Hưởng ứng tuần lễ truyền thông phòng, chống kháng thuốc năm 2021: “Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm”

Hiện nay, tình trạng các loại vi khuẩn gây bệnh kháng thuốc đang là vấn đề toàn cầu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Thế giới mỗi năm có hàng trăm nghìn người chết do vi khuẩn kháng thuốc và phải chi phí hàng trăm tỷ USD cho kháng thuốc. Đó là lý do tại sao Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các cơ quan quốc tế khác chỉ ra rằng vi khuẩn gây bệnh kháng kháng sinh là một mối đe dọa nghiêm trọng, thách thức đối với điều trị trong tương lai.

Năm nay, "Tuần lễ truyền thông phòng, chống kháng thuốc được phát động từ ngày 18/11 đến ngày 24/11 với thông điệp "Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm". Để có những hoạt động thiết thực hưởng ứng tuần lễ truyền thông phòng, chống kháng thuốc do Bộ Y tế phát động. Ngày 11/11/2021 Sở Y tế ban hành công văn số 4332/SYT-NVYD về việc tổ chức tuần lễ truyền thông phòng, chống kháng thuốc năm 2021. Trong đó, giao cho các đơn vị tổ chức các hoạt động triển khai trong đó bao gồm: tổ chức tuần lễ phòng, chống kháng thuốc năm 2021 thời gian từ ngày 18-24/11 với chủ đề "Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm"; các đơn vị tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cán bộ, viên chức, người lao động trong khám bệnh, chữa bệnh…Tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị, hướng dẫn sử dụng kháng sinh, quy chế kê đơn thuốc, kiểm soát nhiễm khuẩn; Treo băng rôn tại đơn vị với khẩu hiệu " Nhiệt liệt hưởng ứng tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc từ ngày 18-24/11/2021", "Sử dụng kháng sinh có trách nhiệm"; xây dựng nội dung truyền thông bằng nhiều hình thức, thông điệp truyền thông, tờ rơi, pano, áp phích…; Phối hợp với các cơ quan truyền thông, thông tấn trên địa bàn tổ chức truyền tải các thông điệp; Cung cấp các thông tin về tác hại của kháng thuốc trong điều trị bệnh để người dân năm bắt chủ động phòng, tránh.

Thực trạng dễ thấy hiện nay là nhiều người khi bị bệnh nhưng do ngại đến bệnh viện nên tự tìm mua kháng sinh  để uống. Thậm chí, nhiều người bị cảm cúm do virus cũng tự mua kháng sinh về dùng với mong muốn nhanh khỏi bệnh. Việc mua, bán kháng sinh tại các hiệu thuốc rất dễ dàng. Người dân có thói quen sử dụng kháng sinh như ăn cơm, hễ ốm là tự ra hiệu thuốc mua kháng sinh về uống. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc kháng sinh chưa hợp lý, lạm dụng thuốc… sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, khiến cho thuốc kém hiệu quả và mất dần tác dụng. Điều đáng nói là tình trạng kháng thuốc tại Việt Nam ngày càng tăng. Nếu không có biện pháp kịp thời, trong tương lai các loại bệnh  nhiễm khuẩn sẽ trở nên khó chữa khi không có thuốc nào điều trị hiệu quả. Nhiều nghiên cứu cho thấy, các căn bệnh nguy hiểm như: lao, sốt rét, nhiễm trùng huyết, tả, lỵ đang bị kháng thuốc rất nghiêm trọng.

Tuần lễ truyền thông về phòng, chống kháng thuốc được tổ chức hàng năm  nhằm nâng cao nhận thức, thực hiện các biện pháp phòng, chống kháng thuốc trong cộng đồng, trong y tế, trong quản lý thức ăn chăn nuôi và quản lý chất lượng thuốc lưu thông trên thị trường. Mỗi cán bộ y tế cần sử dụng kháng sinh có đúng trách nhiệm, chỉ định sử dụng kháng sinh đúng các hướng dẫn chuyên môn và kê đơn khi cần thiết.

Riêng mỗi cá nhân khi sử dụng kháng sinh cần lưu ý: Chỉ uống thuốc đúng theo đơn bác sĩ, không tự ý mua và dùng kháng sinh khi chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị; khi được bác sĩ kê đơn có thuốc kháng sinh, luôn uống đủ liều lượng đã được kê, không bỏ dở nửa chừng, ngay cả khi cảm thấy bệnh đã đỡ nhiều. Không dùng thuốc kháng sinh thừa từ lần sử dụng trước; không chia sẻ thuốc kháng sinh trong toa thuốc đang dùng cho người khác uống, ngay cả khi đó là người thân của mình. Vì khi chia sẻ, sẽ thiếu liều thuốc cần uống và vô tình tạo cơ hội cho vi khuẩn mạnh mẽ lên và kháng lại các thuốc điều trị. Điều này gây nguy hiểm cho chính bản thân, cho gia đình và cộng đồng.

Nâng cao nhận thức ngay từ mỗi cá nhân bằng cách bắt đầu bằng thói quen tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ, không tự ý mua kháng sinh về dùng cho bất cứ ai hoặc dùng trong chăn nuôi. Nhắc nhở những người quen nếu thấy họ dùng kháng sinh bừa bãi.

Trần Yến

 

 TIN TỨC LIÊN QUAN