XU THẾ TẤT YẾU CẦN XÂY DỰNG CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ

Nằm trong dòng chảy chung của toàn cầu, chuyển đổi số là một xu thế tất yếu của mọi quốc gia trong mọi lĩnh vực, ngành nghề, Chính phủ cũng không thể nằm ngoài xu hướng phát triển đó. Xây dựng chính phủ điện tử là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu mà Đảng và Nhà nước ta chú trọng trong giai đoạn hiện nay.

Chính phủ điện tử (CPĐT) có thể được hiểu là khái niệm về các cơ quan chính phủ sử dụng công nghệ thông tin như mạng diện rộng, internet, các phương tiện di động để quan hệ với người dân, với doanh nghiệp và bản thân các cơ quan chính phủ.[1]

Thông qua CPĐT, các dịch vụ của chính phủ được cung cấp cho người dân và doanh nghiệp một cách thuận tiện, hiệu quả, dễ tiếp cận thông qua các phương tiện điện tử như: Điện thoại di động thông minh, máy tính cá nhân, truyền hình tương tác hoặc bất kỳ thiết bị nào có kết nối internet. Từ đó, góp phần minh bạch hóa nền hành chính quốc gia, hạn chế phiền hà, sách nhiễu, các việc làm tiêu cực của cán bộ, công chức. Đồng thời, công dân phát huy tốt hơn vai trò giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần xây dựng Chính phủ hiện đại, hiệu quả, văn minh.

Từ năm 2000, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, xác định đây là động lực góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới tạo khả năng đi tắt, đón đầu để thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hành lang pháp lý trong ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng CPĐT đã dần được thiết lập. Một số cơ sở dữ liệu mang tính chất nền tảng thông tin như: (1) Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; (2) Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; (3) Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm; (4) Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia đang được xây dựng và đã có những cấu phần đi vào vận hành.

Theo thống kê của Bộ Thông tin – Truyền thông, cả nước hiện có 122.371 dịch vụ công (DVC), trong đó có 89.692 DCV được cung cấp trực tuyến; 53.493 DVC được cung cấp trực tuyến toàn trình. Một số dịch vụ công trực tuyến thiết yếu đã được cung cấp cho doanh nghiệp và người dân, như: đăng ký doanh nghiệp, kê khai thuế, nộp thuế, hải quan điện tử, bảo hiểm xã hội, đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn, đăng ký cấp biển số xe…

Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà đối thoại với thanh niên về chủ đề chuyển đổi số

Thời gian qua, Đảng bộ và Nhân dân huyện Lộc Hà đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; các cơ quan, ban, phòng, ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy việc số hóa, từng bước ứng dụng chuyển đổi số vào điều hành, quản lý nhà nước, bước đầu đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.

Công an huyện đã chủ động tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 của Chính phủ đảm bảo đúng tiến độ, lộ trình đề ra. Triển khai quyết liệt công tác làm sạch dữ liệu dân cư, cấp căn cước công dân (CCCD) gắn với cấp tài khoản định danh điện tử, triển khai thực hiện DVC trực tuyến, phối hợp xác minh làm sạch các loại dữ liệu, nhằm đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống để kết nối, đồng bộ, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; thành lập 12/12 Tổ Công tác Đề án 06 cấp xã, 92/92 Tổ Công tác Đề án 06 cấp thôn. Tính đến nay, toàn huyện đã cấp 73.592 thẻ CCCD cho Công dân từ đủ 14 tuổi trở lên; hướng dẫn người dân cài đặt, kích hoạt 56.304 tài khoản định danh điện tử VNeID, trong đó: mức độ 2: 54.790, mức độ 1: 1.514; Làm sạch đối với các trường hợp sai lệch thông tin giữa Cơ sở dữ liệu Bảo hiểm xã hội với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, làm sạch được 71.429/72.119, tỷ lệ hoàn thành 99%.

13/13 cơ sở y tế thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip; 01 cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền cấp Giấy khám sức khỏe lái xe (Bệnh viện Đa khoa huyện); các trường học, phòng giáo dục triển khai sử dụng sổ liên lạc điện tử, thu học phí không dùng tiền mặt; Bệnh viện, Phòng y tế đẩy mạnh việc thực hiện các khoản thu viện phí không dùng tiền mặt; Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện đang triển khai thực hiện thanh toán trực tuyến, chi trả trợ cấp xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện tiếp tục phục vụ người dân, doanh nghiệp trên cơ sở sử dụng xác thực, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VneID) để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; mục tiêu hướng tới từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân để chỉ sử dụng thẻ CCCD, ứng dụng VNeID đối với các lĩnh vực y tế, BHXH, tài chính, viễn thông, điện, nước... và một số lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội khác.

Tăng cường tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp về lợi ích của việc sử dụng DVC trực tuyến để giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt là 25 dịch vụ công thiết yếu. 12/12 xã, thị trấn tổ chức thành công ngày hội Chuyển đổi số năm 2023 với chủ đề “Mỗi người dân là một công dân số” với sự tham gia của đông đảo các cấp, các ban, phòng, ngành, các tầng lớp Nhân dân và các doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng,… góp phần đẩy mạnh công tác triển khai tạo lập tài khoản dịch vụ công Quốc gia và các sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt. Trong 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hồ sơ hồ sơ nộp trực tuyến toàn huyện là 6.615/10.779 (đạt 61,4%); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình là 5.506/5.367 (đạt 98%); tỷ lệ số hóa là 6.204/10.779 (đạt 57,6%). Trong đó: Cấp huyện tỷ lệ hồ sơ hồ sơ nộp trực tuyến là 2.162/2.683 (đạt 80,6%); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình là 1.351/1.352 (đạt 99,92%); tỷ lệ số hóa là 1.500/2.683 (đạt 56%). Cấp xã tỷ lệ hồ sơ hồ sơ nộp trực tuyến là 4.453/8.096 (đạt 55%); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình là 4.567/4.648 (đạt 97%); tỷ lệ số hóa là 4.701/8.096 (đạt 58,1%).

Bên cạnh các kết quả đạt được thì việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn huyện Lộc Hà vẫn còn nhiều khó khăn. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến vẫn còn hạn chế, mang tính hình thức, mới chỉ tập trung về số lượng chưa tạo được thói quen thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử cho người dân và doanh nghiệp. Tỷ lệ rà soát, cập nhật làm sạch các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành, Cơ sở dữ liệu quốc gia khác phục vụ kết nối, chia sẻ làm giàu Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư còn thấp, có nguy cơ chậm tiến độ đề ra

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nhấn mạnh: “Đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số, trong đó tập trung phát triển hạ tầng số phục vụ các cơ quan nhà nước một cách tập trung, thông suốt; thiết kế đồng bộ, xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống tích hợp, kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu lớn, nhất là dữ liệu về dân cư, y tế, giáo dục,… Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng chính phủ số; đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và thứ ba trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số”. Với dân số 96 triệu người và là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất nhì khu vực, dân số trẻ năng động và có khả năng tiếp cận công nghệ cao nhanh chóng, Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc chuyển đổi số. Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, huyện Lộc Hà cần thực hiện một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng vai trò rất quan trọng. Tăng cường công tác tuyên truyền tới cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân về những lợi ích của các ứng dụng dịch vụ công trực tuyến đem lại; hình thành những trung tâm hỗ trợ người dân, đặc biệt là hỗ trợ người lớn tuổi sử dụng công nghệ thông tin.

Thứ hai, Công an huyện phối hợp với các ban phòng ngành địa phương có liên quan với đẩy nhanh tiến độ làm sạch dữ liệu chuyên ngành phục vụ kết nối chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các Cơ sở dữ liệu quốc gia chuyên ngành, Cơ sở dữ liệu quốc gia khác và giải quyết thủ tục hành chính của người dân trên Cổng dịch vụ công; triển khai thực hiện liên thông điện tử đối với hai nhóm thủ tục hành chính: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng, hỗ trợ chi phí mai táng tại địa phương theo đúng chỉ đạo của Chính phủ.

Thứ ba, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính. Tăng cường tập huấn các kỹ năng quản lý dịch vụ công trực tuyến, chữ ký số, kỹ năng tham gia, điều hành họp trực tuyến… Quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng thiết bị, viễn thông, chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị máy tính, máy in, máy Scan, máy đọc mã QR code, đọc chip trên thẻ CCCD, để thực hiện giải quyết thủ tục hành chính và thực hiện số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công cấp huyện và Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp xã.

Thứ tư, thường xuyên nắm bắt, đánh giá thực trạng việc thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trên cổng dịch vụ công trực tuyến để kịp thời chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại địa phương, tạo điều kiện để người dân tiếp cận và sử dụng dễ dàng các dịch vụ trực tuyến; nắm biến động dịch vụ công trực tuyến nhiều nhất để đẩy mạnh thực hiện; chỉ đạo các đơn vị chức năng sử dụng ứng dụng VNeID tài khoản mức độ 02 tương đương với thẻ Căn cước công dân, bảo hiểm y tế khi người dân xuất trình.

Ngày 10/10 hằng năm được chọn là Ngày chuyển đổi số quốc gia nhằm góp phần nâng cao nhận thức của người dân, toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số. Để hoàn thành được các mục tiêu đã đề ra cần có sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển, ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin, tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ số mang lại./.

Hồ Thắm



[1] Định nghĩa của Liên Hợp quốc.

 TIN TỨC LIÊN QUAN