Lộc Hà tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích LSQG đền thờ Phạm Tôn Tuyển

Thực hiện Quyết định số 4243/QĐ-BVHTTDL, ngày 29/12/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sáng ngày 18 tháng 02 năm 2024, UBND huyện Lộc Hà tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia đền thờ Phạm Tôn Tuyển. Tham dự buổi lễ có đồng chí Lê Ngọc Châu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan; ở huyện có Thường trực Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ cùng các UVBCH Đảng bộ huyện.

Lãnh đạo tỉnh trao Bằng xếp hạng Di tích Lịch sử Quốc gia đền thờ Phạm Tôn Tuyển

Phạm Tôn Tuyển thuộc đời thứ 6 dòng họ Phạm Bá, tên huý là Miến, tên chữ Phạm Tôn Tuyển, sinh vào năm Ất Hợi (1695). Thân phụ Phạm Tôn Tuyển là người am tường văn học, lấy nhân đức để răn dạy con cái và rất quan tâm việc khuyến học, khuyến tài nên được nhân dân trong vùng quý mến. Nhờ sinh ra trong một gia đình và dòng họ có truyền thống hiếu học lại được thân phụ rèn cặp học chữ từ nhỏ nên lớn lên Phạm Tôn Tuyển là người am hiểu đạo cương thường và giàu nghĩa khí. Năm Quý Tỵ (1713), Phạm Tôn Tuyển gia nhập quân đội nhà Lê - Trịnh, con đường binh nghiệp ban đầu của ông là theo đạo quân của Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc đánh dẹp phản loạn từ Bắc đạo, Hưng Hóa đến Sơn Nam, qua những trận đánh Phạm Tôn Tuyển ít nhiều lập được công lao nên vua Lê Hiển Tông đã ban sắc phong cho ông chức Đội trưởng đội Tiệp Hậu (đạo sắc này đã bị hư hỏng nên con cháu chép lại trong gia phả dòng họ Phạm Bá), nội dung đạo sắc còn tương đối nguyên vẹn, phần dịch nghĩa có nội dung như sau: “Sắc cho Tráng Tiết tướng quân, Hiệu Lệnh ti Tráng sĩ, Thiên hộ, Thiết kị úy, Trung liệt Phạm Tôn Tuyển, vì là Đội trưởng thuộc viên đội Tiệp Hậu, theo quan Thống lĩnh Việp Quận công đánh phá lũy giặc Xương Hà viện binh cho [Bắc đạo], lập nên công lao. Đã có chỉ ứng chuẩn ban thưởng, cho thăng chức Thiên hộ. Vậy đáng được thăng làm Kiệt Trung tướng quân, Hiệu Lệnh ti Tráng sĩ, Thiên hộ, Vân Kị úy, Trung chế. Vì vậy ban sắc

Sau một thời gian tham gia các cuộc chinh chiến ngoài biên ải, Phạm Tôn Tuyển được tiến cử vào làm việc trong Phủ Liêu (phủ Chúa Trịnh) - đây là một đặc ân đối với ông bởi Phạm Tôn Tuyển được biết đến là có người có tài trí và kinh nghiệm quản lý quân lương trong quân đội. Ở Phủ Liêu Phạm Tôn Tuyển từng giữ chức Câu Kê - một chức quan văn đứng sau Thiêm Tri phiên. Phủ Chúa Trịnh quy định khá rõ những người làm việc ở Lục Phiên như sau: “Sai quan văn giữ việc các Phiên, nội thần và các thuộc quan về ban văn sung chức phó và thiêm, thuộc lại mỗi Phiên có 60 người”. Trong đó, chức quan đứng đầu các Phiên đều là văn giai thực thi quyền hành pháp như: Thu thuế, quản lý tài chính, quản lý việc quân, việc dân nên đòi hỏi những người làm việc ở đây cần có trình độ hiểu biết nhất định về quản lý xã hội. Phạm Tôn Tuyển giữ chức Câu kê - một chức văn quan trong Lục phiên ở phủ Chúa nhưng ông được tặng thưởng hàm Chánh Nhất Phẩm bên ngạch võ là Đặc tiến Phụ quốc Thượng tướng quân cùng tước phong là Thần Thọ bá (thuộc Ngũ đẳng đứng sau tước Công, Hầu và trên tước Tử, tước Nam). Qua chức vụ và phẩm hàm cho biết Phạm Tôn Tuyển phải là người lập được công lao trong chiến trận và có đóng góp cho triều chính nên mới được ban thưởng Tước và Hàm cao như vậy. Tại đền thờ đang lưu giữ bài vị thờ Phạm Tôn Tuyển có nội dung: "Tiên tổ khảo tiền Lê triều, Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, Khâm thụ Câu kê, Thần thọ Bá, Phạm tướng công gia phong Dực bảo trung hưng Thượng đẳng tôn thần".

Dù ở vị trí nào trong triều hay ngoài trấn, cuộc đời sự nghiệp của Phạm Tôn Tuyển luôn là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần tận trung, tận hiếu phục vụ triều đình và đất nước, xứng đáng được tôn vinh, ghi nhận.

Sau khi về quê trí sĩ, Phạm Tôn Tuyển là người đã góp công giúp dân khai khẩn đất đai, đắp đê ngăn mặn mở rộng ruộng đất canh tác nên những cánh đồng rộng hàng trăm ha tại vùng đất Mai Phụ đến nay còn gắn với tên tuổi của ông như: Đồng Chung, Đồng Nẩy, Bải Cáng, Cửa Vườn và những công trình được ông đứng ra quyên góp tiền của và huy động công sức xây dựng vẫn được nhân dân truyền gọi đến ngày nay như: Lộ Quan Bá, chợ Quan Phủ, giếng Cụ Bá… góp phần tạo thuận tiện cho dân cư trong vùng giao thương buôn bán với các vùng khác, xoá bỏ sự ngăn cách sông nước tồn tại lâu đời ở vùng bãi Ngang. Công lao của ông với vùng đất Mai Phụ được chính quyền địa phương ghi nhận như sau: Những công lao đóng góp của Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Phạm Tôn Tuyển đối với quê hương Mai Phụ đã góp phần thay đổi đời sống kinh tế - xã hội của người dân vào thế kỷ XVIII”.

Để tri ân, tưởng nhớ công đức của Phạm Tôn Tuyển đối với quê hương, nhân dân xã Mai Phụ đã thờ ông tại đình làng Vĩnh Phúc. Đình được xây dựng vào thời Lê để thờ thành Hoàng làng Phạm Tôn Tuyển và các vị tiên hiền, hậu hiền của làng. Đầu thế kỷ XX, đình làng Vĩnh Phúc bị hư hỏng, xuống cấp và trở thành phế tích. Năm 1920, dòng họ Phạm và nhân dân địa phương đã huy động công đức xây dựng đền thờ Phạm Tôn Tuyển tại vị trí hiện nay. Từ đó, các đồ tế khí, hiện vật, tài liệu sắc phong được chuyển từ đình làng về đền thờ mới và những hoạt động văn hóa tín ngưỡng và lễ hội vẫn giữ nguyên theo lệ cũ.

Đền thờ Phạm Tôn Tuyển là di tích quốc gia thứ 7 của huyện với nhiều giá trị lịch sử, văn hoá và khoa học thẩm mĩ. Việc công nhận Đền thờ Phạm Tôn Tuyển là di tích quốc gia là sự ghi nhận công lao to lớn đối với bậc hiền nhân vừa khẳng định và tôn vinh những giá trị lịch sử văn hoá trường tồn của dân tộc./.

                                                                                                                                                                                                                                   Hà Phương

 TIN TỨC LIÊN QUAN