”; Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, đô thị văn minh; Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới… đã mang lại những hiệu ứng tích cực, giúp mỗi người thêm trân trọng, giữ gìn những giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình.

         Hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật đã bổ sung và làm rõ hơn các mối quan hệ trong gia đình và ngoài xã hội, như Luật Hôn nhân và gia đình (2000), Luật Bình đẳng giới (2006), Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (2022), Luật Người cao tuổi, Luật Trẻ em (2016) cùng các thông tư, nghị định, pháp lệnh hướng dẫn thi hành, đảm bảo những điều kiện tốt nhất để mọi gia đình đều được tôn trọng, bình đẳng, đều có cơ hội phát triển. Công tác gia đình được các cấp, các ngành quan tâm, chăm lo, phát triển. Đặc biêt, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 28/6 hằng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam nhằm lan tỏa những nét đẹp trong văn hóa gia đình cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh.

         Trong bối cảnh hội nhập quốc tế cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin đã mang lại nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để mỗi thành viên trong gia đình nâng cao hiểu biết, tăng khả năng tiếp cận với những tri thức mới. Là thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia ký kết hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có quyền của trẻ em và phụ nữ - những nhóm người yếu thế cần được quan tâm, bảo vệ trong mỗi gia đình. Qua giao lưu, hội nhập, nhiều giá trị văn hóa mới đến từ các nước tiên tiến cũng được các gia đình tiếp thu, vận dụng, như các giá trị về quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử; quyền bảo vệ trẻ em; quyền tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, tinh thần thượng tôn pháp luật; vận dụng khoa học, kỹ thuật vào lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình; từng bước loại bỏ những tư tưởng lạc hậu, kìm hãm sự phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực thì việc gìn giữ, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam hiện nay cũng đứng trước những khó khăn, thách thức. Những tư tưởng lạc hậu, bảo thủ, những tập tục mang màu sắc mê tín dị đoan, nhiều hủ tục vẫn còn ăn sâu trong nếp nghĩ của không ít gia đình như vấn đề tảo hôn, trọng nam khinh nữ. Mặt trái của nền kinh tế thị trường, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đang tạo ra những khoảng cách với những rạn nứt trong quan hệ gia đình; chênh lệch về mức sống, khoảng cách giàu nghèo gia tăng. Nhịp sống công nghiệp, con người chạy đua với công việc cùng những áp lực về thời gian, tiền bạc và cuộc sống mưu sinh khiến họ không có nhiều thời gian bên gia đình, con cái, nhất là với những gia đình có bố mẹ đi làm ăn xa. Những vụ việc liên quan đến cha mẹ, anh em, vợ chồng chỉ vì mâu thuẫn cá nhân, tranh giành lợi ích đất đai, tài sản, dẫn đến bất đồng, xô xát, đẩy nhiều gia đình vào cảnh tang thương, đổ máu. Những vụ việc về tham nhũng, buôn bán ma túy; buôn bán phụ nữ và trẻ em, cá cược, đánh bạc trên mạng; tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực học đường vẫn xuất hiện, đặt ra nhiều vấn đề về tình trạng suy thoái đạo đức xã hội, sự tha hóa nhân cách con người. Những câu chuyện về mâu thuẫn vợ chồng; con cái ngược đãi cha mẹ; bố mẹ xâm hại, đánh đập con cái hay anh, em ruột thịt chém, giết lẫn nhau… không còn là chuyện lạ lẫm trên các mặt báo. Ðiều đáng nói, bạo lực gia đình hiện nay có nhiều biến đổi về hình thức và mức độ nghiêm trọng hơn.

Cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực bủa vây khiến con người bị cuốn vào vòng xoáy của công việc, nhiều khi không dành thời gian đúng mức cho gia đình. Sợi dây gắn kết giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo, việc tìm tiếng nói chung ngày càng khó khăn, khoảng cách giữa các thế hệ ông bà, cha mẹ và con cái ngày càng rộng hơn. Sự lạm dụng, chìm đắm trong thế giới mạng đã vô tình tạo điều kiện cho sự lạnh lẽo len lỏi vào tổ ấm, âm thầm phá vỡ các giá trị truyền thống, sự cố kết bền chặt trong mỗi gia đình. Mỗi người đã tự đẩy mối quan hệ của bản thân, gia đình trở nên xa cách, khiến các thành viên không “xa mặt” nhưng “cách lòng”. Không có sự chia sẻ, không tìm được tiếng nói chung, tình cảm ngày một phai nhạt đẩy nhiều gia đình đến tình trạng ly hôn, ly thân. Bên cạnh đó, việc lạm dụng internet và thiết bị thông minh không chỉ ảnh hưởng về tinh thần mà còn gây nguy hại cho sức khỏe, tâm lý con người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Trên không gian mạng, những thế lực xấu sử dụng mọi chiêu trò, sức mạnh của truyền thông dụ dỗ, lôi kéo nhiều người tham gia vào những hội thánh mang màu sắc tôn giáo, mê tín, khuyên con người từ bỏ trách nhiệm với gia đình, không thờ cúng tổ tiên, cắt đứt tình thân. Một số người còn bị kẻ xấu lôi kéo vào con đường phạm pháp, để lại nỗi đau và bi kịch cho nhiều gia đình.

Để có cách tiếp cận đa chiều và mang tính chuyên sâu về gia đình, trong những năm qua Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện đã triển khai Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”, phát động thực hiện chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, mời các chuyên gia tâm lý học về trực tiếp trao đổi với chị em phụ nữ và cán bộ công đoàn, nữ công cơ sở trên địa bàn toàn huyện về chuyên đề “Kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc và giáo dục con thời đại công nghệ 4.0”, “giữ gìn và phát huy giá trị tốt đẹp của gia đình Việt thời kỳ hội nhập, phòng chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới và quan tâm đến phụ nữ, trẻ em gái yếu thế”, “xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, “Gia đình yêu thương tỉnh thức”…. Cùng với đó, Hội đã tăng cường công tác truyền thông lồng ghép, nói chuyện chuyên đề thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội, câu lạc bộ vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn 8/3, 20/10, 28/6, Tháng hành động Quốc gia về Bình đẳng giới…nhằm chia sẻ cách ứng xử khéo léo, kỹ năng sống và làm việc; các vấn đề liên quan đến cách ứng xử trong quan hệ vợ chồng, cha mẹ và con cái, và xử lý khi có xung đột trong gia đình; vai trò của các thành viên trong gia đình, nhất là của người phụ nữ trong "giữ lửa” yêu thương, truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa về cuộc sống gia đình. Duy trì và nhân rộng 52 câu lạc bộ về xây dựng gia đình hạnh phúc và thành lập mới câu lạc bộ “Gia đình 5 có nông thôn mới kiểu mẫu” (Có nếp sống văn hóa, có sức khỏe, có kiến thức, có ngôi nhà an toàn và có sinh kế bền vững), chi hội “5 không, 3 sạch”, câu lạc bộ Dân vũ thể thao… nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các thành viên trong các gia đình cán bộ, hội viên phụ nữ được tham gia, gắn kết giữa các thành viên với nhau, đoàn kết, yêu thương.

Hội LHPN huyện tập huấn chuyên đề về giữ gìn  và phát huy giá trị tốt đẹp của gia đình Việt thời kỳ hội nhập; Phòng, chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới năm 2022

Trong bối cảnh mới mở ra những cơ hội thuận lợi, đồng thời cũng đặt ra những thách thức trong việc gìn giữ, phát huy hệ giá trị văn hóa gia đình. Để vun đắp, phát triển hệ giá trị gia đình trong điều kiện hiện nay, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong có những giải pháp cơ bản như:

Thứ nhất, các cấp ủy đảng, chính quyền và mỗi người dân cần ý thức sâu sắc về vai trò, vị trí và ý nghĩa đặc biệt quan trọng của gia đình đối với sự hình thành nhân cách con người và sự ổn định, phát triển của quốc gia, dân tộc. Nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân trong việc gìn giữ, phát triển hệ giá trị tốt đẹp của gia đình, nhất là trong điều kiện hiện nay. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đề ra, đó là: "Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới".

Thứ hai, các cơ quan ban ngành cần nghiên cứu, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lí đầy đủ về công tác gia đình. Đổi mới nội dung, phương thức quản lý nhà nước về lĩnh vực gia đình; phát huy vai trò của các cơ quan, đoàn thể trong việc đảm bảo quyền tiếp cận, thụ hưởng của Nhân dân cũng như tạo không gian, môi trường thuận lợi để mỗi cá nhân có cơ hội phát triển toàn diện. Tăng cường, bổ sung nguồn nhân lực làm công tác gia đình, trẻ em, đồng hành với các gia đình trong giải quyết các vấn đề xã hội. Tăng cường nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa với những hoạt động phong phú, đa dạng thu hút sự tham gia của các gia đình, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua; tôn vinh các gia đình làm ăn kinh tế giỏi, gia đình no ấm, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình. Thực hiện tốt những mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, dự báo xu hướng phát triển và những tình huống mới mà các gia đình có thể đối diện. Đồng thời mở rộng giao lưu, hợp tác, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, gia tăng sức mạnh và khả năng thích ứng của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trước những biến động của thời đại.

Thứ ba, phát huy tinh thần gương mẫu của các thế hệ đi trước, những tấm gương sáng về đạo đức, tri thức của ông bà, cha mẹ trong giáo dục dạy bảo con cháu. Định hướng năng lực thẩm mỹ, hướng thế hệ trẻ đến những điều tốt đẹp của chân, thiện, mỹ thông qua các phương tiện truyền thông, các xuất bản phẩm, các chương trình văn hóa, văn nghệ, giáo dục đào tạo. Kiểm soát và thẩm định tốt những thông tin, luồng tư tưởng có nội dung xấu độc được lan truyền, phát tán trên mạng xã hội để cảnh báo kịp thời cho người dùng. Đồng thời có những biện pháp xử lý nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm chuẩn mực đạo đức, pháp luật, làm tổn hại đến sự phát triển bền vững của mỗi gia đình.

Thứ tư, để gia đình thực sự là tổ ấm và thực hiện hiệu quả công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, vấn đề cốt lõi nhất có lẽ vẫn thuộc về ý thức của mỗi con người. Mỗi thành viên trong gia đình phải biết tôn trọng, nâng niu các giá trị chuẩn mực của gia đình truyền thống, phải dành thời gian quan tâm, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, tạo ra môi trường lành mạnh, tràn ngập yêu thương. Một “gia đình bình an” chính là tiền đề quan trọng của một “xã hội hạnh phúc”./.

                   Hoàng Thị Quỳnh Oanh

 TIN TỨC LIÊN QUAN