Đền Vĩnh Tuy - Nơi thờ phụng hiền nhân Trần Đức Lân

Đền Vĩnh Tuy, thuộc thôn Thái Hòa xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, nơi thờ tự thành hoàng làng Trần Đức Lân - con  thứ 5 của Quan Đông các Đại học sĩ Trần Đức Mậu.

Về Trần Đức Mậu, theo Văn bia Đông các đại học sĩ (dựng tại Đền thờ Trần Đức Mậu, xã Ích Hậu), do Nguyễn Hiệt Chi viết năm Duy Tân thứ 8 (1914) thì, Trần Đức Mậu vốn quê ngoài Bắc, di cư vào trấn Nghệ An khoảng đầu thế kỷ XIII. Văn bia viết: "Tộc ta sinh trưởng ở Kinh Bắc - Yến Nam, đến nay đã trải qua mấy nghìn năm, mà ngược dòng về nguồn thì từ Thủy tổ họ ta là Lê Tiến sĩ. Tổ ta vốn họ Trần, sau đổi làm họ Nguyễn, tên tự là Đức Mậu, sinh năm Đại Bảo thứ 3 triều Lê Thái Tôn, tức năm 1427 dương lịch".

Về khoa thi của Trần Đức Mậu, sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 7, vua ngự ra hiên, thân ra đề văn sách hỏi về đế vương trị thiên hạ. Vua sai thái bảo Binh bộ thượng thư kiêm thái bảo Kiến Dương là Lê Cảnh Huy và thông chương đại phu Tả xuân phường tả thứ tử kiêm Lại bộ thượng thư Trần Xác làm 2 viên đề điệu, 2 viên (không chép tên) làm giám thị, bọn Đinh Thúc Thông, Quách Đình Bảo 4 viên làm độc quyển. Cho bọn Vũ Kiệt, Nguyễn Toàn An, Vương Khắc Thuật 3 người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ cập đệ, bọn Vũ Đức Khang 7 người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân…". (trong số 7 người đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân có Trần Đức Mậu).

Sách Đăng Khoa lục cũng ghi: "Trần Đức Mậu, người xã Ích Hậu huyện Thiên Lộc, 32 tuổi đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân khoa Nhâm Thìn niên hiệu Hồng Đức 3 (1472) đời Lê Thánh Tông. Làm quan đến chức Đông các hiệu thư".

Các sách Các nhà khoa bảng Hà Tĩnh của Thái Kim Đỉnh, Hà Tĩnh nhân vật chí của Nguyễn Hoàng Nghĩa cũng đều cho biết: "Trần Đức Mậu (1441 -?), xã Ích Hậu, huyện Thiên Lộc, nay là xã Ích Hậu, huyện Can Lộc, 32 tuổi đỗ Nhị giáp Tiến sĩ, làm đến Đông các hiệu thư".

Sau khi thi đậu Nhị giáp tiến sĩ, Trần Đức Mậu được ban hàm Chánh lục phẩm, tước Mậu Lâm lang, giữ chức Hàn lâm viện hiệu lí, chuyên việc nhuận sắc chế biểu, thi ca, văn chỉ để trình lên nhà vua. Về sau ông được thăng giữ chức Đông Các Đại học sĩ.

Theo Gia phả dòng họ Nguyễn Đức viết năm Tự Đức thứ 22 (1870), đã được in thành sách lấy tên là Nguyễn Đức thị Đông các phổ toàn biên cho biết thì Trần Đức Mậu có 5 tới người con trai, nhưng 4 người con trước đều không truyền tên lại. Chỉ có người con thứ 5 là Trần Đức Lân được ghi chép khá chi tiết. Sách này ghi rõ: "Công tử út của Tướng công Đông các là Đức Lân, có công đắp con đê Hồng Đức và khai khẩn ruộng hoang ở Vĩnh Thái (tục gọi là Đồng Nại), về sau có sắc chỉ cho được cai quản số ruộng mình khai hoang nên ông chiêu tập người trong họ ở Ích Hậu và Phù Lưu đến đây dựng nhà lập ấp, lập nên thôn Vĩnh Thái. Sau khi mất được phong làm phúc thần ở đấy".

Đặc biệt, sách Nguyễn Đức thị Đông các phổ toàn biên cũng ghi lại khá chi tiết về hai người con của Trần Đức Lân: "Đến đời thứ sáu, dòng dõi Công tử Đức Lân có Sĩ Học và Sĩ Hiệu chăm chỉ theo đòi nghiên bút, đến kỳ thi Huong họ phải trở về Ích Hậu để khai sổ điểm danh để đi thi. Vì xã nhỏ theo lệ chỉ được 10 người ghi danh nên người đốc trách trong xã không chịu ghi danh cho cả hai, lấy cớ là sinh sống tại ấp mới nên đã là ngoại xã rồi. Vì thế hai ông phải chuyển sang thôn Thuần Lương (sau đổi làm Thanh Lương) ở xã Phù Lưu làm bạ tịch. Khoa ấy Sĩ Học đỗ sinh đồ (Tú tài)… Còn Sĩ Hiệu là em Sĩ Học thì từ Thanh Lương di cư sang thôn Ngọc Mỹ ở, chẳng bao lâu nhận thấy thôn này có thói tục lệ lậu là phụ nữ khi tắm thường cởi truồng, lấy làm hổ thẹn, bèn tìm cách chuyển lên xã Tuần Lễ ở huyện Hương Sơn định cư, tuy vậy vẫn về Phù Lưu chọn người làm bảo chứng mỗi khi đi thi…".

Về công lao của Trần Đức Lân, Nguyễn Hiệt Chi trong Văn bia Đông các đại học sĩ cũng ghi rõ:

"Chi thứ 5 là Quan viên tử Nguyễn (Trần) Đức Lân.

Ông có công với dân, đã khẩn hoang đất xã Phù Lưu, chiêu dân lập ấp, dạy dân trồng lúa, làm nghề gốm, nay là phúc Thần thôn Vĩnh Tuy. Đến đời thứ 7 là người cháu Sĩ Học để thất lạc do đời người như khói mây, mất không rõ về đâu. Sĩ Học chuyển đến thôn Thanh Lương, thành Lương phái. Nay tri huyện Quốc Tá, cử nhân Đức Vỹ, tú tài Đức Uy, suất đội Đức Thiệp đều là con cháu về sau…".

Cụ Trần Đức Lân được vua Tự Đức ban tặng 6 đạo sắc, vua Khải Định ban 01 đạo sắc, đều phong làm Thành hoàng của làng Vĩnh Tuy. Cả 7 đạo sắc này về sau do hợp tự nên chuyển về đền Thanh Lương. Do thời gian đã lâu cùng với quá trình lưu giữ, bảo quản không tốt nên hiện cả 7 đạo sắc này đều đã bị rách, không đọc được nữa.

Ông đã có công rất lớn trong việc chiêu dân lập ấp, khai khẩn đất hoang, truyền nghề mưu sinh, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân địa phương, vì vậy cụ Trần Đức Lân đã được phong làm Thành hoàng làng Vĩnh Tuy.

Ngày 18/3/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định số 613/QĐ-UBND xếp hạng đền Vĩnh Tuy di tích Lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Thuỳ Mỹ

 TIN TỨC LIÊN QUAN