Một số văn bản pháp luật có hiệu lực từ tháng 7 năm 2023

Một số văn bản pháp luật có hiệu lực từ tháng 7 năm 2023

1. Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Nghị định này quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động (sau đây gọi chung là người hưởng lương, phụ cấp) làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh), ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (cấp huyện), ở xã, phường, thị trấn (cấp xã), ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang.

9 đối tượng áp dụng

Người hưởng lương, phụ cấp quy định tại Nghị định này bao gồm:
         
1. Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).

2. Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).

3. Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật Viên chức năm 2010 (sửa đổi, bổ sung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019).

4. Người làm các công việc theo chế độ hợp đồng lao động quy định tại Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trường hợp được áp dụng hoặc có thỏa thuận trong hợp đồng lao động áp dụng xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

5. Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế tại các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động theo quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 33/2012/NĐ-CP).

6. Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.

7. Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân.

8. Người làm việc trong tổ chức cơ yếu.

9. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.
Từ ngày 01/7/2023, mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng

Nghị định nêu rõ, mức lương cơ sở dùng làm căn cứ: Tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.

Tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù đối với các cơ quan, đơn vị đang thực hiện các cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù ở trung ương được cấp có thẩm quyền quy định đối với một số cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước cho tới khi thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương khóa XII; mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hằng tháng tính theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng kể từ ngày 01/7/2023 theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm bình quân năm 2022 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương theo ngạch, bậc khi nâng bậc, nâng ngạch).

Chính phủ trình Quốc hội xem xét điều chỉnh mức lương cơ sở phù hợp khả năng ngân sách nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.

Kinh phí thực hiện

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương:

a) Sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2023 tăng thêm so với dự toán năm 2022 đã được cấp có thẩm quyền giao;

b) Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập có thu phí thực hiện trích lập tạo nguồn cải cách tiền lương từ một phần nguồn thu phí được để lại theo chế độ quy định sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí;

c) Sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2022 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có).

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

a) Sử dụng 10% tiết kiệm chi thường xuyên (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) dự toán năm 2023 đã được cấp có thẩm quyền giao;

b) Sử dụng 70% tăng thu ngân sách địa phương thực hiện so với dự toán (không kể: thu tiền sử dụng đất; xổ số kiến thiết; thu cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý; tiền thuê đất một lần được nhà đầu tư ứng trước để bồi thường, giải phóng mặt bằng và thu từ xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị được cơ quan có thẩm quyền quyết định sử dụng để chi đầu tư theo quy định; thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa; phí tham quan các khu di tích, di sản thế giới; phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu; phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản; phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; thu từ quỹ đất công ích, thu hoa lợi, công sản tại xã và thu tiền cho thuê, cho thuê mua, bán nhà thuộc sở hữu nhà nước) được Thủ tướng Chính phủ giao;

c) Sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2022 chưa sử dụng hết chuyển sang (nếu có);

d) Sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo chế độ năm 2023 sau khi trừ các chi phí liên quan trực tiếp đến hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí. Riêng đối với số thu từ việc cung cấp các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng và dịch vụ y tế khác của cơ sở y tế công lập sử dụng tối thiểu 35%. Phạm vi trích số thu được để lại được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính về nhu cầu và nguồn thực hiện cải cách tiền lương năm 2023.

Ngân sách Trung ương bổ sung nguồn kinh phí còn thiếu do điều chỉnh mức lương cơ sở năm 2023 cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi đã thực hiện các quy định nêu trên.

Kinh phí thực hiện cải cách tiền lương của viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1, nhóm 2 do đơn vị tự đảm bảo theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế Nghị định số 60/2021/NĐ-CP (nếu có).

Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023.

 2. Thông tư số 03/2023/TT-BKHCN Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành hướng dẫn xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay trực tiếp của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia.

Theo đó, Thông tư này hướng dẫn xử lý rủi ro trong hoạt động cho vay trực tiếp của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia được quy định tại Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg ngày 29 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Điều lệ Quỹ). Thông tư này áp dụng đối với Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (sau đây viết tắt là Quỹ), doanh nghiệp tham gia các hoạt động cho vay trực tiếp của Quỹ (sau đây viết tắt là doanh nghiệp) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về nguyên tắc xử lý rủi ro, Thông tư quy định như sau:

1- Việc xử lý rủi ro phải đảm bảo thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
          2- Việc xem xét xử lý rủi ro phải căn cứ vào nguyên nhân dẫn đến rủi ro, mức độ rủi ro, tình hình sản xuất kinh doanh, tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp, có đầy đủ hồ sơ, văn bản, tài liệu theo quy định tại Thông tư này và Điều lệ Quỹ.

3- Việc xử lý rủi ro được thực hiện theo hướng giảm thiệt hại tối đa cho Nhà nước và gắn trách nhiệm của Quỹ, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc thu hồi khoản cho vay của Quỹ.

4- Việc lựa chọn biện pháp xử lý rủi ro được thực hiện theo thứ tự ưu tiên, biện pháp nào không gây mất vốn hoặc ít gây mất vốn nhà nước thì được cân nhắc thực hiện trước.

5- Một khoản nợ có thể áp dụng một hoặc đồng thời nhiều biện pháp xử lý rủi ro được quy định tại Thông tư này.

6- Tỷ lệ chấp nhận rủi ro của Quỹ thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 4 Điều lệ Quỹ và dưới 5% tại thời điểm kết thúc năm tài chính. Trường hợp tỷ lệ chấp nhận rủi ro của Quỹ từ 5% trở lên, Quỹ báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ để xử lý theo quy định tại điểm d khoản 4 Điều 31 Điều lệ Quỹ.
Về phạm vi xử lý nợ bị rủi ro:

Doanh nghiệp vay vốn tại Quỹ có tài sản bảo đảm theo quy định gặp rủi ro, Quỹ được quyền chủ động xử lý tài sản bảo đảm theo thỏa thuận với doanh nghiệp và theo quy định của pháp luật để thu hồi vốn. Số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm dùng để bù đắp chi phí xử lý tài sản bảo đảm; hoàn trả nợ gốc, nợ lãi cho Quỹ.

Doanh nghiệp vay vốn tại Quỹ mà tài sản bảo đảm có mua bảo hiểm nếu bị tổn thất thì xử lý theo hợp đồng bảo hiểm. Khoản tiền bồi thường của cơ quan bảo hiểm được dùng để hoàn trả nợ gốc, nợ lãi cho Quỹ.
Doanh nghiệp vay vốn tại Quỹ bị phá sản thì thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật.

Các trường hợp được xem xét xử lý rủi ro như sau:

Doanh nghiệp bị thiệt hại về tài chính, tài sản do thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai, thảm họa, mất mùa, dịch bệnh, hỏa hoạn, chiến tranh, tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Doanh nghiệp gặp rủi ro trong trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân và chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (đối với chủ sở hữu là cá nhân) bị mất năng lực hành vi dân sự, bị chết, mất tích, không còn tài sản để trả nợ; doanh nghiệp đã dừng hoạt động, không còn tài sản và khả năng tài chính để trả nợ; doanh nghiệp gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan khác bao gồm cả việc gặp tai nạn bất ngờ, rủi ro chính trị, thay đổi chính sách của Nhà nước làm ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, dẫn đến hoạt động thua lỗ, tình hình tài chính khó khăn, không có khả năng hoặc không trả được nợ (gốc, lãi).

Doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính dẫn đến chưa có khả năng trả được nợ hoặc không trả được nợ mà không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Doanh nghiệp đã hoàn thành việc phá sản theo quy định của pháp luật hiện hành.

Thông tư cũng quy định cụ thể về xóa nợ gốc cho doanh nghiệp vay vốn từ Quỹ như sau

- Doanh nghiệp gặp rủi ro thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 6 Thông tư này được xem xét xóa nợ gốc.

- Quỹ đề nghị xóa nợ gốc của doanh nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: Thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 16 Thông tư này; Sử dụng vốn vay đúng mục đích ghi trong hợp đồng; Khoản nợ của doanh nghiệp đã hoặc chưa được áp dụng biện pháp xử lý rủi ro quy định tại các điều 12, 13 Thông tư này để thu hồi nợ gốc, nhưng doanh nghiệp vẫn còn phần nợ gốc còn lại chưa thu hồi được; Có đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 5 Điều 16 Thông tư này.

- Một khoản nợ gốc chỉ được xóa 01 lần.

- Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xóa nợ gốc, mức xóa nợ gốc trong trường hợp xóa nợ gốc không làm giảm vốn điều lệ của Quỹ theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 31 Điều lệ Quỹ. Trường hợp xóa nợ gốc làm giảm vốn điều lệ của Quỹ, Giám đốc Quỹ trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xóa nợ gốc, mức xóa nợ gốc theo quy định tại điểm a, b, c, e khoản 1, điểm a khoản 4 Điều 31 Điều lệ Quỹ.

- Quỹ chuẩn bị hồ sơ đề nghị xóa nợ gốc bao gồm: Văn bản đề xuất xử lý rủi ro của Quỹ gồm các nội dung cơ bản: Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tình hình trả nợ (gốc, lãi) theo hợp đồng, rủi ro xảy ra, nguyên nhân dẫn đến rủi ro, mức thiệt hại về vốn và tài sản xảy ra đối với doanh nghiệp, giá trị ghi sổ kế toán của khoản nợ. Văn bản đề xuất xử lý rủi ro phải nêu rõ tình hình thực hiện các biện pháp đôn đốc thu hồi nợ, các biện pháp xử lý rủi ro đã được áp dụng và kết quả thực hiện (nếu có) và đề xuất biện pháp xử lý rủi ro cần được áp dụng; Biên bản xác nhận mức thiệt hại về vốn và tài sản của doanh nghiệp (không cần có xác nhận của doanh nghiệp); Kiến nghị việc xử lý rủi ro cho một phần hay toàn bộ giá trị ghi sổ kế toán của khoản nợ; Quyết định của Cơ quan thi hành án về việc thi hành quyết định tuyên bố bị phá sản; Các văn bản, tài liệu khác theo quy định của pháp luật (nếu có).

- Giám đốc Quỹ có trách nhiệm tổ chức việc thẩm định, đánh giá về rủi ro; xem xét mức thiệt hại về vốn và tài sản xảy ra đối với doanh nghiệp; lập báo cáo xử lý rủi ro; xin ý kiến của Hội đồng xử lý rủi ro về biện pháp xử lý rủi ro, trình cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 4 Điều này xem xét quyết định áp dụng biện pháp xử lý rủi ro. Sau khi có quyết định áp dụng biện pháp xử lý rủi ro, Giám đốc Quỹ tổ chức thực hiện xóa nợ gốc.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.

3. Thông tư số 06/2023/TT-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch trong cơ quan, tổ chức hành chính thuộc ngành, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Thông tư này hướng dẫn danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch từ trung ương đến địa phương trong cơ quan, tổ chức hành chính thuộc ngành, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc ngành, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch từ Trung ương đến địa phương, gồm: cơ quan, tổ chức hành chính thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch; cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch.
Nguyên tắc và căn cứ xác định vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch

Vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch được xây dựng trên nguyên tắc quy định tại Điều 3 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và biên chế công chức (sau đây viết tắt là Nghị định số 62/2020/NĐ-CP). Cụ thể:

1. Tuân thủ các quy định của Đảng, của pháp luật về vị trí việc làm, quản lý, sử dụng biên chế công chức.

2. Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức.

3. Bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa xác định vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức với sử dụng và quản lý biên chế công chức.

4. Bảo đảm tính khoa học, khách quan, công khai, minh bạch, dân chủ và phù hợp với thực tiễn.

5. Gắn tinh giản biên chế với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức trong các cơ quan, tổ chức.

Căn cứ xác định vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 62/2020/NĐ-CP. Cụ thể, căn cứ xác định vị trí việc làm gồm

1. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan, tổ chức;

2. Mức độ phức tạp, tính chất, đặc điểm, quy mô hoạt động; phạm vi, đối tượng phục vụ; quy trình quản lý chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch

Danh mục vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch được quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này.
            Bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch quy định tại Phụ lục IIA, Phụ lục IIB và Phụ lục IIC kèm theo Thông tư này.
Khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực đối với vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch trong các cơ quan, tổ chức hành chính quy định tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này.
Đối với trường hợp công chức đang giữ ngạch công chức cao hơn so với ngạch công chức theo yêu cầu của vị trí việc làm được quy định tại Thông tư này thì được bảo lưu cho đến khi có hướng dẫn mới về chế độ tiền lương theo quy định.
              Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 7 năm 2023.

4. Nghị định số 31/2023/NĐ-CP ngày 9/6/2023 Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt.

Nghị định này quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với từng hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt. Các hành vi vi phạm hành chính về Trồng trọt không quy định tại Nghị định này thì áp dụng theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước khác có liên quan để xử phạt.

Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả

Nghị định quy định các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả như sau:

Hình thức xử phạt chính

- Cảnh cáo;

- Phạt tiền.

Các hình thức xử phạt bổ sung

- Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm giống cây trồng; Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng hoặc Quyết định công nhận giống cây trồng mới; Giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ kiểm định ruộng giống; Giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ lấy mẫu vật liệu nhân giống cây trồng; Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón; Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; Giấy phép nhập khẩu phân bón; Quyết định công nhận tổ chức khảo nghiệm phân bón hoặc Quyết định công nhận tổ chức đủ điều kiện khảo nghiệm phân bón; 

- Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng;

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Các biện pháp khắc phục hậu quả:

- Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;

- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính;

- Buộc bổ sung mẫu lưu hoặc cung cấp mẫu lưu giống cây trồng đảm bảo chất lượng hoặc buộc lưu mẫu theo đúng quy định;

- Buộc nộp lại Bằng bảo hộ giống cây trồng cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng đó;

- Buộc tiêu hủy hoặc buộc chuyển đổi mục đích sử dụng giống cây trồng đối với vi phạm về sản xuất, buôn bán, kiểm định giống cây trồng; buộc tiêu hủy hoặc buộc tái xuất giống cây trồng đối với vi phạm về nhập khẩu giống cây trồng;

- Buộc phải lưu giữ hồ sơ khảo nghiệm giống cây trồng đúng quy định;

- Buộc hủy bỏ kết quả khảo nghiệm; kết quả lấy mẫu vật liệu nhân giống cây trồng; kết quả kiểm định lô giống; kết quả phân tích, thử nghiệm chất lượng vật liệu nhân giống cây trồng;

- Buộc xây dựng phương án sử dụng tầng đất mặt của đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước khi xây dựng công trình;

- Buộc thực hiện bóc riêng tầng đất mặt của đất được chuyển đổi từ đất chuyên trồng lúa nước theo phương án sử dụng tầng đất mặt khi xây dựng công trình;

- Buộc thu hồi phân bón để thử nghiệm lại; sử dụng đúng mục đích nhập khẩu ghi trong Giấy phép nhập khẩu phân bón;

- Buộc tiêu hủy đối với phân bón được sản xuất không đúng loại phân bón, dạng phân bón được ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón; phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hoặc phân bón có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hết hiệu lực hoặc khi đã bị hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam;

- Buộc tái xuất, tái chế hoặc tiêu hủy phân bón;

- Buộc hủy bỏ kết quả khảo nghiệm phân bón; kết quả lấy mẫu phân bón; kết quả thử nghiệm chất lượng phân bón;

- Buộc thu hồi và tiêu hủy các loại hồ sơ, tài liệu;

- Buộc nộp lại quyết định, giấy chứng nhận, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung cho cơ quan, người có thẩm quyền đã cấp quyết định, giấy chứng nhận, giấy phép, chứng chỉ hành nghề đó.

Mức phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm cụ thể

Sản xuất phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất bị phạt tới 70 triệu đồng

Đối với hành vi vi phạm quy định về Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón bị phạt như sau:

- Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón;

- Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với hành vi không nộp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

- Phạt tiền từ 30 – 40 triệu đồng đối với hành vi sản xuất phân bón không đúng loại phân bón, dạng phân bón được ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón;

- Phạt tiền từ 60 – 70 triệu đồng đối với hành vi sản xuất phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón đã hết hạn hoặc bị tước quyền sử dụng hoặc bị thu hồi.

Nghị định nêu rõ, phạt tiền từ 90 – 100 triệu đồng đối với hành vi sản xuất phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam (trừ trường hợp sản xuất phân bón để nghiên cứu, khảo nghiệm; phân bón sản xuất trong khuôn khổ dự án sản xuất thử nghiệm, chương trình hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ trong thời gian thực hiện dự án, chương trình) hoặc phân bón có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hết hiệu lực hoặc khi đã bị hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 100 triệu đồng trở lên khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự có một trong các quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án.

Bán phân bón không có Giấy phép bị phạt tới 15 triệu đồng

Đối với hành vi vi phạm quy định về buôn bán phân bón, Nghị định quy định phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:

- Buôn bán phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón;

- Buôn bán phân bón trong thời gian bị tước quyền sử dụng hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón;

- Không duy trì đầy đủ các điều kiện về buôn bán phân bón theo quy định tại khoản 2 Điều 42 Luật Trồng trọt năm 2018 trong quá trình hoạt động.

Phạt tiền từ 50 – 60 triệu đồng đối với hành vi buôn bán phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hoặc phân bón có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hết hiệu lực hoặc phân bón đã bị hủy bỏ Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự có một trong các quyết định không khởi tố vụ án hình sự, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định đình chỉ điều tra, quyết định đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn trách nhiệm hình sự theo bản án.

Đối với hành vi sử dụng phân bón nhập khẩu không đúng mục đích ghi trong Giấy phép nhập khẩu phân bón bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Mức phạt trên áp dụng đối với cá nhân. Mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Buôn bán giống cây không bảo đảm truy xuất nguồn gốc bị phạt tới 10 triệu đồng

Đối với hành vi vi phạm quy định về buôn bán giống cây trồng, Nghị định quy định phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi sau:

- Buôn bán giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính mà không có thông tin tự công bố lưu hành giống cây trồng hợp lệ theo quy định của pháp luật về trồng trọt;

- Buôn bán giống cây trồng nhưng không thông báo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi buôn bán giống cây trồng những thông tin về địa chỉ giao dịch, tên tổ chức, cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp, điện thoại liên hệ.

Đối với hành vi buôn bán giống cây trồng (trừ giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm) không có hồ sơ bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng, hồ sơ chất lượng lô giống cây trồng theo quy định bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng.

Không kiểm định ruộng giống theo quy định bị phạt tới 20 triệu đồng

Về kiểm định ruộng giống, Nghị định quy định phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng đối với hành vi kiểm định ruộng giống không theo tiêu chuẩn quốc gia về phương pháp kiểm định ruộng giống.

Phạt tiền từ 7 – 10 triệu đồng đối với hành vi thực hiện kiểm định ruộng giống nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận tập huấn nghiệp vụ kiểm định ruộng giống.

Phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng đối với hành vi sản xuất giống nhưng không thực hiện kiểm định ruộng giống theo quy định.

Nghị định nêu rõ, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt là 01 năm. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm trong các trường hợp sau: 1- Vi phạm hành chính về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng; 2- Vi phạm hành chính về sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng; 3- Vi phạm hành chính về sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 7 năm 2023.

Nghị định này thay thế các quy định tại các văn bản sau đây:

a) Các nội dung quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, thời hiệu xử phạt, hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực giống cây trồng quy định từ Điều 1 đến Điều 18 Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

b) Các nội dung quy định về thẩm quyền xử phạt, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng tại các Điều 32, 39 và 40 của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

c) Nghị định số 55/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phân bón;

d) Các nội dung quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 04/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 31/2016/NĐ-CP ngày 06 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 7 năm 2023.

5. Thông tư s 12/2023/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành  sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 10/2018/TT-BCT ngày 24 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Quy trình tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp, kiến thức cho đầu mối tại địa phương

 Thông tư 12/2023/TT-BCT sửa đổi, bổ sung Điều 5 về quy trình tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp, kiến thức cho đầu mối tại địa phương.

Theo đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tổ chức hoặc ủy quyền bằng văn bản cho cơ sở đào tạo kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp tổ chức đợt kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, kiến thức cho đầu mối tại địa phương theo quy trình như sau:

a. Kiểm tra tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ đăng ký kiểm tra, xác nhận kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Nghị định số 40/2018/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 28 Điều 1 Nghị định số 18/2023/NĐ-CP.

b. Lên kế hoạch về thời gian, địa điểm, phương thức kiểm tra.

c- Thông báo kế hoạch kiểm tra.

d- Tổ chức kiểm tra.

đ- Đánh giá kết quả kiểm tra.

e- Thông báo kết quả kiểm tra.

Việc kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp và kiểm tra kiến thức cho đầu mối tại địa phương có thể được tổ chức tại cùng một đợt hoặc tại các đợt khác nhau.

Ngoài ra, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có quyền thu hồi xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, kiến thức cho đầu mối tại địa phương trong trường hợp phát hiện hồ sơ đăng ký kiểm tra của người được cấp xác nhận có thông tin gian dối; doanh nghiệp bán hàng đa cấp chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp; người được cấp xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng đào tạo, người được cấp xác nhận kiến thức cho đầu mối tại địa phương chấm dứt vai trò đầu mối tại địa phương với doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Trong trườn hợp này, doanh nghiệp bán hàng đa cấp có trách nhiệm thông báo cho Cơ quan đã tổ chức kỳ kiểm tra trong 02 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt quan hệ đầu mối tại địa phương hoặc hợp đồng đào tạo với người được cấp xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, kiến thức cho đầu mối tại địa phương.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi xảy ra các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ban hành và gửi quyết định thu hồi xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp hoặc xác nhận kiến thức cho đầu mối lại địa phương tới doanh nghiệp. Xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp hoặc xác nhận kiến thức cho đầu mối tại địa phương chấm dứt hiệu lực kể từ ngày Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ban hành quyết, định thu hồi.

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan đã tổ chức kỳ kiểm tra việc thu hồi xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp hoặc xác nhận kiến thức cho đầu mối tại địa phương của từng doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Hình thức kiểm tra và đánh giá kết quả kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp

Bên cạnh đó, Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung Điều 6 về hình thức kiểm tra và đánh giá kết quả kiểm tra. Theo đó, bài kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, kiến thức cho đầu mối tại địa phương được thực hiện dưới hình thức tự luận hoặc trắc nghiệm trong thời gian tối thiểu 60 phút. 

Điểm kiểm tra được chấm theo thang điểm 100, yêu cầu cụ thể như sau:

Đối với bài kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, bài kiểm tra dưới 80 điểm đối với hình thức trắc nghiệm hoặc dưới 65 điểm đối với hình thức tự luận là không đạt yêu cầu.

Đối với bài kiểm tra kiến thức cho đầu mối tại địa phương, bài kiểm tra dưới 70 điểm đối với hình thức trắc nghiệm hoặc dưới 50 điểm đối với hình thức tự luận là không đạt yêu cầu.

Thông tư này bãi bỏ Điều 4 và Phụ lục 2, Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư số 10/2018/TT-BCT .

Thông tư có hiệu lực từ ngày 21/7/2023.

6. Thông tư số 40/2023/TT-BTC của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng kinh phí xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Thông tư này quy định quản lý, sử dụng kinh phí xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc do các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị ở trung ương và địa phương chủ trì tổ chức thực hiện xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc quy định tại khoản 2 Điều 9 và khoản 2 Điều 11 Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

Thông tư này áp dụng với Lực lượng Công an nhân dân; các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan Trung ương chủ trì thực hiện công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; Ủy ban nhân dân các cấp; tổ chức chính trị - xã hội các cấp; cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng theo quy định của pháp luật làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị - xã hội; lực lượng không chuyên trách làm nhiệm vụ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cấp xã; thôn, xóm, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố và đơn vị dân cư tương đương thuộc xã, phường, thị trấn.

Mức chi

Theo đó, mức chi cho các nội dung quy định tại Điều 3 Thông tư này được thực hiện theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu tài chính hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, cụ thể như sau:
          1. Chi công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Mức chi theo Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật và Thông tư số 42/2022/TT-BTC ngày 06 tháng 7 năm 2022 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

2. Chi các hoạt động thông tin tuyên truyền, tạo lập dữ liệu đăng tải các hoạt động về xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên cổng/trang thông tin điện tử; xây dựng tin, bài viết, phóng sự, clip, triển lãm nội dung và hình ảnh về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc: thực hiện theo quy định tại Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản và Nghị định số 21/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015 của Chính phủ quy định về nhuận bút, thù lao đối với tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật biểu diễn và các quy định của pháp luật về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; các định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

3. Chi tổ chức khảo sát, xây dựng, thực hiện mô hình tổ chức quần chúng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở:

a) Chi tiền xăng xe đi vận động của cơ quan, tổ chức cấp xã: Khoán 12.000đ/km trên cơ sở bảng số kilomet thực tế đi vận động được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã duyệt;

b) Chi đảm bảo công tác xây dựng, thành lập, hoạt động của mô hình tổ chức quần chúng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở: 20.000.000 đồng/01 mô hình/01 đơn vị cấp xã/01 năm.

4. Chi tổ chức các đoàn kiểm tra, chỉ đạo, khảo sát; chi hội nghị tuyên truyền, sơ kết, tổng kết, nhân rộng mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; chi tổ chức hội nghị điểm “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở cơ sở: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.

5. Chi tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ; chi hỗ trợ cán bộ tham dự các lớp đào tạo, bồi dưỡng: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và Thông tư số 06/2023/TT-BTC ngày 31 tháng 01 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 03 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tại dự thảo Thông tư.

6. Chi thăm hỏi, động viên những mô hình tổ chức quần chúng, cá nhân có thành tích trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, cụ thể:

a) Cơ quan chủ trì thực hiện công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở Trung ương chi không quá 20.000.000 đồng/01 mô hình/01 năm và không quá 30 địa phương/01 năm; chi không quá 5.000.000 đồng/01 người/01 năm, mỗi địa phương không quá 05 người/01 năm và không quá 30 địa phương/01 năm (Tổng các khoản chi theo điểm này không quá 1.350.000.000 đồng/01 năm);

b) Cơ quan chủ trì thực hiện công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cấp tỉnh chi không quá 10.000.000 đồng/01 mô hình/01 đơn vị cấp xã/01 năm và không quá 30 đơn vị cấp xã/01 năm; chi không quá 3.000.000 đồng/01 người/01 năm và không quá 100 người/01 năm (Tổng các khoản chi theo điểm này không quá 600.000.000 đồng/01 năm);

c) Cơ quan chủ trì thực hiện công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cấp huyện chi không quá 5.000.000 đồng/01 mô hình/01 đơn vị cấp xã/01 năm và không quá 10 đơn vị cấp xã/01 năm; chi không quá 1.000.000 đồng/01 người/01 năm và không quá 50 người/01 năm (Tổng các khoản chi theo điểm này không quá 100.000.000 đồng/01 năm).

7. Chi khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc: Thực hiện theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng số 15/2003/QH11 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 47/2005/QH11, Luật số 39/2009/QH12 và Luật số 39/2013/QH13; Luật Thi đua, khen thưởng số 06/2022/QH15 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2024); Nghị định số 91/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng.
8. Các khoản chi như chi in ấn các ấn phẩm, sách, tranh ảnh, tài liệu tuyên truyền; chi làm phim, làm video clip; triển lãm và các khoản chi khác liên quan trực tiếp đến xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhưng chưa có quy định về mức chi: Tham khảo giá thị trường đối với những công việc tương tự tại địa bàn thực hiện; có hóa đơn, chứng từ hợp pháp và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong phạm vi dự toán đã được giao.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 23 tháng 7 năm 2023.

7.  Nghị định số 36/2023/NĐ-CP ngày 21/6/2023 về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

Gia hạn thời hạn nộp thuế

Nghị định nêu rõ gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9 năm 2023 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. 

Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế đến hết ngày 20 tháng 11 năm 2023, cụ thể như sau:

- Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 6 năm 2023 chậm nhất là ngày 20 tháng 11 năm 2023.

- Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 7 năm 2023 chậm nhất là ngày 20 tháng 11 năm 2023.

- Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 8 năm 2023 chậm nhất là ngày 20 tháng 11 năm 2023.

- Thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 9 năm 2023 chậm nhất là ngày 20 tháng 11 năm 2023.

Nghị định cũng quy định cụ thể đối với một số trường hợp:

- Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế của kỳ tính thuế được gia hạn dẫn đến làm tăng số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp và gửi đến cơ quan thuế trước khi hết thời hạn nộp thuế được gia hạn thì số thuế được gia hạn bao gồm cả số thuế phải nộp tăng thêm do khai bổ sung.

- Trường hợp người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn thực hiện kê khai, nộp Tờ khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật hiện hành thì chưa phải nộp số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh trên Tờ khai thuế tiêu thụ đặc biệt đã kê khai trong thời gian được gia hạn.

- Trường hợp doanh nghiệp có các chi nhánh, đơn vị trực thuộc thực hiện khai thuế tiêu thụ đặc biệt riêng với cơ quan thuế quản lý trực tiếp của chi nhánh, đơn vị trực thuộc thì các chi nhánh, đơn vị trực thuộc cũng thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. Trường hợp chi nhánh, đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp không có hoạt động sản xuất hoặc lắp ráp ô tô thì chi nhánh, đơn vị trực thuộc không thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trình tự, thủ tục gia hạn

Về trình tự, thủ tục gia hạn, Nghị định nêu rõ người nộp thuế thuộc đối tượng được gia hạn gửi Giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (bằng phương thức điện tử hoặc gửi bản giấy trực tiếp đến cơ quan thuế hoặc gửi qua đường bưu chính) theo Mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp một lần cho toàn bộ các kỳ được gia hạn cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định pháp luật về quản lý thuế. 

Trường hợp Giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt không nộp cùng với thời điểm nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt thì thời hạn nộp Giấy đề nghị gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt chậm nhất là ngày 20 tháng 11 năm 2023, cơ quan thuế vẫn thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định.

Người nộp thuế tự xác định và chịu trách nhiệm về việc đề nghị gia hạn đảm bảo đúng đối tượng được gia hạn theo Nghị định này.

Cơ quan thuế không phải thông báo cho người nộp thuế về việc chấp nhận gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Trường hợp trong thời gian gia hạn, cơ quan thuế có cơ sở xác định người nộp thuế không thuộc đối tượng được gia hạn thì cơ quan thuế có văn bản thông báo cho người nộp thuế về việc dừng gia hạn và người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế và tiền chậm nộp trong khoảng thời gian đã thực hiện gia hạn vào ngân sách nhà nước. 

Trường hợp sau khi hết thời gian gia hạn, cơ quan thuế phát hiện qua thanh tra, kiểm tra người nộp thuế không thuộc đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định tại Nghị định này thì người nộp thuế phải nộp số tiền thuế còn thiếu, tiền phạt và tiền chậm nộp do cơ quan thuế xác định lại vào ngân sách nhà nước.

Trong thời gian được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, cơ quan thuế không tính tiền chậm nộp đối với số tiền thuế tiêu thụ đặc biệt được gia hạn. Trường hợp, cơ quan thuế đã tính tiền chậm nộp đối với các hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt thuộc trường hợp được gia hạn theo quy định tại Nghị định này thì cơ quan thuế thực hiện điều chỉnh lại không tính tiền chậm nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Sau thời gian gia hạn theo Nghị định này, việc nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước được thực hiện theo quy định hiện hành.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành (21/6/2023) đến hết ngày 31/12/2023

8. Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa ban hành Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH được ban hành nhằm cập nhật, bổ sung những ngành, nghề học có tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong thực tế đào tạo mới phát sinh.

Theo đó, ở trình độ trung cấp, các nhóm ngành nghề được xếp vào nặng nhọc, độc hại như: Công nghệ kỹ thuật kiến trúc và công trình xây dựng, bao gồm các nghề: Công nghệ kỹ thuật xây dựng; công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng; xây dựng công trình thủy; lắp đặt giàn khoan; xây dựng công trình thủy điện; xây dựng công trình mỏ; kỹ thuật xây dựng mỏ.

Ở nhóm ngành công nghệ kỹ thuật cơ khí gồm: Công nghệ kỹ thuật cơ khí; công nghệ kỹ thuật ô tô; công nghệ kỹ thuật đóng mới thân tàu biển; công nghệ chế tạo máy; công nghệ chế tạo vỏ tàu thuỷ; công nghệ ô tô; công nghệ hàn…

Nhóm ngành kỹ thuật cơ khí và cơ kỹ thuật gồm các nghề: Chế tạo thiết bị cơ khí; gia công và lắp dựng kết cấu thép; gia công lắp ráp hệ thống ống tàu thủy; cắt gọt kim loại; sửa chữa máy tàu thuỷ; sửa chữa thiết bị mỏ hầm lò; sửa chữa máy thi công xây dựng; bảo trì và sửa chữa thiết bị cơ giới hạng nặng; vận hành, sửa chữa máy thi công đường sắt…

Nhóm ngành kiến trúc và xây dựng gồm các nghề: Kỹ thuật xây dựng; xây dựng cầu đường; xây dựng cầu đường bộ; cốp pha – giàn giáo; cốt thép – hàn; mộc xây dựng và trang trí nội thất…

Nhóm ngành kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông, bao gồm các nghề: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; điện công nghiệp và dân dụng; điện tàu thủy; vận hành nhà máy thủy điện; lắp đặt đường dây tải điện và trạm biến áp có điện áp từ 220 kV trở lên; quản lý vận hành, sửa chữa đường dây và trạm biến áp có điện áp từ 220 kV trở lên; quản lý vận hành, sửa chữa đường dây và trạm biến áp có điện áp từ 110 kV trở xuống…

Ở trình độ cao đẳng, một số nhóm ngành thuộc danh mục nặng nhọc độc hại là kỹ thuật hóa học, vật liệu, luyện kim và môi trường, gồm các nghề như: Luyện gang; luyện thép; luyện kim màu; xử lý chất thải công nghiệp…
Nhóm ngành dịch vụ vận tải gồm: Điều khiển phương tiện thủy nội địa; điều khiển tàu biển; bảo đảm an toàn hàng hải; vận hành khai thác máy tàu…

Nhóm ngành công nghệ kỹ thuật địa chất, địa vật lý và trắc địa gồm các nghề: Trắc địa công trình; khảo sát địa hình; khảo sát địa chất; Khoan thăm dò địa chất…

Thông tư này thay thế Thông tư số 36/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

Việc thực hiện quy định trong giáo dục nghề nghiệp đối với người học ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng các khóa tuyển sinh và tổ chức đào tạo trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện theo quy định của Thông tư số 36/2017/TT-BLĐTBXH cho đến khi kết thúc khóa học.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 30 tháng 7 năm 2023, áp dụng đối với các khóa học tuyển sinh và tổ chức đào tạo từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành.

 TIN TỨC LIÊN QUAN

Một số văn bản pháp luật có hiệu lực từ tháng 7 năm 2023
Một số văn bản có hiệu lực từ tháng 6 năm 2023
Một số văn bản pháp luật có hiệu lực từ tháng 5 năm 2023
Một số văn bản pháp luật có hiệu lực từ tháng 4 năm 2023
Một số văn bản pháp luật có hiệu lực từ tháng 3 năm 2023
t số văn bản pháp luật có hiệu lực từ tháng 2 năm 2023