Công tác gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong các lễ hội trên địa bàn huyện Lộc Hà

Là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, Lộc Hà có kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú, đặc sắc với 64 di tích được xếp hạng (6 di tích cấp quốc gia, 58 di tích cấp tỉnh). Trong kho tàng di sản văn hóa đó, Lễ hội truyền thống chiếm vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Trên địa bàn huyện Lộc Hà diễn ra rất nhiều lễ hội, tiêu biểu như Lễ hội Chùa Chân Tiên, cầu ngư ở xã Thịnh Lộc; lễ hội chùa Kim Dung, chùa Xuân Đài ở thị trấn; lễ hội đền Cả ở Ích Hậu, lễ hội đền vua Mai ở xã Mai Phụ; Lễ hội đền Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi; hội làng Thanh Lương, Thanh Hòa, Ngọc Mỹ ở Phù Lưu, Lễ hội Du lịch Biển… Những năm gần đây, Lộc Hà luôn quan tâm tổ chức các lễ hội để bảo tồn và phát huy giá trị nhằm tôn vinh di sản văn hóa, truyền thống lịch sử và quảng bá hình ảnh văn hóa, đất và người Lộc Hà. Các lễ hội này đều trở thành tâm điểm, là một trong các sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu hàng năm của huyện được tổ chức trang trọng, nâng tầm cả về quy mô, chất lượng các hoạt động và tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức, đảm bảo nội dung và hình thức hoạt động, ý nghĩa của từng lễ hội, thực sự đem lại cho người dân “bữa tiệc văn hóa” phong phú, đậm bản sắc dân tộc.

 

Lễ đón bằng xếp hạng di tích LSVH

Xác định công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị di sản văn hóa là một trong những nhiệm vụ then chốt góp phần tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; tăng cường mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân; phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nâng cao trình độ dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo an ninh quốc phòng trong thời kỳ đổi mới, hội nhập xây dựng và phát triển quê hương đất nước. Trong những năm qua, thực hiện tinh thần Nghị quyết Trung ương V khóa VIII của Đảng về “xây dựng văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9/6/2014 của Hội nghị lần thứ IX BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Chỉ thị số 20-CT/TU, ngày 20/3/2012 của BTVTU về đẩy mạnh thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”, để Lễ hội đạt hiệu quả cao, những năm qua, huyện Lộc Hà quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc quản lý cũng như tổ chức các sự kiện lễ hội. Cùng với đó, đầu tư nhiều công trình văn hóa gắn với các lễ hội của huyện. 10 năm qua, huyện đã huy động 186.185 triệu đồng từ nguồn ngân sách và xã hội hóa, kêu gọi đầu tư về trùng tu, tôn tạo các di tích. Tiêu biểu như công trình trùng tu Đền vua Mai với tổng mức đầu tư trên 80 tỷ đồng, chùa Triều Sơn tổng đầu tư 52 tỷ đồng, đền Cả với tổng mức đầu tư trên 27 tỷ đồng, Chùa Chân Tiên với tổng mức đầu tư trên 25 tỷ đồng… Bên cạnh đó huyện quan tâm hỗ trợ chế độ cho ban quản lý các di tích. Ngoài chính sách hỗ trợ BQL các di tích cấp quốc gia của tỉnh, mỗi năm huyện đều trích ngân sách hỗ trợ mỗi BQLDT cấp quốc gia 150.000 đồng/tháng, di tích cấp tỉnh 250.000đ/tháng, tổng kinh phí hàng năm cho chính sách trên là gần 170 triệu đồng. Việc quản lý tài chính trong lễ hội chặt chẽ, công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích; nguồn kinh phí thu được từ lễ hội góp phần tái tu bổ di tích và tổ chức lễ hội hằng năm.

Một trong những giải pháp góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trên địa bàn, huyện đã coi trọng công tác phổ biến sâu rộng trong Nhân dân các văn bản của Đảng và Nhà nước về tổ chức và quản lý lễ hội nhằm nâng cao sự hiểu biết và ý thức trách nhiệm cùng chính quyền địa phương tổ chức tốt lễ hội. Đồng thời tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng, tôn vinh; về các giá trị, ý nghĩa đích thực của tín ngưỡng và nghi lễ truyền thống của dân tộc; phản ánh những nét đẹp văn hóa truyền thống trong hoạt động lễ hội. Huyện đã phối hợp với Đài PTTH tỉnh thực hiện giới thiệu về các di tích tiêu biểu trong chương trình Non nước Hồng Lam; phối hợp với Trung tâm Xúc tiến, Quảng bá Du lịch tỉnh xây dựng 02 phóng sự giới thiệu tổng quan về di tích Lộc Hà. Giới thiệu hình ảnh và sơ lược di tích trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội... Các địa phương chăm lo chỉnh trang, chăm sóc, quản lý và duy trì Lễ hội đảm bảo đúng hướng dẫn của cấp trên.

Trò chơi kéo co trong lễ hội truyền thống chùa Kim Dung

Mỗi Lễ hội đều tổ chức các hoạt động văn hóa riêng có tạo nên bản sắc riêng như: Hội thi nấu bánh chưng tại Lễ hội vua Mai; đánh trống điếm, thả đèn hoa đăng, lễ nghinh rước bằng thuyền tại Lễ hội đền Chiêu trưng Đại vương Lê Khôi; cắm trại, biểu diễn nghệ thuật, các giải thể thao tại lễ hội chùa Chân Tiên, chùa Kim Dung; hội thi ẩm thực, thả diều, trưng bày giới thiệu tư liệu biển đảo Việt Nam tại lễ hội du lịch biển.

Phần lễ được chú trọng đảm bảo tính linh thiêng, trang trọng của nghi lễ truyền thống. Các ban lễ nghi là được tập huấn, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm truyền bá cho thế hệ con cháu, trang bị đầy đủ lễ phục; chuẩn vị văn tế chu đáo. Phần hội được tổ chức phong phú đã tạo được tác động to lớn đến nhiều mặt và có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống xã hội. Các hoạt động của Lễ hội đã ôn lại khí phách hào hùng của dân tộc, những chiến công hiển hách hay sự hy sinh anh dũng của các anh hùng dân tộc, sự hy sinh máu xương của các anh hùng liệt sĩ vì nền độc lập, tự do của dân tộc...góp phần quan trọng trong giáo dục tư tưởng, đạo đức lối sống, lòng yêu nước, yêu quê hương, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ con cháu.

Mỗi một lễ hội có nét đặc trưng riêng nhưng đều là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng hấp dẫn, thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia đã góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết trong cộng đồng; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân. Trong quá trình tổ chức, với tinh thần giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa giàu bản sắc, nét riêng biệt, độc đáo của từng lễ hội trên cơ sở “kế thừa và phát triển”, huyện đều gắn các hoạt động lễ hội văn hóa, lịch sử với chuỗi hoạt động lễ hội du lịch nhằm quảng bá hình ảnh văn hóa, đất và người Lộc Hà, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng Lộc Hà là điểm đến ý nghĩa và hấp dẫn trong hành trình du lịch của du khách.

Trong dòng chảy bất tận của thời gian, với sự phát triển tiến bộ vượt bậc của thời đại công nghệ và sự giao thoa giữa các nền văn hóa, các môi trường văn hóa thì việc bảo tồn, duy trì tổ chức các lễ hội đảm bảo thuần phong mỹ tục là việc làm hết sức cần thiết, giữ vai trò quan trọng góp phần gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa giàu bản sắc, nét riêng biệt, độc đáo, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

T. Mỹ 

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN