Một số văn bản pháp luật có hiệu lực từ tháng 4 năm 2023
Một số văn bản pháp luật có hiệu lực từ tháng 4 năm 2023
1. Thông tư 09/2023/TT-BTC Ngày 08/02/2023 về quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.
Thông tư này quy định nội dung chi, mức chi bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi tắt là văn bản) cụ thể:
- Chi tổ chức các cuộc họp, hội thảo, tọa đàm để trao đổi nghiệp vụ kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản; họp xử lý kết quả kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản; họp bàn về kế hoạch kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản.
- Chi công tác phí cho các đoàn công tác thực hiện kiểm tra văn bản theo chuyên đề, địa bàn, ngành, lĩnh vực; kiểm tra tình hình thực hiện công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản.
- Chi điều tra, khảo sát thực tế phục vụ công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản.
- Chi lấy ý kiến chuyên gia: Trong các trường hợp sau đây thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức quyết định và chịu trách nhiệm việc lấy ý kiến chuyên gia:
- Chi báo cáo (bao gồm cả báo cáo tổng hợp và báo cáo của từng bộ, ngành, tổ chức, cơ quan nhà nước khác ở trung ương, địa phương, đơn vị) bao gồm: Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý, rà soát văn bản theo chuyên đề, địa bàn, ngành, lĩnh vực; báo cáo kết quả hệ thống hóa văn bản định kỳ (5 năm); báo cáo kết quả tổng rà soát hệ thống văn bản; báo cáo Thủ tướng Chính phủ định kỳ hằng năm hoặc báo cáo đột xuất về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản. Chi báo cáo đánh giá về văn bản trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp.
- Chi chỉnh lý các loại dự thảo báo cáo tại khoản 5 Điều này (trừ báo cáo đánh giá về văn bản trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp).
- Chi công bố kết quả xử lý văn bản trái pháp luật, kết quả kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Chi kiểm tra văn bản quy định tại khoản 2 Điều 106 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP; rà soát văn bản theo chuyên đề, lĩnh vực, địa bàn; rà soát, hệ thống hóa văn bản để thực hiện hệ thống hóa văn bản định kỳ (5 năm); rà soát văn bản khi thực hiện tổng rà soát hệ thống văn bản theo quyết định của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
- Chi tổ chức đội ngũ cộng tác viên kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản:
- Chi kiểm tra lại kết quả hệ thống hóa văn bản theo quy định tại khoản 3 Điều 169 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
- Chi xây dựng hệ cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản theo quy định tại Điều 178 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP:
- Chi cho các hoạt động in ấn, chuẩn bị tài liệu, thu thập các văn bản thuộc đối tượng kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản.
- Các nội dung chi khác liên quan trực tiếp đến công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản:
Chi tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản và đội ngũ cộng tác viên; chi sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản; chi tổ chức hội thi theo ngành, lĩnh vực về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản; chi làm đêm, làm thêm giờ, chi văn phòng phẩm và một số khoản chi khác liên quan trực tiếp đến công tác kiểm tra, xử lý, rà soát hệ thống hóa văn bản.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 4 năm 2023.
2. Thông tư 25/2022/TT-BLĐTBXH về chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) trong lao động.
Theo đó, trách nhiệm của người sử dụng lao động về trang cấp PTBVCN trong lao động đơn cử như sau:
- Căn cứ vào quy định về trang cấp PTBVCN được ban hành tại Thông tư này và thời hạn sử dụng đã được quyết định, hằng năm, NSDLĐ tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở để lập kế hoạch mua sắm (bao gồm cả dự phòng), trang cấp PTBVCN cho người lao động;
- Kiểm tra chất lượng PTBVCN trước khi trang cấp, trong quá trình sử dụng;...
- Lập sổ trang cấp, theo dõi việc trang cấp PTBVCN có chữ ký xác nhận của người lao động hoặc người đại diện của tổ đội, phân xưởng nơi người lao động làm việc nhận PTBVCN theo mẫu quy định;...
- Tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trước khi quyết định thời hạn sử dụng, số lượng PTBVCN trang cấp cho người lao động;…
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 4 năm 2023.
3. Thông tư 03/2023/TT-BYT hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp (CDNN) trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập có hiệu lực từ ngày 05/4/2023.
Theo đó, tỷ lệ cơ cấu viên chức theo CDNN tại cơ sở khám, chữa bệnh quy định như sau:
- Nhóm CDNN chuyên ngành y tế và liên quan:
+ Bác sĩ: 20 - 22%;
+ Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật y: 50 - 52%;
+ Dược, Trang thiết bị y tế: 5 - 7%;
+ Nhóm CDNN chuyên môn liên quan khác (công tác xã hội, kỹ sư, tâm lý và chuyên môn khác): 1 - 3%.
- Nhóm CDNN chuyên môn dùng chung: 10 - 15%.
- Nhóm hỗ trợ, phục vụ (gồm cả hợp đồng lao động): 5 - 10%.
- Các đơn vị sự nghiệp y tế công lập sử dụng viên chức với CDNN không có trong danh mục vị trí việc làm theo loại hình tổ chức quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 03/2023/TT-BYT phải có phương án sắp xếp, phân công và chuyển đổi CDNN cho viên chức phù hợp với công việc mới, hoàn thành trước 31/12/2025.
- Các đơn vị sự nghiệp y tế công lập có số lượng người làm việc chưa đáp ứng đủ định mức tối thiểu quy định tại Thông tư 03/2023/TT-BYT phải có phương án tuyển dụng, bố trí, sắp xếp viên chức để bảo đảm định mức này, hoàn thành trước 31/12/2025.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/4/2023.
4. Nghị định số 06/2023/NĐ-CP quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Theo Nghị định trên, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức áp dụng đối với người đăng ký tuyển dụng vào công chức thông qua hình thức thi tuyển. Đây là hoạt động đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia tuyển dụng công chức tại cơ quan có thẩm quyền.
Bộ Nội vụ là cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được tổ chức định kỳ 02 lần vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm.
Điều kiện đăng ký dự kiểm định chất lượng đầu vào công chức
Điều kiện đăng ký dự kiểm định chất lượng đầu vào công chức thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Cán bộ, công chức. Cụ thể, người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký dự tuyển công chức: Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam; đủ 18 tuổi trở lên; có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng; có văn bằng, chứng chỉ phù hợp; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ; các điều kiện khác theo yêu cầu của vị trí dự tuyển.
Những người sau đây không được đăng ký dự kiểm định chất lượng đầu vào công chức: Không cư trú tại Việt Nam; mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.
Hình thức, nội dung và thời gian kiểm định
Hình thức kiểm định: Thi trắc nghiệm trên máy vi tính.
Nội dung kiểm định: Đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn; hiểu biết chung, cơ bản của thí sinh về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan nhà nước; quản lý hành chính nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức, đạo đức công vụ; kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử.
Thời gian, số lượng câu hỏi kiểm định:
Kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ đại học trở lên: 120 phút, số lượng câu hỏi 100 câu.
Kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ trung cấp, cao đẳng: 100 phút, số lượng câu hỏi 80 câu.
Kết quả kiểm định được xác định theo số câu trả lời đúng trong bài thi. Thí sinh trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên thì được xác định là đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ. Trong thời hạn kết quả kiểm định còn giá trị, người đạt kết quả kiểm định được đăng ký thi tuyển công chức ở các cơ quan, tổ chức trong phạm vi toàn quốc.
Thi tuyển công chức, đã đạt kiểm định đầu vào thì không phải thi vòng 1
Việc tổ chức thi vòng 1 trong thi tuyển công chức tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP đến hết ngày 31/7/2024. Trong thời gian này, người đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào theo quy định tại Nghị định này khi tham gia thi tuyển công chức không phải thực hiện thi vòng 1 theo quy định tại khoản 1 Điều 8 và điểm a, điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 4 năm 2023.
5. Thông tư số 02/2023/TT-BVHTTDL quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa.
Thông tư này quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa và áp dụng đối với viên chức tuyên truyền viên văn hóa làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Tuyên truyền viên văn hóa chính - Mã số: V.10.10.34
Thông tư số 02/2023/TT-BVHTTDL quy định tuyên truyền viên văn hóa chính có nhiệm vụ chủ trì xây dựng kế hoạch hoạt động dài hạn, trung hạn, hàng năm về hoạt động tuyên truyền của đơn vị và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; chủ trì biên soạn tài liệu và trực tiếp hướng dẫn nghiệp vụ hoạt động tuyên truyền cho cơ sở; chủ trì tổ chức và thực hiện biên tập nội dung chương trình tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; các phong trào, các cuộc vận động lớn; các ngày lễ, kỉ niệm lớn của địa phương và đất nước; tổ chức biên soạn, biên tập các thể loại tin tức, tài liệu tuyên truyền; sáng tác, dàn dựng chương trình, tiết mục văn nghệ, tuyên truyền lưu động; thiết kế, dàn dựng triển lãm, cổ động trực quan; tham gia các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ hoạt động tuyên truyền.
Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa; có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa.
Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động tuyên truyền; nắm vững phương pháp tổ chức, hình thức hoạt động tuyên truyền; nắm vững lịch sử, văn hóa, xã hội trên địa bàn được phân công quản lý; có chuyên môn về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; am hiểu kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ tuyên truyền; có năng lực thu thập, phân tích, tổng hợp và đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền; có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm.
Tuyên truyền viên văn hóa - Mã số: V.10.10.35
Thông tư số 02/2023/TT-BVHTTDL quy định tuyên truyền viên văn hóa có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hàng năm về công tác tuyên truyền được giao và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt; trực tiếp biên soạn, thiết kế, trình bày các thể loại tin tức, tài liệu tuyên truyền; thực hiện tuyên truyền bằng tin tức, lời nói trực tiếp, thuyết minh, thuyết trình theo đề cương biên tập đã được duyệt; tham gia tổ chức, dàn dựng chương trình, tiết mục văn nghệ, tuyên truyền lưu động; trực tiếp biểu diễn các tiết mục văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị; tham gia thiết kế, dàn dựng các triển lãm, cổ động trực quan tại chỗ và lưu động; trực tiếp xây dựng đề cương tổng quát, đề cương chi tiết, biên tập, chú thích hình ảnh theo chủ đề, viết bài, thuyết minh nội dung triển lãm tại chỗ và lưu động.
Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng: Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa; có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa.Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: Nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động tuyên truyền; nắm được phương pháp tổ chức, hình thức hoạt động tuyên truyền; có hiểu biết về lịch sử, văn hóa, xã hội trên địa bàn được phân công quản lý; có kiến thức về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; có một trong các kỹ năng: Thuyết minh, thuyết trình, biểu diễn nhạc cụ, biểu diễn văn nghệ, hội họa, thiết kế, thi công cổ động trực quan hoặc các kỹ năng nghiệp vụ khác phù hợp với hình thức tuyên truyền; sử dụng thành thạo các phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ yêu cầu nhiệm vụ; có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng được ngoại ngữ hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với viên chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu vị trí việc làm.
Tuyên truyền viên văn hóa trung cấp - Mã số: V.10.10.36
Thông tư số 02/2023/TT-BVHTTDL quy định tuyên truyền viên văn hóa trung cấp có nhiệm vụ trực tiếp tham gia thực hiện tổ chức, biểu diễn các hoạt động tuyên truyền lưu động, hoạt động văn hóa, văn nghệ và các hình thức tuyên truyền cổ động khác tại chỗ hoặc lưu động phù hợp với nhiệm vụ được giao; chụp ảnh, quay phim, thực hiện audio làm tư liệu phục vụ nội dung tuyên truyền.
Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng: Có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên phù hợp với chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa; có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa.Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ: Nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động tuyên truyền; có kiến thức cơ bản về công tác tuyên truyền và các bộ môn văn hóa nghệ thuật liên quan; có một trong các kỹ năng: Thuyết minh, thuyết trình, biểu diễn nhạc cụ, biểu diễn văn nghệ, hội họa, thiết kế, thi công cổ động trực quan hoặc các kỹ năng nghiệp vụ khác phù hợp với hình thức tuyên truyền; sử dụng được các phương tiện, thiết bị kỹ thuật phục vụ yêu cầu nhiệm vụ; có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 4 năm 2023.
6. Thông tư số 13/2023/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 12/2015/NĐ-CP , Nghị định số 100/2016/NĐ-CP và Nghị định số 146/2017/NĐ-CP và sửa đổi bổ sung Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 9 năm 2021 của Bộ Tài chính.
Giá tính thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản
Thông tư số 13/2023/TT-BTC quy định, đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, giá tính thuế giá trị gia tăng thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ, cụ thể giá tính thuế giá trị gia tăng là giá chuyển nhượng bất động sản trừ (-) giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng.
Giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng được quy định cụ thể như sau:
Trường hợp được Nhà nước giao đất để đầu tư cơ sở hạ tầng xây dựng nhà để bán, giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng bao gồm tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về thu tiền sử dụng đất và tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có).
Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất trúng đấu giá.
Trường hợp thuê đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là tiền thuê đất phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có).
Tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng quy định tại điểm a.1 và điểm a.3 khoản này là số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng theo phương án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, được trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp theo quy định pháp luật về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không bao gồm giá trị cơ sở hạ tầng. Cơ sở kinh doanh được kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào của cơ sở hạ tầng (nếu có). Trường hợp không xác định được giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại thời điểm ký hợp đồng nhận chuyển nhượng.
Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận chuyển nhượng bất động sản của các tổ chức, cá nhân đã xác định giá đất bao gồm cả giá trị cơ sở hạ tầng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015) thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất tại thời điểm nhận chuyển nhượng không bao gồm cơ sở hạ tầng.
Trường hợp không tách được giá trị cơ sở hạ tầng tại thời điểm nhận chuyển nhượng thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại thời điểm ký hợp đồng nhận chuyển nhượng.
Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của tổ chức, cá nhân thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá ghi trong hợp đồng góp vốn. Trường hợp giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thấp hơn giá đất nhận góp vốn thì chỉ được trừ giá đất theo giá chuyển nhượng.
Trường hợp cơ sở kinh doanh bất động sản thực hiện theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) thanh toán bằng giá trị quyền sử dụng đất thì giá đất được trừ để tính thuế giá trị gia tăng là giá tại thời điểm ký hợp đồng BT theo quy định của pháp luật; nếu tại thời điểm ký hợp đồng BT chưa xác định được giá thì giá đất được trừ là giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định để thanh toán công trình.
Trường hợp xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng hoặc cho thuê, giá tính thuế giá trị gia tăng là số tiền thu được theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng trừ (-) giá đất được trừ tương ứng với tỷ lệ % số tiền thu được trên tổng giá trị hợp đồng.
Giá tính thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động sản xuất điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam
Đối với điện của các công ty thủy điện hạch toán phụ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hạch toán phụ thuộc các Tổng công ty phát điện, giá tính thuế giá trị gia tăng để xác định số thuế giá trị gia tăng nộp tại địa phương nơi có nhà máy thủy điện được tính bằng 35% giá bán lẻ điện bình quân chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật điện lực và pháp luật giá.
Đối với điện của các công ty nhiệt điện hạch toán phụ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hạch toán phụ thuộc các Tổng công ty phát điện, giá tính thuế giá trị gia tăng để xác định số thuế giá trị gia tăng nộp tại địa phương nơi có nhà máy nhiệt điện là giá bán điện cho khách hàng ghi trên hóa đơn theo hợp đồng mua bán điện áp dụng cho từng nhà máy nhiệt điện.
Trường hợp chưa có hợp đồng mua bán điện áp dụng cho từng nhà máy nhiệt điện thì giá tính thuế giá trị gia tăng được xác định là giá bán lẻ điện bình quân chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật điện lực và pháp luật giá.
Đối với điện của các công ty sản xuất điện (trừ thủy điện, nhiệt điện) hạch toán phụ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hạch toán phụ thuộc các Tổng công ty phát điện, giá tính thuế giá trị gia tăng để xác định số thuế giá trị gia tăng nộp tại địa phương nơi có nhà máy sản xuất điện là giá bán điện chưa có thuế giá trị gia tăng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cho từng loại hình phát điện.
Trường hợp chưa có giá bán điện do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cho từng loại hình phát điện nêu tại điểm này thì giá tính thuế giá trị gia tăng được xác định là giá bán lẻ điện bình quân chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật điện lực và pháp luật giá.
Hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng dự án đầu tư
Theo quy định mới, trong trường hợp hoàn thuế dự án đầu tư, hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng (trừ trường hợp hoàn thuế giá trị gia tăng theo Điều ước quốc tế; hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết khi chuyển đổi sở hữu, chuyển đổi doanh nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động thực hiện theo quy định tại Điều 30, Điều 31 Thông tư này) gồm:
Giấy đề nghị hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước theo mẫu số 01/HT ban hành kèm theo phụ lục I Thông tư này.
Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư hoặc Giấy phép đầu tư đối với trường hợp phải làm thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Đối với dự án có công trình xây dựng: Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc quyết định giao đất hoặc hợp đồng cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền; giấy phép xây dựng; Bản sao Chứng từ góp vốn điều lệ;
Đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong giai đoạn đầu tư, theo quy định của pháp luật đầu tư, pháp luật chuyên ngành đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ: Bản sao một trong các hình thức Giấy phép hoặc giấy chứng nhận hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận về kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng đối với dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại khoản 3 Điều 1 Thông tư này được áp dụng kể từ ngày Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ có hiệu lực thi hành theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ.
Trường hợp cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng điều chỉnh tiền thuế giá trị gia tăng, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính về thuế (nếu có) theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định số 49/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ thì việc điều chỉnh thực hiện như sau:
Trường hợp cơ quan thuế đã ban hành quyết định thu hồi tiền hoàn thuế, tính tiền chậm nộp và xử phạt vi phạm hành chính về thuế thì cơ quan thuế ra quyết định điều chỉnh theo Mẫu quyết định số 38 ban hành kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ. Trường hợp cơ sở kinh doanh đã khai bổ sung số thuế giá trị gia tăng thu hồi hoàn thì cơ sở kinh doanh và cơ quan thuế thực hiện theo Mẫu số 02/KTT ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 9 năm 2021 của Bộ Tài chính để điều chỉnh lại số tiền thuế giá trị gia tăng thu hồi hoàn, tiền chậm nộp.
Số tiền thuế giá trị gia tăng đã bị thu hồi hoàn (bao gồm trường hợp cơ sở kinh doanh chưa bù trừ số thuế giá trị gia tăng bị thu hồi hoàn với số thuế giá trị gia tăng phải nộp phát sinh của hoạt động sản xuất kinh doanh và trường hợp cơ sở kinh doanh đã bù trừ số thuế giá trị gia tăng bị thu hồi hoàn với số thuế giá trị gia tăng phải nộp phát sinh của hoạt động sản xuất kinh doanh), số tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính về thuế (nếu có) đã nộp vào ngân sách nhà nước trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành được xử lý theo quy định tại Điều 25 và Mục 2 Chương V Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 9 năm 2021 của Bộ Tài chính. Trường hợp hoàn trả số tiền thuế giá trị gia tăng bị thu hồi hoàn nộp thừa sau khi đã xử lý số tiền thuế giá trị gia tăng bị thu hồi hoàn theo quy định tại điểm này được thực hiện từ nguồn kinh phí hoàn thuế giá trị gia tăng.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 14 tháng 4 năm 2023.
7. Thông tư số 01/2023/TT-BNV sửa đổi khoản 3 Điều 1 của Thông tư số 02/2020/TT-BNV ngày 14 tháng 7 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 09/2014/TT-BNV ngày 01 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về quản lý Chứng chỉ hành nghề lưu trữ và hoạt động dịch vụ lưu trữ.
Cụ thể, theo quy định cũ tại Thông tư số 02/2020/TT-BNV, hồ sơ đăng ký hoạt động dịch vụ lưu trữ gồm:
- Bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu các giấy tờ sau: Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định thành lập (đối với tổ chức); hộ khẩu thường trú (đối với cá nhân hành nghề độc lập); chứng chỉ hành nghề lưu trữ của người tham gia hoạt động dịch vụ (đối với tổ chức); chứng chỉ hành nghề lưu trữ (đối với cá nhân hành nghề độc lập).
- Danh sách người hành nghề lưu trữ (đối với tổ chức).
- Tài liệu chứng minh cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc để thực hiện hoạt động dịch vụ lưu trữ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Tại Thông tư số 1/2023/TT-BNV, quy định này được sửa thành: Hồ sơ đăng ký hoạt động dịch vụ lưu trữ gồm:
(1) Bản sao có chứng thực hoặc nộp bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu các giấy tờ sau: Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Quyết định thành lập (đối với tổ chức); căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân (đối với cá nhân hành nghề độc lập); chứng chỉ hành nghề lưu trữ của người tham gia hoạt động dịch vụ (đối với tổ chức); chứng chỉ hành nghề lưu trữ (đối với cá nhân hành nghề độc lập).
(2) Danh sách người hành nghề lưu trữ (đối với tổ chức).
(3) Tài liệu chứng minh cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc để thực hiện hoạt động dịch vụ lưu trữ theo quy định của pháp luật hiện hành.
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Giám đốc Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 24 tháng 4 năm 2023.
8. Thông tư số 01/2023/TT-TANDTC của Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Thông tư này quy định chi tiết về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên theo quy định tại Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và được áp dụng với người được đề nghị bổ nhiệm Hòa giải viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo đó, việc xác định chuyên gia, nhà chuyên môn khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được quy định như sau: Chuyên gia, nhà chuyên môn khác là người được đào tạo chuyên sâu, có kỹ năng thực hành công việc, có kinh nghiệm thực tiễn, lý luận chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể.
Ví dụ: chuyên gia tâm lý học, chuyên gia tài chính, chuyên gia sở hữu trí tuệ,...
Thông tư cũng quy định, người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư là người hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư; có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào trong phạm vi nhất định, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo.
Ví dụ: Già làng, trưởng bản,... tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số người có uy tín, có hiểu biết phong tục tập quán trong cộng đồng dân cư.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc đề xuất, kiến nghị, đề nghị phản ánh về Tòa án nhân dân tối cao (qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học) để có hướng dẫn kịp thời. Việc sửa đổi. bổ sung Thông tư này do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/4/2023