Lộc Hà thành quả sau 10 năm thực hiện chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới

Nằm về phía Đông Bắc tỉnh Hà Tĩnh, huyện Lộc Hà phía Nam tiếp giáp với huyện Thạch Hà và Thành phố Hà Tĩnh, phía Bắc tiếp giáp huyện Nghi Xuân, phía Đông giáp biển Đông. Là huyện ven biển, có bờ biển dài 12 km, có bề dày truyền thống văn hóa cách mạng và anh hùng, vùng quê hiếu học và đoàn kết, người dân cần cù chịu khó và khát vọng xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh.

Là một  huyện mới được thành lập, Lộc Hà cách đây 10 năm về trước khi chưa xây dựng nông thôn mới, cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn nghèo nàn, lạc hậu, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Là huyện thuần nông, xuất phát điểm thấp, điều kiện tự nhiên không mấy thuận lợi, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, thương mại chưa phát triển nên thuộc diện huyện nghèo.

Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 trong điều kiện xuất phát điểm thấp, những năm đầu còn bỡ ngỡ. Đầu năm 2011 bình quân chỉ mới đạt 2,5 tiêu chí/xã, không có xã đạt trên 6 tiêu chí và trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Trước thực trạng đó với phương châm dễ làm trước, khó làm sau, Lộc Hà đã sớm bắt tay vào công cuộc xây dựng quê hương đổi mới. 

Xác định xây dựng nông thôn mới là cơ hội để phát triển, ngay từ khi bắt đầu, Ban thường vụ huyện ủy đã tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện; ban hành các văn bản, kế hoạch, chương trình hành động, đồng thời xác định người dân phải là chủ thể của công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III, công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM từ huyện đến cơ sở được triển khai quyết liệt hơn. Lấy ngày thứ 7 là ngày xây dựng nông thôn mới để huy động cả hệ thống chính trị cùng với người dân vào cuộc. Ban chỉ đạo XDNTM huyện đã phân công, phân nhiệm cho từng tổ chức, cá nhân theo từng lĩnh vực, từng mũi, để kịp thời giúp các địa phương tháo gỡ, giải quyết từng phần việc cụ thể, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn, nhờ vậy mà khó khăn tại các địa phương đã kịp thời được giải quyết.

Để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đạt hiệu quả, cấp ủy, chính quyền đã tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ một cách căn cơ và linh hoạt. Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương vào cuộc một cách mạnh mẽ, tuyên truyền vận động nhân dân chung sức xây dựng NTM. Sự đồng thuận, nổ lực vào cuộc của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp nên Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã đạt được một số kết quả quan trọng. Chương trình đã phát huy được sự đồng thuận, sức mạnh đoàn kết gắn bó, mang lại lợi ích thiết thực, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, tạo cơ sở vững chắc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Công tác tuyên truyền được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu trong thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh tăng cường phát sóng các chương trình, từ năm 2010 đến nay, nguyên Đài TTTH huyện mà bây giờ là Trung tâm Văn hóa - Truyền thông đã xây dựng hàng trăm tin, bài, phóng sự, chuyên trang, chuyên đề, chương trình tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến xã đã tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động hướng vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới một cách thiết thực, hiệu quả; như: Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", gắn với xây dựng NTM, đô thị văn minh; " nông dân giúp nhau làm kinh tế, sản xuất giỏi"; "5 không, 3 sạch cuả hội phụ nữ"; " Cựu chiến binh gương mẫu"; "Tuổi trẻ Lộc Hà chung tay xây dựng nông thôn mới"...Vì vậy, sau 10 năm triển khai thực hiện, nhận thức của cán bộ đảng viên và người dân về xây dựng NTM đã chuyển biến rõ rệt; tạo sức lan tỏa và xây dựng được ý thức, vai trò chủ thể của người dân, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong chung tay xây dựng nông thôn mới.   

 Trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, ngoài nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, ngân sách các cấp, thì các địa phương đã chủ động tâp trung lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn dự án khác để thực hiện các hạng mục như làm đường giao thông, cung cấp nước sinh hoạt, kiên cố hóa kênh mương, trường học, các công trình cơ sở vật chất văn hóa... ngoài ra hàng năm tổ chức phát động thi đua từ huyện đến xã về "Chung sức xây dựng nông thôn mới" và cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới; việc huy động người dân và cộng đồng dân cư đóng góp xây dựng NTM được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch nên tạo sự đồng thuận thống nhất của người dân trong việc đóng góp tiền, ngày công, tự nguyện hiến đất và các tài sản trên đất cho xây dựng nông thôn mới. Nhờ vậy trong 10 năm qua đã huy động được tổng nguồn vốn cho xây dựng NTM 2 nghìn 419 tỷ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước 433 tỷ đổng, vốn lồng ghép 534 tỷ đồng, tín dụng 841 tỷ đồng, doanh nghiệp và xã hội hóa 235 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 304 tỷ đồng, các nguồn đỡ đầu, tài trợ, con em xa quê 72 tỷ đồng.

Phong trào thi đua "Cả tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới" đã được cán bộ đảng viên và nhân dân huyện nhà ủng hộ, tham gia nhiệt tình. Các cấp ngành, địa phương, đơn vị đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của phong trào thi đua trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đồng thời đã cụ thể hóa phong trào bằng những chương trình, kế hoạch, việc làm phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị, địa phương.  Qua phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trong lao động sản xuất phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Nhờ vậy thu nhập bình quân trên địa bàn nông thôn toàn huyện đến năm 2019 ước đạt 34,8 triệu đồng/người/năm, tăng 3,3 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 5%.

Để thực hiện xây dựng NTM trong thời gian qua Nhân dân đã hiến gần 160 nghìn m2 đất, hơn 12 nghìn m2 tường rào và đóng góp hàng trăm nghìn ngày công lao động.  Nhiều địa phương đã phát huy tốt nội lực của Nhân dân trong việc hiến đất mở rộng đường giao thông như xã Hồng Lộc, Thạch Bằng, Mai Phụ, Hộ Độ, Ích Hậu, Thạch Châu, Tân Lộc, An Lộc… trong đó xuất hiện nhiều gương điển hình tiêu biểu trong xây dựng NTM.

Qua 10 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn huyện Lộc Hà đã đổi thay rỏ rệt, kinh tế phát triển, văn hóa, y tế, giáo dục phát triển toàn diện, quy chế dân chủ cơ sở được thực hiện tốt, an ninh trật tự xã hội được tăng cường, quy mô sản xuất và đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao, tình làng nghĩa xóm được khơi dậy, các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, khôi phục và phát huy .

Vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên được phát huy một cách hiệu quả, thiết thực như trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Thực tế cho thấy, khi cán bộ gần với dân thì việc tháo gỡ những vướng mắc khó khăn của người dân cũng sẽ kịp thời, phù hợp ý Đảng lòng dân hơn. Đây là kết quả lớn nhất đã tạo niềm tin, tiền đề sức mạnh cho sự phát triển nhanh, bền vững trong xây dựng nông thôn mới. Người dân là chủ thể, huy động sức dân là chính, dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát, dân thụ hưởng...; sức lan tỏa của phong trào xây dựng nông thôn mới đã thấm sâu vào người dân, trở thành khát vọng của chính người dân để đổi mới quê hương và thay đổi chính mình.

Quy hoạch xây dựng NTM các xã đảm bảo chất lượng, hệ thống giao thông toàn huyện vừa đảm bảo đạt chuẩn, vừa có tính kết nối, chiến lượng phát triển kinh tế rõ nét; hạ tầng sản xuất từng bước được đầu tư đồng bộ; cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa được quan tâm đầu tư đảm bảo nhu cầu của người dân, thực sự  hạ tầng nông thôn đã được đổi mới.

Sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ gắn với xây dựng chuỗi giá trị sản xuất. Trong thời gian qua đã thành lập và hoạt động có hiệu quả trên 566 mô hình sản xuất,  211 doanh nghiệp, 90 HTX, 109 tổ hợp tác.v.v Bước đầu hình thành vùng sản xuất tập trung cho các sản phẩm chủ lực có liên kết với doanh nghiệp như: Nuôi tôm công nghệ cao, chăn nuôi lợn có kiên kết, hệ thống tàu đánh bắt xa bờ có công suất trên 90CV; sản xuất nước mắm theo chương trình OCOP đem lại lợi nhuận cao, hướng đến nền nông nghiệp công nghệ cao.

Văn hoá, giáo dục, y tế và môi trường có nhiều chuyển biến tích cực. Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" gắn với xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng, có hiệu quả. Công tác vệ sinh môi trường được chú trọng, nhất là trong các khu dân cư đã tạo được cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Việc phân loại rác thải, xử lý rác hữu cơ tại hộ gia đình đã mang lại hiệu quả thiết thực, giảm đáng kể lượng rác thải phải qua xử lý tại các khu xử lý rác tập trung.

Hệ thống tổ chức chính trị xã hội được chuẩn hóa, hoạt động hiệu lực trong quản lý, điều hành, công tác cải hành chính thực hiện đồng bộ, hiệu quả; An ninh chính trị và trật tự xã hội cơ bản được giữ vững. Triển khai có hiệu quả xây dựng mô hình khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu tạo diện mạo mới, có chiều sâu, tính bền vững đã khẳng định chủ trương đúng đắn, thiết thực, phù hợp với nguyện vọng của người dân.

Sau 10 năm xây dựng NTM trên địa bàn toàn huyện đã có 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, 122 vườn hộ mẫu, trung bình đạt 17,5 tiêu chí /xã, không còn xã dưới 13 tiêu chí. Tổng toàn huyện đạt 227 tiêu chí và huyện đã đạt 4/9 tiêu chí. Trong năm 2019 dự kiến đưa 5 xã còn lại về đích xây dựng NTM và phấn đấu huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2020.  

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và Chương trình mỗi xã một sản phẩm; Xây dựng nông thôn có kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, tạo dựng những "miền quê đáng sống"./.

Ngọc Quang                 

 

 

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN