Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc lựa chọn thời cơ trong Cách mạng tháng Tám 1945

          Cách mạng tháng Tám 1945 là biểu hiện mẫu mực của khoa học và nghệ thuật chính trị dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, trong đó nổi bật là nghệ thuật chủ động chuẩn bị lực lượng, dự báo thời cơ, thúc đẩy thời cơ và nắm bắt thời cơ một cách quyết đoán, hiệu quả.

Theo chủ nghĩa Mác – Lênin thì có 3 nhân tố chủ yếu để hợp thành thời cơ cách mạng đó là: Giai cấp thống trị đã suy yếu, khủng hoảng đến mức không thể tiếp tục thống trị bằng những phương thức cũ được nữa. Các giai cấp và tầng lớp bị trị bên dưới cũng rơi vào tình trạng cơ cực, bị bần cùng không thể chịu đựng được nữa, mâu thuẫn đã gay gắt đến cực độ và quần chúng đã sẵn sàng đi tới hành động giải phóng. Tầng lớp, bộ phận trung gian, những người trí thức yêu nước có tư tưởng dân chủ tiến bộ, những người có tinh thần dân tộc, kể cả một bộ phận trong giai cấp hữu sản nhưng gần với quần chúng, nhận thức được xu thế lịch sử, ngã về phía cách mạng, tương quan lực lượng có lợi cho phía cách mạng. Đội tiên phong của cách mạng, tức Đảng lãnh đạo đã sẵn sàng.

Đảng ta, đứng đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức: Thời cơ là sự kết hợp hàng loạt nhân tố chủ quan và khách quan đã đến độ chín muồi. Thời cơ không tự đến, một phần là do ta chuẩn bị nó, thúc đẩy nó.

Từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra sức xây dựng lực lượng về các mặt: Mở rộng mặt trận, xây dựng khối đoàn kết toàn dân, lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng, lực lượng cách mạng ở thành phố,… để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến. Đồng thời, Đảng ta hết sức chăm chú theo dõi sự phát triển của tình hình, diễn biến của chiến tranh thế giới lần thứ hai, dự đoán các khả năng, phân tích mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù để có những quyết sách đúng đắn kịp thời.

Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, tháng 5 năm 1941, dựa trên những dự đoán ban đầu của tình hình cách mạng trong nước và thế giới, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 8 đã nhận định: Nếu như Liên Xô thắng trận và Trung Quốc phản công bọn phát xít Nhật thì đây sẽ là những điều kiện thuận lợi để Đảng ta xây dựng lực lượng tiến tới khởi nghĩa rộng lớn. Đồng thời, Đảng cũng chỉ ra những điều kiện tạo nên thời cơ chín muồi. Đó là: Ta xây dựng được mặt trận cứu quốc thống nhất trên toàn quốc. Nhân dân không thể sống dưới sự áp bức của Pháp - Nhật được nữa. Phe thống trị ở Đông Dương bước vào khủng hoảng. Và tình hình thế giới có chuyển biến thuận lợi cho ta như Trung Quốc thắng Nhật, quân Đồng Minh thắng trận…

Từ nǎm 1942, Đảng ta nhận định rằng: Liên Xô chiến thắng phát xít Đức - Nhật là điều có khả năng nhất. Tình thế sẽ diễn biến thuận lợi cho ta. Vì vậy, Đảng xác định chuẩn bị khởi nghĩa.

 Tháng 9 năm 1944, Đảng đã dự kiến rằng, mâu thuẫn Nhật - Pháp sẽ dẫn tới Nhật đảo chính lật đổ Pháp và chỉ ra phương hướng hành động cho toàn Đảng. Tháng 10 năm 1944, Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào toàn quốc chuẩn bị khởi nghĩa.

Thời cơ trong Cách mạng tháng Tám 1945 xuất hiện vào ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, chiếm Đông Dương. Pháp nhanh chóng đầu hàng, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp từ ngày 9 tháng 3 năm 1945 đến ngày 10 tháng 3 năm 1945 đã đánh giá tình hình, ra chỉ thị: “Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Nội dung chủ yếu của bản Chỉ thị: Xác định kẻ thù chính, cụ thể, trước mắt và duy nhất của nhân dân Đông Dương là phát xít Nhật. Phát động cao trào kháng Nhật, cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc khởi nghĩa. Tuy nhiên, Đảng ta xác định, sự kiện Nhật đảo chính Pháp chỉ làm cho tình hình chính trị tại Đông Dương lâm vào khủng hoảng chứ thời cơ cho khởi nghĩa chưa thật sự chín muồi.

Thời cơ Cách mạng tháng Tám 1945 chín muồi khi phe phát xít thua trận, phát xít Nhật đã đầu hàng đồng minh vô điều kiện. Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim hoang mang cực độ. Đồng thời, ta đã xây dựng lực lượng cách mạng hùng hậu. Nhân dân ta không thể chịu đựng bị áp bức được nữa. Quyết tâm chiến đấu để giành độc lập tự do cho dân tộc, không khí cách mạng sôi sục. Bên cạnh đó, cách mạng phải chạy đua gấp rút với quân Anh, Mỹ trước khi chúng vào Đông Dương giải giáp quân phát xít, mượn danh nghĩa pháp lý để chiếm nước ta. Trong tình hình đó, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp từ ngày 13/8 đến ngày 15/8/1945 tại Tân Trào (Tuyên Quang). Sau khi phân tích những điều kiện chủ quan và khách quan đã chín muồi để cuộc tổng khởi nghĩa có thể nổ ra và thắng lợi. Hội nghị quyết định: Đảng phải kịp thời phát động và lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Hồ Chí Minh đã kiên quyết khẳng định: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải cương quyết giành cho được độc lập” [1].

Hưởng ứng sự lời kêu gọi của Đảng, nhân dân cả nước đã vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và chính quyền tay sai. Chỉ trong vòng 2 tuần lễ (từ ngày 14/8 đến ngày 28/8/1945), Hồ Chí Minh đã đứng ra dẫn dắt toàn thể dân tộc Việt Nam tranh thủ từng phút giây, chạy đua với thời gian, tiến hành thành công cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 thành công. Cách mạng tháng Tám 1945 đã thắng lợi nhanh, gọn, ít đổ máu. Chế độ thuộc địa và chế độ quân chủ từng ngự trị trên đất nước ta bị lật nhào. Ngày 02/9/1945, trong cuộc mít tinh lớn tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng công bố Tuyên ngôn độc lập, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa.

Có được kết quả như vậy là do, Trung ương Đảng và đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhạy bén, nắm bắt thời cơ và có sự chuẩn bị về lực lượng, tập dượt lực lượng qua các giai đoạn cách mạng, cụ thể:

Thứ nhất, về việc xác định thời cơ (vào tháng 8/1945), lúc này tình thế đã hoàn toàn khác với thời điểm ngày 9/3/1945, khi Nhật đảo chính Pháp. Lúc đó, trong Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” (ngày 12/3/1945), Đảng ta đã nhận định là “những điều kiện khởi nghĩa chưa thực chín muồi”, do giữa Pháp và Nhật “chưa chia rẽ, hoang mang, do dự đến cực điểm”; sự giác ngộ và đồng lòng của nhân dân cần có thêm thời gian tuyên truyền, vận động; lực lượng chưa được chuẩn bị đủ và sẵn sàng. Đến tháng 8/1945, tình thế đã thay đổi: Pháp chưa nắm lại được chính quyền, Nhật thì hoang mang cực độ, chế độ quân chủ gần như sụp đổ, nhân dân đã vùng dậy (từ tự phát phá kho thóc của Nhật đến việc nổi dậy giành chính quyền ở cơ sở tại một số nơi), lực lượng đã được chuẩn bị cơ bản, không chỉ ở chiến khu Việt Bắc mà còn nhiều nơi khác…

Thứ hai, về chủ trương, từ tháng 3 đến tháng 8/1945, Đảng ta đã đề ra nhiều chủ trương nhằm chuyển hướng đấu tranh cách mạng, củng cố lực lượng… Bằng nhiều hình thức, Trung ương Đảng đã chỉ đạo các Xứ ủy Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ đề ra các nhiệm vụ cụ thể trong phạm vi hoạt động của mình. Đặc biệt, ngày 17/7/1945, Tổng Bí thư Trường Chinh đã có bài viết “Để thống nhất Đảng bộ Nam kỳ hãy kíp đi vào đường lối” đăng trên báo Cờ giải phóng, nêu rõ các sai lầm, khuyết điểm của Đảng bộ trong việc đề ra các chủ trương cách mạng. Bài viết nêu rõ: “Khẩu hiệu cách mạng, nhất là khẩu hiệu chiến lược, phải đặt một cách hết sức khách quan, căn cứ vào sự phân tích khoa học tình hình trong nước và ngoài nước, căn cứ vào sự nhận định sáng suốt kẻ thù và các hạng đồng minh xa gần, và cố nhiên phải thích hợp với nhiệm vụ cách mạng của từng giai đoạn”. Đây thực sự là một định hướng lớn của Đảng đối với phong trào cách mạng cả nước chứ không riêng gì của Nam Kỳ.

Thứ ba, về lực lượng, đây là sự chuẩn bị rất dài hơi, nổi bật nhất từ khi lãnh tụ Hồ Chí Minh về nước hoạt động. Tháng 5/1941, chỉ hơn 3 tháng sau khi về nước, Người thành lập Mặt trận Việt Minh để tập hợp các lực lượng tham gia giành độc lập. Từ năm 1941, Người đã viết nhiều tác phẩm về quân sự, như về cách đánh du kích, về binh pháp Tôn Tử, kinh nghiệm chiến tranh của các nước… Người mở nhiều lớp huấn luyện quân sự cho cán bộ, xây dựng căn cứ địa... Ngày 22/12/1944, Người giao đồng chí Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đơn vị vũ trang chính thức đầu tiên của cách mạng, nhưng nhiệm vụ chính không chỉ có hoạt động vũ trang mà còn có hoạt động tuyên truyền. Người cũng tranh thủ các đơn vị của Mỹ trong lực lượng Đồng minh để giúp đỡ vũ khí và tham gia huấn luyện quân sự, đây chính là lực lượng nòng cốt để hành quân về Hà Nội để cùng nhân dân giành chính quyền. Tuy nhiên, trong quá trình đó, lực lượng tối quan trọng vẫn là các tầng lớp nhân dân đã được giác ngộ, vận động và tập hợp trong nhiều tổ chức, dưới nhiều hình thức.

Thứ tư, về các chỉ đạo cụ thể, tháng 8/1945, Hồ Chí Minh đã có thư kêu gọi khởi nghĩa, ban hành mệnh lệnh khởi nghĩa, công bố Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa… Tiếp đó, Người cùng Trung ương Đảng họp Hội nghị toàn quốc của Đảng (ngày 14 và 15/8/1945) và tổ chức Đại hội Quốc dân ở Tân Trào (ngày 16/8/1945). Đại hội đã nhiệt liệt tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng và Tổng bộ Việt Minh. Đại hội quyết định toàn dân đoàn kết đứng lên vũ trang khởi nghĩa giành chính quyền; thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh; bầu Ủy ban Dân tộc giải phóng (tức Chính phủ lâm thời) do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; thống nhất quy định Quốc hiệu, Quốc kỳ, Quốc ca của nước Việt Nam mới…

Sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là minh chứng hùng hồn cho sự đúng đắn, sáng tạo, trong việc dự đoán thời cơ, nhận định thời cơ, thúc đẩy thời cơ, nắm bắt thời, khởi nghĩa giành chính quyền của Đảng ta. Nhờ sự nắm bắt thời cơ “ngàn năm có một”, Cách mạng tháng Tám 1945 giành được thắng lợi “nhanh, gọn, ít đổ máu”. Đánh giá ý nghĩa lịch sử của thắng lợi Cách mạng tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc... Cách mạng tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc” [2].

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công thể hiện công lao của Đảng ta, đứng đầu Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc dự báo thời cơ, thúc đẩy thời cơ, nắm bắt thời cơ. Đảng ta đã lãnh đạo, chuẩn bị chu đáo, toàn diện, bền bỉ và nhạy bén nắm bắt thời cơ mà thực chất là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhân tố chủ quan và điều kiện khách quan; giữa nội lực và ngoại lực; giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chứ không phải là một sự “ăn may” như một số luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đưa ra. Đây là cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, do đó, thành công của cách mạng là triệt để, là “đến nơi” như Hồ Chí Minh khẳng định. Giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại của Cách mạng tháng Tám là không thể phủ định được. Vì vậy, mọi mưu toan chống phá, sự suy diễn chủ quan về cuộc cách mạng này đều không có giá trị.

Bài học về vấn đề nắm bắt thời cơ còn tiếp tục được các thế hệ về sau vận dụng thành công. Điển hình là việc nắm bắt thời cơ, vận dụng và tận dụng thời cơ; phân tích tình hình, thế trận địch – ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, để đưa đến thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954, “vang dội năm châu, chấn động địa cầu” và thắng lợi trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngày 30/4/1975. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, trên cơ sở nhận thức sâu sắc, đầy đủ về thời cơ và nguy cơ trong thế giới đương đại, Đảng, Nhà nước đã chủ động xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Nhờ vậy, từ năm 1986 đến nay, đất nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử: bảo vệ, đổi mới và phát triển chủ nghĩa xã hội trước những thử thách nghiệt ngã của lịch sử; khắc phục khủng hoảng, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển; chính trị xã hội ổn định, đời sống Nhân dân có nhiều bước cải thiện rõ rệt, đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố; quốc phòng, an ninh vững chắc, đối ngoại rộng mở, đảm bảo môi trường hoà bình, thuận lợi cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Thế và lực của đất nước, sức mạnh tổng hợp quốc gia được nâng cao, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày hôm nay”.

Chú thích:

[1] Võ Nguyên Giáp (2001), Những chặng đường lịch sử, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 196.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7 (2011), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, trang 25 - 26.

Nguyễn Nga (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch)

 

Hình ảnh số 1: Quần chúng cách mạng và tự vệ chiến đấu Hà Nội chiếm Phủ Khâm sai (Bắc Bộ phủ), ngày 19-8-1945

Hình ảnh số 2: Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa

 TIN TỨC LIÊN QUAN